SBT Ngữ văn 12 Ánh sáng cứu rỗi - Cánh diều


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Ánh sáng cứu rỗi sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Ánh sáng cứu rỗi - Cánh diều

Câu 1 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Trong đoạn trích Ánh sáng cứu rỗi, Kiên và Hoà phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khắc nghiệt nào? Theo em, khó khăn, thách thức lớn nhất là gì?

Trả lời:

Trong đoạn trích Ánh sáng cứu rỗi, Kiên và Hoà phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khắc nghiệt: thiếu lương thực và đạn dược, thương binh ngày càng nhiều mà tải thương ngày càng ít, bị lạc vào một đầm lầy có nhiều cá sấu, đụng độ với toán lính Mỹ,...

Khó khăn, thách thức lớn nhất mà Kiên và Hoà cùng cả đơn vị gặp phải chính là đụng độ với toán lính Mỹ trong tình thế đơn vị của Kiên đang phải tháo chạy, sức cùng lực kiệt.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Trong đoạn trích, cảnh quan thiên nhiên nào được tác giả chú ý miêu tả? Nêu mối liên hệ giữa cảnh quan đó với tâm trạng của nhân vật Kiên và Hoà.

Trả lời:

Trong đoạn trích Ánh sáng cứu rỗi, những cảnh quan thiên nhiên được tác giả chú ý miêu tả gồm: đầm lầy, trảng cỏ, dòng sông Sa Thầy, rừng tre gai,... Trong các cảnh quan đó, đầm lầy, đường giao liên luồn dưới mái rừng qua các trảng cỏ, rừng tre gai được tác giả chú ý miêu tả chi tiết.

- Cảnh quan thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với tâm trạng nhân vật. Khi Kiên và Hoà lạc đường, đối mặt với đầm lầy hôi thối nồng nặc, bùn đặc quánh, có những con cá sấu mắt mở thao láo,... thì Kiên mang tâm trạng thất vọng, nóng giận, hung dữ; Hoà mang tâm trạng xúc động, hối lỗi, sợ hãi. Khi Kiên và Hoà luồn dưới mái rừng xanh tươi men theo đường giao liên qua những trảng cỏ đỏ ối những hoa, Hoà tự tin, tươi tỉnh còn Kiên thì bình tĩnh, lòng dịu lại, cảm thấy hối lỗi vì thái độ và lời nói với Hoà trước đó. Khi Kiên và Hoà đi vào rừng tre gai ken dày chẳng chịt, chim kêu inh ỏi,..., họ mang tâm trạng nặng nề, căng thẳng, sợ hãi. Nhìn chung, tâm trạng và cảnh quan có mối liên hệ thuận chiều cảnh quan âm u, hội hám gắn với tâm trạng nặng nề; cảnh quan đẹp đẽ, thông thoáng, tươi mát gắn với tâm trạng tích cực của Kiên và Hoà.

Câu 3 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Tình cảm của Kiên đối với Hoà trước và sau khi tìm thấy đường giao liên thay đổi như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

- Tình cảm của Kiên đối với Hoà trước khi tìm thấy đường giao liên: Kiên không tin Hoà, xem thường khả năng dẫn đường của Hoà. Khi Hoà lạc đường, dẫn cả đơn vị đến hồ Cá Sấu, Kiên đã nổi nóng, tỏ ra cứng rắn, lạnh lùng, tàn nhẫn và có lời lẽ thô bạo với Hoà.

Tình cảm của Kiên đối với Hoà sau khi tìm thấy đường giao liên: Kiên cảm nhận thấy sự tự tin và vẻ tươi tỉnh của Hoà khi tìm ra mốc tảng đá hình đầu người và đường giao liên cũ, cảm thông, tin cậy và yêu thương Hoà như một người đồng đội, đồng chí. Tình cảm của Kiên thay đổi theo hướng tích cực vì Kiên có đủ thời gian tìm hiểu, quan sát, trò chuyện, hiểu và đánh giá đúng đắn hành động, việc làm, tình cảm của Hoà

Câu 4 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Toán lính Mỹ được quan sát và miêu tả từ điểm nhìn của ai? Nhận xét về cách quan sát, miêu tả đó.

Trả lời:

Toán lính Mỹ trong văn bản “Ánh sáng cứu rỗi” được quan sát và miêu tả từ điểm nhìn của nhân vật Kiên.

Nhận xét về cách quan sát, miêu tả:

- Chi tiết và cụ thể: Kiên miêu tả toán lính Mỹ một cách tỉ mỉ, từ trang phục đến hành động. Ví dụ, tên lính Mỹ đầu tiên được miêu tả là một lính da đen, mặc áo giáp, đầu đội sắt bọc lưới, chân đi bốt đờ sô, tay nắm đầu sợi dây da dài bị con chó săn kéo căng.

