Soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội - Ngắn nhất Soạn văn 10 Cánh diều
Haylamdo biên soạn và sưu tầm soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội Ngữ Văn 10 Cánh diều ngắn gọn nhất nhưng đủ ý hy vọng rằng sẽ giúp các bạn dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn 10.
Soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội
1. Định hướng
a) Ở Bài 1, các em đã thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội có thực trong cuộc sống hoặc được gợi ra từ một hay một số tác phẩm văn học. Phần này tiếp tục luyện tập thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội nhưng là vấn đề tư tưởng, đạo lí.
b) Để thuyết trình, thảo luận về một vấn đề xã hội, các em cần:
- Lựa chọn vấn đề thuyết trình (những tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm,...) như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.
- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thuyết trình, tránh trường hợp không phù hợp với thời gian.
- Xác định rõ người nghe bài thuyết trình là ai để có cách trình bày phù hợp.
- Xác định thời lượng trình bày bài thuyết trình.
- Chuẩn bị dàn ý cho bài thuyết trình, tránh viết thành văn để đọc.
- Chuẩn bị các tư liệu, thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, video, tranh, ảnh,... (nếu cần).
- Người nghe cần chuẩn bị vấn đề và câu hỏi để tham gia thảo luận. Người nghe cũng có thể đề xuất các vấn đề mà bản thân thấy cần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời gian cho phép của buổi thuyết trình.
2. Thực hành
Bài tập (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Cánh diều):
a) Chuẩn bị
- Bài viết trình bày quan niệm về lòng yêu nước
- Lời mở đầu và kết thúc
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Khái niệm lòng yêu nước
- Biểu hiện lòng yêu nước
- Vai trò lòng yêu nước
- Hành động cần làm để phát huy lòng yêu nước
c) Nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 5 (trang 32)
* Bài nói mẫu tham khảo
Chào các bạn! Có lẽ trong chúng ta, ai cũng được sinh ra trên một mảnh đất quê hương. Nhạc sĩ Đỗ Trung Quân có câu: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”. Quả đúng là như vậy, chúng ta sinh ra và lớn lên trong tình yêu quê hương, đất nước vô cùng cao đẹp. Vậy lòng yêu nước là gì? Yêu nước là trân trọng những gì tốt đẹp thuộc về đất nước, có lòng tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm xây dựng phát triển Tổ quốc. Dù là quá khứ hay hiện tại, lòng yêu nước luôn mang ý nghĩa quan trọng với mỗi người trong cuộc sống. Tình yêu nước không phải những việc làm quá lớn lao, cao cả, đôi khi nó chính là sống có trách nhiệm với bản thân, yêu thương mọi người xung quanh, trân trọng cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất. Người có lòng yêu nước là người luôn cố gắng chăm chỉ học tập và làm việc, đóng góp có ích cho cuộc đời. Họ tuân thủ luật pháp, không sa vào các tệ nạn xã hội, luôn biết bảo vệ môi trường sống chung. Không những thế, con người yêu nước khi biết gìn giữ những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa nó đến bạn bè quốc tế. Như vậy, tinh thần yêu nước luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Vậy tại sao mỗi người cần phải có lòng yêu nước? Trước hết, yêu nước giúp mỗi cá nhân sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. Lòng yêu nước giúp gắn bó tinh thần đoàn kết của mọi người trong cộng đồng, giúp lan tỏa tình yêu thương trong xã hội. Chúng ta có thể thấy được tinh thần ấy mỗi khi Việt Nam có giải đấu bóng đá với bạn bè quốc tế, màu cờ sắc áo của người Việt dường như nhuộm đỏ cả khán đài, trên mọi nẻo đường. Dù đó chỉ là một môn thể thao nhưng qua cách cổ vũ, cách ăn mừng chiến thắng, chúng ta có thể thấy lòng yêu nước luôn thường trực trong mỗi người dân đất Việt. Nhờ có tình cảm cao đẹp ấy, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đời sống xã hội ngày càng lành mạnh văn minh, tệ nạn được đẩy lùi, việc tốt được lan tỏa. Vừa qua, khi cơn bão lũ tràn tới khúc ruột miền Trung, nhân dân cả nước cùng chung tay quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người dân vực lại cuộc sống. Là một người có lòng yêu nước, chủ tịch Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup đã ủng hộ 13 tỷ cứu trợ cho ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Không những thế, bằng một tình cảm nồng nàn yêu nước, Việt Nam trở nên đẹp đẽ và đáng ngưỡng mộ hơn trong mắt bạn bè quốc tế, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân. Tình yêu nước có ý nghĩa quan trọng như thế, vậy chúng ta cần làm gì để lan tỏa nó trong cộng đồng? Trước hết, mỗi người cần có một ý thức trách nhiệm, trân trọng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Hãy tích cực tham gia những hoạt động chung, đóng góp có ích cho xã hội. Hãy thực hiện nghiêm túc luật pháp, bảo vệ môi trường, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu làm tổn hại đến hình ảnh đất nước. Luôn có ý thức tôn vinh dân tộc và làm đẹp và làm giàu cho Tổ quốc. Chúng ta cần ngợi ca những cá nhân, tổ chức có công với đất nước, lên án phê phán những kẻ phản quốc, bôi nhọ dân tộc. Tuy nhiên, yêu nước không có nghĩa là yêu một cách mù quáng hay lợi dụng lòng yêu nước để chuộc lợi bản thân. Yêu nước là phải biết hạn chế những cái xấu của đất nước, phát huy những điểm tốt để đất nước ngày một tươi đẹp hơn. Là học sinh, dù chưa thể đóng góp nhiều cho xã hội nhưng tôi luôn ý thức trách nhiệm học tập của bản thân, để có thể trở thành một người có ích, xứng đáng là người dân đất Việt.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Người nói |
Người nghe |
- Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình: + Đã thuyết trình đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa? + Cách thức thuyết trình, phong thái, giọng điệu, ngôn ngữ,... có phù hợp không? + Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào? - Đánh giá chung: + Điều em hài lòng về bài thuyết trình của mình là gì? + Điều gì em mong muốn thay đổi trong bài thuyết trình đó? |
- Kiểm tra kết quả nghe: + Nội dung nghe và ghi chép lại đã chính xác chưa? + Thu hoạch được những gì về nội dung và cách thức thuyết trình về một vấn đề xã hội của bạn? - Rút kinh nghiệm về thái độ nghe: + Đã chú ý và tôn trọng người thuyết trình chưa? + Có nêu được câu hỏi và tham gia ý kiến trong quá trình thảo luận không? |