Giáo dục công dân lớp 9 Bài 2: Tự chủ
Giáo dục công dân lớp 9 Bài 2: Tự chủ
Để học tốt Giáo dục công dân lớp 9, dưới đây là các bài giải bài tập, trả lời gợi ý và trả lời câu hỏi Giáo dục công dân lớp 9 Bài 2: Tự chủ ngắn gọn nhất, chi tiết giúp bạn học tốt môn GDCD 9 hơn.
Trả lời Gợi ý GDCD 9 Bài 2 trang 7:
a) Bà Tâm đã làm gì trước nỗi bất hạnh to lớn của gia đình ?
Trả lời:
+ Chăm sóc con tận tình chu đáo trước biến cố to lớn của gia đình.
+ Luôn bên cạnh động viên tinh thần con để con không mặc cảm và tự ti vì mang trong mình căn bệnh thế kỉ.
+ Tích cực tham gia giúp đỡ những người bị nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời;
+ Động viên và vận động gia đình những người nhiễm HIV/AIDS không kì thị, xa lánh họ.
b) Theo em, bà Tâm là người như thế nào ?
Trả lời:
Bà Tâm là người mẹ hết lòng vì con, không bi quan chán nản, đau khổ. Bà là chỗ dựa tinh thần vững chắc để con trai vượt qua mặc cảm bệnh tật và tiếp tục sống lạc quan.
c) N đã từ một học sinh ngoan đi đến chỗ nghiện ngập và trộm cắp như thế nào? Vì sao như vậy?
Trả lời:
+ N chơi cùng nhóm bạn xấu và nghe theo lời rủ rê, lôi kéo nên tham gia vào các trò chơi không lành mạnh.
+ N chểnh mảng, bỏ bê học hành, trốn học liên miên. Kết quả N thi trượt tốt nghiệp lớp 9.
+ N không nghiêm túc nhìn nhận bản thân để sửa sai mà tiếp tục sa ngã và nghiện ngập.
+ Không có tiền ăn chơi đua đòi và chích hút, N đã tham gia trộm cắp và bị bắt giữ.
→ Vì N không có chính kiến, không có quan điểm riêng cũng như bản lĩnh trước những cám dỗ xung quanh mình. Do vậy, N không nhận thức hết hành vi và hậu quả của bản thân, không biết sửa chữa, hối cải mà tiếp tục sa ngã. Hành vi ấy gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, khiến cha mẹ buồn lòng, xấu hổ vì mình, gây nguy hiểm cho xã hội.
d) Theo em, tính tự chủ được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
- Tự chủ trước hết là sự bình tĩnh không nóng nảy, vội vàng, hấp tấp; luôn đặt ra những mục tiêu cho bản thân và có chính kiến, suy nghĩ riêng tích cực, sáng suốt.
- Khi gặp khó khăn không sợ hãi, chán nản, bi quan mà luôn luôn có cái nhìn tích cực và tìm ra hướng giải quyết.
đ) Vì sao con người cần phải biết tự chủ?
Trả lời:
- Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc hoặc may mắn. Con người luôn luôn gặp những tình huống khó khăn đòi hỏi phải có cách xử lí đúng đắn, hợp tình hợp lí và sáng suốt.
- Đối với cá nhân: Tính tự chủ giúp con người tránh được những sai lầm đáng tiếc, giúp ta có cái nhìn lạc quan trước khó khăn, sóng gió và dễ dàng tìm ra hướng giải quyết đúng đắn trước khó khăn đó.
- Đối với xã hội: Nếu mọi người đều biết làm chủ hành vi của mình, luôn vì lợi ích chung, không tham lam, nóng nảy thì xã hội sẽ tốt đẹp, nhân văn hơn.
Bài 1 trang 8 Giáo dục công dân 9:
Em đồng ý với những ý kiến nào sau đây? Vì sao?
a) Người tự chủ biết tự kiềm chế những ham muốn của bản thân;
b) Không nên nóng nảy, vội vàng trong hành động;
c) Người tự chủ luôn hành động theo ý mình;
d) Cần biết điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong các tình huống khác nhau;
đ) Người có tính tự chủ không cần quan tâm đến hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp;
e) Cần giữ thái độ ôn hoà, từ tốn trong giao tiếp với người khác.
Trả lời:
- Em đồng tình với những ý kiến: (a), (b), (d) (e).
- Vì: Những biểu hiện đó là những biểu hiện của người có tính tự chủ - biết suy nghĩ kĩ trước khi hành động; biết nhận thức hậu quả của mỗi hành động, biết điều chỉnh thái độ và hành vi của mình đúng mực, phù hợp và cầu thị trong giao tiếp, ứng xử.
Bài 2 trang 8 Giáo dục công dân 9:
Em hãy kể lại một câu chuyện về một người biết tự chủ.
Trả lời:
Em có thể kể những câu chuyện xung quanh cuộc sống của em.
Bài 3 trang 8 Giáo dục công dân 9:
Chủ nhật, Hằng được mẹ cho đi chơi phố. Qua các cửa hiệu có nhiều quần áo mới đúng mốt, bộ nào Hằng cũng thích. Em đòi mẹ mua hết bộ này đến bộ khác làm mẹ rất bực mình. Buổi đi chơi phố mất vui.
Em hãy nhận xét việc làm của Hằng. Em sẽ khuyên Hằng như thế nào?
Trả lời:
- Việc làm của Hằng là chưa đúng; đây là biểu hiện của một người chưa có tính tự chủ, chưa biết nhìn nhận và điều chỉnh sở thích của mình.
- Em sẽ khuyên Hằng không nên đòi hỏi nhiều như vậy. Bạn nên xin lỗi mẹ vì hành động chưa đúng của mình. Đồng thời nên suy nghĩ chín chắn, cân nhắc lựa chọn chỉ một món đồ mình thích nhất để xin phép mẹ mua cho.
Bài 4 trang 8 Giáo dục công dân 9:
Hãy tự nhận xét xem bản thân em đã có tính tự chủ chưa. (Trước những khó khăn, xích mích, xung đột, em có giữ được bình tĩnh và thái độ ôn hoà, lễ độ khòng ? Khi bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo, em có theo họ không ? v.v). Hãy nêu một số tình huống đòi hỏi tính tự chủ mà em có thể gặp (ở nhà, ở trường, ở nơi công cộng) và dự kiến cách ứng xử phù hợp.
Trả lời:
- Tự nhận xét: Bản thân em là người có tính tự chủ.
+ Khi gặp khó khăn em không chán nản và đổ lỗi cho hoàn cảnh và nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân.
+ Khi gặp xích mích hay xung đột, em không tức giận gây gổ hay xúc phạm mọi người mà im lặng và bĩnh tĩnh tìm hướng giải quyết mâu thuẫn.
+ Khi bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo, em không nghe theo họ mà tránh xa và luôn giữ vững lập trường của mình, đồng thời khuyên nhủ họ không nên tiếp tục con đường sai trái ấy.
- Một số tình huống đòi hỏi em có tính tự chủ:
+ Bạn cùng lớp rủ em trốn học để đi chơi điện tử, em đã kiên quyết từ chối và khuyên bạn không nên làm như vậy.
+ Có người lạ mặt nhờ em mang giúp một túi đồ khả nghi đến quán nước hay điểm hẹn và hứa sẽ cho nhiều tiền nếu em làm tốt, em sẽ thẳng thừng từ chối và báo lại sự việc với cô giáo chủ nhiệm để cô nhắc nhở các bạn trong lớp, đồng thời kể với bố mẹ để bố mẹ tư vấn thêm cách xử lí.