Hứng trở về (Quy hứng) - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Hứng trở về (Quy hứng) - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Hứng trở về (Quy hứng) Ngữ văn lớp 10, bài học tác giả - tác phẩm Hứng trở về (Quy hứng) trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
A. Nội dung tác phẩm Hứng trở về (Quy hứng)
Phiên âm
Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy.
Dịch nghĩa
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm nở hoa thơm, cua đang lúc béo.
Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt,
Đất Giang Nam tuy vui, cũng chẳng bằng về nhà.
Dịch thơ
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê.
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,
Dầu vui đất khách chẳng bằng về.
B. Tìm hiểu tác phẩm Hứng trở về (Quy hứng)
1. Tác giả
- Nguyễn Trung Ngạn sinh năm 1289, có tài liệu ghi là năm 1280.
- Ông đỗ Hoàng giáp năm 1304 và lần lượt giữ các chức:
+ Năm 1312, giữ chức gián quan (một chức quan trong Ngự sử đài).
+ Năm 1314, khi vua Trần Minh Tông lên nối ngôi, ông cùng Phạm Ngộ sang nhà Nguyên báo tin và dâng cống.
+ Năm 1321, ông là Ngự sử đài Thị ngự sử. Sau do bàn bạc không hợp ý vua, ông bị giáng xuống làm Thông phán châu Anh Lãngrồi lại nhờ có tài trong việc cai quản ở nơi trị nhậm mà được điều về kinh giữ chức Thiêm tri Thánh Từ cung sự quản lý mọi việc ở cung Thánh Từ, tức cung của Thái thượng hoàng.
+ Năm 1326, do sai sót trong việc ghi chép quan phục của quan lại, ông lại bị điều ra làm An phủ sứ Thanh Hoá.
+ Năm 1329, Nguyễn Trung Ngạn theo Thượng hoàng Minh Tông đi đánh dẹp ở Đà Giang và phụng mệnh soạn sách Thực lục.
+ Năm 1332, Nguyễn Trung Ngạn được thăng Nội mật viện phó sứ, giữ sổ sách ở nội sảnh cung Quan Triều (cung của vua Trần), nhưng vẫn kiêm An phủ sứ Thanh Hoá.
+ Năm 1334, ông theo Thượng hoàng đi đánh giặc Ai Lao. Ai Lao trốn chạy, ông vâng mệnh ghi công ở bia Ma Nhai rồi về.
+ Năm 1337, làm An phủ sứ Nghệ An rồi Giám tu Quốc sử viện. Ông cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ luật Hình thư.
+ Năm 1341, Nguyễn Trung Ngạn được giao giữ chức Kinh sư Đại doãn trông coi mọi việc ở kinh thành Thăng Long.
+ Năm 1342, ông được thăng lên làm Hành khiển coi việc ở viện Khu mật.
+ Năm 1355, được thăng Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Đại hành khiển, Thượng thư Hữu bật, Đại học sĩ, hầu ở toà Kinh Duyên, Trụ Quốc, Khai huyện bá rồi Thân Quốc công.
- Năm 1370, ông mất thọ hơn 80 tuổi.
- Các tác phẩm chính: Giới Hiên thi tập, Hoàng triều đại điển, Hình luật thư, Thanh chinh Đà Giang thực lục, Ma Nhai kỷ công bi văn,…
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác khi Nguyễn Trung Ngạn đang đi sứ ở Giang Nam (Trung Quốc).
b. Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
c. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm, miêu tả.
d. Bố cục: 2 phần
- Hai câu đầu: Nỗi nhớ quê hương.
- Hai câu sau: Lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
e. Giá trị nội dung:
- Lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về dân tộc là cảm xúc chủ đạo của bài thơ quy hứng.
- Bài thơ giúp người đọc ý thức một chân lí: không gì bằng quê hương xứ sở của mình; giúp ta thêm yêu, thêm quý nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
f. Giá trị nghệ thuật:
- Cách nói chân thật, giản dị.
- Sử dụng hình ảnh giàu sức gợi.
C. Sơ đồ tư duy Hứng trở về (Quy hứng)
D. Đọc hiểu văn bản Hứng trở về (Quy hứng)
1. Hai câu đầu
Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
(Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm thơm bông cua béo ghê)
- Tình yêu quê hương xứ sở được miêu tả qua những chi tiết: dâu tằm, hương thơm đồng lúa, cua cá trên đồng, bữa cơm quê dẻo thơm ngọt ngào.
→ Những hình ảnh bình dị, quen thuộc, bộc lộ nỗi nhớ quê hương cụ thể, da diết, chân thành trong tác giả.
- Với những hình ảnh trên, tác giả đã góp phần khẳng định xu hướng bình dị, phá vỡ tính quy phạm, tính trang nhã của văn học trung đại.
2. Hai câu cuối
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy
(Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về)
- Cách nói tế nhị ngầm so sánh hai sự việc:
+ Câu 3: Cuộc sống tuy nghèo nàn nhưng vẫn vui và hạnh phúc.
+ Câu 4: Dù lãng du đất khách quê người rất vui nhưng không sao bằng được niềm vui quê nhà.
→ Đi sứ tuy vinh hạnh, sung sướng nhưng không bằng được ở nhà, ở nơi quê hương của mình.
⇒ Nhà thơ yêu thích được trở về với cuộc sống thanh đạm của quê nhà.