Top 30 Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (hay nhất)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 30 bài Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (mẫu 1)
- Dàn ý Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (mẫu 2)
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (mẫu 3)
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (mẫu 4)
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (mẫu 5)
- Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (các mẫu khác)
Top 30 Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (hay nhất)
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều
Truyện Kiều là một trong những truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong Văn học Việt Nam. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, gồm 3254 câu. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm được Nguyễn Du thể hiện một cách nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc vô cùng.
Giá trị nội dung của truyện được thể hiện qua giá trị hiện thực và nhân đạo. Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Sức mạnh của đồng tiền và số phận những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền, đặc biệt là người phụ nữ. Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.Gia đình nhà Vương Ông đang sống bình yên, chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, thế là cuộc sống yên lành bị phá vỡ, tai hoạ ở đâu ập xuống nhà Kiều. Để từ đó, khiến cho cuộc đời Kiều phải rẽ hướng, hướng đi mới của số phận Kiều nghiệt ngã, đau đớn, tủi hổ vô cùng.
Bên cạnh đó Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công lí. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năm lưu lạc của nàng là một chuỗi bi kịch. Dường như bao nhiêu nỗi cực khổ của người đàn bà thời trước đều ập xuống vai nàng. Từ một cô tiểu thư khuê các, Kiểu trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán, rồi Kiều bị lừa gạt bị rơi vào lầu xanh tới hai lần, đem thân đi làm lẽ, làm đứa ở, rồi bị đánh đòn, lăng nhục trở thành tội phạm ở công đường, bị sỉ nhục, đày đọa khiến cuối cùng phải tự vẫn. Cuộc đời Thuý Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến bất nhân .Gia đình nhà Vương ông đang sống yên bình nhưng vì thằng bán tơ tham tiền đã buông lời “vu oan giá hoạ” thế là cả gia đình gặp biến cố lớn, cha và em trai Thuý Kiều vào ngục. Bọn quan sai cũng nhờ cái cớ đó mà tiến vào nhà Kiều cướp phá, đánh đập. Để cứu được cha và em, bọn quan lại yêu cầu ba trăm lạng bạc, Thuý Kiều phải bán thân từ bỏ mối nhân duyên đẹp với Kim Trọng để làm tròn chữ hiếu. Sau đó, Kiều bị bán vào lầu xanh nơi có Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều là những người chạy theo đồng tiền, chà đạp lên thân phận người khác nhằm chuộc lợi. Không chỉ Kiều mà biết bao người con gái khác cũng bị chôn vùi tuổi thanh xuân nơi lầu xanh nhơ nhớp ấy. Ngoài ra, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện ở việc Nguyễn Du tố cáo sự thối nát, mục ruỗng của chính quyền phong kiến, đại diện trong tác phẩm này là Hồ Tôn Hiến và bè lũ sai nha của hắn, chúng lộng quyền, tham lam hơn nữa còn trắc dâm ô tàn bạo.
Đồng tiền khi rơi vào tay kẻ xấu chính là công cụ gây ra tội ác cho “kẻ yếu” hơn. Và Truyện Kiều chính là một bản tự sự đầy nước mắt về cuộc đời người con gái tài sắc Thuý Kiều đang bị chính sức mạnh và sự bất nhân của đồng tiền gây ra.
Nhưng điều khiến tác phẩm này trở thành linh hồn chính là giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du truyền tới người thưởng thức.Thông qua nhân vật chính của tác phẩm là Thuý Kiều, Nguyễn Du muốn thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc của ông với những số phận bất hạnh nhất là người phụ nữ. Trong xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ như chỉ mua vui, họ bèo bọt, rẻ rúng. Tuổi xuân của họ của người phụ nữ xinh đẹp như Kiều đáng phải được nâng niu, trân trọng thì nay lại bị những kẻ cậy quyền, tham lam lợi dụng, lừa lọc để làm công cụ kiếm tiền nơi lầu xanh.Nguyễn Du cũng là người “yêu” vẻ đẹp con người. Ông đã tạo dựng thành công hình ảnh chàng Kim Trọng hết mực chung tình với Thuý Kiều, chàng Từ Hải người anh hùng giỏi giang, đầu đội trời, chân đạp đất. Đặc biệt là người con gái thuỳ mị xinh đẹp Thuý Kiều sẵn sàng hi sinh bản thân để giữ trọn nghĩa hiếu. Và qua tác phẩm ta cũng thấy được niềm tin ở hạnh phúc của con người, người tốt thiện lương sẽ luôn được hưởng hạnh phúc còn kẻ ác, tham lam sẽ bị trừng trị thích đáng. Giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Mặt khác Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du như khóc cùng tiếng đàn và cuộc đời của Thuý Kiều, ông cũng bày tỏ thái độ trân trọng Kiều cho dù có lúc nàng đã là hạng người dưới đáy của xã hội.
"Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim Trọng, Thúy Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó.
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (các mẫu khác)
Tham khảo các bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật hay khác:
Trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh hoặc pho tượng mà em cho là có giá trị
Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích
Phân tích một đoạn trích tự chọn trong tác phẩm "Truyện Kiều" (Nguyễn Du)
Dàn ý Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
- Mở bài: Giới thiệu bộ phim (vở kịch, bài hát) và nêu khái quát điểm đặc sắc.
- Thân bài
Nêu các ý cụ thể phân tích bộ phim (vở kịch, bài hát):
+ Phân tích nội dung, ý nghĩa của bộ phim (vở kịch, bài hát).
+ Phân tích các điểm đặc sắc về hình thức bộ phim (vở kịch, bài hát).
+ Nêu các nhận xét của người viết về thành công và hạn chế của bộ phim (vở kịch, bài hát).
- Kết bài
Nêu đánh giá khái quát về bộ phim (vở kịch, bài hát): giá trị thời sự, hiệu quả tác động tới người xem, dư luận xã hội về bộ phim (vở kịch, bài hát) đó.
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - bức tranh Đêm Đầy Sao
Van Gogh đã vẽ bức Đêm Đầy Sao (Starry Night) vào năm 1889, khi ông đang điều trị trong một trại tâm thần ở Saint Rémy. Điều thú vị là ông đã vẽ bức tranh này từ trí nhớ của mình, và khung cảnh trong tranh được cho là dựa theo bầu trời đêm của Provence. Starry Night có lẽ là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và có chiều sâu nhất của danh họa.
(Đêm Đầy Sao (Starry Night), 1889, tranh sơn dầu, Vincent van Gogh, MoMA, New York)
Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi ngắm nhìn bức tranh này là bầu trời đêm choáng ngợp, chiếm gần hết hậu cảnh. Các đường xoáy tựa dòng chảy đang chuyển động nhẹ nhàng, dập dìu, dường như đang hợp nhất ở trung tâm tạo thành hình xoắn ốc. Mười một ngôi sao màu vàng rực rỡ trông giống như những quả cầu lửa khổng lồ, chiếu sáng toàn bộ khung cảnh. Chúng hoàn toàn tương phản với bầu trời đêm trong mát với nhiều sắc thái xanh lam và xám. Ngoài ra, ở góc trên cùng bên phải còn có vầng trăng lưỡi liềm đang tỏa ra ánh sáng màu cam đậm và còn sáng hơn so với các vì sao. Tầm nhìn ra bầu trời đêm và ngôi làng bị chặn một phần bởi cụm cây hoàng đàn khổng lồ phía trước. Bóng cây to lớn, màu xanh đen nổi bật hẳn so với tông màu nhẹ nhàng chủ đạo của tác phẩm. Những ngôi nhà nhỏ xíu được vẽ kín đáo ở góc dưới bên phải của bức tranh, như hòa với cảnh núi rừng. Kiến trúc của ngôi làng cổ kính, đơn sơ và không có ánh sáng chiếu vào ngôi làng, tạo cảm giác rằng tất cả mọi người ở đó có lẽ đang chìm trong giấc ngủ. Nhìn chung, nét vẽ của ông nặng, dày và có nhịp điệu dồn dập đầy dứt khoát. Vậy nên, tác phẩm tạo cho người thưởng tranh có ảo giác các nét cọ như đang liên tục chuyển động.
(Nét cọ trong bức họa Đêm Đầy Sao (Starry Night))
Việc Van Gogh vẽ bức tranh này dựa theo trí nhớ của mình đã giúp cho ta thấy phần nào về sự lệch lạc tinh thần và cường độ cảm xúc lớn của ông tại thời điểm đó. Người ta cảm thấy như thể danh họa đã khó có thể kiềm chế cảm xúc của mình, rằng tất cả nỗi tức giận và niềm đam mê của ông đã bao trùm toàn bộ tác phẩm. Mặt trăng và các ngôi sao lớn đến nỗi dường như cả bầu trời đêm sắp sụp xuống. Cây hoàng đàn, một loại cây có hình tượng kín đáo, trang trọng và tang tóc, có vẻ như nham hiểm khi chắn tầm nhìn của chúng ta ngay trước bức tranh. Cứ như thể Van Gogh đang tự tạo ra một thực tại của riêng mình. Ông chọn cách nhấn mạnh những vật thể mà mình cảm thấy là quan trọng, mặc kệ điều đó sẽ dẫn đến việc các góc nhìn bị bóp méo.
