Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 14: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ năm 1975 đến nay - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 14: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ năm 1975 đến nay sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 12.
Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 14: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ năm 1975 đến nay - Kết nối tri thức
1. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn 1975-1985
- Hợp tác toàn diện với các nước xã hội chủ nghĩa:
+ Việt Nam phối hợp với các nước xã hội chủ nghĩa trên diễn đàn quốc tế và đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nhất là lĩnh vực kinh tế.
+ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác chặt chẽ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều hiệp ước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học-kĩ thuật đã được kí kết. Năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV).
+ Đối với Trung Quốc, Việt Nam tiến hành đàm phán để giải quyết các xung đột về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng
- Thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á:
+ Việt Nam phát triển quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác với Lào, Cam-pu-chia; sẵn sàng thiết lập quan hệ hợp tác, cùng tồn tại hoà bình và phát triển với các nước khác ở Đông Nam Á.
+ Sau năm 1975, lập trường của Việt Nam là không ngừng củng cố quan hệ giữa ba nước Đông Dương. Từ năm 1980, Việt Nam chủ trương thúc đẩy đối thoại, từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước thành viên ASEAN.
Lễ kết nạp Việt Nam vào Tổ chức ASEAN (1995)
- Thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế và các nước khác:
+ Việt Nam tích cực thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
+ Việt Nam tích cực đấu tranh chống chính sách cấm vận của Mỹ, hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo...; đẩy mạnh quan hệ với các nước tư bản, thành lập cơ quan đại diện ngoại giao ở nhiều nước, gia nhập các tổ chức quốc tế,...
+ Việt Nam tham gia các hoạt động góp phần phát huy vai trò tích cực của Phong trào Không liên kết trong cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình.
2. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời kì Đổi mới (từ năm 1986 đến nay)
- Phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng:
+ Để thoát ra khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập, tranh thủ mọi điều thuận lợi cho phát triển kinh-xã hội, hoạt động đối ngoại Việt Nam được triển khai trên lĩnh vực, trong đó trọng tâm giải quyết vấn đề Cam-pu-chia.
+ Sau khi Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia được kí kết (10-1991), Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (1991), với Mỹ (1995), gia nhập ASEAN (1995),...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Hà Nội vào ngày 10-9-2023
- Củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác khác:
+ Quan hệ giữa Việt Nam với phần lớn các nước trên thế giới đã từng bước được cải thiện và mở rộng từ giữa những năm 80 của thế kỉ XX, sau khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới.
+ Việt Nam không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Lào, Cam-pu-chia và Cu-ba. Với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
+ Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng chặt chẽ, được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Việt Nam cũng tích cực mở rộng và phát triển quan hệ với nhiều nước khác trên thế giới.
- Tích cực, chủ động hội nhập khu vực và thế giới:
+ Việt Nam trở thành thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế (ASEAN, WTO,...),...
Việt Nam kí hiệp định tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)…. và nhiều hiệp định quan trọng khác.
+ Việt Nam tích cực triển khai hoạt động đối ngoại tại các tổ chức, diễn đàn, hội nghị đa phương với các đối tác trọng tâm có tầm ảnh hưởng và đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ưu tiên là kinh tế, quốc phòng-an ninh.
- Triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Tổ quốc: Để đảm bảo hoà bình, ổn định, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo của Tổ quốc, Việt Nam tham gia đàm phán và kí kết các thoả thuận, các hiệp định về phân định biên giới trên bộ, trên biển.
+ Đối với Trung Quốc, Việt Nam kí kết các hiệp ước về biên giới trên đất liền và phân định vịnh Bắc Bộ, giải quyết những tranh chấp thông qua biện pháp hoà bình.
+ Với Lào và Cam-pu-chia, Việt Nam đã đạt được nhiều thoả thuận trong phát triển đường biên giới hoà bình, hữu nghị.
+ Việt Nam đã đàm phán về ranh giới trên biển với Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan, giải quyết các bất đồng bằng con đường đàm phán, thương lượng.
- Tích cực hợp tác nhằm bảo vệ môi trường, giao lưu văn hóa và hỗ trợ nhân đạo:
+ Nhằm hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nâng cao vị thế đất nước, Việt Nam cam kết tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy gắn kết cộng đồng thông qua giao lưu văn hoá.
Việt Nam tham gia đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, kí kết Nghị định thư Ki-ô-tô, cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính.
+ Việt Nam tích cực thúc đẩy giao lưu văn hoá với các quốc gia khác thông qua các lễ hội văn hoá, chương trình ngoại giao văn hoá và trao đổi giáo dục.
+ Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai cho các quốc gia trong và ngoài khu vực như: Cam-pu-chia, Cu-ba, Nê-pan, In-đô-nê-xi-a, I-rắc, Xi-ri, Thổ Nhĩ Kỳ,... Việt Nam và ngoài khu tích cực giúp đỡ thiết bị, vật tư y tế cho một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19,...