SBT Ngữ văn 10 Kiêu binh nổi loạn - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Kiêu binh nổi loạn sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10.

Giải SBT Ngữ văn 10 Kiêu binh nổi loạn - Cánh diều

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái thuộc thể loại nào sau đây?

A. Tiểu thuyết lịch sử

B. Tiểu thuyết chương hồi

C. Kí sự lịch sử

D. Truyện ngắn

Dựa vào đâu em biết được điều đó?

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Tiểu thuyết chương hồi

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nhân vật trong đoạn trích Kiêu binh nổi loạn thuộc về mấy phe đối địch?

A.1

B.2

C. 3

D.4

Trả lời:

Chọn đáp án: B. 2

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nguyên nhân dẫn đến việc binh lính nổi dậy chống lại Quận Huy?

A. Nhà chúa bỏ con cả, lập con út

B. Quận Huy vốn có ý phản nghịch

C. Chúa Trịnh Sâm yêu quý, say mê thứ phi Đặng Thị Huệ

D. Thứ phi hãm hại thế tử để cướp ngôi

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Nhà chúa bỏ con cả, lập con út

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phần (1) ghi lại lời của nhân vật Bằng Vũ như sau:

- Chỉ sợ anh em không cùng một bụng thôi. Chứ nếu ba quân động lòng, thì bất quá chỉ thừa dịp cúng cơm sáng xong, đánh một hồi trống trong phủ làm hiệu rồi kéo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!

Lời nói này tiêu biểu cho tính chất nào của cả đám kiêu binh?

A. Kỉ luật

B. Khinh nhờn

C. Manh động

D. Táo bạo

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Manh động

Câu 5 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những chi tiết sau đây tập trung thể hiện rõ nhất điều gì?

- Họ bèn dùng câu liêm móc cổ Quận Huy xuống, rồi đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ.

- Em ruột Quận Huy là Lý Vũ hầu Hoàng Lương [...] bị quân lính quát đứng lại, rồi họ vớ luôn gạch đá trên đường đập cho vỡ đầu và vứt xác xuống hồ Thuỷ Quân.

- Chỉ trong chốc lát, nhà cửa của Quận Huy bị phá tan tành, một mảnh ngói cũng không còn.

- Phàm các quan văn võ hễ ai thuộc bè đảng của Thị Huệ và Quận Huy, cùng những người dự vào việc tố giác vụ án năm Canh Tí, những viên quan hầu mọi ngày có tính nghiệt ngã mà quân lính vẫn ghét, lúc ấy cũng đều bị phá nhà hàng loạt và bị lùng bắt đem giết chết.

A. Sức mạnh tàn bạo, mù quáng của kiêu binh

B. Triều đại phong kiến lâu đời rơi vào tình trạng hỗn loạn, suy sụp

C. Trịnh Cán bị kiêu binh phế truất

D. Trịnh Tông bất lực trước đám kiêu binh

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Sức mạnh tàn bạo, mù quáng của kiêu binh

Câu 6 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Qua miêu tả, so sánh cảnh chúa đăng quang với việc “giỡn quả cầu”, “rước pho tượng Phật”, các tác giả thể hiện thái độ gì đối với Trịnh Tông?

A. Châm biếm kín đáo

B. Phỉ báng công khai

C. Phê phán kịch liệt

D. Tôn kính, trân trọng

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Châm biếm kín đáo

Câu 7 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Những chi tiết, hình ảnh nào cho thấy sự bất lực và thất bại của phe cánh Quận Huy?

Trả lời:

- Những chi tiết, hình ảnh cho thấy Quận Huy và các đại thần bị động, lúng túng, không đề phòng, thiếu mưu lược đối phó: qua cuộc đối thoại giữa Quận Huy với các quan ở trong triều cho thấy Quận Huy biết tai hoạ sắp xảy ra nhưng không lường hết mức độ của tai hoạ, chủ quan, liều chết: đã biết trước (“Ngày mai có biến... ”), ở thái độ liều chết (“Nhưng tôi chết cũng có dăm ba mạng đi theo”); chủ quan, khinh xuất gạt ngoài tai lời khuyên “đi trốn”, “bắt bọn gian”, chủ động “tự vệ” của người nhà; đêm ấy, Quận Huy ngủ trong phủ “không hề phòng bị gì hết”; các quan không nắm được tình hình, hoàn toàn bị động (“nhìn nhau ngơ ngác”).

- Khi lâm vào tình thế tai hoạ, bị kiêu binh bao vây, uy hiếp thì Quận Châu “run sợ, phải mở cửa”; Quận Huy viết tờ khải, tỏ thái độ trung thành và tinh thần “liều chết” (“Nếu dẹp được..., nhược bằng không dẹp được, tôi cũng xin liều chết.. ) cưỡi voi thị oai trước đám lính nhưng nhanh chóng rơi vào tình thế bi đát, bị cô lập, bất lực, cùng đường (sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không nổ,...); cuối cùng “bị giết chết ngay tại chỗ”; em Quận Huy là Lý Vũ hầu cũng bị quân lính đánh chết.

Các chi tiết, hình ảnh diễn tá sự bế tắc, cùng đường, trơ trọi và thất bại thảm hại của phe cánh Quận Huy.

Câu 8 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Hãy dẫn ra một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật trong văn bản. Theo em, quan điểm và thái độ của người kể chuyện có khách quan và đáng tin cậy không? Vì sao?

Trả lời:

Một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật:

- Thế tử có người đầu bếp tên là Dự Vũ, vốn là người cơ trí, nói năng rành mạch.

- Thọ người làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cũng là kẻ tinh khôn.

