Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 4 Tập 2 - ngắn nhất Kết nối tri thức
Haylamdo biên soạn và sưu tầm Tri thức ngữ văn trang 4, 5, 6 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 4 Tập 2 - ngắn nhất Kết nối tri thức
1. Giao lưu và sáng tạo trong văn học trung đại Việt Nam
- Thời trung đại, Việt Nam chịu ảnh hưởng giao thoa của hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Sự phát triển của văn học Việt Nam gắn với việc tiếp biến thành tựu văn hóa, văn học của hai nền văn hóa đó để chủ động tạo nên những giá trị có tính đặc thù, thể hiện bản sắc văn hóa và ý thức độc lập dân tộc.
- Một số phương diện chính của sự giao lưu và sáng tạo văn học: tư tưởng, ngôn ngữ - văn tự, thể loại, chất liệu thơ văn.
- Việc giao lưu và sáng tạo đó diễn ra trên nguyên tắc lựa chọn tinh hoa, chủ động Việt hóa.
2. Truyện thơ Nôm
- Là loại hình tác phẩm tự sự độc đáo của văn học trung đại Việt Nam, kết hợp phương thức tự sự và trữ tình, viết bằng chữ Nôm, sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát.
- Phân loại dựa trên tiêu chí đặc điểm nội dung và nghệ thuật, chia truyện thơ Nôm thành 2 nhóm:
♦ Truyện thơ Nôm bình dân.
+ Tác giả: Phần lớn khuyết danh, là những Nho sĩ, trí thức bình dân.
+ Cốt truyện: Lấy từ văn học dân gian hoặc đời sống thực tế.
+ Hình thức nghệ thuật: Thô mộc, bình dị, hồn nhiên
♦ Truyện thơ Nôm bác học.
+ Tác giả: Phần lớn có tên, là những Nho sĩ thuộc tầng lớp phong kiến quý tộc.
+ Cốt truyện: Lấy từ văn học Trung Quốc hoặc tự thuật.
+ Hình thức nghệ thuật: trau chuốt, điêu luyện.
- Đề tài, chủ đề rộng mở, đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của thời đại.
- Các câu chuyện được kể theo trình tự thời gian với nhiều yếu tố ngẫu nhiên, kì ảo, tổ chức theo mô hình: Gặp gỡ - Chia ly – Đoàn tụ.
- Nhân vật phong phú, đa dạng thành phần, mang tính loại hình, được dựng lên nhằm khái quát đặc điểm cố định của một số tầng lớp, loại người trong xã hội hoặc một loại phẩm chất. Nhân vật được khắc họa ở 2 phương diện: con người bên ngoài và con người bên trong. Bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và phần nào ngôn ngữ nửa trực tiếp được sử dụng để khám phá thế giới nội tâm và khắc họa tính cách nhân vật.
- Truyện thơ Nôm là thể loại có đóng góp to lớn vào việc phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc. Sáng tác bằng chữ Nôm, các tác giả đã nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, phủ định quan niệm coi thường tiếng mẹ đẻ. Các tác giả truyện thơ Nôm đã sử dụng điêu luyện thể thơ lục bát kết hợp tinh hoa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân.
3. Biện pháp tu từ lặp cấu trúc và biện pháp tu từ đối
- Lặp cấu trúc là biện pháp tu từ sử dụng những cụm từ hoặc câu có cùng kiểu cấu trúc nhằm nhấn mạnh nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng tính nhạc cho lời văn.
- Đối là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ hoặc câu sóng đối với nhau nhằm nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng vẻ đẹp cân xứng cho lời văn. Biện pháp tu từ đối có thể được thực hiện trong một câu thơ, câu văn hay trọn hai câu thơ, câu văn liền kề nhau.