X

500 bài văn mẫu lớp 9

Phân tích hình tượng người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 2023


Phân tích hình tượng người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 2023

Bài văn Phân tích hình tượng người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.

Phân tích hình tượng người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 2023 - Văn mẫu lớp 9

Đề bài: Phân tích hình tượng người lính lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật.

Bài văn mẫu 1

   Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông là người lính trực tiếp cầm súng ra mặt trận và là người chiến sĩ lái xe vận tải chở vũ khí, lương thực ào ào trên tuyến lửa Trường Sơn đầy bom rơi, đạn lạc. Vì thế, hiện thực khốc liệt của chiến tranh đã trở thành chất xúc tác, khơi nguồn mạch chảy cảm xúc văn chương cho Phạm Tiến Duật, để rồi hình tượng người lính và các cô gái thanh niên xung phong cứ lặng lẽ, tự nhiên, chân thật đi vào trong thơ ông mà tạo nên biết bao thi phẩm tuyệt tác, độc đáo. Và một trong các bài thơ đó có "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một tác phẩm hay, rất tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khắn, tươi vui, tràn đầy sức sống, đậm đà chất lính của nhà thơ. Tác phẩm nằm trong chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1969, sau được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa". Qua bài thơ, người đọc thấy được hiện thực khốc liệt của chiến tranh và tinh thần lạc quan, dũng cảm, tư thế hiên ngang, bất khuất, ý chiến đấu ngoan cường, mạnh mẽ của những người lính lái xe trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, bài thơ là bức tượng đài tráng lệ, thiêng liêng về người lính lái xe anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ cứu nước.

    Trước hết, hình tượng người lính hiện lên là những chàng trai dũng cảm, hiên ngang, ung dung, bất khuất trong tư thế lái những chiếc không kính. Mặc dù những chiếc xe bị bom đạn hủy hoại, tàn phá nhưng các anh vẫn rất hiên ngang, ngạo nghễ vững tay lái cho xe lăn bánh bon bon ra chiến trường:

    Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

    Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

    Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

    Như sa, như ùa vào buồng lái.

    Các câu thơ được viết lên bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc nên vô cùng khách quan, chân thực. Không có kính nên các anh chiến sĩ phải đối diện với biết bao nhiêu là sự nguy hiểm, khó khăn: nào là "gió", nào là "cánh chim", nào là "sao trời"... tất cả “như sa, như ùa" vào mặt, vào người, vào trong buồng lái; các động từ mạnh như “chạy thẳng, đột ngột, như sa, như ùa” đã cho thấy những cảm giác đầy căng thẳng, thách thức và hiểm nguy mà người lính lái xe phải đối diện. Tuy nhiên, đứng trước hoàn cảnh ấy, người lính không hề run sợ, hoảng hốt, né tránh mà trái lại rất đàng hoàng, hiên ngang, thoải mái:

    Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

    Nghệ thuật đảo ngữ đẩy động từ “ung dung” lên trước đã cho thấy tư thế rất tự tin, bình thản và có phần ngang tàng của người lính. Điệp từ “nhìn”, “thấy” được lặp đi lặp lại cho thấy tất cả khung cảnh thiên nhiên như bỗng chốc bé lại, thu vào đôi mắt của người lính. Điều đó không chỉ cho thấy sự tập trung cao độ của một tinh thần trách nhiệm lớn lao mà còn cho thấy được tâm hồn lãng mạn, hiên ngang, mở lòng đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên của người lính qua ô cửa kính vỡ.

    Chưa dùng lại ở đó, trên dọc đường lái xe ra tiền tuyến, người lính còn chịu rất nhiều những khó khăn từ ngoại cảnh như gió, mưa và bụi:

    “Không có kính, ừ thì có bụi

    Bụi phun tóc trắng như người già”

    “Không có kính, ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn xối như ngoài trời”

    Nhưng với tinh thần quả cảm, mạnh mẽ, bất chấp, khó khăn, gian khổ người lính đã vượt qua tất cả:

    “Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

    “Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

    Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”

    Điệp ngữ “Không có kính, ừ thì…”; “chưa cần…” là lối nói mang đậm tính khẩu khí ngang tàng. Với cách nói nôm na, thông thường mà cứng cỏi, mạnh mẽ họ đã biến những khó khăn thành những điều thú vị. Người đọc như nghe thấy tiếng cười rũ sạch mọi gian khổ của người lính. Những chi tiết hình ảnh: “phì phèo châm điếu thuốc”, “cười ha ha” hay “lái trăm cây nữa… khô mau thôi” đã cho thấy tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ của họ. Cảm giác như những khó khăn ấy cũng không thể nào dập tắt đi chất trẻ trung, tinh thần lạc quan và dũng cảm của người lính.

    Người lính lái xe không chỉ hiện lên là những chàng dũng sĩ, hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm mà họ còn là những người chiến sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng chan chứa tình đồng chí, đồng đội. Có thể nói, khó khăn, thử thách không chỉ tôi luyện cho người lính thêm bản lĩnh, thêm ý chí, nghị lực kiên cường mà còn giúp cho tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của họ thêm gắn bó, keo sơn:

    Những chiếc xe từ trong bom rời

    Đã về đây họp thành tiểu đội

    Gặp bạn bè giữa dọc đường đi tới

    Bắt tay qua cửa kính vỡ đi rồi.

    Trên dọc đường từ hậu phương ra tiền tuyến có biết bao nhiêu những chiếc xe không kính ào ào ra trận. Họ gặp gỡ nhau và chào hỏi nhau bằng cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ. Cái cầm tay, nắm tay là một hành động đẹp, chứa chan tình cảm đồng chí đồng đội. Họ truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, động viên và cảm thông với nhau lúc hiểm nguy khó khăn, vất vả. Họ coi nhau như anh em ruột già máu mủ trong gia đình:

    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

    Võng mắc chông chênh đường xe chạy

    Lại đi, lại đi trời xanh thêm

    Ta bắt gặp cách định nghĩa rất riêng của PTD về gia đình – về mối quan hệ thiết thân của những người lính trong chiến tranh, đó là: chung bát đũa, chung bếp lửa, chung hoàn cảnh khó khăn, chung con đường chiến đấu… Tất cả những điều ấy đã khiến những con người vốn xa lạ nhưng lại hóa quen nhau, thân thiết gắn bó keo sơn, đoàn kết cùng nhau vì lí tưởng cách mạng cao đẹp. Chính tình cảm đồng chí, đồng đội đã tiếp sức cho những người lính tiến lên phía trước: “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Điệp từ “lại đi” có ý nghĩa nhấn mạnh đến những đoàn xe không kính không ngừng tiến lên phía trước. Hình ảnh “trời xanh thêm” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn lạc quan, yêu đời, chan chứa niềm hi vọng của người lính vào tương lai phía trước của cuộc sống, của cách mạng. Những câu thơ được viết ra mang đậm khẩu khí ngang tàn sôi nổi của những người lính kháng Mĩ. Họ hăm hở nhập ngũ lên đường với một mục tiêu cao cả tiêu diệt giặc, bảo vệ quê hương. Mọi khó khăn, gian nan, mọi hiểm nguy, trông gai, những người lính đã chia sẻ, động viên giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua thử thách. Người đọc như cảm nhận thấy mọi khó khăn ấy đều trở nên nhẹ tựa lông hồng trước tiếng cười lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ.

    Cuối cùng, động lực mạnh mẽ và sâu xa tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp mọi nguy nan, mọi sự hủy diệt, tàn phá của kẻ thù ở người chiến sĩ đó chính là ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

    Chỉ cần trong xe có một trái tim.

    Bom, đạn có thể làm chiếc xe trở nên trần trụi, tàn tạ nhưng không thể nào đè bẹp được ý chí chiến đấu của những người lính lái xe. Hình ảnh “trái tim” vừa là hình ảnh hoán dụ, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho sức mạnh, lòng dùng cảm, niềm lạc quan và tình thần yêu nước mạnh mẽ của người lính. Chính “trái tim” của họ là một động cơ hoàn hảo, có thể thay thế cho toàn bộ những cái “không có” bên trên của những chiếc xe hư hỏng, trần trụi. Tất cả vì một mục tiêu cao cả mà người lính lái xe đã xác định cho mình “vì miền Nam” ruột thịt. Hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ là một bức tượng đài rực rỡ và chói sáng, một biểu tượng cao đẹp cho một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng Mĩ cứu nước với tinh thần:

    Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

    Mà lòng phơi phới dạy tương lai.

    Điều đó cho thấy tinh thần yêu nước sâu sắc và sự ý thức trách nhiệm công dân cao độ của những người lính khi tổ quốc lâm nguy.

    Tóm lại, với một giọng thơ trẻ trung, tinh nghịch, ngạo nghễ, ngang tàng; kết hợp với ngôn ngữ thơ giản dị, sống động, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc điệu...Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công những chiếc xe không kính và làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ: dũng cảm hiên ngang, lạc quan yêu đời và giàu ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, sắt son. Dù chiến tranh đã lùi về quá khứ, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới: tự do – độc lập nhưng hình ảnh những chiếc xe bị bom đạn tàn phá cùng những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn chống Mĩ vẫn mãi sống với thời gian năm tháng và trong lòng mối người Việt.

Bài văn mẫu 2

    Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong, của những người lính trên tuyến đường Trường Sơn trở thành một đề tài hết sức hấp dẫn, luôn nhận được sự quan tâm, sáng tác của nhiều tác giả. Và trong những tác phẩm ấy, ta không thể không nhắc đến những người lính trên chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Chân dung họ hiện lên với những khám phá mới mẻ mà vẫn vô cùng thống nhất.

    Nếu như, trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu hình ảnh người lính nông dân hiện lên trong sự đồng cam cộng khổ, thấu hiểu những nỗi niềm của nhau, nhớ cây đa, bến nước, cùng nhau vượt qua thiếu thốn : Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay . Thì người lính trong tác phẩm này lại hiện lên với một chân dung mới lạ, khác hẳn. Họ là những con người trẻ trung mang trong mình vẻ ung dung, hiên ngang trước những thử thách trên tuyến đường Trường Sơn :

    Ung dung buồng lái ta ngồi

    Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng

    Trong cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, nhưng người lính vẫn giữ được phong thái ung dung, với cái nhìn thẳng đầy tự tin, tràn đầy nhiệt huyết. Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với từ láy ung dung được đảo lên đầu câu nhấn mạnh vào tư thế hiên ngang, làm chủ chiến trường của những người lính. Cái nhìn thẳng của họ không chỉ là nhìn vào con đường phía trước với sự tập trung cao độ mà đó còn là cái nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh khốc liệt, tinh thần sẵn sàng tiến lên phía trước. Sau cái nhìn đó là cảm nhận của người chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn: Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa như ùa vào buồng lái. Bốn câu thơ vừa khắc họa khung cảnh hiện thực nhưng đồng thời cũng hết sức nên thơ, lãng mạn. Những chiếc xe không kính di chuyển trên đường nên tất yếu các cơn gió sẽ ùa vào khoang lái, gió bụi ùa vào khiến họ cảm thấy bỏng rát, nhất là vào những trưa hè. Nhưng dưới con mắt lãng mạn của người chiến sĩ thì những ngọn gió đó vào xoa dịu những vất vả của họ. Hình ảnh con đường chạy thẳng vào tim là một trường liên tưởng vô cùng thú vị. Diễn tả được tốc độ di chuyển nhanh của những chiếc xe không kính, lao mình trong mưa bom bão đạn, không sợ hiểm nguy. Không chỉ vậy, dưới con mắt đầy thi sĩ của người chiến sĩ, họ còn thấy những chú chim và sao trời sa, ùa vào buồng lái, làm bạn với họ trên quãng đường đầy gian khổ, ác liệt. Với nghệ thuật nhân hóa, sử dụng động từ mạnh sa, ùa tác giả đã cho thấy cái nhìn lạc quan của những người lính: thiên nhiên không phải trở ngại, cản bước họ tiến lên mà trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ với họ những gian lao trên con đường tiến vào miền Nam.

    Không chỉ là những con người ung dung, hiên ngang, trong tâm hồn những người lính trẻ ấy còn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm, coi thường nguy hiểm, gian khổ và một tinh thần trẻ trung, sôi nổi, lạc quan. Khổ thơ thứ ba và thứ tư đã cho thấy những khó khăn người lính phải đối mặt: không có kính khiến bụi, mưa tuôn mưa xối như ở ngoài trời. Đây là những câu thơ miêu tả hết sức chân thực những khó khăn mà người lính phải trải qua trên con đường Trường Sơn vô cùng nguy hiểm. Các động từ tuôn, xối, phun càng nhấn mạnh hơn nữa sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đang thử thách các anh. Nhưng trái lại, những người lính đáp lại bằng câu nói nhẹ nhàng, dường như đó chẳng phải là vấn đề đáng bận tâm: ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo. Các anh sẵn sàng đối mặt với tất cả thử thách bằng tinh thần hiên ngang, cứng cỏi, bằng giọng điệu vui đùa, trẻ trung.

    Không chỉ vậy họ còn hết sức tinh nghịch, trẻ trung. Dù bụi lùa vào khoang lái họ vẫn có những tiếng cười thật rộn rã: nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, tiếng cười khoan khoái đã giúp họ xóa tan bao cực nhọc, tiếp thêm sức mạnh để họ vững bước lên đường. Tinh thần lạc quan yêu đời chính là biểu hiện rõ nét nhất của lòng dũng cảm, của sức mạnh tinh thần ở người chiến sĩ. Khổ thơ đã tạc lên chân dung đẹp đẽ, những phẩm chất thật quý báu của người lính.

    Trong những năm tháng kháng chiến, phải sống xa gia đình, thì tình cảm đồng chí đồng đội gắn bó thật đáng quý và đáng trân trọng. Nguồn sức mạnh tinh thần ấy sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Những người lính lái xe cũng vậy, qua những ô cửa kính vỡ chỉ cần cái bắt tay vội vã mà nồng ấm tình thương cũng khiến những con người xa lạ trở nên gần gũi với nhau hơn. Và còn điều gì tuyệt vời hơn, khi tranh thủ cùng ăn bát cơm trắng đạm bạc với nhau giữa rừng. Những lúc đó họ không chỉ còn là những người bạn đường nữa mà đã trở thành gia đình của nhau: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy. Chính những bữa cơm ấy giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người trong gia đình. Tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình gắn bó chính là nguồn động lực tiếp sức họ lên đường: Võng mắc chông chênh đường xe chạy/ Lại đi lại đi trời xanh thêm. Với tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường họ vẫn kiên gan, bền bỉ lại đi, lại đi vì màu xanh hi vọng, độc lập ở phía trước.

    Đối lập với những khó khăn, thiếu thốn vật chất bên ngoài là sức mạnh tinh thần bền bỉ, mãnh mẽ của người lính với trái tim nhiệt thành, cháy bỏng: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim. Những chiếc xe không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà còn chạy bằng ý chí, nghị lực phi thường của những người lính. Chỉ cần có trái tim lạc quan, mang trong mình niềm tin chiến thắng thì người lính có thể đưa đoàn xe đến mọi nẻo đường.

    Với ngôn ngữ và giọng điệu độc đáo tác giả đã khắc họa lên tượng đài người lính lái xe vừa hiên ngang, dũng cảm vừa hóm hỉnh, lạc quan yêu đời. Họ là những hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đó là thế hệ anh hùng, hiêng ngang, dũng cảm, quyết đem cả tính mạng, tuổi trẻ của mình để cứu nước.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 chọn lọc, hay khác: