Thuyết minh về cây bàng năm 2023
Thuyết minh về cây bàng năm 2023
Bài văn Thuyết minh về cây bàng gồm dàn ý chi tiết, 4 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.
Đề bài: Thuyết minh về một loại cây - cây bàng.
A/ Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về cây bàng
- Là cây bóng mát, gắn liền với tuổi thơ, tuổi học trò.
- Cây bàng nhiều lần đi vào thơ ca, nhạc họa
2. Thân bài
2.1. Nguồn gốc
- Là một loài cây thân gỗ lớn sinh sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm bầu.
- Không ai biết được nguồn gốc chính xác của cây bàng, có giả thiết cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai
2.2. Đặc điểm
- Cây bàng trưởng thành có thân to, rộng, nhiều nhánh có màu nâu, nhẵn.
- Cành lá xum xuê như chiếc ô khổng lồ. Lá bàng có màu xanh bóng, mùa lá rụng thì chuyển sang đỏ, những chồi mới có màu xanh non.
- Hoa nở vào mùa hè, hoa có đường kính khoảng 1 cm, có màu trắng hơi xanh, không lộ rõ, không có cánh hoa; chúng mọc trên các nách lá hoặc ở đầu cành.
- Rễ cắm sâu vào lòng đất, những đám rễ già trồi trên mặt đất như những con rắn
- Quả thuộc loại quả hạch, khi non có màu xanh lục, sau đó ngả sang màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín, chứa một hạt.
2.3. Cách trồng và chăm sóc
- Cây bàng được trồng bằng phương pháp ươm hạt của cây, chỉ cần vùi trong đất ẩm một thời gian sau cây sẽ nảy mầm.
- Cây bàng dễ sống, ta không cần chăm sóc quá nhiều chỉ cần tưới nước hàng ngày và lựa chọn đất phù hợp, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển sau này
2.4. Giá trị
- Bàng là loài cây cho gỗ, dùng để làm bàn ghế, giường tủ,…
- Cây bàng gắn bó thân thiết với những kỉ niệm tuổi học trò
- Cây bàng có nhiều ở công viên, trường học, vỉa hè,…để cho bóng mát.
- Cây bàng còn giúp hút khí độc hại, khói bụi làm cho bầu không khí thêm trong lành, mát mẻ hơn.
- Lá bàng và vỏ thân cây bàng được sử dụng nhiều trong y học, chữa được các bệnh về đường tiêu hóa, sốt, ngăn ung thư…
- Cây bàng còn xuất hiện trong hội họa, âm nhạc, thơ ca
→ Trong bài hát: Câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”.
→ Cây bàng xuất hiện trong thơ ca
2.5. Giá trị
- Có nhiều vai trò, lợi ích cả về vật chất, tinh thần.
- Cây bàng đã sống trong tiềm thức của con người Việt Nam từ bao đời
3. Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của cây bàng.
- Thể hiện tình cảm của bản thân về loài cây này..
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Thuyết minh về cây bàng – mẫu 1
Không biết tự bao giờ, cây bàng trước cửa lớp đã trở nên vô cùng thân thương đối với tôi. Tôi đã ngắm cây bàng ấy trong suốt cả bốn mùa. Mùa nào, bàng cũng có một vẻ đẹp riêng. Không biết có phải thế không hay do tình yêu tôi dành cho loài cây này mà tôi thấy bàng mùa nào cũng đẹp.
Khi những tiếng ve đầu tiên bắt đầu ngân lên báo hiệu mùa hè đến, cũng là lúc dòng nhựa chảy trong bàng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dòng nhựa ấy tiếp sức để những chiếc lá bàng mới ngày nào còn bé bỏng non nớt, giờ đã xanh ngắt xòe ra to. Thì ra, bàng đã phải làm việc siêng năng suốt ba mùa để bây giờ xòe tán xanh che mát cho chúng tôi. Bàng cũng thật hào phòng khi thỉnh thoảng nhờ chị gió gửi cho mấy chiếc lá để làm quạt. Cũng chính lúc này, bàng nở những chùm hoa trắng muốt, nhỏ li ti. Mỗi làn gió nhè nhẹ thoảng qua là có cả thảm hoa bàng lại trải đều quanh gốc, vương đầy trên mái tóc dài Óng ả của các nữ sinh. Bàng đẹp và bọn con gái chúng tôi hình như cũng đẹp hơn khi điểm hoa bàng trên tóc.
Sau ba tháng hè xa cách các bạn học sinh, bàng rạng rỡ hẳn lên khi thu về. Nắng thu vàng dịu ngọt xuyên qua từng mặt lá làm gương mặt bàng sáng bóng lên. Ai thấy mình đẹp mà chẳng vui, Bàng vui vì thấy mình đẹp. Mà hình như còn được nghe lại tiếng nói, tiếng cười xôn xao của các bạn học trò tinh nghịch, dễ thương. Bàng xôn xao cùng chúng tôi trong mỗi ngày học mới, bàng chia sẻ cùng chúng tôi bao buồn vui của tuổi học trò. Còn nhớ, một lần không làm bài tập, thầy giáo đã phạt tôi thật nặng. Tôi buồn quá, giờ chơi lân la đến gốc bàng. Bất ngờ, bàng gửi tặng tôi một trận mưa hoa. Cảm xúc trào dâng, tôi viết liền một bài thơ. Ai có ngờ đâu, bài thơ ấy trong cuộc thi sáng tác trẻ lại giành ,cho tôi giải A. Tôi lại thầm cảm ơn bàng. Nhờ có bàng mà tôi hiểu rằng cuộc sống thật là một chuỗi những buồn vui như thế!
Thu qua, đông lại. Mùa đông lá bàng chuyển màu sẫm nâu. Rồi một buổi sáng tôi thấy cây bàng rực lên màu đỏ như lửa. Ngọn lửa khổng lồ ấy cháy đỏ suốt mấy tuần. Tôi đứng dưới gốc bàng, thấy mình sưởi ấm. Có lẽ cây bàng đã tự đốt mình để chống lại giá rét mùa đông? Rồi gió bấc thổi qua, những chiếc lá màu lửa rụng xuống. Sau khi cởi bỏ tấm áo rực rỡ của mình, bàng chỉ còn lại tấm thân sần sùi với những cành khẳng khiu đứng trơ trọi giữa gió mưa. Bàng thu mình ngủ ngon lành trong tiếng ru của gió. Cây bàng cứ đứng vậy chống đỡ cả mùa đông. Để xuân về, bàng lại vươn mình bừng dậy… Mùa xuân về, thời tiết trở nên ấm áp, và cây bàng nhú ra muôn vạn lộc non. Hầu như suốt mùa đông, cây bàng đã giấu trong nó tiềm tàng màu xanh non của sự sống. Cây bàng đón xuân nhiệt thành, say đắm. Có lẽ, nó hiểu rằng nó cũng phải góp chút ít tinh túy của mình để làm nên sức dào dạt của đất trời.
Tôi lặng đi khi nghĩ đến ngày mai phải chia tay mái trường, phải chia tay cả bàng nữa. Còn bây giờ, tôi và bàng vẫn cứ là bạn thân. Sớm nay, trời thật đẹp. Bàng vẫn đang giơ tay đón chào tôi đến lớp. Tôi yêu bàng nhiều lắm, nhiều lắm.
Thuyết minh về cây bàng – mẫu 2
Ở quê tôi, ai đi xa trở về có lẽ cũng sẽ nhớ về cây bàng ở đầu làng. Chẳng biết nó có từ bao giờ, chỉ biết từ thời ông bà tôi nó đã sừng sững ở đó. Cây bàng gắn liền với tuổi thơ tôi, gắn với nỗi niềm của những người con xa xứ bởi đó là dấu ấn quê hương đậm đà mà không phải nơi đâu cũng có. Vì tò mò nên không ít lần tôi đã tự hỏi cây bàng từ đâu mà có? Nó có những đặc trưng, giá trị như thế nào? Chính những băn khoăn, thắc mắc ấy đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu về loài cây này.
Cây bàng có từ bao giờ? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết bởi hiện nay, nguồn gốc của cây bàng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Theo một số tài liệu, cây bàng là một loài thân gỗ lớn sinh sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm bầu. Có giả thiết cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai sau đó nhanh chóng lan sang các nước khác và giờ đây nó trở thành loài cây phổ biến, quen thuộc ở Việt Nam. Với mỗi chúng ta, cây bàng có lẽ chẳng còn xa lạ gì. Ở góc sân trường, ở nơi đầu hẻm, trên núi, trong rừng…đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy cây bàng. Bởi lẽ, bàng là loài cây thân gỗ, ưa khí hậu vùng nhiệt đới, rất thích hợp để sinh trưởng và phát triển ở Việt Nam. Thân cây bàng màu nâu nhẵn, cao, mọc thẳng trông rất vững chãi. Cành lá xum xuê, chia thành nhiều nhánh như chiếc ô khổng lồ. Rễ bàng cắm sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng, có những đám rễ già trồi trên như những con rắn khổng lồ. Sắc lá bàng thay đổi theo mùa giống như một người con gái xinh đẹp trong tà áo mới. Mùa xuân, cây bàng chồi ra những mầm lá non mơn mởn, e ấp, rụt rè trong làn mưa bụi. Mùa hè, lá bàng xanh mướt tràn trề sức sống, lá to dài khoảng 15–25 cm và rộng 10–14 cm, hình trứng. Mùa thu lá bàng chuyển sang sắc đỏ ánh hồng do các sắc tố lá có sự chuyển hóa. Đông sang cũng là lúc lá bàng rụng hết trơ ra những cành khẳng khiu. Hoa bàng nở vào mùa hè, mỗi bông hoa có đường kính khoảng 1 cm, có màu trắng hơi xanh. Đặc biệt, hoa bàng không có cánh chúng mọc trên các nách lá hoặc ở đầu cành. Sau khi đơm hoa, cây bàng bắt đầu kết trái. Quả thuộc loại quả hạch, khi non có màu xanh lục, sau đó ngả sang màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín, bên trong quả bàng có nhân màu trắng.
Cây bàng ưa khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta nên cách trồng và chăm sóc cây không quá cầu kì, phức tạp. Bàng được trồng bằng phương pháp ươm hạt của cây, chỉ cần vùi trong đất ẩm một thời gian sau cây sẽ nảy mầm. Chúng cũng rất dễ sống, chẳng đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc nhiều chỉ cần tưới đủ nước, cấp đủ ánh sáng và lựa chọn đất phù hợp cây sẽ tự mình vươn lên, khỏe mạnh, cao lớn. Từ rất lâu, cây bàng đã sống trong tiềm thức, ăn đời ở kiếp cùng con người Việt Nam. Hình ảnh cây bàng ở vùng nông thôn Bắc Bộ trở nên gần gũi, quen thuộc hơn bao giờ hết. Những người con xa xứ trở về, nhìn từ xa thấy bóng bàng cao lớn, sừng sững giống như nhìn thấy bóng dáng, linh hồn quê hương, những người nông dân đi làm đồng về nghỉ ngơi dưới gốc bàng, những đứa trẻ trăn trâu ngày ngày đuổi bắt, bắt bi ở đó. Không chỉ vậy, đối với những cô cậu học trò, cây bàng giống như một người bạn chứng kiến bao kỉ niệm, bao nỗi niềm buồn vui. Cùng với cây phượng, cây bàng cũng được xem là loài cây gắn với tuổi học trò. Bàng còn là loài cây cho gỗ, gỗ bàng được dùng để làm bàn ghế, giường tủ,…đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Những tán bàng xum xuê xanh mướt còn giúp hút khí độc hại, khói bụi làm cho bầu không khí thêm trong lành, mát mẻ hơn. Đặc biệt, một công dụng không phải ai cũng biết tới của cây bàng đó chính là dùng làm thuốc. Lá bàng và vỏ thân cây bàng được sử dụng nhiều trong y học, chữa được các bệnh về đường tiêu hóa, sốt, ngăn ung thư,…
