Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay - Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn tóm tắt lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 12 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 12.
Lý thuyết Lịch Sử 12 Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 - 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay - Kết nối tri thức
1. Bối cảnh lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay
- Thế giới:
+ Xu thế hoà hoãn Đông - Tây tiếp tục diễn ra, nhưng tình trạng bất ổn, xung đột vẫn diễn ra nhiều nơi trên thế giới.
+ Quan hệ giữa các nước lớn ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.
- Trong nước:
+ Đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
+ Tình hình kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
+ Bị Mỹ bao vây, cấm vận.
+ Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Cam-pu-chia có nhiều dấu hiệu bất ổn.
2. Diễn biến chính của quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975
a) Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam Việt Nam
- Hoàn cảnh: Sau khi lên nắm quyền (4-1975), chính quyền Pôn Pốt đã phát động chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
+ Từ tháng 5-1975, quân Pôn Pốt gây ra nhiều vụ hành quân khiêu khích, xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam như: đánh chiếm đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu và xâm nhập nhiều vùng biên giới trên đất liền Việt Nam.
+ Ngày 30-4-1977, quân Pôn Pốt mở cuộc tấn công dọc tuyến biên giới tỉnh An Giang.
- Diễn biến chính: cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam diễn ra qua hai giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 (từ ngày 30-4-1977 đến ngày 5-1-1978):
▪ Quân Pôn Pốt tấn công dọc tuyến biên giới, tàn sát dân thường...
▪ Cùng với việc tổ chức lực lượng vũ trang đánh lui quân địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực hoạt động ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình.
+ Giai đoạn 2 (từ ngày 6-I-1978 đến ngày 7-1 -1979):
▪ Quân Pôn Pốt tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Ngày 22-12-1978, quân Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tấn công quy mô lớn vào Tây Ninh. Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công, làm tan rã đại bộ phận quân chủ lực đối phương.
▪ Theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Cam-pu-chia đánh đổ chính quyền Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) được hoàn toàn giải phóng
Các lực lượng vũ trang Cam-pu-chia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, trưa ngày 7-1-1979
b) Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc
- Hoàn cảnh: Từ giữa năm 1975, tình hình quan hệ Việt Nam-Trung Quốc dần trở nên căng thẳng. Trung Quốc đơn phương chấm dứt các viện trợ kinh tế, kĩ thuật và khiêu khích, xâm phạm ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam.
- Diễn biến chính:
+ Sáng ngày 17-2-1979, hàng chục vạn quân Trung Quốc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc dài hơn 1 000 km của Việt Nam, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ Tổ quốc, quân dân Việt Nam, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã đứng lên chiến đấu. Nhiều trận chiến diễn ra quyết liệt ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, ... đã làm thất bại mục tiêu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Trung Quốc.
+ Trước cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân Việt Nam và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, Trung Quốc phải tuyên bố rút quân từ ngày 5-3-1979. Tuy nhiên, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc tiếp tục căng thẳng kéo dài cho tới cuối năm 1989 , đặc biệt là ở Vị Xuyên (Hà Giang).
Bộ đội Việt Nam bên cột mốc số 0 Lạng Sơn, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
c) Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông
- Sau Đại thắng Xuân 1975, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lí toàn bộ lãnh thổ đất nước, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
+ Ngày 12-5-1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
+ Năm 1994, Việt Nam là quốc gia thứ 63 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trước khi Công ước chính thức có hiệu lực vào tháng 12-1994.
+ Về quản lí hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam thành lập huyện đảo Hoàng Sa (trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nay thuộc thành phố Đà Nẵng) và huyện đảo Trường Sa (trực thuộc tỉnh Đồng Nai, nay thuộc tỉnh Khánh Hoà). Năm 2007, Chính phủ quyết định thành lập thị trấn Trường Sa cùng hai xã đảo: Song Tử Tây và Sinh Tồn trực thuộc huyện đảo Trường Sa.
+ Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, như: tổ chức triển lãm các hiện vật lịch sử, nghiên cứu, khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, xây bia chủ quyền, thiết lập các ngọn đèn biển và đưa dân ra sinh sống trên các đảo,...
- Trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo, Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và giữ vững hoà bình, ổn định để đất nước phát triển làm mục tiêu cao nhất.
+ Tháng 3-1988, quân đội Trung Quốc huy động lực lượng lớn tấn công các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo, hàng chục chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Ngay lúc đó, Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc về vấn đề này, đồng thời gửi nhiều công hàm phản đối và đề nghị hai bên Việt Nam-Trung Quốc thương lượng để giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
+ Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lí để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Những người lính hải quân nắm tay nhau tại Khu tưởng niệm Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà)
3. Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975 đến nay
- Bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
- Khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.
- Để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.
- Góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định ở khu vực châu Á và trên thế giới.
4. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay
- Không ngừng phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân
+ Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ Tổ quốc.
+ Ngày nay, đất nước đang tiến hành đổi mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hoá. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống để mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức rõ vai trò của tinh thần và phát huy tinh thần đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
- Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân
+ Thực tiễn cách mạng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chứng minh: Một dân tộc nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam nhưng lại có thể chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh,... là nhờ sự đoàn kết một lòng của cả dân tộc. Các tổ chức mặt trận đã giữ vai trò to lớn trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
+ Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
+ Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học lớn, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó, sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định.
+ Trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo ra thế và lực để đất nước ổn định và phát triển.
+ Các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng cho thấy cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đất nước vững mạnh, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao... là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ Tổ quốc. Ngược lại, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia sẽ tạo sức mạnh cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước.
- Phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân
+ Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục xây dựng và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật toàn dân đánh giặc, nghệ thuật tiến công chủ động, kiên quyết, mưu trí, sáng tạo,..
+ Trong bối cảnh sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện nay, nghệ thuật quân sự Việt Nam cần tiếp tục phát triển ở trình độ khoa học cao, đồng thời xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa