Top 20 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (hay nhất)
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tổng hợp trên 20 bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 1)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 2)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 3)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 4)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 5)
- Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 6)
Top 20 Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (hay nhất)
Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Mở đầu: giới thiệu vấn đề sẽ trình bày, nêu rõ ý kiến đồng tình hay phản đối với vấn đề đó.
- Phần chính: giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề trình bày, khẳng định luận điểm đồng tình hay phản đối của người nói…
- Kết thúc: khẳng định lại ý kiến, đề xuất giải pháp hoặc nêu bài học nhận thức và hành động.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 1
Mỗi chúng ta được xuất hiện trên cõi đời với hình hài khỏe mạnh là một diễm phúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn sở hữu một cơ thể lành lặn. Họ phải chịu những khiếm khuyết và những di chứng bệnh tật đến suốt đời. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó không thể đánh gục được họ. Thay vì chấp nhận và đầu hàng với số phận của mình, họ luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống như những bông hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.
Vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, biến những khiếm khuyết của bản thân thành điểm mạnh. Những tấm gương vượt lên trên số phận thường được ví như những cây xương rồng trên sa mạc. Dù đất có cằn cỗi, khí hậu có khắc nghiệt thì xương rồng vẫn mạnh mẽ sống và vươn lên. .
Những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã rèn luyện cho họ ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước gian nan để trở thành một cây xương rồng gai góc. Họ thường phải đối diện với những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của mọi người khi sinh ra đã bị thiếu một bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, họ buộc phải đối diện với nỗi sợ hãi trong chính bản thân để vượt lên trên số phận. Bên cạnh đó, sự giúp sức, động viên của gia đình, người thân chính là động lực to lớn giúp họ có thể đứng vững bằng sức lực của mình.
Họ là những thanh âm trong trẻo, nghị lực cất lên từ số phận bất hạnh và đau khổ nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống. Họ không nản chí, đầu hàng trước mọi khó khăn, luôn kiên định với mục tiêu mình đề ra và nỗ lực tìm cách khắc phục những yếu điểm của bản thân để tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời kém may mắn. Và hơn hết, họ tự ý thức sâu sắc về số phận và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng. .
Có lẽ, câu chuyện cảm động về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã khiến cho bao bạn đọc phải cảm thấy khâm phục vì tài năng và sức mạnh phi thường của thầy. Thầy bị bại liệt cả hai tay từ nhỏ, thuở đi học thường bị bạn bè chê cười nhưng thầy đã dùng đôi chân của mình để "viết số phận", chẳng những vậy mà thầy còn viết chữ rất đẹp. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua câu chuyện "Người hùng chinh phục đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ"? Đó chính là anh Nguyễn Sơn Lâm, một người mắc hội chứng loãng xương từ nhỏ, bị teo cả hai chân nhưng đã trở thành một diễn giả nổi tiếng và đã chinh phục được đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ của mình. Chúng ta là một người khỏe mạnh nhưng việc chinh phục "nóc nhà Đông Dương" là một điều rất khó khăn vì nó đòi hỏi con người phải có sức khỏe và sự kiên trì. Anh Nguyễn Sơn Lâm đã tạo nên chiến tích của chính cuộc đời mình, anh chỉ nặng 27 kg và không thể di chuyển bằng hai chân như người bình thường nhưng anh đã làm nên một điều phi thường.
Vượt lên trên số phận của chính mình sẽ giúp cho bạn trở thành một phiên bản tốt nhất có thể, từ đó thấy được rằng này cuộc sống này sẽ vô cùng ý nghĩa và đáng sống. Những tấm gương vượt lên số phận của chính mình là những người truyền lửa, họ đem đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình cũng chính là lúc bạn thấy rằng chân trời phía trước luôn rộng mở để chào đón bạn khám phá.
Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương sáng về nghị lực vượt lên trên số phận của chính mình thì vẫn còn một bộ phận nhỏ những người sống không có ý chí nghị lực, thấy khó khăn đã vội chùn bước. Chúng ta cần phê phán những người luôn giữ trong mình những suy nghĩ tiêu cực, không dám hành động và sống không có ước mơ.