Không chỉ gắn bó mật thiết trong cuộc sống, sinh họa của con người, cây bàng còn đem đến những giá trị tinh thần khi không ít lần trở thành niềm cảm hứng trong thơ ca, âm nhạc, hội họa. Người họa sĩ sẽ rất ít khi bỏ qua hình ảnh cây bàng mỗi khi phác họa về bức tranh quê hương. Câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”cũng đã chạm vào trái tim, khắc ghi ấn tượng trong long người nghe. Cây bàng cũng xuất hiện trong thơ ca với những vần thơ đậm chất trữ tình:
Cây bàng lá nõn xanh ngời
Ngày ngày chim đến tìm mồi chíp chiu
Đường xa gánh nặng sớm chiều
Kê cái đòn gánh bao nhiêu người ngồi
(Cây bàng – Trần Đăng Khoa)
Cây bàng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người. Nó là loài cây gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Là loài cây có nhiều giá trị, ở nơi đâu cây bàng cũng luôn được yêu quý, chăm sóc, bảo vệ. Đối với riêng tôi, cây bàng có gắn với những nỗi niềm riêng thật đặc biệt. Là người bạn tuổi thơ, là địa chỉ tôi tìm đến để san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Lớn lên rồi, tôi được đi nhiều nơi, hà hầu hết nơi nào tôi ghé chân qua cũng có hình bóng của những cây bàng. Cũng vẫn là cây bàng thân thuộc, vẫn bình dị với những nguồn gốc, đặc điểm, giá trị như thế, nhưng với tôi cây bàng nơi đầu làng chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt trong trái tim. Tôi sẽ luôn yêu và nhớ về nó.
Thuyết minh về cây bàng – mẫu 3
Cùng với cây phượng vĩ, cây bằng lăng, cây bàng cũng được xem là loài cây gắn liền với tuổi học trò. Còn nhớ, bao vui buồn tuổi thơ, bao kỉ niệm bên mái trường đều được gửi lại dưới gốc bàng thân thuộc. Cây bàng giống như người bạn tri kỉ của nhiều thế hệ học trò, thế nhưng nguồn gốc của nó ra sao, đặc điểm, giá trị của cây bàng thế nào không phải ai cũng biết.
Đã bao giờ bạn tự hỏi “cây bàng từ đâu mà có” chưa? Tôi thì luôn băn khoăn thắc mắc và đi tìm câu trả lời. Theo một số giả thiết, cây bàng có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai, thế nhưng thực hư về nguồn gốc chính xác của nó thì vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi. Cây bàng là loại cây thân gỗ, thuộc họ Trâm Bầu, sinh sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Cho nên, khi quá cảnh về Việt Nam, cây bàng đã thích nghi rất tốt với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta.
Sống trong điều kiện khí hậu thuận lợi nên cây bàng rất dễ trồng và chăm sóc. Cây được trồng bằng cách ươm hạt. Khi trái bàng già, người ta vùi sâu trong đất ẩm một thời gian sau cây sẽ nảy mầm. Từ khi ươm hạt đến lúc cây trưởng thành ta không cần chăm sóc quá nhiều chỉ cần tưới nước, cung cấp chất dinh dưỡng, phun thuốc trừ sâu cho cây là chúng có thể sinh trưởng phát triển tốt. Bàng là loại cây chịu nắng vì thế không được trồng trong bóng râm. Bởi vậy, hình ảnh những cây bàng vươn mình trong nắng, đứng sừng sững, hiên ngang đón chịu nắng gió đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta.
