Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự ngắn gọn - Soạn văn lớp 10


Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự ngắn nhất năm 2021

Với Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự ngắn gọn nhất Ngữ văn lớp 10 năm 2021 mới sẽ giúp các bạn học sinh dễ dàng soạn văn lớp 10. Ngoài ra, bản soạn văn lớp 10 này còn giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm để giúp bạn nắm vững được kiến thức văn bản trước khi đến lớp.

Soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự

Đề 1 (trang 123- SGK): Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn. Viết văn bản kể lại câu chuyện đó theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba.

Dàn ý (mẫu 1)

A, Mở bài: giới thiệu bản thân là cây lau bên bờ Hoàng Giang chứng kiến Vũ Nương than thở một mình rồi tự vẫn

B, Thân bài

- Kể lại tâm trạng của Vũ Nương khi ra đến bờ sông (nàng khóc, khuôn mặt rầu rĩ và vô cùng tuyệt vọng…).

- Nàng than thở

    + Vì bị nghi oan như thế nào?

    + Tình cảm nàng dành cho chồng và con ra sao?

- Nàng mong ước: đất trời giải oan

- Vũ Nương trẫm mình xuống sông

C, Kết bài: cây lau buồn và thương xót khi nhìn Vũ Nương trẫm mình xuống dòng sông

Dàn ý (mẫu 2)

Mở bài: - Tôi là một cây lau đã có tuổi trong làng, đám lau non rất thích nghe tôi kể chuyện về cuộc đời của mình, và hôm nay tôi kể cho chúng nó nghe về lần được chứng kiến một người con gái – Vũ Nương, tự tử bên bờ sông Hoàng Giang này.

Thân bài:

   - Cô gái chạy đến bờ sông và cất tiếng khóc (tiếng khóc to, nhỏ dần rồi biến mất)

   - Sau một hồi lâu nàng bắt đầu nói những lời cầu nguyện sau khi chết (“tôi” đã suy nghĩ thế nào khi nghe những lời cầu của cô gái?)

   - Sau khi nói xong, nàng nhảy xuống sông:

       + Dòng sông Hoàng Giang bắt đầu có những thay đổi chưa từng thấy: sắc nước biến đổi, những đợt sóng lớn xô bờ..

       + Một vị sứ giả của sông hiện lên, thể hiện lòng cảm thông đối với cô gái rồi đưa cô xuống sông theo

   - Ngày ngày, hồn của Vũ Nương – bây giờ đã là công chúa thủy tề, hay dạo bên sông, cô kể với đám lau chúng tôi về câu chuyện của mình (đám lau cảm thông nhưng bất lực)

   - Vài ngày sau, khi mọi người ra sông giặt quần áo, chúng tôi được biết về cuộc sống của đứa bé Đản và Trương Sinh sau khi Vũ Nương mất: Trương Sinh đã hiểu nỗi oan của vợ. Chúng tôi kể lại mọi chuyện cho nàng nghe vào đêm hôm đó khi nàng đi dạo trên sông.

Kết bài: - Trương Sinh ra bờ sông, lập đàn cầu được gặp Vũ Nương, hai người nói chuyện với nhau

   - Kể từ ngày hôm đó, Vũ Nương không bao giờ hiện lên nữa.

Đề 2 (trang 123 - SGK): Hãy hoá thân vào những que diêm để kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc truyện ngắn Cô bé bán diêm của An-đéc-xen (hoặc diễn biến sự việc tương tự nhưng có kết thúc khác).

Dàn ý (mẫu 1)

A, Mở bài: giới tiệu bản thân là những que diêm trong truyện ngắn Cô bé bán diêm

B, Thân bài

- Nói về những việc đã được chứng kiến, được nghe từ cô bé bán diêm.

    + Tôi co ro trong chiếc hộp nhỏtrong cái lạnh đêm Giáng sinh.

    + Cô chủ bán chúng tôi đi để mang về những đồng tiền ít ỏi trang trải cuộc sống

    + Cô chủ bán rất rẻ, chỉ một xu cho một que diêm thế mà không ai mua chúng tôi cả. vì không ai đi ra trời lạnh như thế này trong đêm 30 chỉ để mua diêm cả.

    + Trong khi cô chủ co ro trong cái lạnh, tôi nghe tiếng nhạc Giáng sinh, tiếng mọi người vui vẻ chúc nhau năm mới trong những con phố.

- Khi chứng kiến những hành động của cô bé bán diêm

    + Thỉnh thoảng tôi cảm thấy cô dừng chân rất lâu ở một nơi chốn nào đó.

    + Cô chủ nhỏ của chúng tôi như có vẻ như đói lắm rồi, cô nép vào những tòa nhà để nép mình trước những cơn gió lạnh.

    + Cô bật cháy chúng tôi, từng que diêm một.

    + Khi đến lượt tôi thì cô bé đã ngã xuống nền tuyết giá lạnh, trước khi vụt tắt tôi vẫn thấy trên môi cô bé hé nở một nụ cười hạnh phúc

C, Kết bài: khái quát cảm xúc, suy nghĩ

Dàn ý (mẫu 2)

Mở bài: - Chúng tôi là những que diêm nhỏ, hàng ngày đi theo một cô gái bất kể thời tiết.

   - Chúng tôi ở bên cô rất lâu vì thường chẳng có ai mua diêm cho cô gái cả, và cũng vì thế mà tôi được chứng kiến nhiều chuyện về cuộc đời cô cũng như đêm giáng sinh năm ấy.

Thân bài:

   - Số phận, cuộc đời của cô bé bán diêm

   - Đêm giáng sinh năm ấy: đường phố, cảnh vật và mọi người xung quanh >< cô bé

   - Cô nhìn thấy một ngôi nhà đang cùng đón giáng sinh và cô nhớ tới những ngày xưa cũ của mình – đã có những tháng ngày cô được như vậy

   - Cô bắt đầu thấy lạnh và lấy bao diêm cuối cùng ra và bật chúng

       + Que diêm thứ nhất

       + Que diêm thứ hai

       + Que diêm thứ ba

       + Những que diêm khác lần lượt thắp lên, cô đang níu kéo hình ảnh của bà mình

   => Mỗi que diêm được thắp sáng như đưa cô đến với thế giới khác, thế giới cô hằng ao ước. Cuối cùng, hình ảnh bà cô hiện lên trìu mến, bà đã đưa cô đến với thế giới bên kia : nơi có bà, có tình yêu thương

   - Tôi bị xót lại, nằm gọn trong bàn tay giá lạnh của cô, tôi ước mình được thắp lên ngọn lửa để cô ấy ấm hơn.

Kết bài: Người trên phố vẫn đi lại, mọi thứ vẫn nhộn nhịp trong không khí giáng sinh, nhưng cô gái ấy vẫn ở một mình trong góc phố nhỏ một mình chống chọi với cái lạnh. Cô bé đã đi xa mãi mãi…

Đề 3 (trang 123- SGK): "Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…"

Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.

Dàn ý (mẫu 1)

A, Mở bài: giới thiệu bản thân là chú gà chọi Oanh Liệt

B, Thân bài:

- Được cậu chủ mua về và chăm sóc kĩ lưỡng.

    + cho tôi ăn những món ngon mà nhiều bạn bằng trang lứa đều phải ghen tị với tôi.

    + đều đặn hai ngày một lần cậu chủ lại cho tôi đi tắm hoặc hôm nào trời lạnh thì cậu lại lấy khăn ướt lau cho tôi.

    + sau một thời gian mình đã có một thân thể cường tráng và bắt cầu xông pha chiến trường cùng cậu chủ.

- Bị đối thủ đánh bại sau một trận đánh.

    + Tôi bị thương nặng một bên chân khiến tôi không thể đấu đá được

    + Cậu chủ thấy tôi không còn đủ sức mạnh để có thể giao chiến như trước, cậu bỏ bê tôi, không chăm sóc tôi như trước nữa

- Đau lòng hơn cậu không tìm thấy niềm vui ở trò chơi dân gian chọi gà nữa mà đi kiếm tìm vào thứ trò chơi vô bỏ trên máy tính.

- Suy nghĩ triết lí về cuộc đời

C, Kết bài: Cảm xúc của bản thân

Dàn ý (mẫu 2)

Mở bài: - Tôi là một chú gà chọi, tên của tôi là Oanh Liệt – cái tên được cậu chủ đặt bởi những chiến thắng oanh liệt của tôi trong tất cả sới chọi trong làng. Tôi rất thích và tự hào về cái tên ấy.

