Bộ 20 Đề thi Tiếng Việt lớp 3 Học kì 1 có đáp án
Bộ 20 Đề thi Tiếng Việt lớp 3 Học kì 1 có đáp án
Với Bộ 20 Đề thi Tiếng Việt lớp 3 Học kì 1 có đáp án được tổng hợp chọn lọc từ đề thi môn Tiếng Việt 3 của các trường trên cả nước sẽ giúp học sinh có kế hoạch ôn luyện từ đó đạt điểm cao trong các bài thi Tiếng Việt lớp 3.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Giữa học kì 1
Năm học 2023
Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 3
Thời gian làm bài: 60 phút
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng (6điểm)
- Giáo viên cho học sinh đọc một đoạn trong các bài Tập đọc từ tuần 1 đến tuần 9 SGK Tiếng Việt 3 – Tập 1.
- Trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đó do giáo viên nêu.
II. Đọc thầm và làm bài tập (4 điểm)
QUẠT CHO BÀ NGỦ
Ơi chích chòe ơi !
Chim đừng hót nữa,
Bà em ốm rồi,
Lặng cho bà ngủ.
Bàn tay bé nhỏ
Vẫy quạt thật đều
Ngấn nắng thiu thiu
Đậu trên tường trắng .
Căn nhà đã vắng
Cốc chén nằm im
Đôi mắt lim dim
Ngủ ngon bà nhé.
Hoa cam, hoa khế
Chín lặng trong vườn,
Bà mơ tay cháu
Quạt đầy hương thơm .
(THẠCH QUỲ)
Học sinh đọc thầm bài "Quạt cho bà ngủ " rồi thực hiện các yêu cầu sau :
Khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng các câu hỏi dưới đây :
Câu 1. Vì sao bạn nhỏ không muốn chim chích choè hót ?
A. Vì chim chích choè hót không hay.
B. Vì bà bị ốm bé không có tâm trạng nào để nghe chim hót.
C. Vì sợ chim hót gây ra tiếng động, bà không ngủ được
Câu 2. Vì sao bạn nhỏ phải quạt cho bà ngủ ?
A. Vì bà bạn nhỏ thích bạn quạt cho bà ngủ .
B. Vì bà bạn nhỏ bị ốm.
C. Vì bố mẹ bảo bạn quạt cho bà.
Câu 3. Ý nghĩa của bài thơ là gì ?
A. Nói về việc bé quạt cho bà ngủ.
B. Nói về việc bà ốm.
C. Nói về tình cảm yêu thương của bé với bà thông qua việc bé quạt cho bà ngủ.
Câu 4. Câu “Cốc chén nằm im” thuộc kiểu câu nào trong các kiểu câu sau :
A. Ai là gì ?
B. Ai làm gì ?
C. Thế nào ?
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết : (5 điểm
Giáo viên đọc cho học sinh viết bài trong khoảng 15 phút. Bài : "Nhớ lại buổi đầu đi học" Trang 51 - Sách Tiếng Việt 3 (Từ : Hằng năm ............. quang đãng )
II. Tập làm văn : (5 điểm)
Đề bài : Em hãy viết 1 đoạn văn (từ 5 - 7 câu) kể về gia đình em cho một người bạn mới quen.
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng (6 điểm)
II. Đọc thầm (4 điểm)
Câu 1: C
Câu 2: B
Câu 3: C
Câu 4: C
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết : (5 điểm
Giáo viên đọc cho học sinh viết bài trong khoảng 15 phút. Bài : "Nhớ lại buổi đầu đi học" Trang 51 - Sách Tiếng Việt 3 (Từ : Hằng năm ............. quang đãng )
II. Tập làm văn (5 điểm )
Đề bài : Em hãy viết 1 đoạn văn (từ 5 - 7 câu) kể về gia đình em cho một người bạn mới quen.
Bài mẫu:
Tuần trước gặp nhau ở công viên, được biết và quen cậu, lại nghe cậu kể về gia đình cậu cho mình nghe, mình vui lắm. Nay đến lượt mình nói về gia đình mình cho cậu nghe nhé. Gia đình mình ở gần đây thôi, ngay hẻm Trâm Bầu, khu phố 5. Từ đây, cậu chỉ đi bộ khoảng mười phút là đến nơi. Trước cổng nhà mình là một khóm bông giấy màu đỏ, được bố mình cắt tỉa và uốn thành một cái vòm cổng, vừa đẹp vừa mát. Nhà mình cũng giống nhà cậu, gồm bố mẹ và hai chị em mình, chỉ khác là nhà cậu toàn con trai còn nhà mình thì toàn con gái. Bố công tác ở một công ty kinh doanh, còn mẹ mình là một cô giáo dạy học ở trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ. Chị mình học lớp mười một ở trường mẹ dạy. Còn mình thì cậu biết rồi đấy. Khi nào rỗi, đến nhà mình chơi rồi chúng mình cùng học bài, ôn lại những bài tiếng Anh mà cả hai đứa học thêm ở cô giáo Nga đấy. Chúng mình cùng thi đua ai được nhiều điểm mười nhé!
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Giữa học kì 1
Năm học 2023
Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 3
Thời gian làm bài: 60 phút
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng (6 điểm)
II. Đọc thầm và làm bài tập ( 4 điểm )
Đọc thầm bài “Các em nhỏ và cụ già” SGK Tiếng Việt 3 tập 1 trang 63 và làm các bài tập bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng cho các câu hỏi 1, 2, 3 và 4.
Câu 1: Tâm trạng của ông cụ như thế nào?
A. Ông đang rất buồn.
B. Ông đang rất vui.
C. Ông đã hết buồn và chợt vui.
Câu 2: Ông cụ định đi đâu?
A. Ông cụ đi về nhà.
B. Ông cụ đi đến bệnh viện.
C. Ông cụ đi đến chợ.
Câu 3: Vì sao sau khi trò chuyện với các em nhỏ, ông cụ thấy lòng mình nhẹ hơn?
A. Ông thấy cô đơn.
B. Ông thấy buồn chán.
C. Ông thấy được an ủi.
Câu 4: Trong câu “ Ông đang rất buồn”, bộ phận được gạch dưới trả lời cho câu hỏi nào?
A. Làm gì?
B. Là gì?
C. Ai?
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (5 đ)
Giáo viên đọc cho học sinh viết bài “Bài tập làm văn” SGK Tiếng Việt 3 tập 1 trang 48.
II. Tập làm văn (5 điểm )
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn từ 4 đến 5 câu để kể về gia đình, dựa vào các câu gợi ý sau:
- Gia đình em có bao nhiêu người?
- Bố mẹ em làm nghề gì?
- Tính tình của bố mẹ em như thế nào?
- Cảm giác của em khi sống trong gia đình thấy thế nào?
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng (6 điểm)
II. Đọc thầm và làm bài tập ( 4 điểm )
Câu 1: A
Câu 2: B
Câu 3: C
Câu 4: C
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (5 đ)
Giáo viên đọc cho học sinh viết bài “Bài tập làm văn” SGK Tiếng Việt 3 tập 1 trang 48.
II. Tập làm văn (5 điểm )
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn từ 4 đến 5 câu để kể về gia đình.
Bài mẫu:
Gia đình em gồm bốn người: bố mẹ em, chị gái em và em. Bố em đã ngoài năm mươi tuổi là một kỹ sư chế tạo máy, hiện đang công tác ở thành phố Hà Nội. Mẹ em là một bác sĩ nha khoa công tác ở bệnh viện Hồng Ngọc. Chị gái em hiện là sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Ngoại Thương. Còn em, đứa con út trong gia đình đang học lớp Ba trường Giảng Võ. Em rất yêu gia đình mình, bởi em được sống trong vòng tay âu yếm của bố mẹ và tình thương của chị gái.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 1
Năm học 2023
Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 3
Thời gian làm bài: 60 phút
A. Kiểm tra Đọc
I. Đọc thành tiếng: (6 điểm)
Bài đọc: ..................................................
II. Đọc hiểu: 4 điểm
Đọc thầm bài đọc dưới đây
CHÕ BÁNH KHÚC CỦA DÌ TÔI
Dì tôi cắp một chiếc rổ lớn, dắt tay tôi đi hái rau khúc.
Cây rau khúc rất nhỏ, chỉ bằng một mầm cỏ non mới nhú. Lá rau khúc như mạ bạc, trông như được phủ một lượt tuyết cực mỏng. Những hạt sương sớm đậu trên lá long lanh như những bóng đèn pha lê. Hai dì cháu tôi hái đầy rổ mới về.
... Ngủ một giấc dậy, tôi đã thấy dì mang chõ bánh lên. Vung vừa mở ra, hơi nóng bốc nghi ngút. Những cái bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được đặt vào những miếng lá chuối hơ qua lửa thật mềm, trông như những bông hoa. Nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu. Cắn một miếng bánh thì như thấy cả hương đồng, cỏ nội gói vào trong đó.
Bao năm rồi, tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy, hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
(Theo Ngô Văn Phú)
Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh vào chữ cái đặt trước mỗi câu trả lời đúng nhất.
Câu 1. Tác giả tả lá rau khúc như thế nào?
A. Cây rau khúc cực nhỏ.
B. Chỉ bằng một mầm cỏ non mới nhú.
C. Lá rau như mạ bạc, trông như được phủ một lượt tuyết cực mỏng.
Câu 2. Câu văn nào sau đây tả chiếc bánh?
A. Những chiếc bánh màu xanh.
B. Chiếc bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được hơ qua lửa thật mềm, trông đẹp như những bông hoa. Nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu.
C. Nhân bánh được làm bằng nhân đậu xanh
Câu 3. Câu "Dì tôi cắp một chiếc rổ lớn, dắt tay tôi đi hái rau khúc" được cấu tạo theo mẫu câu nào?
A. Ai là gì?
B. Ai thế nào?
C. Ai làm gì?
Câu 4. Câu nào dưới đây dùng đúng dấu phẩy?
A. Bao năm rồi, tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy, hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
B. Bao năm rồi tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy, hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
C. Bao năm rồi, tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả: (5 điểm)
Bài viết: “Rừng cây trong nắng”
Nghe đọc viết đề bài và đoạn chính tả "Trong ánh nắng... trời cao xanh thẳm"
(Sách Tiếng việt 3 trang 148)
II. Tập làm văn: (5 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 5-7 câu) kể về một cảnh đẹp của nước ta mà em thích
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
II. Đọc hiểu:
Câu 1. C. Lá rau như mạ bạc, trông như được phủ một lượt tuyết cực mỏng.
Câu 2. B. Chiếc bánh màu rêu xanh lấp ló trong áo xôi nếp trắng được hơ qua lửa thật mềm, trông đẹp như những bông hoa. Nhân bánh là một viên đậu xanh giã nhỏ vàng ươm, xen một thỏi mỡ xinh xắn, pha hạt tiêu.
Câu 3. C. Ai làm gì?
Câu 4. A. Bao năm rồi, tôi vẫn không sao quên được vị thơm ngậy, hăng hắc của chiếc bánh khúc quê hương.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (5đ)
- Trình bày đúng, sạch đẹp đạt 5 điểm.
- Sai quá 5 lỗi không tính điểm.
II. Tập làm văn: (5 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 5-7 câu) kể về một cảnh đẹp của nước ta mà em thích.
Bài mẫu:
Quê em ở Nha Trang. Nhà em cách biển không xa. Những đêm trăng đẹp, em thường được bố mẹ cho ra ngắm biển. Biển quê em đẹp tuyệt vời trong những đêm trăng sáng. Mặt biển như một tấm thảm dát bạc khổng lồ. Xa xa, ánh đèn trên những chiếc thuyền câu lúc ẩn lúc hiện như những ánh sao trong đêm. Trên bãi biển, những du khách đang thả bước một cách thanh bình. Họ như muốn tận hưởng vẻ đẹp kì diệu của đêm trăng. Một vài bạn nhỏ đang chơi đùa dưới ánh trăng với những trò như cút bắt, trốn tìm. Chơi hết buổi tối mà em cũng chưa muốn về vì luyến tiếc vẻ đẹp của nó.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề khảo sát chất lượng Học kì 1
Năm học 2023
Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 3
Thời gian làm bài: 60 phút
A. Kiểm tra Đọc
I. Kiểm tra đọc thành tiếng (3đ)
HS bốc thăm và đọc một đoạn khoảng 50 chữ/phút và trả lời một câu hỏi trong các bài tập đọc đó.
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu (7đ)
Đọc thầm đoạn văn sau:
BA ĐIỀU ƯỚC
Ngày xưa, có một chàng thợ rèn tên là Rít. Chàng được một tiên ông tặng cho ba điều ước. Nghĩ trên đời chỉ có vua là sung sướng nhất, Rít ước trở thành vua. Phút chốc, chàng đã đứng trong cung cấm tấp nập người hầu. Nhưng chỉ mấy ngày, chán cảnh ăn không ngồi rồi, Rít bỏ cung điện ra đi.
Lần kia, gặp một người đi buôn, tiền bạc nhiều vô kế, Rít lại ước có thật nhiều tiền. Điều ước được thực hiện. Nhưng có của, Rít luôn bị bọn cướp rình rập. Thế là tiền bạc cũng chẳng làm chàng vui.
Chỉ còn điều ước cuối cùng. Nhìn những đám mây bồng bềnh trên trời, Rít ước bay được như mây. Chàng bay khắp nơi, ngắm cảnh trên trời dưới biển. Nhưng mãi rồi cũng chán, chàng lại thèm được trở về quê.
Lò rèn của Rít lại đỏ lửa, ngày đêm vang tiếng búa đe. Sống giữa sự quý trọng của dân làng, Rít thấy sống có ích mới là điều đáng mơ ước.
(TRUYỆN CỔ TÍCH BA- NA)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất.
Câu 1. Chàng Rít được tiên ông tặng cho những gì? (0,5 đ)
A. Vàng bạc
B. Lò rèn mới.
C. Ba điều ước
Câu 2: Chuyện gì xảy ra với Rít khi chàng có của? (0,5 đ)
A. Chán cảnh ăn không ngồi rồi
B. Luôn bị bọn cướp rình rập
C. Làm chàng vui
Câu 3: Trong bài có mấy hình ảnh so sánh? Là những hình ảnh nào? (1đ)
A. 1 hình ảnh là:
……………………………………………………….
B. 2 hình ảnh là :
…………………………………………………………
C. 3 hình ảnh là:
……………………………………………………….
Câu 4: Câu chuyện trên muốn nói với ta điều gì? (1 đ)
……………………………………………………………………
Câu 5. Gạch chân dưới 2 từ chỉ hoạt động trong câu văn sau: (0,5 đ)
Chàng bay khắp nơi, ngắm cảnh trên trời dưới biển.
Câu 6. Đặt dấu chấm hay dấu chấm hỏi vào cuối mỗi câu sau cho thích hợp: (0,5 đ)
a) Điều gì mới là quan trọng đối với chàng Rít
b) Ba điều ước của chàng Rít không làm chàng vui
Câu 7: Tìm và ghi lại một câu theo mẫu “Ai thế nào?” trong bài. (1đ)
………………………......................................................
Câu 8: Khoanh vào chữ cái trước nhóm từ có từ không cùng nhóm với các từ còn lại (1đ)
A. dòng sông, mái đình, cây đa, chân thật
B. Bố mẹ, ông bà, anh chị, chú bác
C. trẻ em, trẻ thơ, trẻ con, em bé
Câu 9: Viết một câu có sử dụng hình ảnh so sánh theo kiểu so sánh ngang bằng (1đ)
……………………….........................................
B. Kiểm tra Viết
I.Chính tả (3 điểm):
Cây gạo
Cây gạo bền bỉ làm việc đêm ngày, chuyên cần lấy từ đất, nước và ánh sáng. Cây chỉ còn những cành trơ trụi, nom như cằn cỗi. Nhưng không, dòng nhựa trẻ đang rạo rực khắp thân cây. Xuân đến, lập tức cây gạo già lại trổ lộc nảy hoa, lại gọi chim chóc tới, cành cây đầy tiếng hót và màu đỏ thắm.
(Theo VŨ TÚ NAM)
II.Tập làm văn (7 điểm):
Em hãy viết một đoạn văn từ 7 – 10 câu kể về một người mà em yêu quý.
Đáp án
A. Kiểm tra Đọc
I. Kiểm tra đọc thành tiếng (3đ)
- Đọc đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 đ
- Đọc đủ tiếng, từ: 1 đ (Sai 1 tiếng trừ 0,25đ)
- Ngắt nghỉ đúng dấu câu, cụm từ rõ nghĩa: 0,5 đ
- Trả lời đúng câu hỏi: 0,5đ
II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra từ và câu (7đ)
Câu 1: C
Câu 2: B
Câu 3: A, Rít ước bay được như mây.
Câu 4: Lao động (làm việc) mới là có ích nhất.
Câu 5: Chàng bay khắp nơi, ngắm cảnh trên trời dưới biển.
Câu 6: a) Điều gì mới là quan trọng đối với chàng Rít?
b) Ba điều ước của chàng Rít không làm chàng vui.
Câu 7: Chàng được một tiên ông tặng cho ba điều ước.
Câu 8: A
Câu 9:
Đặt câu: Bông hoa hồng rực rỡ như một nàng tiên.
B. Kiểm tra Viết
I.Chính tả (3 đ):
- Viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ: 0,5 đ
- Đúng tốc độ, đúng chính tả: 2 đ
- Trình bày sạch đẹp: 0,5 đ
- Sai 1 lỗi trừ 0,25 đ (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định)
- Hai lỗi sai hoàn toàn giống nhau chỉ trừ một lần điểm.
II. Tập làm văn: (7 đ)
+ Nội dung: 4 đ
- HS viết được đoạn văn 7 -10 câu, có nội dung gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài, có câu mở đoạn, kết đoạn.
+ Kĩ năng:
- Viết đúng chính tả : 0,5 đ
- Dùng từ, đặt câu, diễn đạt: 2 đ
- Sáng tạo : 0,5 đ
Lưu ý: Những bài viết quá số câu không cho điểm tối đa.
Bài mẫu:
Trong gia đình, người em luôn kính trọng và tin yêu nhất là bố. Bố em năm nay ngoài ba mươi tuổi. Bố là bộ đội, cũng là kỹ sư giỏi. Mái tóc đen nhánh của bố luôn được cắt gọn gàng. Bố thường mặc những chiếc áo phông trông rất trẻ trung. Những lúc mặc quân phục, trông bố rất oai phong. Bố em là người tận tụy trong công việc. Nhìn những cây cầu mới được dựng lên, em càng thấy hiểu về công việc của bố và càng tự hào về bố hơn. Mặc dù công việc bận rộn nhưng bố vẫn luôn chăm lo cho gia đình. Không chỉ giúp mẹ việc nhà, bố còn dạy em học mỗi tối. Bố đúng là người bố tuyệt vời của em.