- Bằng Vũ được người làng thuê đi lính thay. Gã người thấp bé, thanh nhã như học trò. Sau khi vào đội Tiệp bảo, nhờ biết dăm ba chữ, gã được làm chán biện lại. Ở kinh, gã thường làm mướn đơn kiện cho người ta, vẫn lừng tiếng là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị.

- Đêm ấy, Quận Huy ngủ ở trong phủ, cũng chỉ đem theo vài người hầu như mọi ngày, không hề phòng bị gì hết.

Thái độ mỉa mai kín đáo của người kể chuyện thể hiện rõ nhất khi miêu tả việc kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi chúa: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem mặt chúa, sân phủ đông như họp chợ.”

Thái độ mỉa mai kín đáo thể hiện ngầm qua các so sánh. Lễ đăng quang ngôi chúa đáng lẽ phải trang nghiêm nhưng qua cách miêu tả của tác giả thì không phải vậy.

Quan điểm, thái độ của người kể chuyện là khách quan và đáng tin cậy vì người kể chuyện không trực tiếp dự phần vào cuộc chính biến, không dính líu về mặt tình cảm hay có quyền lợi chính trị liên quan đến các phe phái xung đột; không tỏ rõ thái độ bênh vực ai, có thành kiến với ai hay ủng hộ phe phái nào; các nhận xét, bình luận của người kể chuyện về nhân vật và sự việc là có cơ sở thực tế; người kể chuyện đóng vai trò như người quan sát từ bên ngoài, bình tĩnh, chừng mực và kín đáo trong cách nhận xét, miêu tả, tường thuật sự kiện và nhân vật.

Câu 9 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Người xưa từng nói về năm nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham những tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt.”. Sau khi đọc đoạn trích Kiêu bình nổi loạn, em suy nghĩ gì về ý kiến này?

Trả lời:

Suy nghĩ về ý kiến của người xưa:

1) Trẻ không kính già, trò không kính thầy: Người trẻ phải hiếu kính với người già, đó là đạo hiếu. Học trò phải tôn trọng thầy, cô. Đó là đạo học. Giữ đạo hiếu, đạo học là giữ vững luân thường. Làm trái hai điều trên là xã hội vô đạo, có nguy cơ hỗn loạn.

2) Binh kiêu, tướng thoái: Quân lính cậy công trạng dẫn đến kiêu căng, làm nhiều điều trái phép; tướng lĩnh suy thoái về đạo đức và bản lĩnh, trốn tránh nhiệm vụ, chỉ biết lo thân, không đủ uy tín, uy quyền để sai khiến binh lính. Hậu quả là quân đội hỗn loạn, mất sức mạnh chiến đấu bảo vệ chế độ, đất nước.

3) Tham nhũng tràn lan: Quan chức tham lam vơ vét của công làm của riêng, viên lại (viên chức) nhũng nhiễu vòi vĩnh, quấy rầy, gây phiền hà nhân dân để trục lợi. Hiện tượng này nếu tràn lan, mất kiểm soát sẽ dẫn đến việc nhân dân mất niềm tin với quan chức và hệ thống chính quyền sẽ trở thành thế lực đối lập với nhân dân, bị nhân dân căm ghét.

4) Sĩ phu ngoảnh mặt: Sĩ phu là tầng lớp trí thức trong xã hội xưa, có kiến thức, hiểu biết; có năng lực phân tích, phản biện nhằm ngăn chặn, điều chỉnh các chính sách sai lầm, đề xuất các chính sách ích nước lợi dân. Khi tầng lớp này chán nản, thờ ơ đối với công việc quốc gia thì đất nước có nguy cơ lầm đường, lạc lối trong đối nội và đối ngoại, khó tránh suy tàn, sụp đổ.

Ý kiến của người xưa là sự tổng kết các kinh nghiệm trị nước hàng ngàn năm,

hoàn toàn đúng đắn. Loạn kiêu binh trong Kiêu binh nổi loạn vừa là một hiện tượng nhãn tiền vừa là hệ quả của các nguy cơ mà người xưa đã tổng kết.

Câu 10 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Quang Trung đại phá quân Thanh

Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc.

Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng

chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không để tên nào trốn thoát. Bởi vậy, không hề có ai chạy về báo tin, nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi đều không biết gì cả.

Nửa đêm ngày mồng Ba tháng Giêng, năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung

tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nãy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.

Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng

lính khoẻ mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn, hai mươi người

khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”; vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng Năm tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả: Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống

phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam tối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh

lại tự làm hại mình.

Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên

trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh.

Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.

Trước đó, vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo

lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía đông. Đến lúc ấy, quân Thanh chạy về trông thấy, càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực, làng Quỳnh Đô, quân Tây Sơn lùa voi giày đạp, chết đến hàng vạn người.

Giữa trưa hôm ấy vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành.”

(Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2006)

a) Đoạn trích ghi lại hai chiến thắng lớn nào của quân Tây Sơn?

b) Những chi tiết nào cho thấy sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh?

c) Hình ảnh nào miêu tả vua Quang Trung oai phong trong chiến trận?

d) Theo em, vua Quang Trung là người chỉ huy như thế nào?

Trả lời:

a) Đoạn trích trên ghi lại chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi của quân Tây Sơn.

b) Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh ở Hà Hồi: “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết”; sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh ở Ngọc Hồi: “... bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại.".

c) Hình ảnh cho thấy vua Quang Trung oai phong trong chiến trận: “vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc”.

d) Theo em, vua Quang Trung là người chỉ huy dũng lược, có tài cầm quân như thần.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác: