SBT Ngữ văn 10 Ra-ma buộc tội - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Ra-ma buộc tội sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10.

Giải SBT Ngữ văn 10 Ra-ma buộc tội - Cánh diều

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Theo đoạn trích, sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau trong bối cảnh nào?

A. Trướcsự chứng kiến của đông đủ mọi người: bạn hữu của Ra-ma, loài khỉ Va-na-ra, loài quỷ Rắc-sa-xa, các bậc thánh và chư thần

B. Trước sự chứng kiến của đông đủ mọi người: những người thân trong gia đình Ra-ma, loài khỉ Va-na-ra, các bậc thánh và chư thần, thần Lửa

C. Trước sự chứng kiến của đông đủ mọi người: bạn hữu của Ra-ma, loài khỉ Va-na-ra, các bậc thánh và chư thần, thần Nước

D. Trước sự chứng kiến của đông đủ mọi người: bạn hữu của Ra-ma, loài quỷ Rắc-sa-xa, các bậc thánh và chư thần, thần Lửa

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Trướcsự chứng kiến của đông đủ mọi người: bạn hữu của Ra-ma, loài khỉ Va-na-ra, loài quỷ Rắc-sa-xa, các bậc thánh và chư thần

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Khi nói những lời ruồng bỏ Xi-ta, Ra-ma chủ yếu đứng trên cương vị nào?

A. Một người chồng trước người vợ không thuỷ chung

B. Một đức vua trước đông đảo dân chúng

C. Một người anh hùng vừa chiến thắng

D. Một người đang chịu án lưu đày

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Một người chồng trước người vợ không thuỷ chung

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Nhân vật Xi-ta được miêu tả qua những phương diện nào?

A. Lời nói, nội tâm và hành động

B. Ngoại hình, hành động và lời nói

C. Ngoại hình, hành động và nội tâm

D. Ngoại hình, lời nói, nội tâm và hành động

Trả lời:

Chọn đáp án: D. Ngoại hình, lời nói, nội tâm và hành động

Câu 4 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Tâm trạng của Xi-ta trước những lời buộc tội của Ra-ma:

A. Đau đớn và thất vọng về Ra-ma

B. Đau đớn và uất hận Ra-ma

C. Đau đớn nghẹn ngào và xấu hổ

D. Đau đớn và căm ghét Ra-ma

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Đau đớn nghẹn ngào và xấu hổ

Câu 5 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Điểm giống nhau giữa nhân vật Ra-ma và Đăm Săn:

A. Lí trí tỉnh táo, đề cao danh dự của gia đình và cộng đồng

B. Tình cảm phong phú, đề cao danh dự của gia đình

C. Lí trí tỉnh táo, đề cao danh dự của cộng đồng

D. Tình cảm yếu đuối, đề cao danh dự của cá nhân

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Lí trí tỉnh táo, đề cao danh dự của gia đình và cộng đồng

Câu 6 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Đặc điểm gì trong tính cách khiến nhân vật Ra-ma gần với con người đời thường?

Trả lời:

Trong đoạn trích này tính cách ghen tuông khiến nhân vật Ra-ma rất gần gũi với con người đời thường. Điều đó chứng tỏ sáng tạo của tác giả sử thi Ấn Độ khiến nhân vật Ra-ma hiện lên không theo lối công thức một chiều mà sinh động, hấp dẫn.

Câu 7 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Chỉ ra điểm khác nhau giữa nhân vật Ra-ma và Đăm Săn.

Trả lời:

Cùng là nhân vật anh hùng đại diện cho sức mạnh, tài năng, dũng cảm chiến đấu vì hạnh phúc gia đình và cộng đồng nhưng Ra-ma và Đăm Săn có sự khác nhau:

- Ra-ma bộc lộ rõ mâu thuẫn giữa tâm lí và lời nói, hành động khi phải đấu tranh lựa chọn giữa danh dự cộng đồng và hạnh phúc cá nhân. Nhân vật Ra-ma có điểm gần gũi với con người đời thường (sự ghen tuông, ngờ vực lòng thuỷ chung của người vợ).

- Nhân vật Đăm Săn không được miêu tả về nội tâm, tâm lí mà chủ yếu miêu tả lời nói, hành động. Nhân vật có vẻ đẹp ngoại hình và hành động kì lạ, khác thường, có phần xa lạ với con người đời thường.

Câu 8 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Theo em, thông điệp của đoạn trích Ra-rma buộc tội là gì?

Trả lời:

Thông điệp của đoạn trích là: những người đứng đầu, đại diện cho cộng đồng (vua, hoàng hậu) phải là những con người mẫu mực, lí tưởng.

Câu 9 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: (Câu hỏi 3, SGK) Qua hai nhân vật Ra-ma, Xi-ta, em hiểu như thế nào về quan niệm của người Ấn Độ cổ đại đối với mẫu người anh hùng lí tưởng và mẫu người phụ nữ lí tưởng? Theo em, quan niệm đó còn phù hợp với ngày nay không? Tại sao?

Trả lời:

Theo em, người Ấn Độ cổ đại quan niệm rằng anh hùng lí tưởng là mẫu người có tự trọng cao, lựa chọn danh dự, một con người đã hi sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ đạo đức xã hội. Người anh hùng trong chấp niệm to lớn của người Ấn Độ cổ đại còn phải có lí trí mạnh mẽ đến cực đoan trong nhân vật với long trung thành tuyệt đối với bổn phận của mình. Song song với điều đó, mẫu người phụ nữ lí tưởng được thể hiện rõ nét qua tính cách của nhân vật Xi-ta, một con người có sự tự tin vào lí trí, phẩm giá trong sạch, đức hạnh và chung thủy. Quan niệm đó có phần phù hợp về tam quan trong triết lí sống giữa người với người ngày nay, tuy nhiên cũng có phần cổ hủ, áp đặt và gò ép thân phận người phụ nữ.

Câu 10 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: (Câu hỏi 4, SGK) Từ đoạn trích Ra-ma buộc tội, hãy liên hệ với đoạn trích Hê-ra-clét đi tìm táo vàng để chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của nhân vật anh hùng trong sử thi và thần thoại (các phương diện: ngoại hình; diện mạo, nội tâm,...).

Trả lời:

- Qua đoạn trích ta hiểu một vài nét đặc trưng trong cách thể hiện nhân vật anh hùng của sử thi Ấn Độ: “Ra-ma buộc tội” đặt nhân vật vào tình thế thử thách ngặt nghèo đòi hỏi sự lựa chọn quyết liệt, bộc lộ sâu sắc bản chất con người. Ra-ma vào sinh ra tử, chiến đấu với quỷ dữ giành lại người vợ yêu quí nhưng cũng dám hy sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Như một người vợ lý tưởng, xứng đáng với Ra-ma, Xi-ta cũng sẵn sàng đem thân mình thử lửa để chứng minh tình yêu và đức hạnh thuỷ chung.

- Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là các vị thần, các vị anh hùng có hình dạng và hành động phi thường, có khả năng biến hóa khôn lường. Nội dung của thần thoại Hy Lạp kể về chiến công của các vị thần hay người anh hùng, hoặc kể về nguồn gốc thế giới, ý nghĩa tín ngưỡng hay các lễ nghi tôn giáo … Nhân vật Hê-ra-clét là người anh hùng có trí tuệ thông minh, năng lực phi thường, người có ý chí, nghị lực và có trái tim nhân hậu.

Câu 11 trang 16 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 1: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Tóm tắt: Vợ chồng Gia-rơ Kốt- Hơ-bia Đá sinh được một con trai đặt tên là Xing Nhã. Ngày lễ “thổi tai”(1) cho con, Vợ chồng Gia-rơ Kốt mời vợ chồng bạn thân là Gia-rơ Bú tới dự nhưng Gia-rơ Bú từ chối mà chỉ cho vợ là Hơ-bia Guê đến. Ghen ghét với cuộc sống giàu có, hạnh phúc của nhà Gia-rơ Kốt, lại nghe vợ xúc xiểm(2) Gia-rơ Bú kéo nô lệ đến đánh phá buôn làng, cướp đoạt của cải và giết hại Gia-rơ Kốt, bắt Hơ-bia Đá về làm nô lệ. Xing Nhã được ông Gỗn(3) cứu thoát, giao cho vợ chồng Xing Yuê và Bang Ra nuôi dưỡng. Lớn lên Xing Nhã được nàng Bơ-ra Tang yêu và chỉ cho biết kẻ đã phá hoại gia đình chàng.

(1) Lễ “thổi tai”: cầu mong cho con mau khôn lớn.

(2) Xúc xiểm: xúi giục gây mâu thuẫn hoặc làm hại người khác.

(3) Ông Gỗn: vị thần ở trên trời, thường làm điều tốt lành.

Đoạn trích dưới đây kể chuyện Xing Nhã quyết tâm tìm tới buôn làng của Gia-rơ Bú, chiến đấu với anh em Gia-rơ Bú để đòi lại công bằng cho cha mẹ.

Đêm hôm ấy Xing Nhã trằn trọc mãi, ngồi không được, ngủ không nổi, đứng cũng không yên. Ngoài bờ suối, con chim pu-pút điểm canh từng hồi dài. Xing Nhã ra ngoài hè, bước lên lại bước xuống cầu thang. Lòng thương mẹ nhớ cha đã giục Xing Nhã đến nhà Bơ-ra Tang giữa đêm khuya khoắt. Nghe tiếng bước chân làm rung rinh sàn nhà, Bơ-ra Tang thức dậy chưa ra nhìn mặt, hỏi:

Bơ-ra Tang - Ơ anh! Anh muốn hút thuốc, tại sao không tới từ lúc chiều, muốn ăn trầu, tại sao không đi từ lúc sớm? Nửa đêm rồi, anh tới hỏi em có việc gì? Nếu anh muốn ăn cơm kê trên gác bếp, ăn cơm nếp trong nồi, bầy trai gái nhà em đã lo xong từ tối.

Xing Nhã - Anh ăn cơm rồi. Anh muốn em hãy cho anh xin một con thoi chỉ dài đem về sửa soạn chiếc khiên của anh.

Bơ-ra Tang vào buồng lấy cho Xing Nhã một thoi chỉ trắng. Xing Nhã trở về. Trời vừa sáng. Con chim pu-pút đã ngừng kêu. Gặp cha, Xing Nhã hỏi:

Xing Nhã - Ở cha! Cha hãy gọi cho con một trăm người khoẻ, một nghìn người mạnh, đi tìm cây to làm khiên cho con.

Cả đoàn người lũ lượt kéo tới ruộng lầy có chuối mọc, đến thác Đang hoa nở, từ bờ sông lớn, gốc cây xoài ngả nghiêng. Họ kéo tới vùng bà Hơ-bút, bà Hơ-tang đang dệt vải, nhìn thấy mái nhà mẹ Đung, mẹ Đai(1), thấy cây kơ-pa cao, cây kơ-lơng ngọn đụng tới Mặt Trời. Xing Nhã đo gốc cây vừa tròn một thoi chỉ. Gốc cây kơ-lơng lớn đến nỗi phải đi vòng một năm mới giáp gốc, năm tháng mới mút cành, lá dài hơn một dặm(2) cánh chim bay.

Xing Nhã cho dân làng đốn miết, đốn mãi, đốn từ mùa này sang mùa khác mà cây không ngã, gốc không nghiêng, Xing Nhã gọi cha là Xing Yuê đốn thử. Cây vẫn đứng trơ trơ. Cuối cùng Xing Nhã mời bạn Tông Á và Tông Yuê đốn một bên, Xing Nhã đốn một bên. Những nhát rìu của Xing Nhã toé lửa, bắn những mảnh cây kơ-lơng tung bay tứ phía, bay tới nhà Gia-rơ Bú, trúng trai gái ở bến nước, trúng bà già đi hái củi, trúng nhà Gia-rơ Bú gẫy xà ngang, tan xà dọc, bể ché túc(3) trị giá bằng con voi, bể ché ba(4) trị giá bằng con bò.

Những mảnh gỗ của Xing Nhã bay đi, làm cho con tê giác không dám ở trong bãi, con voi không dám ở trong rừng, trâu bò chạy lung tung trên bãi cỏ.

Những mảnh gỗ của Xing Nhã bắn lần thứ hai làm đứt cả canh chỉ của nàng Hơ-bia Bơ-lao(5) đang dệt.

Mấy ngày sau, cây kơ-lơng mới đổ. Xing Nhã tiếp tục chặt cành. Một tháng, hai tháng, ba tháng, Xing Nhã mới làm xong chiếc khiên. Hàng trăm, hàng nghìn dân làng nhắc khiên không nổi. Xing Nhã bước tới, một tay nâng khiên một tay giơ lên đầu, đội về buôn(6). Về tới nhà, ở một ngày, nghỉ một tháng, Xing Nhã suy tính chuyện đi đòi công bằng cho cha mẹ.

Buổi sáng, Xing Nhã ngồi nắn lại vành khiên của cha. Phía dưới khiên đổ đồng, phía trên đổ chì, vành khiên nạm bạc sáng chói. Khiên làm xong. Xing Nhã múa thử. Chiếc khiên múa xoay phía dưới chết con cọp, xoay phía trên chết con voi, khiên xoay theo đường cái, đất bụi dấy mù mịt, trời nổi dông to, gió lớn.

Bang Ra và Xing Yuê - Ta hãy lấy bảy ché rượu ngon, bảy con trâu đực trắng, cúng cho Trời cho Đất phù hộ con trai ta khoẻ mạnh. Ta hãy lấy con gà cúng thần Nước, ta lấy con lợn cúng Y Rít(7) phù hộ con trai ta khôn lớn, đừng đi chết bỏ xương nơi đất khác.

(Cúng xong, cha mẹ nuôi của Xing Nhã lấy dây, nhờ Tông Á và Tông Yuê trói Xing Nhã lại. Trối lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Xing Nhã cựa mình, dây đứt. Lần thứ tư,

Bang Ra trói Xing Nhã bằng sợi dây sắt cũng đứt nối. Bang Ra lấy dây xích của Xing Nhã dùng để đánh quay trói chặt lại. Xing Nhã cố vùng vẫy. Lát sau, hồn của Xing Nhã bị Giàng Trời(8) bắt. Xing Nhã chết. Linh hôn Xing Nhã bay tới nhà ông Gỗn, được ông Gỗn cho uống thuốc, tỉnh lại. Xing Nhã trở về từ giã cha mẹ nuôi, đi tìm kẻ thù. Vượt qua muôn trùng trở ngại, Xing Nhã tới được nhà kẻ thù. Đoạn dưới đây miêu tả cuộc chiến đấu cuối cùng của Xing Nhã với anh em Gia-rơ Bú).

Hai bên lại đánh nhau. Năm em trai của Gia-rơ Bú đã chết tại gốc cây đa và núi lạ. Gia-rơ Bú bứt rứt, ngồi không yên, nằm không được, tay trái lấy chiếc khiên, tay phải nắm cán đao, Gia-rơ Bú đi vào phía rẫy của Hơ-bia Bơ-lao.

Xing Nhã - (Gặp Gia-rơ Bú) Ở Gia-rơ Bú, ai chạy trước?

Gia-rơ Bú - Hỡi con chim linh mọc chưa đủ lông cánh(9), hãy múa thử đi!

Xing Nhã quay khiên múa. Đất bụi bay mù mịt như mây trời tháng Bảy. Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo, nhanh hơn bầy chim diều, chim ó.

Gia-rơ Bú nhìn theo, tối mày tối mặt, không đoán được đường đao của Xing Nhã chĩa về hướng nào.

Gia-rơ Bú - Được, bây giờ ta không giết được mày thì tao sẽ tìm cách phá sạch làng mày! Té ra đứa nào cũng là đầu đen máu đỏ(10) cả sao?

Xing Nhã - (ngừng múa) Ở Gia-rơ Bú! Ta đang đứng ở phía Mặt Trời mọc đây rồi. Bây giờ thì ngươi múa đi, ta đuôi theo.

Gia-rơ Bú múa lúng túng, múa loanh quanh như con gà mắc nước, như sao lạc đường. Đường đao chỉ đâm vào giữa trống không.

Xing Nhã mới đi một bước, đã chém trúng ngay chân Gia-rơ Bú.

Xing Nhã - Ơ Gia-rơ Bú, máu gì chảy ở chân đây?

Gia-rơ Bú - Máu con vắt ở núi Hơ-mũ cắn tao.

Gia-rơ Bú múa tiếp, Xing Nhã chém luôn cánh tay phải, chiếc đao rơi “rỏn rẻn”...

Xing Nhã - Tại sao khiên của ngươi rơi mất rồi?

Gia-rơ Bú - Không phải! Đó là tiếng kêu của chiếc lục lạc trẻ con chơi, tiếng vù của con diều đói gió đấy!

Gia-rơ Bú cố sức múa nữa, nhưng lần này chưa kịp trở tay thì chiếc khiên đã bị Xing Nhã đánh vỡ tung, rơi xuống đất.

Cuối cùng đôi bên chỉ còn Pơ-rong Mưng(11) và Xing Nhã đánh nhau.

[...] Trên trời, dưới đất, mây mưa mù mịt, gió bão ầm ầm, đổ cây lở núi. Hai bên đánh nhau từ khi trái khơ-la chín, đến mùa kê trổ, vẫn không phân thắng bại. Cả hai đều kiệt sức, ngã trước chòi của Hơ-bia Bơ-lao.

(Cuối cùng nhờ sự giúp sức của Hơ-bia Bơ-lao, Xing Nhã giết chết Pơ-rong Mưng - người cuồi cùng trong bảy anh em nhà Gia-rơ Bú, báo thù cho cha, cứu mẹ già thoát khỏi cuộc sông nô lệ.)”

(Theo ĐỖ BÌNH TRỊ (Chủ biên), Văn tuyển văn học Việt Nam (Văn học dân gian), NXB Giáo dục, 1982)

(1) Bà Hơ-bút, bà Hơ-tang, mẹ Đung, mẹ Đai: tên những bà già tốt bụng ở trên làng Trời.

(2) Dặm: quãng đường dài.

(3), (4) Ché túc, ché ba: những loại vật dụng người Ê-đê rất quý.

(S) Hơ-bia Bơ-lao: cô gái giữ rẫy cho Gia-rờ Bú.

(6) Buôn: giống như làng của người Việt (Kinh).

(7) Y Rít: một vị thần cai quản khoảng giữa trời và đất, vùng “chân trời”.

(8) Giàng Trời: ông Trời.

(9) Con chim linh mọc chưa đủ lông cánh: cách nói hàm chứa sự coi thường của Gia-rơ Bú dành cho Xing Nhã.

(10) Đầu đen máu đỏ: ý nói cứng đầu cứng cổ, gan góc, chăng kiêng nể ai.

(11) Poong Mưng: em trai thứ bảy của Gia-rơ Bú.

a) Xác định đề tài và đặt nhan đề cho văn bản.

b) Hãy chỉ ra đặc điểm của thể loại sử thi được thể hiện ở văn bản.

c) Điểm giống nhau giữa các nhân vật: Xing Nhã, Đăm Săn, Ra-ma là gì?

Trả lời:

a) Xác định đề tài: sử thi anh hùng; đặt nhan đề: Xing Nhã đòi lại công bằng cho cha mẹ.

b) Một số đặc điểm của thể loại sử thi như sau:

- Đề tài: sử thi anh hùng.

- Chủ để: ca ngợi người anh hùng chiến đấu bảo vệ lẽ phải cho gia đình và cộng đồng.

- Cốt truyện liên quan đến sự kiện của đời sống cộng đồng.

- Không gian cộng đồng.

- Nhân vật có sức mạnh và tài năng phi thường, có vẻ đẹp kì lạ, khác thường, dám dũng cảm chiến đấu bảo vệ lẽ phải.

- Biện pháp nghệ thuật: so sánh, phóng đại,...

- Lời nhân vật mang sắc thái trang trọng. Lời người kể chuyện thể hiện tình cảm yêu mến, cảm phục đối với nhân vật chính.

c) Các nhân vật Xing Nhã, Đăm Săn, Ra-ma giống nhau ở các điểm:

- Nhân vật anh hùng, đại diện cho sức mạnh, tài năng, đạo đức của cộng đồng.

- Dũng cảm chiến đấu vì danh dự và hạnh phúc của cộng đồng.

- Nhân vật có vẻ đẹp kì lạ, khác thường, được miêu tả chủ yếu qua biện pháp nghệ thuật so sánh, phóng đại.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác: