Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 33 Tập 1 - Cánh diều
Với soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 33 Tập 1 trang 33, 34, 35 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 33 Tập 1 - Cánh diều
1. Truyện thơ Nôm
- Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm thường dùng thể thơ lục bát để kể chuyện. Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Thể loại này phát triển mạnh và có nhiều thành tựu vào thế kỉ XVIII – XIX, hiện nay, còn lại khoảng trên 100 tác phẩm với những truyện tiêu biểu như: Truyện Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Sơ kính tân trang (Câu chuyện mới về gương, lược – Phạm Thái), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Bích Câu kì ngộ (Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu – Vũ Quốc Trân), Tống Trân – Cúc Hoa (khuyết danh), Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu),… Truyện thơ Nôm là thể loại có khả năng phản ánh sâu rộng hiện thực xã hội thông qua các câu chuyện kể về biến cố trong cuộc đời các nhân vật và cuộc đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm, tình yêu của họ.
- Cốt truyện: Ở truyện thơ Nôm, cốt truyện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tác phẩm. Mô hình cốt truyện của truyện thơ Nôm gồm ba chặng: Gặp gỡ - Lưu lạc (hoặc thử thách) – Đoàn tụ.
- Nhân vật: Trong truyện thơ Nôm, nhân vật thường được chia thành hai tuyến đối lập nhau gồm các nhân vật chính diện (đại diện cho cái thiện, chính nghĩa) và các nhân vật phản diện (đại diện cho cái ác, phi nghĩa). Nhân vật chính diện và phản diện thường được xây dựng đối lập về phẩm chất theo từng cặp như: Từ Hải – Hồ Tôn Hiến (Truyện Kiều), Lục Văn Tiên – Trịnh Hâm (Truyện Lục Vân Tiên),… hoặc theo nhóm Thuý Kiều, Kim Trọng – Tú Bà, Mã giám Sinh; ông Tiều, ông Ngư – thái sư, thầy bói,… Nhân vật chính của truyện đóng vai trò kết nối các nhân vật ở hai tuyến chính diện và phản diện thông qua các ự kiện diễn ra trong cuộc đời mình.
2. Lời đối thoại và lời độc thoại
- Lời đối thoại là lời các nhân vật trao đổi với nhau trong một cuộc hội thoại. Trong ngôn ngữ viết, lời đối thoại thường được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép. Lời độc thoại là lời của nhân vật nói với chính mình hoặc nói với một người nào đó trong tưởng tượng. Độc thoại thường diễn tả suy nghĩ, tình cảm đang diễn ra trong nội tâm nhân vật. Nếu văn bản dẫn trực tiếp lời độc thoại thì lời độc thoại được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép.
- Lời đối thoại và lời độc thoại đều góp phần thể hiện rõ thái độ, tình cảm, đặc điểm và tính cách nhân vật. Ví dụ, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thông qua màn đối thoại xưng danh với những lời lẽ cộc lốc của Mã Giám Sinh để khắc hoạ tính cách thô lỗ, cộc cằn của nhân vật này: “Hỏi tên rằng: Mã Giám Sinh / Hổi quê rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Cũng trong Truyện Kiều, để tái hiện tâm trạng day dứt, buồn tủi của Thuý Kiều về thân phận của mình khi bị giam ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm: “Bên trời góc bể bơ vơ / Tấm son gột rửa bao giờ cho phai / Xót người tựa cửa hôm mai / Quạt nồng ấp lanh, những ai đó giờ?”.
Trong truyện thơ Nôm, lời độc thoại có thể bao hàm đối thoại với chính mình và thường được thể hiện qua việc miêu tả thiên nhiên với bút pháp tả cảnh ngụ tình nhằm bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật.
3. Một số căn cứ để xác định chủ đề
- Căn cứ chủ yếu để xác định chủ đề là dựa vào các thành tố cơ bản tạo nên nội dung tác phẩm (cốt truyện, chi tiết, nhân vật, sự kiện, xung đột, mạch cảm xúc chủ đạo,…); trong đó, cốt truyện đơn tuyến, đa tuyến, số lượng và tính chất nhân vật,… giúp người đọc phân biệt chủ đề chính, chủ đề phụ,…
- Đề tài tác phẩm cũng là một căn cứ, nhờ việc xác định tác phẩm viết về cái gì, có thể xác định được vấn đề cơ bản của tác phẩm (chủ đề).
- Một số nhan đề của tác phẩm cũng có thể là căn cứ để xác định chủ đề. Ví dụ, từ nhan đề Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu đứt ruột mới) người đọc có thể suy đoán được chủ đề của Truyện Kiều.
4. Điển cố, điển tích
- Điển cố là những câu chữ trong sách đời trước được dẫn lại một cách súc tích. Ví dụ, trong câu thơ: “Sầu đong càng lắc càng đầy / Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.” (Nguyễn Du), điển cố (in đậm) được dẫn lại từ Kinh thi (ca dao cổ Trung Quốc): “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (Một ngày không trông thấy mặt lâu bằng ba mùa thu – ba năm). Câu thơ của Nguyễn Du đã mượn điển cố để diễn tả nỗi nhớ mong của Kim Trọng từ sau buổi gặp gỡ nàng Kiều.
- Điển tích là những câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại một cách cô đúc trong văn thơ. Ví dụ, trong câu: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi), điển tích (in đậm) lấy ý từ một truyện xưa bên Trung Quốc: “Có một vị chỉ huy khéo dùng binh. Nhân có người dâng một vò rượu ngon, ông liền cho hoà vò rượu đó vào nước sông để mội người cùng uống khiến quân sĩ cảm động, đồng lòng đánh giặc.”. Câu văn của Nguyễn Trãi nói lên tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, trên dưới một lòng của nghĩa quân Lam Sơn.
Trong thực tế, việc phân biệt điển cố với điển tích không phải bao giờ cũng dễ dàng nên cũng có ý kiến đề nghị nhập hai khái niệm đó làm một.