Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện năm 2023
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện năm 2023
Bài văn mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện lớp 5 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện hay.
Đề bài: Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện.
Dàn ý Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện
1. Mở bài
- Các em lựa chọn một câu chuyện cổ tích mình yêu thích trong kho tàng truyện cổ Việt Nam đã được học hoặc nghe
- Lựa chọn ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" để hóa thân vào một nhân vật trong truyện mà em muốn
2. Thân bài
- Tưởng tượng, sáng tạo theo ý riêng của mình để giúp cho câu chuyện thêm sinh động, tự nhiên nhưng cũng cần giữ cốt truyện ban đầu
3. Kết bài
- Nêu kết thúc truyện và suy nghĩ của bản thân mình.
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện - mẫu 1
Ta là một bà lão sống cô độc một mình trong một ngôi nhà nhỏ. Ta đã già yếu, không thế cấy cày lại chẳng có con cháu đỡ đần nên cuộc sống rất nghèo khó. Hàng ngày, ta phải ra đồng mò cua bắt ốc kiếm sống. Một hôm, ta tình cờ bắt được một con ốc rất xinh đẹp, vỏ của nó phủ một màu xanh biếc, lấp la lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Thấy ốc đẹp, không nỡ đem bán nên ta đã đem ốc về và thả vào cái chum nước ngoài sân.
Lạ thay, từ ngày đó trở đi, mỗi lần ta đi làm về đều thấy nhà cửa sạch sẽ, tươm tất, gọn gàng, vườn tược được vun xới, lợn gà được ăn no. Đặc biệt, có cả mâm cơm được sắp sẵn trên bàn. Ban đầu, ta tưởng hàng xóm thương ta già cả côi cút nên sang giúp. Nhưng không phải. Ta quyết định tìm ra cho bằng được người đã lén giúp mình.
Đúng theo kế hoạch. Một hôm, ta giả vờ đi làm như mọi khi. Nhưng thực ra, đi đến nửa đường ta bèn quay lại, tìm nơi kín đáo rình xem… Chờ mãi, cuối cùng ta cũng thấy một người con gái tuổi mới mười tám đôi mươi, đẹp như tiên sa giáng trần chui ra từ trong chum nước. Nàng tiên nhẹ nhàng đi vào nhà rồi cầm chổi quét dọn, lau chùi nhà cửa, sân vườn và cho lợn, gà ăn… Ta hết sức ngạc nhiên. Đoán chắc nàng tiên chui ra từ vỏ ốc, lặng lẽ ta lại gần chum nước, cầm vỏ ốc lên rồi đập vỡ ra thành từng mảnh. Ta không muốn cô gái biến mất vào trong vỏ ốc, ta muốn cô sống với mình nên đã làm vậy. Nghe tiếng động, cô gái vội chạy đến bên chum nước để ẩn mình trong vỏ ốc, nhưng đã quá muộn. Thấy cô gái ngạc nhiên, ta bèn lên tiếng:
- “Con gái ơi! Hãy ở lại đây với ta”.
Cô gái bằng lòng. Từ đó nàng tiên ốc trở thành người con gái yêu của ta và nhờ có nàng mà cuộc sống của ta rất hạnh phúc.
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện - mẫu 2
Tôi là nhân vật Chim Thần trong truyện Cây khế - một câu chuyện hay trong kho tàng truyện cổ nước ta. Sau đây, tôi xin kể lại câu chuyện ấy cho các bạn cùng nghe.
Ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ đều mất sớm. Đến lúc lấy vợ người anh bèn chia gia tài. Cậy thế mình là anh cả, hắn chiếm hết tài sản cha mẹ để lại, chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ và cây khế ngọt ở cuối vườn. Vợ chồng hắn sống sung sướng trên gia tài có sẵn còn người em thì phải đi cày thuê cuốc mướn. Vất vả lắm người em mới kiếm được bát cơm manh áo sống cho qua ngày.
Đến mùa, cây khế ra hoa trĩu quá, người em sống nhờ vào cây khế. Tôi vốn rất thích ăn trái cây. Một hôm, bay qua khu nhà của người em, thấy những quả khế chín mọng, tôi vội sà xuống chén hết trái này đến trái khác. Thấy vậy, người em đi đến buồn rầu nói với tôi:
- Chim ơi! Gia tài tôi chỉ có mỗi cây khế. Chim ăn hết, tôi lấy gì để sống”
Tôi vội nói ngay:
- Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Y như lời hứa, sáng hôm sau tôi bay đến chở người em ra đảo lấy vàng. Lấy đủ một túi ba gang, người em nhờ tôi chở về nhà. Từ đó, cuộc sống người em trở nên sung túc, giàu có.
Đến mùa khế ra hoa kết trái, tôi lại đến ăn như lần trước và tôi cũ bảo vợ chồng người anh như đã từng nói với người em. Cả hai vợ chồng hí hửng may một cái túi to đến mười hai gang. Rồi tôi cũng đưa họ đến đảo vàng như đã hứa. Đến nơi, anh ta hoa cả mắt, hì hục nhét vàng bạc châu báu chật cứng cả cái túi mười hai gang. Chưa thoả lòng tham, hắn nhét đầy vào người những chỗ nào có thể nhét được rồi ì à ì ạch leo lên lại tụt xuống mãi sau hắn mới bò lên được lưng tôi. Vì nặng quá, tôi phái vỗ cánh đến mấy lần mới nhấc mình lên được khỏi mặt đất. Khi bay qua biển rộng, một phần vì chở quá nặng, một phần do có một luồng gió bất thần xô đến, tôi cũng không giữ thăng bằng được, bèn nghiêng cánh hất hắn và cả túi và rơi xuống biển sâu.
Thế là hết đời một kẻ tham lam, không tình nghĩa. Câu chuyện Cây khế là vậy đó.
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện - mẫu 3
Tên tôi là Khang, vốn làm nghề tiều phu. Bố mẹ mất sớm, tôi sống thui thủi một mình trong một căn lều dựng tạm nơi bìa rừng. Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày tôi gặp một sự lạ kì.
Hôm ấy, cũng như mọi khi, tôi vác rìu vào rừng đốn củi. Không hiểu tay chân vụng về thế nào, tôi làm rơi rìu xuống con sông gần đó. Nước sâu, sông rộng, khó lòng lấy lại được rìu. Mà đó lại là kế sinh nhai duy nhất. Tôi buồn lắm! Ngày mai, ngày kia … và những ngày sau nữa tôi lấy gì mà kiếm củi nuôi thân đây? Càng nghĩ nước mắt tôi càng tuôn nhiều, chảy dài trên khuôn mặt đen sạm của tôi. Đúng lúc đó, một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện trước mặt tôi. Trông cụ thật hiền lành và phúc hậu với vầng trán cao, khuôn mặt hồng hào. Ôn tồn cụ hỏi:
- Có chuyện gì mà con khóc thảm thiết vậy?
Tôi bèn thật thà kể đầu đuôi mọi chuyện cho ông lão nghe. Nghe xong, ông lão cười và hứa sẽ tìm lại chiếc rìu cho tôi. Tôi vui lắm!
Nói rồi, ông lão lặn ngay xuống sông. Chỉ một lát sau ông đã ngoi lên, trên tay cầm một lưỡi rìu bằng vàng sáng lấp lánh. Ông giơ rìu lên hỏi tôi:
- Đây có phải rìu của cháu không?
Dù chiếc rìu đó rất đẹp và có giá trị nhưng không phải rìu của mình thì đừng có lấy. Tôi vội trả lời:
- Không! Đó không phải cây rìu của cháu đâu ông ạ!
Nghe tôi nói xong, ông cụ lại lặn xuống sông một lần nữa. Lần này khi ngoi lên ông cụ cầm trên tay cầm một lưỡi rìu bằng bạc trông rất thích mắt. Cụ vẫn hỏi như cũ:
- Đây có phải rìu của cháu không?
Tôi không ngần ngại mà từ chối ngay:
- Thưa ông, cái này cũng không phải rìu của cháu.
Không nản, ông cụ lại tiếp tục lặn xuống sông lần nữa. Một lát sau, ông ngoi lên khỏi mặt nước với chiếc rìu bằng sắt hết sức bình thường, cán rìu nhìn còn hơi cũ. Nhưng đó chính là chiếc rìu của tôi. Sung sướng tôi reo to:
- Đây mới chính là rìu của cháu ông ạ!
Nghe vậy, ông lão đưa lại rìu cho tôi và nói. Cháu quả là một chàng trai thật thà, nghèo nhưng không tham lam. Cháu xứng đáng được thưởng. Ta tặng cho cháu cả ba lưỡi rìu này. Nói xong, ông lão vụt biến mất. Tôi biết mình gặp tiên nên chắp tay cảm tạ rồi về nhà. Nhờ ba chiếc rìu đó, tôi có cuộc sống ấm no và hạnh phúc trọn đời.
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện - mẫu 4
Tôi tên là Sọ Dừa. Ngày hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện cuộc đời của mình.
Cha mẹ tôi là những người nông dân hiền lành và rất chăm chỉ làm việc, dù cuộc sống nghèo khó nhưng luôn sống vui vẻ với làng xóm. Tuy nhiên, chỉ có một điều khiến hai người phiền lòng là dù đã tuổi cao nhưng chưa có một đứa con. Một hôm, mẹ tôi vào rừng lấy củi. Trời nắng to nên mẹ khát nước, nhìn thấy chiếc sọ dừa bên gốc cây có đựng nước mưa, mẹ đã uống dòng nước mát đó. Và rồi, tôi đã được đầu thai như thế. Cha mẹ rất vui mừng những ngày mang thai tôi. Ít lâu sau, cha qua đời và mẹ sinh ra tôi, không có chân tay và người tròn lông lốc như một quả dừa. Mẹ buồn lòng định vứt tôi đi, tôi bỗng lên tiếng: “Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp”. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mẹ và mẹ đặt tên cho tôi là Sọ Dừa.
Khi tôi lớn lên và mẹ dần già yếu, tôi bèn xin với mẹ cho đến nhà phú ông chăn bò để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Lúc đầu, phú ông ngần ngại nhưng rồi cũng đồng ý cho tôi làm việc. Hàng ngày, tôi lăn sau đàn bò ra đồng để chăn, đến tối lại lăn sau lùa chúng về chuồng. Cả đàn bò đều béo tốt khiến phú ông mừng rỡ vô cùng.
Vào những ngày mùa bận rộn, khi người làm ra đồng làm việc, phú ông đã sai ba cô con gái lần lượt mang cơm ra cho tôi. Hai người chị gái rất kiêu kì và thường hắt hủi tôi, chỉ có cô út đối đãi với tôi rất tử tế. Đến hôm cô út mang cơm ra cho tôi, khi đó tôi đã cất tiếng sáo du dương cho đàn bò gặm cỏ. Cô đã ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi trong hình dạng mới: một chàng trai khỏe mạnh bình thường, khuôn mặt tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào. Khi biết cô đến, tôi bỗng trở lại hình dạng Sọ Dừa như cũ. Nhiều lần như vậy, cô biết tôi không phải người thường và yêu mến tôi. Chính tấm lòng nhân hậu của cô út cũng đã khiến tôi đem lòng yêu thương người con gái ấy.
Cuối mùa ở thuê năm đó, tôi về nhà và giục mẹ sang nhà phú ông hỏi vợ cho tôi. Mẹ vô cùng sửng sốt nhưng thấy tôi năn nỉ, quyết tâm nên bà đã chiều lòng. Thấy mẹ tôi đến, phú ông đã mỉa mai và ra điều kiện thách cưới: “Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.” Nhìn mẹ lo âu, tôi đã động viên mẹ yên tâm để tôi lo lắng mọi việc.
Đến ngày cưới, tôi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật và cô út bằng lòng lấy tôi. Cỗ bàn được bày biện linh đình. Lúc rước dâu, tôi đã hóa thân thành chàng trai khôi ngô tuấn tú bên người vợ xinh đẹp, hiền hậu của mình khiến mọi người đều ngạc nhiên và mừng rỡ.
Vợ chồng tôi đã sống bên nhau hạnh phúc. Tôi chăm chỉ ngày đêm miệt mài học tập và trong kì thi năm đó, tôi đỗ trạng nguyên. Triều đình cử tôi đi sứ. Trước lúc lên đường, tôi đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để phòng thân.
Ganh tị với những thứ vợ tôi có được, hai người chị vợ đã tìm cách hãm hại. Họ rủ vợ tôi chèo thuyền ra biển rồi đẩy nàng xuống dòng nước sâu. Nàng đã bị cá kình nuốt chửng nhưng may mắn khi cầm theo những đồ dùng tôi tặng mà thoát chết. Nàng cầm con dao mổ bụng cá, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng nàng.
Khi đi sứ trở về, tôi vô cùng tức giận khi biết tin vợ mất tích, Tôi bèn đi thuyền ra đảo thì nghe tiếng gà trống gáy to: "ò… ó… o... Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về."
Cho thuyền vào đảo thì biết đó chính là vợ tôi. Gặp lại nhau, chúng tôi mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, tôi mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Tôi không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy em mình thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.
Từ đó, vợ chồng tôi và mẹ sống hạnh phúc bên nhau. Sự biến mất hai người chị vợ không rõ tung tích khiến tôi cũng buồn nhưng đó là bài học cho những kẻ ích kỉ, tham lam và độc ác.
Kể lại một câu chuyện cổ tích theo lời kể của nhân vật trong câu chuyện - mẫu 5
Tôi là Hươu, cũng như Nai, Hoẵng, Thỏ trên đầu chỉ có hai cái tai mềm mại. Nhưng so với các bạn thì tôi là nhút nhát nhất. Cái gì tôi cũng sợ: Sợ bóng tối, sợ cả thú dữ nữa.
Tuy vậy, bạn bè ai cũng quý tôi vì tôi chăm chỉ, tốt bụng. Hôm trước, nghe tin bác gấu ốm nặng, tôi đã xin mẹ cho đến thăm bác. Đến nơi, tôi nghe trong hơi thở yếu ớt:
- Bệnh của bác nặng lắm. Chỉ có là Thảo Huyền mọc ở khe núi sâu mới chữa được.
Tôi nhanh nhảu đáp:
- Cháu chạy nhanh như tên bay, để cháu vào rừng lấy lá thuốc cho bác.
Không đợi bác Gấu nói gì, tôi vội chào bác và lên đường ngay. Nhưng đường rừng hiểm trở, rất nhiều thú dữ, tôi bắt đầu thấy run. Khi bóng tối tràn xuống cả khu rừng, tôi lại càng sợ. Tôi nép vào một gốc cây khác.Thần cây hiện lên hỏi:
- Tại sao cháu khóc? Cháu bị lạc mẹ à?
- Dạ không ạ. Cháu muốn đi vào khe núi để lấy lá Thảo Huyền về cho bác Gấu. Nhưng rừng thì rộng, có bao nhiêu thú dữ nên cháu sợ lắm.
- Sợ thì cháu hãy mau quay về nhà đi!
- Nhưng cháu thương bác Gấu lắm. Không có thuốc bác ấy chết mất.
Thần cây ân cần:
- Cháu là một đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu. Đây ta cho cháu những cành cây khoẻ khoắn của ta. Cháu hãy đội lên đầu, cháu sẽ có thêm sức mạnh.
Tôi rối rít cảm ơn Thần cây rồi lên đường. Tôi băng qua suối, qua đèo mà không sợ thú dữ hay bóng đêm nữa. Khi tôi đem lá thuốc về, trời cũng rạng sáng. Tôi thấy muông thú trong rừng đang ngồi vây quanh bác Gấu. Tôi vội đưa lá thuốc cho bác nhai. Thật kỳ diệu, chỉ trong ít phút bác gấu đã khoẻ lại. Tất cả muông thú có mặt đều hỏi:
- Cây thuốc gì mà quý đến thế hở bác?
- Thuốc quý nhưng tấm lòng của Hươu còn quý hơn nhiều. Chính Hươu đã cứu bác đấy - Bác gấu ôn tồn nói.
Khi ấy, tất cả mới để ý đến tôi. Và ai cũng ngạc nhiên khi thấy trên đầu tôi là những cành cây vững chắc. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện khi gặp Thần cây cho mọi người nghe. Và kỳ lạ chưa, cái cành cây trên đầu tôi đã dính chặt từ bao giờ. Mẹ tôi vuốt ve món quà Thần cây tặng cho tôi và gọi đó là Sừng Hươu.
Từ đó, loài Hươu chúng tôi luôn mang sừng trên đầu để chống lại thú dữ và tôi chẳng còn nhút nhát như trước nữa.