Bức tranh như sục sôi sự sống nhờ những nét vẽ tạo ấn tượng về sự chuyển động. Đặc biệt, bầu trời đêm dường như chính là nguồn sống của tác phẩm, nhờ sự năng động bùng nổ. Có vẻ như các thiên hà đang chuyển động và các vì sao sẽ lao vào thị trấn bình yên này bất cứ lúc nào. Các ngôi sao và bầu trời tạo nên một cảm xúc mãnh liệt với nhiều nét vẽ và màu sắc khác nhau, tất cả hòa vào nhau tạo thành một màn sương tựa như hình xoắn ốc ở trung tâm tác phẩm.
Mặt khác, cây hoàng đàn phần nào làm giảm bớt hiệu ứng chói lóa của bầu trời đêm với những chiếc lá sẫm màu, quằn quại vươn lên ở phía bên trái của bức tranh. Thân cây trông rắn rỏi và dường như nhàm chán so với phần còn lại. Nó làm xáo trộn toàn bộ trạng thái cân bằng của một đêm đầy sao, cảnh tượng mà đáng lẽ ra sẽ được khắc họa một cách đầy huyền diệu và trọn vẹn. Dondis từng nói rằng mắt người thường ưu tiên khu vực phía dưới bên trái của bất kỳ trường thị giác nào và có vẻ như Van Gogh đã cố ý vẽ bụi cây hoàng đàn ở vị trí nổi bật ấy. Có thể giải thích rằng bụi cây là đại diện cho nỗi thống khổ bên trong mà danh họa đang phải trải qua vào thời điểm đó. Sự hỗn loạn mà ông ấy đang trải qua có thể đã làm hao kiệt thứ khát vọng sống trong ông.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà nhỏ có vẻ khá yên tĩnh. Tất cả các đèn đều đã tắt và mọi người hẳn đang say ngủ. Không ai để ý đến bầu trời đêm đang bừng lên sức sống và bụi cây hoàng đàn đang quằn quại. Điều đó lột tả sự xa lánh và hiểu lầm mà danh họa phải chịu đựng. Tôi cảm thấy rằng ngôi làng đang say giấc đại diện cho phần còn lại của thế giới, những con người không biết về những đam mê cuồng nhiệt và nỗi thống khổ mà Van Gogh đang phải trải qua. Có lẽ ấy là lý do tại sao những ngôi nhà trông như ở rất xa mặc dù chúng thực sự khá gần.
Giải thích của tôi chỉ là một trong số rất nhiều cảm nhận của những người thường thức nghệ thuật khác về Đêm Đầy Sao. Đây vẫn sẽ luôn là một tác phẩm khó nắm bắt đối với các nhà phê bình nghệ thuật cũng như các sinh viên. Bởi vì chẳng một ai thực sự biết ý định của Van Gogh về bức tranh đây. Mọi người dường như đang sử dụng các mật mã khác nhau để giải mã những gì Van Gogh đang cố gắng thể hiện .Có nhà phê bình cho rằng đây là một tác phẩm tôn giáo, mô tả một câu chuyện trong Kinh thánh. Trong sách Sáng thế ký, Joseph có một giấc mơ về mười một ngôi sao, mặt trời và mặt trăng (mặt trăng và mặt trời dường như được kết hợp với nhau ở đây), tượng trưng cho anh em và cha mẹ của mình, đang cúi đầu trước ngài. Một học giả khác cho rằng bức tranh này thể hiện sự hội tụ thiên văn, vì thực tế là vào thời ấy, có một hiện tượng thiên văn rất nổi tiếng. Khi đó, những người yêu thích thiên văn học và chiêm tinh học như Jules Verne đã sáng tác nhiều tác phẩm về du hành lên mặt trăng. Đối với tôi, tôi luôn có một ý nghĩ đa cảm này về Van Gogh, rằng tôi thấy ông như một nghệ sĩ bi kịch, đầy nỗi đau khổ, là người thực sự muốn làm rất nhiều điều cho nhân loại (ông đã từng là một nhà truyền giáo) nhưng liên tục bị xã hội khước từ. Bức tranh này đã truyền đạt đến tôi thứ tình yêu mà ông dành cho những tạo phẩm tuyệt đẹp của Chúa. Ấy thế mà, tôi cũng cảm nhận được một cảm giác cô đơn rõ rệt, như thể không ai có cái nhìn về thế giới như cách mà ông đã thấy.
Tất nhiên, để hiểu rõ hơn phong cách vẽ của danh họa trong Đêm Đầy Sao, chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh. Vincent Van Gogh là một trong những nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng vĩ đại, cùng với những cá nhân như Cézanne và Gauguin. Trường phái Hậu ấn tượng về cơ bản là một phản ứng chống lại chủ nghĩa ấn tượng, vốn thể hiện niềm tin rằng nghệ thuật nên phản ánh chính xác hiện thực bằng màu sắc và ánh sáng tự nhiên. Những người theo trường phái Hậu ấn tượng tin rằng nghệ thuật không phải để bắt chước hình thức, mà là để tạo ra hình thức. Có nghĩa là, các nghệ sĩ thời kỳ này đã có một cái nhìn chủ quan về thế giới thị giác và vẽ về thế giới của họ, theo nhận thức nghệ thuật của riêng mình. Như chính Van Gogh đã nói, “Chúng ta có thể thành công hơn trong việc tạo ra một bản chất thú vị và thoải mái so với những gì chúng ta có thể nhận ra chỉ bằng một cái nhìn thoáng qua về thực tại”. Đó là lý do tại sao các nghệ sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng không có phong cách cố định – các tác phẩm của họ phản ánh cá tính và nhận thức độc đáo của mỗi cá nhân.
Trong trường hợp của Van Gogh, các tác phẩm của ông dường như phản ánh một cường độ cảm xúc lớn, giống như trong Starry Night. Ông ấy từng nói với anh trai Theo rằng, thay vì sử dụng màu sắc một cách chuẩn xác, ông muốn sử dụng chúng “tùy tiện hơn để thể hiện bản thân một cách gượng ép hơn”. Đặc biệt, ông thích vẽ phong cảnh phản ánh cảm xúc và tâm hồn của chính mình. Theo một cách nào đó, ông có cảm giác được giải phóng khi vượt ra ngoài ranh giới của nghệ thuật truyền thống. Đêm Đầy Sao là hiện thân của phong cách và lối thể hiện độc đáo của Van Gogh. Và thế đấy, những tác phẩm như thế đã gây sức ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật hiện đại ngày nay.
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - bộ phim Nhà bà Nữ
“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.
Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.
Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.
Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".
Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.
Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều
Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19). Đây được coi là một trong những kiệt tác của nền văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm đã để lại nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Truyện Kiều kể về cuộc đời của Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau. Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu. Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Túy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.
Giá trị nội dung của Truyện Kiều thể hiện ở giá trị hiện thực và nhân đạo. Trước hết, về giá trị nhân đạo, tác phẩm đã khắc họa bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo và coi trọng đồng tiền. Đồng thời, Nguyễn Du còn cho thấy một xã hội phong kiến bất công đã chà đạp con người, đặc biệt là người phụ nữ. Cuộc sống của gia đình Thúy Kiều đang bình yên. Nhưng chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, cha Kiều bị bắt. Cuộc đời Kiều phải rẽ sang hướng khác. Nàng phải từ bỏ duyên đẹp đẽ với Kim Trọng, bán mình chuộc cha. Thúy Kiều còn bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Từ một cô tiểu thư khuê các, Kiểu trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán. Nàng còn trở thành vợ lẽ, bị người ta lăng nhục, đày đọa và cuối cùng phải tự vẫn.
Truyện Kiều đã bộc lộ sự trân trọng con người. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Thúy Kiều từ những vẻ đẹp từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Tác phẩm còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Cuối cùng, truyện là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người. Mối tình Kim Trọng và Thúy Kiều đã đi vào lòng người đọc. Sự thủy chung, si tình của Kim Trọng khiến ta không khỏi ngưỡng mộ. Ngoài ra, với Truyện Kiều, tác giả còn thể hiện khát vọng công lí tự do với hình tượng nhân vật Từ Hải, người anh hùng dám chống lại xã hội phong kiến tàn bạo.