- Tạo cảm giác hiện thực: Cách miêu tả này giúp người đọc cảm nhận được sự hiện diện và mối đe dọa từ toán lính Mỹ, tạo nên một bầu không khí căng thẳng và nguy hiểm.

- Tâm lý nhân vật: Qua điểm nhìn của Kiên, người đọc cũng thấy được tâm trạng lo lắng, căng thẳng của anh khi đối mặt với kẻ thù. Điều này làm tăng thêm chiều sâu cho nhân vật và tình huống truyện.

Câu 5 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Hình ảnh ánh sáng được sử dụng như một biểu tượng trong văn bản Ánh sáng cứu rỗi. Nêu ý nghĩa của biểu tượng đó.

Trả lời:

Trong văn bản Ánh sáng cứu rỗi, hình ảnh ánh sáng được sử dụng như một biểu tượng mang ý nghĩa sâu sắc. Dưới đây là một số ý nghĩa tượng trưng mà HS có thể phát hiện:

- Hình ảnh ánh sáng xuất hiện cùng lúc sự tự tin trở lại với cô giao liên Hoà, sau khi cô đã lạc lối, dẫn đơn vị đến hồ Cá Sấu: “Cô dẫn Kiên di chuyển một cách tự tin qua các vùng ánh sáng và bóng tối...”.

- Hình ảnh ánh sáng lấp lánh trên mặt nước sông Sa Thầy tượng trưng cho sự hiểu biết và niềm hi vọng: sự hiểu biết của Hoà về con đường giao liên mở ra sự hiểu biết và tình yêu thương trìu mến giữa Kiên và Hoà, dâng lên niềm hi vọng thoát khỏi tình thế nguy hiểm cho cả đơn vị (Mặt nước sáng bạc lấp lánh ánh nắng phản chiếu không ngừng uốn lượn và gấp khúc.”).

- Hình ảnh ánh sáng xuất hiện một lần nữa trong cảm nghĩ của Kiên về chiến tranh, về sự hi sinh của Hoà, về nỗi buồn được sống sót. Nó tượng trưng cho khả năng dẫn dắt, cứu chuộc: giúp Kiên thoát khỏi tâm trạng bế tắc và cách nhìn đời tăm tối, tìm thấy sự bình yên và an lành trong sứ mệnh viết văn (“Ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ, ấy cũng là ánh sáng thức tỉnh, ánh sáng cứu rỗi của đời anh.”).

Câu 6 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Nêu diễn biến tâm trạng và hành động của Kiên và Hoà khi đối mặt với toán lính Mỹ. Vì sao Kiên và Hoà có những phản ứng khác nhau khi đối mặt với kẻ thù?

Trả lời:

- Khi đối mặt với toán lính Mỹ: Kiên xiết chặt quả lựu đạn, lòng tê bại, thấp thỏm và run rẩy nghĩ. Ngược lại, Hòa lẳng lặng trườn đi lấy súng bắn vào con chó đánh hơi của địch. Con chó lao tới, Hòa không sợ hãi mà bắn thêm hai phát đạn vào nó. Sau đó, Hòa đã dũng cảm dẫn dụ địch đi xa Kiên và lệch khỏi vệt đường dẫn tới khe cạn.

- Nguyên nhân: Hành động của hai nhân vật xuất phát từ tình đồng chí thiêng liêng, Hòa không ngại hi sinh thân mình để dẫn dụ địch giúp đồng đội sống sót. Kiên cũng nhanh chóng hiểu ra cần có người quay về, dẫn đường đưa bao nhiêu đồng đội đang thương binh đang chờ đợi.

Câu 7 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Nhận xét về cốt truyện và cách kể chuyện của Bảo Ninh qua đoạn trích trên.

Trả lời:

– Nhận xét về cốt truyện:

- Cốt truyện xoay quanh những sự kiện chính như sau:

+ Tình hình chiến trường khó khăn cho quân ta, đơn vị của Kiên và Hoà bị đánh rát, phải tháo chạy, lực lượng tơi tả.

+ Hoà làm giao liên nhưng quên đường, dẫn đơn vị lạc lối đến một đầm lầy không thể vượt qua.

+ Kiên cùng Hoà đi tìm lại đường và đã tìm thấy đường giao liên cũ.

+ Trên hành trình quay lại chỗ đoàn tải thương đang ẩn nấp, Kiên và Hoà đụng độ với quân địch, Hoà chịu hi sinh thương tâm.

+ Ngày hoà bình, Kiên nhớ lại kỉ niệm về Hoà, Kiên thấu hiểu nỗi buồn chiến tranh như là ánh sáng cứu rỗi cuộc đời anh.

Cốt truyện của đoạn trích Ánh sáng cứu rỗi có tính chất tuyến tính, liền mạch, khác hẳn cốt truyện phi tuyến tính và đoản mạch bao trùm tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Cốt truyện của đoạn trích này tập trung vào hành trình tháo chạy – lạc lối – tìm đường – đụng độ – hi sinh đụng độ – hi sinh – sống sót của nhân vật Kiên, Hoà và đồng đội trong bối cảnh rừng rậm hoang sơ đầy rủi ro, bí ẩn, nguy hiểm. Căng thăng, hồi hộp và kịch tính là nét nổi bật mà chuỗi sự kiện này tạo ra.

Các chi tiết, sự kiện tạo nên cốt truyện được tác giả sắp đặt có lớp lang, tuần tự gắn liền với việc mô tả chân thực cảnh quan thiên nhiên hoang dã cùng tâm trạng sợ hãi, bất an của nhân vật chính. Tất cả tạo nên bức tranh sống động về khoảnh khắc chiến đấu, hi sinh cùng nỗi đau thương mà con người phải trải qua trong và sau chiến tranh.

- Cách kể chuyện: Độc đáo với ngôi kể thứ ba lấy điểm nhìn chủ yếu ở nhân vật Kiên. Bởi vậy, những tình huống tưởng như không liên quan đến nhau, rời rạc, vụn vỡ nhưng khi gần nhau, chúng bổ trợ, bù đắp cho nhau, tạo nên ý nghĩa của tác phẩm.

Câu 8 trang 8 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Suy nghĩ, cảm nhận của Kiên về chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội như thế nào? Em ấn tượng với cảm nghĩ nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

Qua suy nghĩ, cảm nhận của Kiên về chiến tranh và sự hí sinh của đồng đội, có thể thấy:

- Kiên thấu hiểu giá trị của sự hi sinh, lòng nhân ái của đồng đội. Việc hi sinh để bảo vệ đồng đội, để đồng đội có cơ hội sống sót đã là một lẽ sống hiển nhiên, giản dị của người lính trong chiến tranh.

- Cảm nhận và suy nghĩ của Kiên thể hiện khả năng đối diện và vượt qua kí ức đau thương. Kiên đã phải đối mặt với những cảm xúc như sợ hãi, đau khổ, uất ức và căm hờn, cố gắng thấu hiểu và chấp nhận chúng. Từ sự né tránh đến sự chấp nhận đều thấm đẫm nỗi buồn mênh mang. Nhưng đó là nỗi buồn có khả năng cứu rỗi, giúp anh tin vào sứ mệnh trở thành một cây bút, một chứng nhân của những điều đã xảy ra trong quá khứ.

- Kiên cảm nhận chiến tranh qua ánh sáng của nỗi buồn. Nỗi buồn này không chỉ là hậu quả của nỗi đau mà còn là nguồn động viên tinh thần để Kiên có thể cảm nhận, hiểu sâu hơn về cuộc chiến tranh và ý nghĩa của việc sống còn. Thông qua những hồi ức thương tâm, đau buồn về Hoà, Kiên đã nhìn nhận lại chiến tranh với một góc nhìn mới, phức tạp và sâu sắc hơn.

- Cảm nhận của Kiên không chứa đựng những sự kiện, hình ảnh kịch tính, căng thẳng như trong đoạn hồi ức trước đó. Nó cũng không có màu sắc lãng mạn hay hào hùng mà mang vẻ trầm lặng và u buồn. Việc lựa chọn ngôn từ và cách diễn đạt của tác giả tạo nên một đoạn văn giàu suy ngẫm, đậm tính trữ tình, có giá trị nhân văn.

Cảm nhận của Kiên về chiến tranh và sự hi sinh của đồng đội gây ấn tượng với độc giả bởi đã giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn vẻ đẹp tâm hồn, lòng nhân ái của nhân vật cũng như nỗi buồn mà cuộc chiến tranh đã để lại.

Trong các cảm nghĩ của Kiên về chiến tranh, có cảm nghĩ sau đây hết sức ấn tượng: “Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn – nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh.”. Cảm nghĩ này thể hiện sự tinh tế và sâu sắc trong tâm hồn nhân vật Kiên. Nó làm rõ nỗi đau khổ và tổn thương mà người lính phải chịu đựng, không chỉ bởi những mất mát về thân thể mà còn bởi những chấn thương về tâm hồn. Cụm từ “nỗi buồn được sống sót” đã làm rõ ý niệm về sự sống sót trong chiến tranh: đó không phải là niềm vui, cũng không chỉ đơn thuần là sự tồn tại về sinh mạng mà là sự sống sót mang theo đau thương tinh thần.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 7: Tiểu thuyết hiện đại hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác: