X

Soạn văn lớp 10 Cánh diều

Soạn bài (Nói và nghe trang 25) Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội - Cánh diều


Với soạn bài Nói và nghe: Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội trang 25, 26, 27 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

Soạn bài (Nói và nghe trang 25) Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội - Cánh diều

1. Định hướng

a) Ở Bài 1, các em đã thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội có thực trong cuộc sống hoặc được gợi ra từ một hay một số tác phẩm văn học. Phần này tiếp tục luyện tập thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội nhưng là vấn đề tư tưởng, đạo lí.

b) Để thuyết trình, thảo luận về một vấn đề xã hội, các em cần:

- Lựa chọn vấn đề thuyết trình (những tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm,...) như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.

- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thuyết trình, tránh trường hợp không phù hợp với thời gian.

- Xác định rõ người nghe bài thuyết trình là ai để có cách trình bày phù hợp. 

- Xác định thời lượng trình bày bài thuyết trình. 

- Chuẩn bị dàn ý cho bài thuyết trình, tránh viết thành văn để đọc.

- Chuẩn bị các tư liệu, thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, video, tranh, ảnh,... (nếu cần).

- Người nghe cần chuẩn bị vấn đề và câu hỏi để tham gia thảo luận. Người nghe cũng có thể đề xuất các vấn đề mà bản thân thấy cần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời gian cho phép của buổi thuyết trình.

2. Thực hành

Bài tập (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)

Đề bài: Hãy thuyết trình quan niệm của em về lòng yêu nước.

a) Chuẩn bị 

- Dựa vào dàn ý phần Viết ở trên để thuyết trình.

- Sắp xếp lại tranh, ảnh, chuẩn bị video, máy tính, máy chiếu phục vụ cho buổi thuyết trình (nếu cần).

- Trao đổi với bạn trong nhóm về nội dung và hưởng trình bày, thuyết trình

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Bổ sung, chỉnh sửa dàn ý bài viết thành đề cương bài thuyết trình.

- Lựa chọn, bổ sung, thêm bớt nội dung cho phù hợp với đối tượng, yêu cầu, thời gian và điều kiện thuyết trình.

c) Nói và nghe

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 5 (trang 32)

* Bài nói mẫu tham khảo

Chào các bạn thân mến, các bạn có thể thấy dân tộc ta đã phải trải qua cả một quãng lịch sử dài đằng đẵng thấm đẫm máu và nước mắt để bảo vệ cho được sự độc lập, dân chủ cho quốc gia, và cuối cùng đã vượt qua một cách hết sức huy hoàng, đó chính là nhờ sức mạnh của tình yêu nước. Chính vì thế, tình yêu nước của nhân dân ta là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý, đáng trân trọng và đáng được phát huy rất nhiều. Ngày hôm nay, tôi muốn thuyết trình cho các nghe quan niệm của tôi về lòng yêu nước.

Theo tôi, lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương nơi mình sinh ra, trưởng thành, suy nghĩ rộng là đất nước với đồng bào dân tộc trân quý. Tình cảm ấy thiêng liêng vô ngần, yêu gia đình, yêu làng quê, yêu núi sông, yêu những người dân đất nước để rồi sống một cuộc đời đầy tình thân, tình nghĩa và luôn thường trực những ước mong cho đất nước mình những ngày thanh bình, ngày càng phồn thịnh, phát triển

Tình cảm ấy gần gũi, bình dị và thân thuộc vô cùng. Nó đến với tư tưởng mỗi người một cách rất tự nhiên, trong ý thức và những hành động bộc phát nhưng rất lý tính của con người. Dân tộc ta luôn tự hào là một dân tộc anh hùng. Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước thì quá nửa chìm đắm trong nạn binh đao với những sự chết chóc, biệt ly, tang thương vô cùng. Tuy nhiên, đau khổ đến bao nhiêu cũng không khiến cho nhân dân ta lùi bước, bằng tinh thần đoàn kết và sức mạnh tinh thần. Như trong tác phẩm “Tình thần yêu nước của nhân dân ta”, bác Hồ kính yêu, vị cha già vĩ đại của dân tộc ta đã có nhiều lời khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc”.

Thật vậy, biểu hiện của tình yêu nước, tinh thần yêu nước của nhân dân ta được hiển hiện rất rõ nét trong đời sống, nó nằm ngay trong ý thức và hành động của mỗi con người Việt. Trong thời chiến, đó là hàng triệu trái tim từ các cụ già tóc bạc phơ đến những đứa trẻ tuổi đời còn rất nhỏ, thanh niên, kiều bào nước ngoài ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, một lòng hướng tới lý tưởng kiên quyết đấu tranh vì lý tưởng độc lập, hòa bình cho đất nước. Hậu phương có những người phụ nữ bản lĩnh với tám chữ vàng “ Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” thi đua tăng gia sản xuất, góp công sức sản xuất lương thực, thực phẩm gửi vào hậu phương chi viện cho bộ đội. Trên khắp các chiến trường, là những chiến sĩ anh hùng, quả cảm, luôn suy nghĩ về lợi ích cộng đồng hơn là những tình cảm cá nhân. Lòng yêu nước ấy mang giá trị to lớn vô cùng, sức mạnh của nó thật sự rất khủng khiếp, chính điều đó đã làm nên thương hiệu của một dân tộc anh hùng khi một đất nước nhỏ bé và lạc hậu đã đánh thắng, đã chiến thắng một cách oanh liệt kẻ thù hung bạo với vũ khí trang bị tối tân, hiện đại vô cùng.

Không chỉ trong thời chiến, mà ngay trong thời đại hòa bình này, tinh thần yêu nước cũng được biểu hiện một cách rất rõ rệt. Lòng yêu nước được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên đất nước, yêu làng quê nơi chôn rau cắt rốn của mình, yêu thương con người đồng loại, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh. Lòng yêu con người đất nước, yêu hương cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu đất nước. Chúng ta sinh ra và lớn lên là nhờ công ơn sinh thành và dưỡng dục của gia đình, người thân bạn bè, vùng đất nơi tạo không gian sống và trải nghiệm. Đôi khi tình yêu nước còn được biểu hiện ở những điều hết sức bình dị, giản đơn nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc vô cùng.

Lòng yêu nước của nhân dân ta còn được thể hiện ở tấm lòng của mọi người dân đất nước hướng về nhau, nghĩ về nhau, luôn quan tâm, giúp đỡ cho nhau. Những hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, các cụ già neo đơn, bệnh nhân, những người có công với cách mạng…luôn được xã hội, cộng đồng quan tâm rất nhiều.

Đất nước có thể phát triển, vươn cao, vươn xa hay không là cũng nhờ sự cống hiến, xây dựng của những con người dân tộc. Và lòng yêu nước là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong hướng mục tiêu này. Tóm lại, lòng yêu nước là vô cùng cần thiết đối với mỗi con người, cho sự phát triển chung của một đất nước. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe bài thuyết trình của tôi!

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

- Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình: 

+ Đã thuyết trình đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa? 

+ Cách thức thuyết trình, phong thái, giọng điệu, ngôn ngữ,... có phù hợp không? 

+ Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào? 

- Đánh giá chung: 

+ Điều em hài lòng về bài thuyết trình của mình là gì? 

+ Điều gì em mong muốn thay đổi trong bài thuyết trình đó?

- Kiểm tra kết quả nghe: 

+ Nội dung nghe và ghi chép lại đã chính xác chưa? 

+ Thu hoạch được những gì về nội dung và cách thức thuyết trình về một vấn đề xã hội của bạn?

- Rút kinh nghiệm về thái độ nghe: 

+ Đã chú ý và tôn trọng người thuyết trình chưa? 

+ Có nêu được câu hỏi và tham gia ý kiến trong quá trình thảo luận không?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác: