Lý thuyết KHTN 8 Chân trời sáng tạo Bài 10: Base
Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 10: Base sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Chân trời sáng tạo Bài 10: Base
I. Khái niệm base
1. Khái niệm
Base là hợp chất mà phân tử có một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hydroxide (OH−). Khi tan trong nước, phân tử base sẽ tạo ra ion OH−.
Ví dụ:
Sodium hydroxide có công thức hoá học là NaOH. Sodium hydroxide là chất rắn, tan tốt trong nước và khi tan toả nhiều nhiệt.
Khi tan trong nước, phân tử NaOH tạo ra ion OH-:
NaOH → Na+ + OH−
2. Tính tan trong nước của các base
Dựa vào khả năng hoà tan trong nước, các base được chia làm 2 loại là base tan được trong nước (kiềm) và base không tan trong nước.
+ Một số base tan được trong nước: NaOH, KOH, LiOH, Ba(OH)2 …
+ Một số base không tan được trong nước: Fe(OH)3, Mg(OH)2, Cu(OH)2, Fe(OH)2 …
II. Tính chất hoá học của base
1. Dung dịch base (kiềm) làm đổi màu chất chỉ thị
Dung dịch base làm đổi màu quỳ tím thành màu xanh và làm dung dịch phenolphthalein không màu thành màu hồng.
2. Base tác dụng với acid
Base tác dụng với một số acid tạo thành muối và nước.
Ví dụ:
NaOH + HCl → NaCl + H2O
Ba(OH)2 + 2HCl → BaCl2 + 2H2O
Ca(OH)2 + H2SO4 → CaSO4 + 2H2O.
Mở rộng:
Các base có nhiều ứng dụng trong đời sống và trong công nghiệp. Ví dụ:
+ NaOH là hoá chất cơ bản dùng để sản xuất ra xà phòng, chất tẩy rửa hay bột giặt…
+ Ca(OH)2 dùng trong việc khử chua đất trồng trọt, khử độc chất thải sinh hoạt, xác chết động vật hay xử lí nước thải sinh hoạt hoặc chất thải công nghiệp.