Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy ngắn nhất
Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Xem thêm Tóm tắt: Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Bố cục:
+ Phần 1 (từ đầu đến "bèn xin hòa"): Quá trình xây thành và chế nỏ thần của vua An Dương Vương.
+ Phần 2 (tiếp theo đến "dẫn vua đi xuống biển"): Câu chuyện mất nước của An Dương Vương.
+ Phần 3 (đoạn còn lại): Truyền thuyết về ngọc Mị Châu và nước giếng Trọng Thủy.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 42 sgk Văn 10 Tập 1):
a.
+ Vua được thần linh giúp đỡ bởi đã lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần.
+ Sự giúp đỡ thần kì:
→ Cụ già từ phương đông báo tin "Sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thành mới thành công".
→ Thần Rùa nổi trên mặt nước, nói tiếng người, thông tỏ việc âm dương, quỷ thần, giúp đỡ vua xây thành trong nửa tháng. Trước khi từ biệt, thần còn tháo vuốt đưa cho nhà vua để chế tạo nỏ thần, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
+ Cách đánh giá của dân gian: Vua là người được thần linh giúp sức, là người hội tụ sức mạnh của thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có thể mang lại hạnh phúc, bình yên cho đất nước.
b. Sự mất cảnh giác của nhà vua: Khi Đà cử quân sang đánh, vua cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: "Đà không sợ nỏ thần sao?".
c. Thái độ của nhân dân
→ Biểu hiện thái độ xót xa trước việc mất nước vào tay kẻ thù xâm lược.
→ Nhân dân bênh vực cho An Dương Vương.
Câu 2 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước. Bởi Mị Châu có tính tình lương thiện dẫn đến thiếu cảnh giác, hơn nữa người đối diện là chồng mình, người đáng tin tưởng nên việc mất cảnh giác là khó tránh khỏi. Trong hoàn cảnh ấy Mị Châu chỉ là một người vợ chứ không phải là một nàng công chúa của một đất nước. Sự trong sạch, không mưu đồ bán nước của Mị Châu cũng đã được khẳng định qua hình ảnh ngọc minh châu ở cuối truyện.
Câu 3 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
→ Nhân dân thể hiện thái độ bênh vực cho sai lầm của Mị Châu và tình cảm trân trọng cũng như cảm thương đối với nàng.
→ Qua đó nhân dân ta muốn nhắn gửi bài học cảnh giác, phải luôn tỉnh táo khôn ngoan trong mọi trường hợp, hòa hợp những mối quan hệ chung và riêng.
Câu 4 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Hình ảnh ngọc trai, giếng nước
→ Là sự khẳng định cho tình cảm vợ chồng chân thành, thủy chung của Mị Châu và Trọng Thủy.
→ Đó còn là sáng tạo nhằm xoa dịu bớt nỗi đau về số phận bất hạnh của hai vợ chồng Mị Châu – Trọng Thủy trong bối cảnh hai nước giao tranh.
Câu 5 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Cốt lõi lịch sử | Sự thần kì hóa của dân gian |
An Dương Vương xây thành, trải qua nhiều khó khăn mới thành công | Thành công của việc xây thành là nhờ sự giúp đỡ của thần linh. |
Việc mất nước vào tay quân xâm lược phương Bắc. | Việc mất nước xảy ra là bởi Trọng Thủy lừa gạt Mị Châu để lấy cắp nỏ thần. |
Luyện tập
Câu 1 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Tình cảm giữa Mị Châu và Trọng Thủy là tình cảm thủy chung, đích thực, không phải là tình cảm giả dối, vụ lợi. Nhưng Trọng Thủy vì nghĩa vụ với đất nước, Mị Châu lại hết lòng tin tưởng chồng mình, trong bối cảnh hai nước giao tranh, mới dẫn đến cảnh ngộ bi đát. Hình ảnh "ngọc trai – giếng nước" chính là minh chứng cho mối tình chung thủy đó giữa hai người.
Câu 2 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Cách xử lý như vậy nói lên tư tưởng nhân đạo trong đạo lí truyền thống của dân tộc. Nhân dân ta đã thông cảm cho việc làm của một vị vua, đứng trước tình riêng và mối thù dân tộc ông đã chọn dân tộc. Đồng thời nhân dân cũng hết sức thương xót cho nàng Mị Châu, vì trái tim chân thành mà phải nhận lấy cái chết từ chính vua cha của mình. Nhân dân xử trí như vậy là mong muốn những lầm lỡ, khổ đau, bất hạnh có thể được nguôi ngoai đi phần nào.
Câu 3 (trang 43 sgk Văn 10 Tập 1):
Trọng Thủy Mỵ Châu
Nguyễn Tâm
Cổ Loa thành quách nguy nga
Suối reo róc rách hoa trà ngát hương
Âu Lạc vua An Dương Vương
Ngài là Thục Phán tên thường khai sanh
Thuở đó nước Việt vang danh
Nỏ thần dẹp giặt để giành non sông
Chứng tri với các tổ tông
Muôn dân trăm họ trọn lòng đấu tranh
Đại Việt vạch đất chia ranh
Kẻ nào bành trướng thì đành bỏ thây
Tường hào bờ lũy đắp xây
Vụ mùa lúa gạo vun đầy bồ kho
Thế thời lắm lúc còn lo
Triệu Đà mưu kế giả đò thông gia
Mỵ Châu công chúa bên ta
Kết duyên Trọng Thủy một nhà cháu con
Nàng thân con gái sắc son
Ngờ đâu có biết chồng còn kế gian
Làm sao để đánh giặt tan
Ái ân chồng vợ sao nàng giấu chi
Thật lòng thiếp nói nghe đi
Ta đây thề thốt không gì xấu xa
Chẳng qua nể phục tài ba
Người dân xứ Việt thật là giỏi giang
Tưởng chồng tình thiệt hỏi hang
Thiếp đây bày tỏ mọi đàng cho xong
Kim Quy rùa ở biển sông
Tặng cho Thần Nỏ chiến công dẹp thù
Anh đây như thể người mù
Xin em chỉ cách cho dù khó khăn
Làm sao dây nỏ kéo căng
Rồi cùng một lúc tên tăng vạn lần
Yêu chồng Châu chỉ ân cần
Chỉ luôn mọi nẻo Cung Thần nằm đâu
Bí mật quân sự thâm sâu
Nay thời một khắc Mỵ Châu khai rành
Chồng em bụng dạ không lành
Nửa đêm phá sạch tan tành Nỏ kia
Đồ đạc ngày cưới phân chia
Gom xong bỏ trốn duyên lìa từ đây
Tình yêu như gió như mây
Thù xưa giặt cũ đến dày nước Nam
Nỏ hư đành phải chịu cam
Mang con tháo chạy biết làm gì hơn
Còn thương Trọng Thủy keo sơn
Áo lông vương rãi gió vờn tung bay
Đường em theo lối cỏ cây
Còn Thương chàng hãy tìm đây hướng này
Vó ngựa rong rủi bao ngày
Bên bờ biển gọi tỏ bày Thần Quy
Vận ngài đã hết cùng suy
Công chúa theo giặt là tùy vào ông
Nhìn qua Vua mới ngó trông
Lông rơi cùng khắp đau lòng thở than
Cúi lạy đất nước giang san
Giết con tự sát đâu màng sống nhơ
Xác nàng hồn phách lửng lơ
Máu loang xuống biển có mờ tình ai
Thấm vào dạ ốc con trai
Minh Châu tỏa sáng tuyền đài thủy chung !
08 - 31 – 2011
- Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy đến nay vẫn có sức sống lâu bền, vẫn tiếp tục ghi dấu vào trí nhớ, vào những bài học của con cháu thế hệ sau, đi vào cả thơ ca. Câu chuyện về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy với giá trị thực tiễn, giá trị lịch sử sâu sắc đã trở thành di sản văn hóa, văn học quý báu cho người Việt nhiều thế hệ.
Nhận xét – Ý nghĩa
Qua tác phẩm, học sinh nhận ra được bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cồng đồng mà nhân dân đã gửi gắm. Đồng thời, qua sự hòa quyện giữa hình tượng nhân vật và những chi tiết hư cấu trong truyện, học sinh thấy được mối quan hệ giữa phần cốt lõi lịch sử với phần tưởng tượng của dân gian.