Câu đơn, câu ghép
Câu hỏi:
Trả lời:
- Lựa chọn câu đơn, câu ghép: Câu đơn là câu do một cụm chủ vị nòng cốt (cụm chủ vị không bị bao chứa trong cụm từ chính phụ hoặc cụm chủ vị khác) tạo thành. Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm chủ vị nòng cốt ghép lại với nhau tạo thành, mỗi cụm chủ vị đó được gọi là một vế câu. Khi diễn đạt một nội dung đơn giản, có thể sử dụng câu đơn. Ví dụ: “Anh Sáu khe khẽ nói.” (Nguyễn Quang Sáng); “Họ khóc là phải lắm.” (Anh Đức). Trái lại, khi biểu thị một nội dung phức tạp (gồm các sự việc có quan hệ chặt chẽ với nhau), cần sử dụng câu ghép. Ví dụ: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và lũ cướp nước.” (Hồ Chí Minh)
- Các kiểu câu ghép:
+ Câu ghép đẳng lập là câu ghép do các vế câu có quan hệ bình đẳng với nhau tạo thành. Về nghĩa, giữa các vế câu này có thể có những quan hệ như sau: liệt kê, ví dụ: “Ngoài đình, mõ đập chan chát, trống đánh thùng thùng, tù và thổi như ếch kêu.” (Ngô Tất Tố); nối tiếp, ví dụ: “Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.” (Tô Hoài); đối ứng, ví dụ: “Ông nói gà, bà nói vịt.” (Tục ngữ); lựa chọn, ví dụ: “Mình đọc hay tôi đọc?” (Nam Cao);…
+ Câu ghép chính phụ là câu ghép do các vế câu có quan hệ phụ thuộc với nhau tạo thành. Về nghĩa, giữa các vế câu này có thể có những quan hệ như sau: nguyên nhân – kết quả, ví dụ: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm.” (Tô Hoài); nhượng bộ, ví dụ: “Dù cuộc sống có nhiều vất vả, Lê cũng có một cái gia đình.” (Nguyễn Minh Châu); mục đích, ví dụ: “Dần trông coi, săn sóc các em để cho bố đi làm.” (Nam Cao); chú giải (quan hệ giữa vế câu được chú giải và vế câu chú giải), ví dụ: “Hắn đờ hai con mắt khẽ rên lên: hắn chỉ còn đủ sức để rên khe khẽ.” (Nam Cao).
- Cách nối các vế câu trong câu ghép: Trong câu ghép, các vế câu có thể được nối trực tiếp với nhau, nối bằng kết từ (để, như, còn, rồi, và, hay,…), cặp kết từ (vì… nên…, sở dĩ… là vì…; nếu… thì…; giá… thì…; tuy… nhưng…; mặc dù… nhưng; chẳng những / không chỉ… mà / mà còn…) hoặc các phó từ, cặp phó từ, cặp đại từ (lại, càng… càng…, vừa… đã…, chưa… đã…, bao nhiêu… bấy nhiêu,…).