Từ rất lâu, cây bàng đi vào cuộc sống của con người như một lẽ tự nhiên, bình dị. Nhắc tới cây bàng có lẽ ai ai cũng sẽ hình dung ra được đặc điểm, hình dáng của nó. Bàng là loài cây mọc cao, mọc thẳng, thân cây to lớn, có màu nâu sẫm, sần sùi nứt nẻ. Từ thân cây sẽ tỏa ra thành nhiều cành đối xứng nằm ngang giống như khung của những chiếc ô khổng lồ. Lá bàng to, dài khoảng 20 cm. Tùy theo từng mùa mà sắc tố trên lá có sự thay đổi. Nhờ màu lá mà chúng ta có thể nhận ra được các mùa trong năm. Mùa xuân, cây trồi ra những mầm lá non xanh mơn mởn tràn trề nhựa sống. Hạ về, vòm lá lại khoác lên mình tấm áo xanh mướt, căng bóng, mịn màng. Thu sang, cây bàng lộng lẫy trong màu lá đỏ. Rồi đến mùa đông, lớp lá ấy được trút bỏ hết như một sự lột xác để chuẩn bị cho diện mạo mới. Lá bàng thay đổi theo mùa nên người ta hay ví nó như một nàng công chúa kiều diễm, điệu đà không ngừng làm mới mình để đuổi theo màu thời gian. Rễ cây bàng ăn sâu vào lòng đất mẹ để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Bàng là loại hoa đơn tính cùng gốc, hoa đực, hoa cái mọc trên cùng một cây. Người ta ít để ý đến hoa bàng bởi nó không rực rỡ, lộng lẫy như những loài hoa khác Nó có màu trắng hơi xanh, không lộ rõ cánh hoa, nhưng nếu nhìn kĩ, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi, giản dị của những bông hoa bàng ấy. Đặc biệt, tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những trái bàng. Quả bàng thuộc loại quả hạch, bên trong có nhân màu trắng. Khi non, quả bàng có màu xanh, đến lúc chín thì chuyển sang màu đỏ vàng. Còn nhớ mỗi mùa hè, chúng tôi thường rủ nhau đi hái những trái bàng chín ăn. Vị ngọt ngọt, chan chát của nó đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Cây bàng bình dị là thế, ấy vậy mà nó đã đem đến cho con người biết bao lợi ích. Cây bàng có thể được trồng làm cảnh, những nhà sành chơi cây hầu hết đều có trong vườn một cây bàng được tỉa tót rất công phu, tỉ mỉ. Nhưng phổ biến hơn, bàng được trồng để lấy bóng râm. Ở mỗi con đường, hè phố, công viên, sân trường…không khó để ta bắt gặp một cây bàng. Tán bàng rộng đem lại bóng mát, giúp điều hòa không khí, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Dưới gốc bàng người nông dân thường ngồi hóng mát, nghỉ ngơi mỗi khi đi làm về. Đặc biệt, cây bàng có ý nghĩa trọng đối với tuổi học trò. Cây bàng che bóng cho cả sân trường, là nơi lũ bạn chúng tôi trò chuyện, đọc sách, chơi bi,.. trong mỗi giờ giải lao. Bao tâm sự, nỗi niềm học trò cũng được gửi gắm nơi cây bàng ấy. Hè hè, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi hái quả bàng ăn. Quả bàng có vị chua chua, nhân bàng ngậy ngậy còn được dùng làm nguyên liệu chế biến mứt. Gỗ bàng chắc chắn, có khả năng thấm nước tốt nên thường được dùng để làm bàn ghế, giường tủ phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Đặc biệt, một công dụng ít ai biết tới của cây bàng đó là dung làm thuốc trong đông y. Lá bàng có thể chữa được bệnh tiêu chảy, những bệnh về gan và ngăn ngừa ung thư.
Đặc biệt, cây bàng nhiều lần đi vào thế giới nghệ thuật trở thành món ăn tinh thần của con người. Hình ảnh cây bàng không ít lần xuất hiện trong những ca từ của bài hát. Mỗi khúc ca ngân vang đều chứa đựng tình cảm của người nghệ sĩ: “Cây bàng ơi… Toả bóng tháng năm dài, dưới vòm lá, tuổi thơ dễ thương bao mơ mộng đẹp, rồi một sớm lớn khôn nhặt chiếc lá mà lòng nghĩ suy…”. Cây bàng cũng là niềm cảm hứng sáng tác của bao thi sĩ:
A bàng tốt lắm
Bàng che cho em
Nhưng ai che bàng
Cho bàng khỏi nắng!
(Cây bàng – Xuân Quỳnh)
Hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của cây bàng khiến chúng ta càng thêm yêu và trân trọng nó. Mai đây dù có đi đến nơi đâu thì cây bàng vẫn sẽ là hình ảnh đẹp khắc sâu trong tim mỗi người. Cũng giống như phượng vĩ, cây bàng luôn là bóng mát thân thuộc gắn với những kĩ niệm sân trường.
Thuyết minh về cây bàng – mẫu 4
Với mỗi chúng ta, chắc hẳn mỗi người học trò nào cũng có những kỷ niệm về mái trường, thầy cô và bè bạn, với tôi kỷ niệm ấy gắn với cây bàng ở sân trường có lẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh về cây bàng này.
Các bạn đã bao giờ tự hỏi về tổ tiên của loài bàng có từ đâu chưa? Tôi thì luôn thắc mắc và đi tìm câu trả lời. Theo như nghiên cứu của một số nhà khoa học bàng là một loài cây thân gỗ lớn sinh sống ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm Bầu. Nguồn gốc của loài này hiện vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nó có thể có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai hay New Guinea. Đến nay, cây bàng ngày càng trở nên phổ biến với nhiều nơi. Ở Việt Nam cũng thế, bàng được trồng cũng khá nhiều và phổ biến. Bàng là loại cây thân gỗ, thường sống ở vùng nhiệt đới. Nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng rất thích hợp cho bàng phát triển. Bàng được trồng ở khắp mọi nơi đặc biệt là ở các trường học. Bàng là loài cây có thể mọc cao tới 35 m, với tán lá mọc thẳng, đối xứng và các cành nằm ngang. Thân cây to, sần sùi nứt nẻ vì trải qua bao phong ba bão táp phải đối mặt với nắng mưa, dãi dầu vì sương gió. Khi cây già hơn thì tán lá của nó trở nên phẳng hơn để tạo thành hình dáng giống như cái bát trải rộng. Lá to, dài khoảng 15–25 cm và rộng 10–14 cm, hình trứng, xanh sẫm và bóng. Đây là loài cây có lá sớm rụng về mùa khô; trước khi rụng thì các lá chuyển màu thành màu đỏ ánh hồng hay nâu vàng, do các sắc tố. Lá bàng thay đổi theo các mùa trong năm. Nhìn vào lá bàng người ta có thể biết được đây là mùa nào. Rễ bàng ăn sâu xuống lòng đất hút chất dinh dưỡng để nuôi cây trưởng thành và phát triển. Nhiều người ít để ý đến hoa bàng, nhưng nó lại cũng rất đẹp. Hoa đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Cả hai loại hoa có đường kính khoảng 1 cm, có màu trắng hơi xanh, không lộ rõ, không có cánh hoa, chúng mọc trên các nách lá hoặc ở đầu cành. Hoa bàng rụng và mọc thành quả. Quả thuộc loại quả hạch , khi non có màu xanh lục, sau đó ngả sang màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín, chứa một hạt.
Các bạn đã biết gì về tác dụng của cây bàng chưa. Hãy cùng tôi tìm hiểu về những tác dụng của nó nhé. Nhất là đối với những học sinh, bàng là loài cây che bóng mát cho cả sân trường, các bạn có thể trò chuyện, tâm sự ngồi nghỉ giải lao dưới bóng cây. Không những thế, bàng còn như người bạn để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, dù không biết nói nhưng cũng phần nào nguôi đi rất nhiều. Hay nó cũng là chốn nghỉ chân của các bác nông dân đi làm đồng về. Bàng được trồng trong khu vực nhiệt đới như là một loại cây cảnh hay để lấy bóng râm nhờ tán lá lớn và rậm. Quả ăn được và có vị hơi chua. Hạt bàng thì dùng làm nguyên liệu để chế biến thành mứt. Gỗ có màu đỏ, rắn chắc và chống thấm nước khá tốt. Lá bàng vào mùa hè còn dùng để quạt như quạt mo rất mát. Bàng còn có tác dụng dùng để chữa bệnh mà í tai biết đến. Vỏ thân cây bàng được sử dụng trong ngành y học cổ truyền. Người ta dùng các lá bàng làm thuốc chữa các bệnh liên quan đến gan,sốt, viêm loét thậm chí còn dùng để chữa một số bệnh ung thư. Không những thế bàng còn đi vào thơ ca nhạc họa một cách rất tự nhiên, bàng gắn với những kỉ niệm của tuổi học trò, những bài hát rất hay:
Mùa đông áo đỏ
Mùa hạ áo xanh
Cây bàng khi mở hội
Là chim đến vây quanh…’’
Cây bàng cứ thế trở thành loài cây gần gũi và gắn bó thân thiết với con người. Cây bàng mãi là người bạn tri kỉ thân thiết của tôi, luôn đồng hành cùng tôi trong những năm tháng cắp sách tới trường.