   - Đã lâu rồi tôi không được để ý đến kể từ ngày bọn trẻ trong làng có trò chơi mới

Thân bài:

   - Ngày đầu tiên được cậu chủ nhận nuôi : miêu tả niềm vui của cậu chủ

   - Cuộc sống hàng ngày được cậu chủ chăm sóc : bộ lông, móng và cựa luôn được chăm sóc kĩ càng…

   - Những trận đấu và những chiến thắng đầu tiên để có được cái tên Oanh Liệt

   - Sự thay đổi trong cuộc sống của “tôi” khi cậu chủ có trò chơi mới

       + Cậu chủ được mẹ mua cho một chiếc máy điện tử vì đã được học sinh giỏi

       + Ngày ngày cậu cùng đám bạn cùng chơi cái máy ấy

       + Tôi không còn được chăm sóc, không được quan tâm (đối lập với trước đây)

   - Tâm sự của tôi trong những ngày này : buồn chán, ước mong quay lại ngày trước

   - Một ngày, cậu chủ không chơi điện tử nữa, cậu ấy nhìn thấy tôi nằm ủ rũ. Cậu chủ thấy có lỗi với tôi và từ đó cậu không chơi điện tử nữa.

   - Tôi và cậu lại cùng nhau ‘‘chinh chiến’’ trong những sới chọi gà.

Kết bài: Bây giờ cậu chủ cũng lớn hơn và tôi không còn đủ sức để đi chọi nữa nhưng tôi luôn tự hào về những chiến công mình có được, tự hào về cái tên của mình cũng như tình bạn giữa tôi và cậu chủ.

Bài văn mẫu

Đề bài: "Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo những trò chơi mới…".

Dựa theo những lời tâm sự trên, anh (chị) hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất, kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi.

Bài văn mẫu

   Tôi tên là Oanh liệt. Vâng cái tên này cậu đã đặt cho tôi đúng vào cái ngày tôi hạ gục đối phương để vươn lên làm bá chủ trên sới chọi gà. Ôi cái ngày huy hoàng ấy đối với tôi sao mà đáng nhớ biết bao. Vậy mà giờ đây, quá khứ của tôi mãi mãi chỉ là quá khứ.

   Tôi sinh ra trong một gia đình đông đúc có tới trên dưới chục anh em. Mẹ tôi hiền lành và chăm chỉ. Bà thường rong ruổi đi rất nhiều nơi để kiếm về cho anh em chúng tôi những miếng mồi thơm ngon và bổ. Nhờ mẹ mà anh em chúng tôi đứa nào đứa nấy đều có dáng vóc và sức khỏe khác thường. Từ khi còn rất nhỏ, chúng tôi đã được dự báo sẽ trở thành những chiến binh hùng mạnh.

   Thực ra người để lại cho anh em chúng tôi nhiều ấn tượng hơn cả lại là bố của tôi. Khi còn trẻ bố tôi hùng tráng và oai phong lắm. Nghe nói bố tôi đã từng qua tay nhiều ông chủ và giành được nhiều giải thưởng trên khắp các sới gà. Khi bố tôi sắp không thi đấu nữa, anh em chúng tôi cũng được xem ông lên đài vài trận nữa. Những trận ấy ông đều thắng cả và quả thực ông đã trở thành một tấm gương lớn, trở thành niềm kiêu hãnh cho cả gia tộc chúng tôi.

   Anh em tôi lớn lên tất cả đều đi theo con đường của bố. Ông cũng chính là người dạy anh em chúng tôi những thế đánh đầu tiên. Bao giờ cũng vậy, đã thành lệ, cứ một anh em nào đó trong gia đình của tôi sắp đi theo một ông chủ mới thì bố mới truyền cho những thế đánh tuyệt vời để chiến đấu và để hộ thân. Ngày tôi đi theo chủ mới, bố cũng dạy tôi điều đó.