Cuộc sống của chúng ta luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị cho nên bạn hãy thật mạnh dạn để thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc của chính mình. Hãy trở thành người dám nghĩ dám làm, dám ước mơ thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Bạn cần cảm thấy may mắn khi mình là một người "bình thường" cho nên nhất định không nên kì thị mà phải biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống. Bạn hãy vạch ra cho mình những mục tiêu cần hoàn thành và không được ỷ lại vào người khác khi bản thân có thể làm được, khi đó thành công sẽ mỉm cười với chính bạn.
"Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi". Quả đúng là như vậy, những tấm gương vượt lên số phận chính mình chính là những tấm gương sáng mà chúng ta cần noi theo. Chính những suy nghĩ và hành động đúng đắn của những tấm gương vượt lên trên số phận đã giúp họ khẳng định giá trị của bản thân mình rằng họ không thua kém bất kì ai trong thế giới rộng lớn này.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 2
Thế kỉ XXI là thời đại của khoa học công nghệ. Hiện nay, mạng Internet đã phủ sóng toàn cầu tạo điều kiện cho những người trẻ được tiếp cận với những tiến bộ của nhân loại. Công nghệ càng phát triển kéo theo những trò chơi điện tử cũng ngày càng tràn lan, đa dạng phong phú về thể loại, độ tuổi. Trò chơi điện tử cũng là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người hiện nay
Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí trên mạng. Đó là một thú vui tiêu khiển rất phổ biến của người trẻ hiện nay, chỉ cần có một máy tính có kết nối mạng là có thể chơi bất cứ trò gì mình thích.
Trò chơi điện tử đang rất phổ biến và phát triển trong cuộc sống của chúng ta thường tạo ra những chủ đề hay hấp dẫn người chơi. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó đó là mặt tốt và mặt xấu. Mặt tích cực: Game giúp mọi người thư giãn sau thời gian học tập và làm việc mệt mỏi, giảm căng thẳng. Chơi Game còn giúp tăng khả năng sáng tạo và rèn luyện trí nhớ. Một vài tựa game còn giúp tăng khả năng tư duy và rèn luyện ngoại ngữ cho học sinh. Đó là lợi ích đến từ những game như nhìn hình đoán chữ, đoán nốt nhạc …. Chơi điện tử giúp ta giải trí tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều vào game.
Mặc dù vậy Game cũng có rất nhiều tác hại tìm ẩn. Nhiều bạn dành cả ngày chỉ để “cắm” mặt vào màn hình vi tính, chơi điện tử nhiều giờ mà không ngừng nghỉ. Việc làm đó ẩn chứa nhiều nguy cơ, ảnh hưởng to lớn đến tình hình học tập và tương lai của rất nhiều bạn trẻ.
Đầu tiên, game ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người chơi cái gì cũng vậy khi mới chơi cảm thấy rất hăng say là không cảm thấy mệt mỏi lâu dần cơ thể dần đau nhức suy yếu sức khỏe, ngồi lâu trên máy tính hoặc ôm đầu vào điện thoại khiến mắt mờ đi dần. Đầu óc mất khả năng tập trung chơi game làm suy giảm trí nhớ con người.
Chơi game tiêu tốn không ít thời gian của rất nhiều người. Một ngày thời gian chúng ta có thể dành cho việc học tập, vui chơi bên gia đình hoặc chơi các hoạt động thể theo nhưng chúng ta không làm vậy thay vào đó lại tiêu tốn quá nhiều thời gian vào game. Chơi game làm hại bản thân cũng như gia đình vừa tốn tiền vừa tốn thời gian lại làm suy yếu sức khỏe, việc học hành cũng sẽ sơ xuất dần đi.
Nhiều học sinh vì nghiện game bỏ bê học hành tiền đồ và tương lai của chính mình. Ban đầu có thể chơi game không có tiền cướp tiền của gia đình sau đó dần thành thói quen xấu đi trộm cắp ngoài đường. Một ngày nào đó khó tránh được con đường tội phạm phạm pháp gây sự nhục nhã cho gia đình. Nghiện game cũng là một trong những con đường dẫn đến tệ nạn xã hội.
Để hạn chế những tác động nguy hiểm của nghiện game online, mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn tác hại của game, kiểm soát được hành vi của của bản thân, không sa đà quá mức vào các trò tiêu khiển. Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng cần dành nhiều thời gian để quản lí các hoạt động học tập, vui chơi của con, hạn chế cho con sử dụng điện thoại, internet. Mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp từ cuộc sống, ai cũng có quyền tiếp cận và sử dụng internet nhưng đừng lạm dụng nó quá mức. Biết dừng lại đúng lúc trước khi biến nó thành cơn nghiện. Hãy để chúng ta làm chủ internet và đừng bao giờ để internet điều khiển chúng ta. Hãy quyết liệt từ bỏ những thói xấu, xây dựng những phẩm chất tốt đẹp và từng bước đẩy lùi hiện tượng nghiện game ra khỏi đối tượng học sinh và tuổi trẻ ngày nay.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 3
Trong bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ được tạo nên từ những mảnh ghép của số phận, mỗi con người đều xác lập cho bản thân những mục đích sống khác nhau. Nếu như có người muốn phục vụ, cống hiến hết mình với sự hi sinh, đóng góp thầm lặng thì trong xã hội vẫn còn tồn tại những quan niệm sống tiêu cực, bị cuốn theo vòng xoáy của hư danh, quyền lợi cũng như thế lực của đồng tiền chi phối. Đó cũng là những biểu hiện của thói "hám danh, hám lợi" đang diễn ra phổ biến hiện nay.
"Hám" mang ý nghĩa chỉ sự yêu thích vượt ngưỡng giới hạn, không còn phân biệt được đúng - sai, phải - trái mà chỉ quan tâm đạt được thứ mình muốn; còn "danh" là khái niệm chỉ danh vọng, tiếng tăm, "lợi" là lợi ích, quyền lợi cá nhân. Thực tế đã chứng minh, trong cuộc sống của con người tồn tại rất nhiều kẻ hám danh, hám lợi, bất chấp mọi thủ đoạn để có được danh vọng và chiếm đoạt lợi ích chung để thu vén, thỏa mãn lòng tham của bản thân. Kết quả chấm thẩm định kì thi THPT Quốc gia năm học 2018 - 2019 chính là minh chứng tiêu biểu thể hiện thói "hám danh, hám lợi" đang lan truyền với tốc độ mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Hàng loạt bài thi được "hô biến" và với kết quả cao đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về căn bệnh thành tích trong thi cử. Hiện tượng này xuất phát từ tư tưởng sai lệch của phụ huynh học sinh khi muốn tạo nên một chiếc vỏ bọc hoàn mĩ về danh tiếng, lợi ích và nghề nghiệp tương lai.
Thực tế cuộc sống đã chứng minh, thói hám danh hám lợi sẽ gây ra những tổn hại nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Trước hết, căn bệnh này sẽ sản sinh ra một thế hệ "hữu danh vô thực", sùng bái và mải miết chạy đua với vòng danh lợi để thỏa mãn tham vọng quyền lực của bản thân. Đó là những con người sử dụng đồng tiền để mua bằng cấp giả nhằm tạo ra "hư danh". Ngoài ra, thói hám danh hám lợi còn là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh. Đặc biệt, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc con người bất chấp mọi thủ đoạn, lạm dụng chức quyền để trục lợi cá nhân, thậm chí tước đoạt những lợi ích chính đáng của người khác. Vụ án lừa đảo của Địa ốc Alibaba với con số khổng lồ về số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt chính là minh chứng tiêu biểu cho điều này.
Vậy thì nguyên nhân nào đã dẫn đến việc con người luôn mải mê chạy theo vòng danh lợi? Như chúng ta đã biết, mỗi một cá nhân tồn tại trong xã hội sẽ xác lập cho bản thân những mục tiêu, mục đích sống khác nhau. Bên cạnh những người luôn ngời sáng lí tưởng cao đẹp của sự cống hiến, hi sinh thì vẫn có những người không thể cưỡng lại sự cám dỗ của danh lợi với quan điểm sống lệch lạc. Đặc biệt, ở mọi thời đại, sự lên ngôi và sức mạnh vạn năng của quyền lực và đồng tiền cũng chính là nguyên nhân khiến cho con người bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của bản thân.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định thói ham danh, hám lợi là một căn bệnh tiêu cực cần bị bài trừ, loại bỏ. Để làm được điều này, con người cần hình thành, rèn luyện những lối sống tích cực, đặc biệt là đức tính giản dị. Bác Hồ - vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc chính là tấm gương ngời sáng vẻ đẹp của lối sống giản dị, công chính: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi" (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đồng thời, chúng ta cần biết tu thân, dưỡng đức để chiến thắng những ham muốn nhỏ nhen cùng những toan tính tầm thường.
Như vậy, thói ham danh hám lợi là một vấn đề mang tính thời sự và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đời sống xã hội. Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần ngăn chặn những biểu hiện của bệnh thành tích thông qua việc học thật, thi thật để khẳng định năng lực của bản thân.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 4
Khi xã hội tràn ngập những kẻ chỉ cần sĩ diện hão mà không cần sĩ diện chính đáng, xã hội đó cũng tràn ngập luôn cả sự ích kỉ, giả dối, trơ tráo và bỉ ổi.
Sĩ diện có cần không? Xin thưa là cần lắm. Đây đó ta hay nghe người ta bảo nhau rằng “anh ta là đồ sĩ diện”, “cô ta là đồ sĩ diện”, … Nói nhiều thành quen, và nó ăn dần vào nhận thức xã hội, thế rồi con người ta bắt đầu tưởng rằng “sĩ diện” là tính từ để chỉ cái gì đó không tốt, không nên. Tai hại chính ở chỗ đó! Khi mà sĩ diện cứ mất dần, thì cùng với nó là sự tha hóa của nhân phẩm và thụt lùi của văn minh. Sĩ diện cần lắm, với trí thức lại càng cần hơn.
Cái sĩ diện, trước hết cần được hiểu cho đúng, cho đầy đủ. Nếu nói nó là cái tốt cần phát huy hết mức có thể thì cũng không đúng. Bởi vì có những thứ mà quá liều thì rất rất nguy hiểm, giống như một anh gầy nhom quyết định ăn thật nhiều đạm để rồi chẳng những béo tốt lên mà tiện thể còn bị luôn bệnh tim mạch. Cái sĩ diện cũng thế, cần phải biết điều độ. Cái đáng nói là những năm gần đây, cái sĩ diện trong xã hội chúng ta đang không điều độ theo hướng thiếu chứ không phải thừa, mà thậm chí là thiếu trầm trọng.
Chúng ta hãy nói về cái thừa sĩ diện đi đã. Có lẽ cũng một thời người ta sợ cái sự thừa sĩ diện, mà còn hay gọi bằng ngôn từ quen thuộc là “sĩ diện hão”. Sĩ diện hão cũng rất nguy hiểm. Nó làm con người ta sống mà rời xa thực tế, càng “hão” thì lại càng xa. Nếu anh đi làm mà chẳng bao giờ hỏi tiền công mà chỉ đợi người ta tự giác chi trả chỉ vì không muốn cái sự “hỏi tiền” làm mất cái thanh cao của người trí thức, nếu anh cứ khăng khăng chỉ làm những công việc xứng với chuyên môn chỉ vì không muốn cảm thấy đang tự hạ thấp mình, thì đó là sĩ diện hão. Nếu anh cố làm những việc mà anh thừa biết là quá sức chỉ vì cho rằng từ chối hay thừa nhận mình không đủ khả năng là đáng xấu hổ, anh cũng đang sĩ diện hão. Cái sĩ diện hão đó quả là nguy hiểm. Nếu anh không có tiền duy trì cuộc sống của mình, nếu anh tự để mình thất bại trong công việc, thì cái danh trí thức của anh không những không giúp được anh mà anh cũng chẳng thể đóng góp được gì cho xã hội, cho xứng với cái danh trí thức đó. Vậy nên hạn chế cái sĩ diện hão là đúng, là nên làm. Cái chính là hạn chế tới đâu, làm như thế nào.
Như trên đã nói, dường như có một thời cái sĩ diện có vẻ hơi thừa mà sau này người ta dần sợ nó, cứ thấy ai có vẻ hơi … nhiều sĩ diện là người ta lại phê phán. Phê phán nhiều, thành ra lâu dần nó trở thành cái gì đó hay được nhắc đến như là biểu hiện của sự ngu ngốc, ngớ ngẩn. Nó ăn sâu dần vào ý thức xã hội, nhất là những thế hệ sau và dần dần, ý nghĩa thực của cái từ “sĩ diện” dường như không còn nhiều người nhớ tới, biết tới mà chỉ còn lại cái ý nghĩa châm biếm.
Vậy ý nghĩa thật của cái sĩ diện là gì?
Theo nghĩa tích cực, cần hiểu sĩ diện là cái tự tôn, cái kiêu hãnh của nhân cách. Người trí thức làm việc mà không hỏi tiền công là vì không muốn tri thức của mình giống như thứ mang đổi chác, anh ta cũng không muốn làm những công việc mà anh ta cho là quá tầm thường vì tin rằng tri thức của mình cần được sử dụng cho những việc có ích hơn, anh ta muốn cố làm những việc quá sức là để tự hoàn thiện chính mình… Tất cả những điều đó đều là cái kiêu hãnh, cái ý chí kiên cường mà mỗi người đều rất cần có, không chỉ những ai mang sứ mệnh của người trí thức. Vấn đề chỉ là nếu những cái kiêu hãnh đó, hay ta đang gọi ở đây là cái sĩ diện đi quá xa thì nó sẽ thành ra “hão”, và không đưa lại kết quả mà người mang nó trông đợi.
Nhưng nếu không có nó thì sao?
Không có sĩ diện, hay sĩ diện quá ít thì cũng có nghĩa là không còn tính kiêu hãnh, và thậm chí có thể còn là không còn cả tự trọng.
Ta hãy thử đổi ngược lại những ví dụ trên. Nếu người trí thức lao động trí não mà chỉ luôn nghĩ tới đồng tiền thu được không hơn, thì đúng là khi đó anh ta đã coi tri thức chẳng hơn gì một mớ rau, miếng thịt mà anh ta đã dùng quá trình học tập của mình đổi lấy và rồi mang nó đi rao bán. Nếu anh ta sẵn sàng bỏ hẳn tri thức mình có chỉ để làm những công việc mà anh ta cho rằng tốt hơn cho tài chính của mình, không phải một thời gian nhất định mà vĩnh viễn, thì rõ ràng anh ta cũng chẳng phải người yêu quí tri thức. Như vậy, thứ nhất, anh ta không còn là trí thức nữa. Thứ hai, quan trọng hơn là ở những sản phẩm anh ta mang vào xã hội. Khác với mớ rau hay miếng thịt – thứ mà người chẳng cần nghiên cứu gì nhiều về sinh học hay nghệ thuật nấu nướng cũng có thể bán cho chúng ta những sản phẩm ngon miệng, tri thức được đưa vào xã hội bởi những bộ não thực dụng và tham lam, những tâm hồn không hề biết tới cái gọi là yêu nghề thì chẳng bao giờ có thể là sản phẩm tốt. Những tri thức đó đầu độc xã hội bởi cái sai, cái thiếu chính xác, và cả bởi cái thực dụng, cái tham lam của người mang nó tới đã cấy sẵn trong đó dù là vô tình hay hữu ý.
Hãy thử quan sát cuộc sống thường ngày xem, chúng ta sẽ thấy ngay những sản phẩm nhân cách của cái sự “không sĩ diện”. Người ta không ngần ngại vi phạm pháp luật chỉ miễn là không bị bắt, chẳng hạn như là vượt đèn đỏ, đổ rác thải xuống các sông hồ ngay giữa thành phố, …. Người ta cũng không ngần ngại chen lấn, xô đẩy nhau chỉ để giành lấy một chỗ lên xe bus hay xông vào tranh nhau hôi của từ một vụ đổ xe chở hàng dọc đường. Một số nhà giáo một cách rất tự nhiên cho địa chỉ nhà riêng và số điện thoại ngay trước ngày thi để sinh viên biết chỗ mà đến … hỏi bài. Đâu đó khác lại có vài vị đáng kính không ngần ngại lên truyền hình, báo chí mà tuyên bố rằng không có tiền thì đừng đòi hỏi họ phải có đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí có lần tôi còn tận mắt, tận tai thấy một thầy giáo hàng chục năm đứng trên bục giảng thẳng thắn tuyên bố quan điểm: “Anh là giáo sư, tiến sĩ hay có giỏi không tôi không cần biết. Quan trọng là anh có nhiều tiền không.”. Còn nhiều, rất nhiều ví dụ khác nữa.
Tại sao?
Chỉ bởi vì không cần sĩ diện!
Không cần sĩ diện thì còn cần gì phải ngẩng mặt kiêu hãnh với nhân phẩm và nghề nghiệp? Không cần sĩ diện thì còn cần gì quan tâm xã hội nhìn mình ra sao? Không cần sĩ diện thì còn cần gì danh dự và tự trọng nữa?
Có điều, đôi khi chính những con người “lịch lãm” và “đáng kính” như trong các ví dụ tôi mới nêu lại vẫn cứ tự nghĩ là họ đang sĩ diện lắm. Thậm chí người đời cũng nhiều khi thật nhầm lẫn khi đánh giá họ bởi họ sắm cho mình những bộ cánh đắt tiền và ăn nói những ngôn từ tưởng như cao sang và bóng bẩy. Thực tế, cái đó chẳng qua chính là cái sĩ diện hão, một loại sĩ diện hão phổ biến trong thời hiện đại. Tệ hơn, nó không phải cái sĩ diện hão xây dựng lên từ niềm kiêu hãnh chính đáng, mà nó là cái sĩ diện ảo tưởng, cái sĩ diện không đặt trên tinh thần hướng tới nhân cách và trí tuệ.
Khi xã hội tràn ngập những kẻ chỉ cần sĩ diện hão mà không cần sĩ diện chính đáng, xã hội đó cũng tràn ngập luôn cả sự ích kỉ, giả dối, trơ tráo và bỉ ổi. Và một khi những thứ đó cứ lấp đầy dần, thế chỗ cho những giá trị đích thực của trí tuệ và danh dự thì không chỉ hình ảnh của xã hội đó xấu đi trong mắt người ngoài, mà tự thân trong nó là sự suy thoái về mọi mặt từ khoa học, văn hóa tới kinh tế, chính trị.
Để đưa cái sĩ diện chính đáng tới cuộc sống mỗi ngày, trí thức cần là những người đầu tiên, bởi mỗi trí thức đều là một người dẫn đường, một nhà giáo dục. Có lẽ đã đến lúc mà mỗi người cần ý thức thật rõ giá trị của danh dự và niềm kiêu hãnh. Cái sĩ diện giờ đây cần được khơi dậy một cách thật rõ ràng trong công cuộc xây dựng một xã hội văn minh và phát triển.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 5
Một trong những vấn đề nổi cộm nhận được sự quan tâm của toàn dư luận ngày nay chính là hiện tượng gia tăng tình trạng dối trá ở giới trẻ.
Ngày nay, thật không khó để bắt gặp các bạn học sinh nói dối cha mẹ bỏ học đi chơi. Khi chưa làm bài tập hay học bài cũ, các bạn liền nói dối bị quên vở; xin tiền mẹ nói dối là đi học thêm nhưng thực chất là lấy tiền đi xem phim, chơi game… Nghiêm trọng hơn nữa, có nhiều bạn trẻ có hành động lừa dối những người xung quanh hòng trục lợi cá nhân, có hành vi lừa đảo người khác để đạt được mục đích của mình. Như vậy, có thể thấy, tình trạng nói dối ở giới trẻ hiện nay vô cùng phức và xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân của tình trạng này không thể không nhắc đến đầu tiên đó là do chính bản thân mỗi người có suy nghĩ và hành động lệch lạc, vì những thú vui, lợi ích phù phiếm phía trước mà không màng đến những hậu quả phía sau nó. Nguyên nhân khách quan là do các bạn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, sự lỏng lẻo của nhà trường mà môi trường xung quanh nhiều người xấu, có thói quen nói dối tác động vào và hình thành thói quen xấu này cho các bạn. Hậu quả của việc nói dối vô cùng khó lường. Các bạn trẻ sẽ dần hình thành tính cách xấu, thói quen nói dối ban đầu là nói dối những điều nhỏ nhặt, sau lớn dần thành nói dối những việc lớn hơn thậm chí là lừa đảo. Khi nói dối, bản thân người đó sẽ không nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của những người xung quanh và khi gặp bất kì khó khăn nào trong học tập hay trong công việc và cuộc sống nói chung, cũng sẽ không nhận được bất kì sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người khác. Hơn nữa, mỗi người khi nói dối, dù có hối hận cũng không thể thoát khỏi cảm giác tội lỗi, dằn vặt, day dứt lương tâm. Để khắc phục cũng như sửa chữa “căn bệnh” dối trá, trước hết mỗi người cần tự điều chỉnh bản thân mình, thành thật với bản thân cũng như người khác, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, giáo dục chúng đức tính thật thà, trung thực. Nhà trường có biện pháp quản lí học sinh hợp lí, xử lí những học sinh nói dối vi phạm nội quy trường lớp.
Mỗi con người một hành động nhỏ, cùng chung tay đẩy xa tình trạng nói dối sẽ khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, lan tỏa được những thông điệp tích cực và các bạn trẻ sẽ trở nên hữu ích hơn cho xã hội.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 6
Người Việt nam tính hay sĩ diện nên lối sống cũng rất phô trương. không những phô trương của cải vật chất mà danh tiếng cũng được phô trương theo nhiều kiểu cách. Khi đời sống vật chất đầy đủ, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống nâng lên, nhiều người đã phô trương một cách quá mức, kịch cỡm, vô ích.
Phô trương là gì?
Phô trương là trưng bày, phô bày ra cho người khác thấy những điều tốt hay sức mạnh của mình để lấy tiếng tăm, thị oai, hoặc là khoe mẽ vật chất, lối sống hơn người khác nhằm thỏa mãn tính sĩ diện, khoe của hợm hĩnh.
Biểu hiện của tính phô trương:
Tính phô trương, khoe khoang, hình thức vốn không lại gì trong cuộc sống. Trước hết là thói khoe của cải. Tiệc tùng, đình đám là phải làm lớn, phô trương tất cả những gì mình có và phải hơn hẳn, vượt trội hơn người khác.
Biểu hiện của “bệnh” phô trương, hình thức còn ở việc hay làm những việc không đáng làm, không nên làm; chỉ cần làm bé nhưng lại làm to; nói hay, nói tốt nhưng làm thì dở, thậm chí cố ý đánh lừa về bản chất của sự việc, cố tình tạo nên các giá trị, phẩm chất ảo. Phô trương, hình thức luôn có mối quan hệ chặt chẽ với bệnh thành tích, gắn với nạn quan liêu, cơ hội, lãng phí, xuất phát từ âm mưu “hợp lý hóa” để tư lợi, tham nhũng và còn có thể do tâm lý sĩ diện, muốn “cho bằng chị bằng em”…
Người giàu là lớp người dễ mắc căn bệnh phô trương. Họ phô trương để bàn dân người khác biết họ giàu sang. Phô trương để được tung hô trở thành người nổi tiếng. Sự nổi tiếng đó ai cũng hiểu chỉ mang tính chất khoe khoang, bịp bợm là chính chứ không là thực lực.
Mỗi người sẽ có một cách phô trương khác nhau. Chẳng hạn, phô trương là mình thân thiết với ai đó có quyền lực để người khác thấy mình có quan hệ rộng rãi, đẳng cấp . Hoặc những việc như nói dối về thân phận, tôn sùng quá mức quần áo, trang sức hàng hiệu cũng là một kiểu viện đến quyền uy, một dạng phúc cảm tự tôn. Trong các trường hợp này, kẻ phô trương vốn không tài giỏi hay đặc biệt gì, nhưng bằng cách gắn mình với uy quyền, lại có thể chứng tỏ mình đặc biệt. Nghĩa là tâm lý tự tôn giả tạo.
Tác hại của tính phô trương:
Sống phô trương, khoe khoang, hợm của là đi ngược lại với truyền thống văn hoá và lối sống của dân tộc ta vốn rất coi trọng lối sống giản dị, trong sạch, vững mạnh, khiêm tốn, giàu giá trị nhân văn.
Nếu chúng ta phô trương quá mức cần thiết, đó là quá tự tin, tự kiêu, khoe khoang quá đà, biểu hiện của lối sống thấp kém. Hình ảnh người phô trương sẽ không được sự tôn trọng của mọi người, thậm chí bị mọi người coi thường, lên án. Những người phô trương sẽ khó nhận được sự tin tưởng, họ chạy theo danh hão và nó cản trở sự thành công của họ…
Nếu chúng ta khiêm tốn, thiết thực, đó là biết mình biết ta, là biểu hiện của lối sống chân thực, chân thành, của những phẩm chất cao quý. Càng khiêm tốn càng nâng cao giá trị của mỗi con người. Nếu sống khiêm tốn, ta sẽ được mọi người trân trọng, đề cao, sẽ có thành công trong cuộc sống.
Sống phô trương là lối sống phung phí tiền bạc một cách vô ích, đáng chê cười. Sự phô trường còn gây ra nhiều phiền phức đối với người khác. Kẻ thích phô trương hành động như thể mình vượt trội, chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo.
Xã hội ai cũng chạy theo lối sống phô trương, ích kỉ, giả tạo sẽ gây ra tình trang phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo,… Tình người trong một cộng đồng thích phô trương cũng dần suy kiệt. Con người ngày càng trở nên vô tâm, tàn nhẫn, xem trọng của cải, vật chất, rẻ rúng nhân cách, nhân phẩm người khác. Sống phô trương, con người ngày càng trở nên hẹp hòi, sẵn sàng chà đạp lên quyền hạn và lợi ích của người khác để thoả mãn như cầu phô trương của bản thân.
Cần làm gì để chấm dứt thói phô trương?
Không thể có một xã hội thịnh vượng và văn minh khi ở đó có sự phô trương. Tính phô trương gieo mầm đố kỵ, ganh đua, là hạt giống của tệ nạn xã hội và tội ác. Mỗi cá nhân, bằng những hành động cụ thể, có thể đóng góp cho cộng đồng …không chỉ giúp bản thân nâng cao năng lực, hoàn thiện nhân cách mà còn thúc đẩy xã hội cùng tiến bộ, phát triển.
Biết quý trọng của cải vật chất, không xa hoa, phung phí vô ích. Sống đề cao tình nghĩa, yêu mến sự đơn giản, không màu mè, khoa trương. Thực hành lối sống giản dị. Cái đẹp chân thực không phải là cái đẹp ở hình thức mà chính là cái đẹp có ở tâm hồn, tài năng và đạo đức. Thế nen, hãy luôn sống khiêm tốn, tôn trọng và đề cao người khác. Chớ khoe khoang về bản thân mình.
Lối sống không phô trương, không xem trọng vật chất, sống hòa hợp giữa con người và thế giữa tự nhiên vốn là quan niệm sống cao đẹp của dân tọc ta từ xưa đến nay. Thiên tài Nguyễn Trãi sau khi dẹp yên quân giặc, sắp xếp triều chính, bình loạn, an dân, đã tìm về với lạc cảnh Côn Sơn thư thả tháng ngày. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tài năng lỗi lạc đã không lên chốn quan trường mà chọn bến sông Giang làm nơi nương trú, di dưỡng tinh thần. Nguyễn Khuyến bình tâm trở về với đồng ruộng ao bèo, tìm thú tao nhã trong đơn sơ vật chất. Ấy là tâm hỷ lạc, cảnh giới cao nhất của con người vậy.
Ấy thế mà các bạn trẻ ngày nay đã không chịu học hỏi tiền nhân, lao mình vào cuộc sống hưởng thụ, phô trương quá mức. Nhìn vào lối sống của các bạn trẻ, đặc biệt là ở những thành phố lớn, con nhà giàu có, một sự phô trương quá mức cần thiết. Thời trang hàng hiệu, điện thoại đắt tiền, xe hơi sang trọng, đánh bóng tên tuổi quá mức bằng đồng tiền. Tuy không có gì sai nhưng nó làm hỏng những tâm hồn vốn từ lâu đã bán mình cho đồng tiền ngự trị.
Sống phô trương, khoe mẽ là lối sống cần lên án, phê phán. Đề cao lối sống khiên tốn, giản dị và ngợi khen những người khiêm tốn, giản dị. Xây dựng lối sống công bằng, trong sạch, vững mạnh, đề cao tình nghĩa để cùng nhau xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh hơn, nhân ái hơn.
Không có một sự xa sỉ nào có thể tạo ra thành công. Không có một sự phô trương nào được yêu mến chân thật. Những lời ngợi khen dành cho nó thực tế là những lời nói giả tạo chỉ nhằm để lấy lòng. Đừng phô trương nữa, đừng tự đề cao mình nữa. hãy biết khiêm tốn. Đặc biệt là tuổi trẻ, thế hẹ tương lai của đất nước. Hãy mau chóng lựa chọn cho mình một lối sống phù hợp và đúng đắn, tự hoàn mình theo những chuẩn mực tốt đẹp, mai này trở thành người hữu ích, góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.