Tiếp đến là giá trị nghệ thuật mà đầu tiên phải kể đến về mặt ngôn ngữ. “Truyện Kiều” được đánh giá là đạt đến trình độ mẫu mực về ngôn ngữ. Nguyễn Du đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học. Nhiều điển tích, điển cố được sử dụng để miêu tả tâm trạng, phẩm chất (“sông Tương”, “sân Lai”, “gốc tử”, “nàng Ban”, hay “ả Tạ”…). Cách dùng từ tinh tế là một trong những biệt tài của Nguyễn Du khi miêu tả nhân vật và cảnh vật. Ví dụ như khi miêu tả nhân vật Tú Bà, tác giả đã sử dụng từ láy “nhờn nhợt” (Thoắt trông nhờn nhợt màu da). Hay động từ “lẻn” (Mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào) để làm nổi bật sự xảo quyệt của Sở Khanh…
Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng được sử dụng. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Nguyễn Du cũng rất thành công khi xây dựng tâm trạng nhân vật với bút pháp tả cảnh ngụ tình. Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một ví dụ điển hình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Ngoài ra, việc sử dụng thể bát cũng đã mang lại những thành công to lớn cho việc chuyển tải nội dung tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây là thể thơ vốn có rất nhiều yếu tố tạo hình và rất giàu tính nhạc, nhất là ở những đoạn khắc họa chân dung nhân vật.
Qua phân tích trên, có thể khẳng định, Truyện Kiều của Nguyễn Du chứa đựng nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm chính là di sản quý giá của nền văn chương nước nhà.
Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều
Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
Trước tiên, dù sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm tài nhân) song Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới với những sáng tạo về giá trị nội dung. Truyện Kiều mang giá trị hiện thực phản ánh bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam bất công, tàn bạo và xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đó là lời tố cáo các thế lực đen tối như sai nha, quan xử kiện, ... ích kỉ, tham lam, coi rẻ sinh mạng, phẩm giá con người. Tác phẩm còn cho thấy những tác động tiêu cực của đồng tiền: đó là những lời ngon ngọt "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi", là những lần lừa gạt Thúy Kiều vào lầu xanh của Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tất cả chung quy lại cũng vì đồng tiền làm tha hóa nhân cách của con người.
Không chỉ dừng lại ở giá trị hiện thực rộng lớn, tác phẩm còn mang những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Truyện Kiều là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tác phẩm còn thể hiện tiếng nói thương cảm, xót xa của Nguyễn Du trước số phận bi kịch của con người: "Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về", để rồi sau này ông thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Thúy Kiều là người con gái tài sắc nhưng số phận lại vô cùng éo le, lấy chữ hiếu làm đầu để rồi sau bao nhiêu trắc trở, nàng lại cô đơn vò võ một mình. Càng xót xa bao nhiêu, nhà thơ lại càng khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người: khát vọng về quyền sống, quyền tự do, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Mối tình Kim Kiều vượt lên trên lễ giáo phong kiến cùng thái độ chủ động của người con gái khi yêu: "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" thể hiện khát vọng tình yêu của con người cùng hình ảnh người anh hùng Từ Hải ẩn chứa ước mơ của tác giả về một xã hội công bằng,... Bởi những giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả đó, Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng ca ngợi Nguyễn Du là người "có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời".
Không chỉ có những đặc sắc về nội dung mà Truyện Kiều còn mang những nét sáng tạo vô cùng độc đáo về nghệ thuật. Tác phẩm là sự kết tinh các thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Về thể loại, tác phẩm được viết dưới hình thức một truyện thơ Nôm với thể thơ lục bát truyền thống quen thuộc. Về ngôn ngữ, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm có vận dụng kết hợp linh hoạt với các ca dao, thành ngữ quen thuộc. Nghệ thuật trong Truyện Kiều đã có bước phát triển vượt bậc: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí nhân vật. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhà thơ có sự kết hợp giữa ngôn ngữ độc thoại để miêu tả nội tâm và ngôn ngữ đối thoại để thể hiện tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Với các nhân vật chính diện, Nguyễn Du sử dụng ngòi bút ước lệ, ẩn dụ tượng trưng quen thuộc trong thơ trung đại; với các nhân vật phản diện, nhà thơ thường sử dụng ngôn từ bình dân tả thực. Bên cạnh đó, ông còn có những đặc sắc nghệ thuật khi tả cảnh với bút pháp tả cảnh ngụ tình sinh động, giúp nhân vật thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình một cách gián tiếp. Tất cả đã làm nên một "Truyện Kiều" với những sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện.
Với những đóng góp to lớn cả về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều xứng đáng được coi là kiệt tác văn học của dân tộc. Thời gian cứ thế trôi và những gì là thơ, là văn, là tuyệt tác thì luôn còn mãi. Và "Truyện Kiều" cũng vậy.