Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 12 có đáp án
Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 12 có đáp án
Haylamdo biên soạn và sưu tầm Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 12 có đáp án như là một phiếu đề kiểm tra cuối tuần gồm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh ôn tập để biết cách làm bài tập Tiếng Việt 5.
Phiếu Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 12 có đáp án
Thời gian: 45 phút
I – Bài tập về đọc hiểu
Sắc tím bằng lăng
Không rộn rã tưng bừng hay khoa trương sặc sỡ, nhưng khi nở, bằng lăng rực một góc trời. Cũng như những cánh phượng hồng, bằng lăng là loài hoa “nữ hoàng của mùa hạ”.
Hoa bằng lăng chỉ đẹp nhất khi khoe sắc tím trên cây cùng những chiếc lá xanh căng tràn sức sống.
Không biết sao cả tôi và bạn đều thích cái màu tím ấy, đó là màu thời gian xa xôi. Vì bằng lăng tím có bao giờ tím mãi, cứ đến hẹn lại lên, những cánh bằng lăng thi nhau nở bung một góc trời, nắng mưa qua ngày, sắc tím phai dần, phai dần theo thời gian. Đã không biết bao nhiêu buổi chiều tôi và bạn đứng ngẩn ngơ nhìn những bông hoa tím đang chuyển sang màu tím nhạt, rồi màu trắng…
Một ngày kia, những bông hoa cứ rụng dần, thay vào đó là mùa quả, những mùa quả tròn căng mọc thành từng chùm…để rồi năm sau lại khô xác đi rụng xuống, nhường chỗ cho những lớp lá non mới nhú.
Con gái chúng mình hình như đứa nào cũng có một góc để thương để nhớ. Và tôi biết, màu tím bằng lăng sẽ khiến chúng mình không bao giờ quên được tuổi học trò hồn nhiên một thuở.
(Theo Nguyễn Thị Thu Hà)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
Câu 1 : Hoa bằng lăng được mệnh danh là gì?
a- Nữ hoàng áo tím
b- Nữ hoàng của các loài hoa
c- Nữ hoàng của mùa hạ
Câu 2 : Hoa bằng lăng đẹp nhất khi nào?
a- Khi khoe sắc tím trên cây cùng lá xanh
b- Khi màu tím chuyển sang nhạt dần
c- Khi bằng lăng chuyển hẳn sang màu trắng
Câu 3 : Tại sao màu bằng lăng được gọi là màu thời gian xa xôi?
a- Vì màu tím bằng lăng cứ phai nhạt dần theo thời gian
b- Vì bằng lăng nở vào mùa hè, các bạn học trò chia tay nhau
c- Vì màu tím là màu thủy chung dù nhiều thời gian trôi qua
Câu 4 : Màu tím bằng lăng khiến tác giả không quên được điều gì?
a- Một loài hoa đẹp
b- Loài hoa “nữ hoàng của mùa hạ”
c- Tuổi học trò hồn nhiên
II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn
Câu 1 : Điền vào chỗ trống:
a) s hoặc x : nắm…ôi, nước …ôi, sản …uất, …uất ăn trưa
b) ăt hoặc ăc : đôi m…, thắc m…, gi… giũ, đánh gi…
c) uôn hoặc uông : b…chuối, b…ngủ, b…làng, b…. tay
Câu 2 : Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống sao cho thích hợp:
a) Chúng em góp phần…….. môi trường xanh, sạch, đẹp
b) Thóc gạo trong kho luôn được………..tốt.
c) Người tham gia giao thông cần đội mũ……….để phòng tai nạn.
d) Công tác ……………di tích lịch sử và văn hóa luôn được coi trọng.
e) Đơn vị du kích rút về khu căn cứ để……..lực lượng.
(bảo quản, bảo vệ, bảo tồn, bảo toàn, bảo hiểm)
Câu 3 : a) Chọn quan hệ từ (và, với, để, của, thì, như) thích hợp điền vào mỗi chỗ trống để hoàn chỉnh các câu sau :
(1) Cuộc sống quê tôi gắn bó………cây cọ.
(2) Cha làm cho tôi chiếc chổi cọ…………quét nhà, quét sân.
(3) Bảo vệ rừng đầu nguồn là trách nhiệm……..tất cả mọi người.
(4) Bình minh, mặt trời……….chiếc thau đồng đỏ ối chiếu xuống mặt biển, nước biển nhuộm màu hồng nhạt.
(5) Trưa, nước biển xanh lơ…….khi chiều tà…..biển đổi sang màu xanh lục.
b) Gạch dưới cặp quan hệ từ ở mỗi câu và cho biết chúng biểu thị quan hệ gì giữa các bộ phận của câu bằng cách điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn :
(1) Nhờ sân trường luôn rợp mát bóng cây nên chúng em được vui chơi thỏa thích dưới nắng hè. ( Biểu thị quan hệ……………………)
(2) Nếu cây thiếu ánh sáng thì những chiếc lá cũng không còn màu xanh. ( Biểu thị quan hệ………………….)
(3) Rừng không chỉ đem lại nguồn tài nguyên quý giá mà còn có tác dụng điều hòa khí hậu trên trái đất (Biểu thị quan hệ………………… )
Câu 4 : Lập dàn ý bài văn tả một người trong gia đình em
Gợi ý
a) Mở bài (Giới thiệu): Người trong gia đình em sẽ tả là ai? Lí do nào khiến em chọn tả người đó?...
b) Thân bài
- Tả ngoại hình
+ Người đó trạc bao nhiêu tuổi ? Tầm vóc ra sao ? ( nhỏ nhắn / đậm đà / cân đối…) Cách ăn mặc thế nào ? ( gọn gàng / giản dị,…)
+ Khuôn mặt, mái tóc, cặp mắt, hàm răng, nụ cười,… có những nét gì nổi bật ? ( ( VD : khuôn mặt đầy đặn dễ mến ; mái tóc buông xõa hai vai ; cặp mắt nâu hiền ; hàm răng trắng đều đặn ; nụ cười tươi tắn,… )
- Tả tính tình, hoạt động
+ Lời nói, cử chỉ, thói quen của người em tả có những điểm gì làm em chú ý ? ( VD : lời nói dịu dàng ; làm việc cẩn thận, chu đáo ; có thói quen dậy sớm đi bộ quanh công viên,…)
+ Thái độ và cách cư xử của người đó đối với em và những người khác ra sao ? (VD : ân cần hỏi han mỗi khi em đi học về ; bảo ban nhẹ nhàng khi em mắc lỗi ; vui vẻ, hòa nhã với bà con xóm giềng,….)
c) Kết bài: Người em miêu tả đã để lại ấn tượng gì sâu sắc đối với em (hoặc có ảnh hưởng gì đối với em trong cuộc sống ; có vai trò như thế nào trong gia đình)?
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Câu 5 : Viết một đoạn thân bài theo dàn ý em đã lập
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
........................................................................................................................................................
Đáp án và Hướng dẫn làm bài
Phần I – 1.c 2.a 3.a 4.c
Phần II-
Câu 1 : a) nắm xôi, nước sôi, sản xuất, suất ăn trưa
b) đôi mắt, thắc mắc, giặt giũ, đánh giặc
c) buồng chuối, buồn ngủ, buôn làng, buông tay
Câu 2 : ) Chúng em góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp
b) Thóc gạo trong kho luôn được bảo quản tốt
c) Người tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm để phòng tai nạn
d) Công tác bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa luôn được coi trọng
e) Đơn vị du kích rút về khu căn cứ để bảo toàn lực lượng.
Câu 3 : a) (1) Cuộc sống quê tôi gắn bó với cây cọ.
(2) Cha làm cho tôi chiếc chổi cọ để quét nhà, quét sân.
(3) Bảo vệ rừng đầu nguồn là trách nhiệm của tất cả mọi người.
