Giải Địa Lí 12 trang 13 Cánh diều
Với Giải Địa Lí 12 trang 13 trong Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống Địa 12 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 dễ dàng trả lời các câu hỏi & làm bài tập Địa 12 trang 13.
Giải Địa Lí 12 trang 13 Cánh diều
Câu hỏi trang 13 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất ở nước ta.
Lời giải:
- Đối với nông nghiệp:
+ Tạo thuận lợi cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
+ Hệ thống sông ngòi nhiều nước cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng. Là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
+ Sự thất thường của thời tiết, khí hậu, chế độ dòng chảy sông ngòi thường gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất. Nhiệt và ẩm cao cũng tiềm ẩn nhiều thiên tai, nguy cơ dịch bệnh, sản xuất bấp bênh, nhiều rủi ro,…
- Đối với các ngành khác:
+ Tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm.
+ Mật độ sông ngòi lớn, nguồn nước dồi dào là điều kiện phát triển giao thông vận tải đường thủy, thủy điện, cung cấp nước cho các ngành sản xuất. Mùa khô là thời kì thuận lợi cho các hoạt động khai thác và xây dựng.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm và thiên tai thường đẩy nhanh tốc độ hư hại các công trình xây dựng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu và chế độ dòng chảy có thể làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch.
Câu hỏi trang 13 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến đời sống ở nước ta.
Lời giải:
- Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy dông ngòi lớn là nguồn cung cấp nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu khai thác nước sinh hoạt. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của người dân cũng có sự thay đổi nhằm thích ứng với sự phân mùa của khí hậu.
- Nhiều thiên tai: bão, mưa lớn, lũ lụt, đất trượt, lũ quét, nắng nóng, hạn hán,… tác động xấu tới sức khỏe con người và gây tổn thất lớn về người, tài sản.
Luyện tập 1 trang 13 Địa Lí 12: Phân tích những thuận lợi của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất ở nước ta.
Lời giải:
Thuận lợi của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến ngành nông nghiệp:
- Tạo thuận lợi cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
- Hệ thống sông ngòi nhiều nước cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng. Là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng lớn.
Vận dụng 2 trang 13 Địa Lí 12: Thu thập thông tin và viết báo cáo ngắn về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất: nông nghiệp hoặc công nghiệp hoặc giao thông vận tải hoặc du lịch ở địa phương em.
Lời giải:
Báo cáo về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất nông nghiệp ở Thái Nguyên
Thời tiết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nắng nóng xen kẽ mưa rào, nguồn nhiệt ẩm dồi dào này là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa. Ở thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm làm tình hình diễn biến bệnh do sâu cuốn lá gây ra có nguy cơ gia tăng ảnh hưởng đến các trà lúa mùa muộn. Hiện sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện gây hại rải rác trên diện tích lúa mùa muộn. Nếu không được phòng trừ kịp thời, đúng ngưỡng, đối tượng sâu này có thể gây nên hiện tượng lép, lửng, ảnh hưởng đến vụ lúa mùa. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế và cử cán bộ bám sát cơ sở để kịp thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại. Việc chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại cho lúa mùa muộn khi tới ngưỡng sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đồng ruộng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng vụ mùa.