Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 12 Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế - Cánh diều
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KTPL 12.
Lý thuyết KTPL 12 Bài 2: Hội nhập kinh tế quốc tế - Cánh diều
1. Khái niệm hội nhập kinh tế quốc tế
- Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình một quốc gia thực hiện gắn kết nền kinh tế của mình với nền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới dựa trên cơ sở cùng có lợi và tuân thủ các quy định chung.
2. Sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế
- Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu khách quan với tất cả các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá.
- Hội nhập kinh tế quốc tế giúp mỗi quốc gia mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập của các tầng lớp dân cư.
- Đối với các nước đang phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội tiếp cận và sử dụng các nguồn lực bên ngoài như tài chính, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lí,... cho quá trình phát triển của mình.
3. Các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế
- Hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện theo nhiều cấp độ khác nhau. Một quốc gia có thể tham gia hợp tác kinh tế song phương với quốc gia khác, tham gia vào các hoạt động kinh tế với nhiều quốc gia ở cấp độ khu vực, hoặc tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới với các tổ chức kinh tế có phạm vi toàn cầu.
- Xét theo mức độ liên kết trong hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia có thể tham gia thoa thuận thương mại ưu đãi, hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh kinh tế.
- Hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện thông qua các hình thức đa dạng của các hoạt động kinh tế như thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, các dịch vụ thu ngoại tệ,...