(4) Bình minh, mặt trời như chiếc thau đồng đỏ ối chiếu xuống mặt biển, nước biển nhuộm màu hồng nhạt.
(5) Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà thì biển đổi sang màu xanh lục.
b) (1) Nhờ sân trường luôn rợp mát bóng cây nên chúng em được vui chơi thỏa thích dưới nắng hè. ( Biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả )
(2) Nếu cây thiếu ánh sáng thì những chiếc lá cũng không còn màu xanh. ( Biểu thị quan hệ giả thiết, điều kiện – kết quả)
(3) Rừng không chỉ đem lại nguồn tài nguyên quý giá mà còn có tác dụng điều hòa khí hậu trên trái đất ( Biểu thị quan hệ tăng tiến )
Câu 4 : Tham khảo ( dàn ý chi tiết bài văn tả ông nội )
a) Mở bài
- Từ khi em đi học, người gần gũi em nhiều nhất chính là ông nội
- Nhìn hai ông cháu, ai cũng bảo em và ông nội có gương mặt giống nhau.
b) Thân bài
- Tả ngoại hình
+ Ông nội năm nay 71 tuổi ; vóc người cao cao nhưng hơi gầy ; thường mặc bộ đồ sơ mi nâu giản dị.
+ Ông có gương mặt trông rất hiền ; mái tóc cắt ngắn, ít sợi bạc ; đôi mắt đen sáng ; hàm răng tuy không trắng nhưng vẫn còn đều đặn, nụ cười tươi trẻ, dễ gần,… Đã ngoài 70 nhưng da mặt của ông ít nếp nhăn, chỉ có vết sẹo nhỏ ( bị thương hồi kháng chiến chống Mĩ ) làm cho má bên phải hơi dúm lại,…
- Tả tính tình, hoạt động
- Giọng nói của ông thật nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần với tất cả mọi người. Mỗi lần em được điểm tốt về khoe với ông, ông dang rộng cánh tay cho em sà vào lòng để vỗ về, khen nựng : “Cháu làm ông rất vui và thấy trẻ lại như hồi còn đi học.” Ông có thói quen dậy sớm đun nước pha trà, đi bộ một vòng quanh Bờ Hồ, mua tờ báo mới về đọc tin buổi sáng,…
+ Ông ân cần hỏi han em về việc học tập và vui chơi, bảo ban nhẹ nhàng mỗi khi em đi đá bóng về muộn hoặc quét nhà chưa sạch ; trao đổi nhẹ nhàng với mẹ em một vài việc về gia đình và con cái ngay sau bữa cơm tối ; gần gũi, vui vẻ chào hỏi mọi người, tham gia câu lạc bộ cờ tướng của các cụ trong tổ hưu trí của phường ; kể chuyện chiến đấu oanh liệt năm xưa cho bọn trẻ chúng em làm ai cũng thích…
c) Kết bài: Bố em đóng quân tận biên giới, mẹ thỉnh thoảng đi công tác xa, ông nội là người luôn gần gũi bên em và để lại nhiều ấn tượng thật sâu sắc; đôi lúc em thấy ông gần gũi như bố mẹ, lại có lúc thân mật như bạn bè, chả thế mà nhiều người cứ khen ông trẻ lâu.
Câu 5 : Tham khảo: Em Bống nhà em năm nay đã tròn một tuổi. Trông em thật đáng yêu với chùm tóc nhỏ lơ thơ vài sợi tóc tơ túm lại. Bống có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng hồng. Đôi mắt em tròn xoe, long lanh, lúc nào cũng ngấn ít nước. Cặp lông mày hình trăng khuyết. Đôi má lúm đồng tiền thật xinh và cái miệng nhỏ chúm chím. Mỗi khi có bánh kẹo, em lại cho Bống. Những lúc ấy, bé rất vui, cười toét miệng để lộ bốn cái răng sữa trắng muốt. Em Bống đúng là một thiên thần nhỏ xinh xắn, dễ thương!
(Theo Internet)