Lý thuyết KHTN 8 Chân trời sáng tạo Bài 11: Thang pH
Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Bài 11: Thang pH sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 8 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Lý thuyết KHTN 8 Chân trời sáng tạo Bài 11: Thang pH
I. Thang pH
Các chất chỉ thị màu như giấy quỳ tím hay dung dịch phenolphthalein cho phép ta nhận biết được một dung dịch nào đó có tính acid hoặc base nhưng không giúp ta nhận biết được acid hay base có độ mạnh hay yếu.
Vì thế, để xác định được độ acid hay base của dung dịch ở khoảng nào thì người ta dùng thang pH.
Thang pH
- Nếu pH < 7: dung dịch có môi trường acid, pH càng nhỏ, độ acid của dung dịch càng lớn.
- Nếu pH = 7: dung dịch có môi trường trung tính.
- Nếu pH > 7: dung dịch có môi trường base, pH càng lớn, độ base của dung dịch càng lớn.
Chú ý:
Ngoài cách sử dụng giấy pH, ta có thể dùng pH kế - một thiết bị tự động để xác định pH của dung dịch.
pH kế
II. pH và môi trường sống
pH của môi trường có ảnh hưởng đến đời sống của con người và các loài động, thực vật. Việc xác định giá trị pH phù hợp sẽ góp phần cải tạo môi trường, xây dựng và phát triển cho cơ thể sống.
Ví dụ:
- pH của máu người và động vật có giá trị gần như không đổi (một người khoẻ mạnh có giá trị pH của máu nằm trong khoảng từ 7,35 đến 7,45).
- Một số cây trồng như khoai tây thích hợp với đất chua (đất acid) có pH = 4,5 – 6; một số loại rau như xà lách, rau diếp lại thích hợp với đất kiềm có pH = 8 – 9.
- Loài cá có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường có pH trong khoảng 7 – 8,5.
Mở rộng:
Trong tự nhiên, một số loài thực vật có tính chất thay đổi màu sắc theo pH của môi trường do chứa các hợp chất thuộc nhóm anthocyanin. Chúng chuyển sang màu đỏ trong môi trường acid và hoá xanh trong môi trường base giống như quỳ tím.