Lý thuyết Sinh 10 Bài 17: Thông tin giữa các tế bào - Chân trời sáng tạo
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Sinh 10 Bài 17: Thông tin giữa các tế bào hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sinh học 10.
Lý thuyết Sinh học 10 Bài 17: Thông tin giữa các tế bào - Chân trời sáng tạo
I. Thông tin giữa các tế bào
1. Khái niệm về thông tin giữa các tế bào
- Thông tin giữa các tế bào là sự truyền tín hiệu từ tế bào này sang tế bào khác thông qua phân tử tín hiệu để tạo ra các đáp ứng nhất định.
Thông tin giữa các tế bào
- Vai trò: Nhờ thông tin giữa các tế bào mà các tế bào có thể liên hệ với nhau, đảm bảo thực hiện các hoạt động sống của cơ thể một cách chính xác.
2. Các kiểu truyền thông tin giữa các tế bào
- Các tế bào gần nhau có thể truyền thông tin nhờ:
+ Truyền thông tin nhờ các mối nối.
+ Kiểu tiếp xúc trực tiếp nhờ các phân tử bề mặt.
+ Truyền tin cục bộ.
Truyền tin qua mối nối giữa các tế bào |
Truyền tin cục bộ |
Truyền tin qua tiếp xúc trực tiếp |
- Các tế bào ở xa nhau sẽ truyền thông tin qua các phân tử tín hiệu được vận chuyển nhờ hệ tuần hoàn.
Truyền tin qua khoảng cách xa
II. Quá trình truyền thông tin giữa các tế bào
Sơ đồ quá trình truyền thông tin giữa các tế bào
Quá trình truyền thông tin giữa các tế bào gồm ba giai đoạn:
- Giai đoạn tiếp nhận: Tế bào đích phát hiện ra phân tử tín hiệu từ bên ngoài tế bào. Phân tử tín hiệu này liên kết với protein thụ thể của tế bào đích, làm thay đổi hình dạng thụ thể.
- Giai đoạn truyền tin: Nhờ một chuỗi các phản ứng sinh hóa tạo thành con đường truyền tín hiệu, quá trình truyền tín hiệu được thực hiện từ thụ thể tới các phân tử đích trong tế bào.
- Giai đoạn đáp ứng: Xảy ra trong nhân hoặc tế bào chất. Tín hiệu đã được truyền tin sẽ hoạt hóa một đáp ứng đặc hiệu của tế bào.