   Ông chủ của tôi nghe đâu là một người ham mê gà chọi lắm. Ông đã từng đi khắp nơi để chọn gà và tôi cũng chưa hiểu lý do nào khiến ông chủ lại chọn lựa gia đình của chúng tôi. Tôi cứ nghĩ ông chủ tôi già lắm thế nhưng khi gặp tôi mới biết ông còn rất trẻ và vì thế, từ đấy để cho thân thiết tôi đổi gọi ông là cậu chủ.

   Ngày đầu tiên về nhà mới, cậu chủ rất chăm chút cho tôi. Cậu cho tôi ở trong một ngôi nhà rộng rãi và thoáng mát. Tôi nghĩ nó thật xứng đáng với cái vóc dáng và sự oai vệ của tôi. Đúng một tháng sau đó, tôi bước vào một sới chọi chính thức lần đầu tiên. Hôm ấy tôi gặp một cậu choai hung hăng lắm. Cậu ta to khỏe và lực lưỡng hơn tôi nhưng những miếng đòn thì xem ra dở ẹc. Chính vì thế mà chỉ chưa đầy ba hồ đấu, tôi đã hạ gục cậu choai kia.

   Hôm ấy cậu chủ hí hửng và vui mừng lắm. Cậu đã bế tôi đi để khoe mẽ khắp với bạn bè. Cậu nói cậu tin tôi sẽ là một con chọi oanh liệt nhất. Nghe những lời nịnh nọt của cậu chủ, tôi kiêu hãnh lắm.

   Kể từ ngày ấy, tuần nào tôi cũng tung hoành trên các sới chọi khắp đó đây. Cậu chủ quả là người đi nhiều và biết nhiều nơi thật. Những lần cùng cậu chủ đi chu du như thế, tôi đã tha hồ học được thêm nhiều miếng đánh khác nhau. Kinh nghiệm trận mạc của tôi ngày càng thêm dày dạn. Thú thực trong những lần ra quân ấy, có trận tôi hạ gục đối thủ rất nhanh nhưng có trận tôi cũng suýt nữa thì toi mạng. Nhưng trong tất cả những lần như thế, nhờ những miếng đánh gia truyền, cuối cùng tôi đều đã áp đảo được đối phương.

   Trong đời chiến, đã dự bao nhiêu lần, tôi cũng không nhớ. Nhưng có hai trận đấu mà tôi không thể nào quên. Trận thứ nhất là trận tranh giải quán quân với một anh chọi nổi danh đã từng ẵm cái giải ấy một năm về trước. Nghe đâu, người ta gọi anh là Hùng xám. Và quả thực khi mạnh, thế đánh của hắn ta dữ thật. Mỗi lần hắn ta vỗ cánh vung chân là một lần đối phương phải tối tăm mặt mũi, nhưng khi yếu hắn ta lại thủ thế rất vững vàng. Nghe nói mấy anh bạn trước đây của tôi đều bị nó đánh cho tàn phế.

   Hôm ấy, trời nắng rất to. Tôi với nó đánh đã hết bốn hồ mà không phân chia thắng bại. Hai bên đều mệt lử, chỉ còn tinh thần là vẫn vững vàng thôi. Sang hiệp thứ năm, tôi bị Hùng xám cựa cho toác đầu chảy máu. Nhưng nghĩ đến danh dự của cha tôi, tôi đã quyết dùng miếng đánh hiểm cuối cùng. ấy là miếng đánh mà bố tôi đã dạy trước khi tôi về nhà cậu chủ. Bố tôi dặn kỹ nếu không thực sự rơi vào lúc lâm nguy, tôi không được phép dùng thế đó. Quả nhiên thế đánh thật là hiểm ác. Chỉ cần vung ra hai cựa, tôi đã lấy đi đôi mắt của đối phương. Trận chiến hôm ấy kết thúc, phần thắng thuộc về tôi nhưng tôi chẳng lấy gì làm vui mừng lắm.

   Sau lần ấy, tôi yếu hẳn đi. Hai tháng sau, tôi theo cậu chủ lao vào một cuộc thách đấu. Nhưng lần này tôi bại rất nhanh bởi một tay mặt mày còn non choẹt. Trận đấu kết thúc nhanh và cậu chủ thì vô cùng thất vọng. Sau trận ấy, đến một tháng sau tôi chẳng thấy cậu chủ để ý đến tôi. Tôi nghĩ chắc cậu không còn dùng tôi nữa. Giờ đây chắc cậu lại đi tìm một chú choai khác thay tôi. Nhưng không, cậu chủ không chơi gà chọi nữa. Nghe nói cậu có nhiều trò chơi mới ham thích hơn cơ. Cậu thường đi từ rất sớm và về rất muộn. Hãn hữu lắm cậu mới rẽ qua vứt vài nắm gạo cho tôi nhưng lại chẳng thèm ngó ngàng gì.

   Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi buồn tẻ và chán nản. Giờ đây, tôi không lâm trận nữa và cũng chẳng được sống những ngày có ý nghĩa như của cha tôi. Tôi đang nằm đây và chờ đợi. Tôi mơ về quá khứ và chờ đợi về một điều tồi tệ sẽ đến ở tương lai. Ôi cái kết cục cho một chiến binh oanh liệt thật là buồn tẻ. Tôi không trách giận và đâu có quyền trách giận cậu chủ tôi. Cuộc đời của tôi dành cho chiến trận. Và khi không còn sức mà đánh nhau được nữa thì sự tồn tại của tôi cũng đâu có ích chi. Với tôi hiện tại thật là đáng tiếc nhưng một quá khứ oai hùng cũng đủ để tôi cảm thấy tự hào và kiêu hãnh với cha tôi.

Đề 4 (trang 123- SGK): Có thể tham khảo dàn ý sáng tác câu chuyện với nội dung đôi bạn vượt khó sau hoặc Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay.

Dàn ý (mẫu 1)

A, Mở bài: dẫn dẫn dắt vào câu chuyện

B, Thân bài:

- Kể về hoàn cảnh khó khăn của đôi bạn.

- Kể về việc hai người bạn đã giúp nhau vượt qua khó khăn để học giỏi.

C, Kết bài: kết thúc câu chuyện

Dàn ý (mẫu 2)

Mở bài: Tôi là Nam - một đứa trẻ lớn lên trong cô nhi viện.

   - Cuộc sống ở cô nhi viện ?

Thân bài: - Ở đây, những đứa trẻ như chúng tôi – những đứa trẻ không có cha mẹ, bị bỏ rơi rất nhiều.

   - Dù được các cô các mẹ chăm sóc nhưng tôi luôn mong mình được có cha mẹ và anh chị em của riêng mình

   - Mẹ tôi xuất hiện.

       + Một người phụ nữ không có con đã nhận nuôi tôi

       + Mẹ chăm sóc và cho tôi rất nhiều tình yêu thương

   - Tôi được đi học vè trở thành một bác sĩ giỏi

   - Tôi đã tài trợ cho các cô nhi viện, cùng gây quỹ hỗ trợ các trẻ em nghèo

   - Tôi gặp An, một cậu bé đang bị người ta đánh vì ăn cắp một chiếc bánh bao

   - An là một cậu bé ngoan, nhưng gia cảnh quá nghèo, cha mẹ mất sớm, An và em gái phải sống dưới gầm cầu

   - Tôi đưa An đến cô nhi viện, cho em đi học, giúp cậu bé ấy có một cuộc sống tốt hơn

Kết bài: Mọi đứa trẻ đều có quyền được sinh ra, được lớn lên trong vòng tay của bố mẹ.

   - Mỗi chúng ta cần giúp những đứa trẻ trở thành những người có ích cho xã hội

Bài văn mẫu

Đề bài: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay

Bài văn mẫu - Vở của các con đâu?

   Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những "người đàn ông" thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.

   - Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.

   Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.

   Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại "phòng chơi", chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.

   - Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh - đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!

   Ngay lập tức chúng tôi rên lên:

   - Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! – cậu em út tính kế hoãn binh.

   - Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.

   Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.

   - Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. - Và việc này kéo dài bao lâu là tuỳ thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?

   - Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.

   - Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ "những người đàn ông" chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông - những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.

   Tôi ngắt lời:

   - Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?

   - Tất cả những gì có thể.

   - Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!

   - Có thể...- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng - có thể lắm...

   Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kĩ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những ngư¬ời phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng... Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.

   Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.

   Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:

   - Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của "bài học" con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!

   Tôi khoanh tay lễ phép:

   - Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 chọn lọc, hay khác: