X

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 10 có đáp án


Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 10 có đáp án

Haylamdo biên soạn và sưu tầm Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 10 có đáp án như là một phiếu đề kiểm tra cuối tuần gồm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh ôn tập để biết cách làm bài tập Tiếng Việt 5.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 10 có đáp án

Phiếu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 10 có đáp án

Thời gian: 45 phút

A- Kiểm tra đọc

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai (Giải đáp – Gợi ý)

(1) Thư gửi học sinh (từ Trong công cuộc đến kết quả tốt đẹp)

TLCH: Học sinh có nhiệm vụ gì trong công cuộc xây dựng đất nước?

(2) Sắc màu em yêu (4 khổ thơ cuối)

TLCH: bài thơ nói lên điều gì về tình cảm của bạn nhỏ với quê hương đất nước?

(3) Những con sếu bằng giấy (từ Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom đến gấp được 644 con )

TLCH: Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì?

(4) Kì diệu rừng xanh (từ Sau một hồi đến thế giới thần bí)

TLCH: Vì sao rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi”?

(5) Đất Cà Mau (từ Cà Mau đất xốp đến thân cây đước)

TLCH: Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao?

II – Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

Thu vàng diễm lệ ở En-giơ-lân

Cứ mỗi độ thu sang, người dân ở khắp nơi lại đổ về Niu En-giơ-lân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diễm lệ của mùa thu vàng nơi đây. Với địa hình đồi núi đa dạng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc, mùa thu Niu En-giơ-lân đẹp hơn bất cứ nơi đâu trên nước Mĩ. Nó trở thành miền đất ước ao được một lần đặt chân của những du khách yêu thích khám phá sự kì diệu của thiên nhiên.

Dưới bầu trời trong xanh là những ngọn đồi, núi, cao thấp nhấp nhô, trập trùng với muôn màu sắc. Màu vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ thẫm, đỏ tươi… như thắp lửa tỏa sáng rực rỡ nổi bật giữa sắc xanh của những cây không rụng lá về mùa đông. Những con đường mềm mại uốn lượn từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Bên đường là những ngôi nhà xinh xắn ẩn hiện dưới những vòm lá đủ màu cùng với dòng xe đi lại tấp nập làm cho khung cảnh En-giơ-lân trở nên rất sống động. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy màu của lá. Lá rực rỡ trên cây, lá rải thảm ở dưới đất, trên những vỉa hè ở đường phố, trên những con đường trong công viên.

Khi tất cả những chiếc lá ở trên cây đồng loạt chuyển màu, ấy là lúc mùa lá vàng đã vào thời kì đỉnh điểm. Tất cả cùng bừng sáng, lung linh sắc màu huyền ảo để chỉ sau đó vài hôm, tất cả sẽ rụng xuống còn trơ cành để chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh lẽo cùn tuyết trắng. Đó cũng là thời điểm mọi người nô nức rủ nhau đi ngắm lá vàng. Những dòng xe nối đuôi nhau trên những con đường men theo đồi núi… Phong cảnh hiện ra trước khung cửa xe như những thước phim sống động : Những cánh rừng, những quả đồi rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ.. những con suối trong vắt soi bóng lá êm đềm chảy ôm lấy chân đồi.. Và tuyệt vời hơn cả là khi bạn dừng chân trên đỉnh núi cao nhất trong vùng mà ngắm nhìn xung quanh, ngắm nhìn thung lũng…Một bức tranh sắc màu trải rộng mênh mông : vàng, vàng nhạt, da cam, đỏ, đỏ tươi, đỏ thẫm, xanh, xanh nhạt, xanh biếc … xen lẫn nhau tạo nên biển màu nhấp nhô ngàn trùng sóng. Lúc này, bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu nơi đây.

(Theo Thu Hiền)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1 : Bài văn thuộc loại bài miêu tả nào em đã học?

a- Tả cây cối

b- Tả con vật

c- Tả cảnh

Câu 2 : Vì sao nhiều du khách ước ao được một lần đặt chân đến Niu En-giơ-lân?

a- Vì địa hình đồi núi đa dạng, mùa thu đẹp nhất nước Mĩ

b- Vì đường đến nơi đó vô cùng hiểm trở, nhiều thử thách

c- Vì địa hình tiêu biểu cho vùng Đông bắc của nước Mĩ

Câu 3 : Ở đoạn 2 (“Dưới bầu trời đến trong công viên”), tác giả sử dụng những từ ghép nào để miêu tả màu sắc mùa thu ở En-giơ-lân?

a- Vàng nhạt, vàng rực, đỏ tươi, trong xanh, sống động

b- Vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ tươi,đỏ thẫm

c- Vàng nhạt, vàng rực, da cam, đỏ thẫm, trong xanh

Câu 4 : Trong đoạn 3 (“Khi tất cả đến mù thu nơi đây.”), hình ảnh nào cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của mùa thu En-giơ-lân?

a- Những chiếc lá trên cây đồng loạt chuyển màu

b- Những con suối trong vắt soi bóng lá êm đềm chảy

c- Một bieernmafu nhấp nhô ngàn trùng sóng

Câu 5 : Cụm từ nào dưới đây phù hợp nhất với mùa thu vàng ở En-giơ-lân?

a- Diễm lệ, rực rỡ, sống động, đa sắc màu

b- Diễm lệ, rực rỡ, đẹp tuyệt vời, đa dạng

c- Diễm lệ, rực rỡ, xinh xắn, đa sắc màu

Câu 6 : Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đồng nghĩa với từ vàng rực?

a- Vàng tươi, vàng mượt, vàng bạc

b- Vàng tươi, vàng ròng, vàng mượt

c- Vàng óng, vàng tươi, vàng mượt

Câu 7 : Dòng nào dưới đây có các từ in nghiêng là từ đồng âm?

a- cây / phổi

b- bức tranh / tranh nhau

c- chân đi dép / chân đồi

Câu 8 : Dòng nào dưới đây có các từ in nghiêng là từ nhiều nghĩa?

a- cánh đồng / pho tượng đồng

b- con đường / cân đường trắng

c- ngọn lửa hồng / quả hồng

Câu 9 : Đoạn 1 (“Cứ mỗi độ thu sang đến của thiên nhiên”) có mấy câu sử dụng trạng ngữ ? (Gạch dưới bộ phận trạng ngữ trong câu)

a- Một câu

b- Hai câu

c- Ba câu

Câu 10 : Câu “Những dòng xe nối đuôi nhau trên những con đường men theo đồi núi.” Thuộc kiểu câu nào em đã học?

a- Ai làm gì?

b- Ai thế nào?

c- Ai là gì?

B- Kiểm tra viết

I- Chính tả nghe – viết (5 điểm)

Bình minh hương

Nơi thành phố, bình minh dậy, thế nào cũng phải qua cơn ngái ngủ, ánh sáng tán quang, tia mặt trời còn bị vương chưa vào thấu. Trên sân thượng nhìn ra, chỉ có thể gặp tia nhài quạt hắt lên như ánh đèn pha đọng thành quầng lan tỏa rồi sáng. Tiếng chim bói không ra, gà lục cục, loáng thoáng,gáy ồ ồ, chìm ào động cơ ào ào rầm rầm. Bấy giờ mới thèm sao buổi bình minh đầy hương sắc và âm thnah trong trẻo – bình minh hương.

(Theo Phong Thu)

Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bài chính tả trên giấy kẻ ô li.

II – Bài tập làm văn (5 điểm)

Tả một cảnh đẹp trên quê hương mà em yêu thích (Bài viết khoảng 15 câu )

(Chú ý: HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li )

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A – Đọc (10 điểm)

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi (5 điểm)

- Đọc đúng tiếng, đúng từ: 1 điểm (đọc sai từ 2 đến 4 tiếng 0,5 điểm, đọc sai quá 5 tiếng: 0 điểm)

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu và các cụm từ cho rõ nghĩa: 1 điểm (ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ : 0,5 điểm, ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên : 0 điểm )

- Bước đầu thể hiện cảm xúc trong giọng đọc: 1 điểm (giọng đọc chưa thể hiện rõ cảm xúc : 0,5 điểm; giọng đọc không thể hiện đúng cảm xúc: 0 điểm)

- Tốc độ đọc đạt yêu cầu (khoảng 1 phút): 1 điểm (đọc khoảng 2 phút: 0,5 điểm; đọc trên 2 phút: 0 điểm)

- Trả lời đúng ý câu hỏi: 1 điểm (trả lời chưa đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm, trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

VD: (1) HS phải cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn đẻ lớn lên xây dựng đất nước, làm cho dân tộc Việt nam bước tới đài vinh quang, sánh vai các cường quốc năm châu.

(2) Bạn nhỏ yêu mọi sắc màu trên quê hương đất nước, bạn yêu quê hương đất nước.

(3) Câu chuyện tố cáo chiến tranh hạt nhân, nói lên khát vọng sống, khát vọng hòa bình của trẻ em toàn thế giới.

(4) Rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi” vì có sự phối hợp của rất nhiều màu sắc vàng trong một không gian rộng lớn: lá vàng như cảnh mùa thu trên cây và rải thành thảm dưới gốc, những con mang màu lông vàng, nắng cũng rực vàng.

(5) Cây cối mọc thành chòm, thành rặng, rễ dài, cắm sâu vào lòng đất để chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt.

II- Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm)

1.c (0,5 điểm)

2.a (0,5 điểm)

3.b (0,5 điểm)

4.c (0,5 điểm)

5.a (0,5 điểm)

6.c (0,5 điểm)

7.b (0,5 điểm)

8.c (0,5 điểm)

9.b (0,5 điểm)

10.b (0,5 điểm)

Chú ý câu 9 không gạch đúng 2 trạng ngữ thì chỉ được 0,25 điểm

B – Viết (10 điểm)

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm – 15 phút)

- Em nhờ bạn (hoặc người thân) đọc để viết bài chính tả

- Bài viết được điểm tối đa khi không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đẹp. Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 0,5 điểm. Nếu chữ viết không rõ ràng,sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày không sạch sẽ... bị trừ một điểm toàn bài

II – Tập làm văn (5 điểm, thời gian làm bài khoảng 35 phút)

- Viết đúng kiểu bài văn tả cảnh. Bài viết có độ dài khoảng 15 câu, đủ 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) ; nội dung bám sát yêu cầu đề, miêu tả được một vài nét tiêu biểu về cảnh đẹp cụ thể trên quê hương em. Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.

- Bài làm đạt những yêu cầu nêu trên có thể đánh giá ở mức Giỏi (5 – 4,5 điểm). Tùy theo hạn chế trong bài làm, có thể đánh giá các mức còn lại như sau: Khá ( 4 – 3,5 điểm); Yếu (2 – 1,5 điểm) ; Kém (1 – 0,5 điểm )

Xem thêm các bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 có đáp án hay khác: