Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc năm 2023
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc năm 2023
Bài văn mẫu Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc lớp 5 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc hay.
Dàn ý Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc
1. Mở bài: Giới thiệu người em định tả: (Gặp ở đâu? Tên gì? Làm nghề gì?) cô bác sĩ của đoàn y tế khám bệnh cho dân nghèo theo công tác từ thiện của Hội Chữ thập đỏ.
2. Thân bài:
a. Tả ngoại hình:
- Vóc dáng: gầy gầy, dong dỏng cao, nước da trắng hồng, nhanh nhẹn nhưng điềm đạm, từ tốn.
- Khuôn mặt: thon, hình trái xoan, mắt to và đẹp, miệng tươi, môi đỏ như son.
- Mái tóc: dài, búi gọn trong kẹp lưới thành một búi nhỏ xinh xắn. Đầu đội mũ trắng có huy hiệu của Hội Chữ thập đỏ.
- Phục sức: cô bác sĩ mặc áo choàng trắng, túi áo có thêu tên: Bác sĩ Phương. Cô mặc quần dài cũng màu trắng, Khi tiếp xúc với bệnh nhân cô mang khẩu trang y tế màu xanh, chỉ để lộ đôi mắt đẹp với hàng mi cong, thanh tú.
b. Tả hoạt động:
- Bác sĩ khám sức khoẻ cho dân nghèo: dùng ống nghe để nghe mạch tim, phổi. Cô vạch nhẹ mi mắt của bệnh nhân, hỏi han tận tình mới đọc tên thuốc cho cô y tá phụ việc ghi. Bệnh nhân cầm phiếu đi nhận thuốc ở quầy thuốc ở trạm xá.
- Bác sĩ làm việc liên tục nhưng vẫn hòa nhã, ân cần với nhân dân, dịu dàng với đồng sự và y tá phụ việc.
c. Ấn tượng với em:
- Bác sĩ rất trẻ, dịu dàng đáng mến.
- Bác sĩ từ tốn, nghiêm nghị nhưng thực lòng yêu thương dân nghèo.
- Bác sĩ không ngại việc khó, tận tình lau rửa vết thương cho em bé mười tuổi và phát thuốc.
3. Kết luận:
- Nêu tình cảm của em đối với người mới gặp: cảm phục khả năng làm việc nhanh chóng, kĩ lưỡng của bác sĩ, em có tình cảm mến mộ trước cô bác sĩ khả ái, duyên dáng, từ tâm.
- Ước mơ khi lớn lên em cũng học ngành Y để cống hiến sức mình cho Tổ quốc.
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc - mẫu 1
Tuần vừa qua, em bị ốm phải khám bệnh ở bệnh viện tỉnh. Tại đây, em gặp một cô y sĩ điều dưỡng rất đáng mến.
Cô y sĩ còn rất trẻ, ước chừng cô chỉ mới hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Dáng người cô nhỏ nhắn, tay chân thon thả. Cô có nước da trắng nõn nà như da em bé. Mái tóc cô búi gọn trong chiếc mũ y sĩ màu trắng. Vài sợi tóc mái loà xoà trước trán cô, ló ra khỏi vành mũ. Cô có khuôn mặt trái xoan, mắt to, đôi lông mày vòng cung thanh mảnh. Đôi môi hình trái tim sắc nét tô một lớp son màu hồng nhạt, trông cô duyên dáng hẳn ra.
Cô mặc áo choàng y sĩ màu trắng, ngắn tay, để lộ khủyu tay, cánh tay thon đẹp, bàn tay nhỏ nhắn với các ngón tay tháp bút xinh xinh.
Cô y sĩ đọc tên bệnh nhân rành mạch, rõ ràng rồi đưa họ vào phòng khám. Trước khi bác sĩ khám bệnh, cô đo huyết áp cho bệnh nhân và ghi vào hồ sơ bệnh án. Cô làm việc nhẹ nhàng, thành thạo. Cô ân cần nhắc nhở bệnh nhân: “Các cô chú cởi áo khoác ra nghen, đo huyết áp xong thì mặc vào lại nha.”. Cô cẩn thận dắt tay một cụ già, để cụ ngồi vào ghế tựa chờ bác sĩ khám. Cô nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng. Khi bác sĩ kê đơn thuốc xong, cô dặn kĩ bệnh nhân cách dùng thuốc và hướng dẫn họ đến quầy thuốc của bệnh viện để mua thuốc. Bệnh nhân rất đông, người nọ nối tiếp người kia vào khám. Cô y sĩ làm việc liên tục nhưng nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi cô. Có vài bệnh nhân đi nhầm khoa, cô tận tình chỉ dẫn họ đến khoa mà họ muốn tìm. Thái độ niềm nở của cô thật dễ thương. Với khuôn mặt xinh xắn, có duyên và với chuyên môn vững vàng, cô y sĩ toát lên vẻ đẹp nhũn nhặn đầy lòng bác ái. Y đức của cô đúng như câu biểu ngữ viết trên tường bệnh viện: “Lương y như từ mẫu” (Thầy thuốc như mẹ hiền).
Khám bệnh xong, về đến nhà em nhớ hoài nụ cười hiền dịu của cô y sĩ. Em thấy cô thật đẹp. Thế mới biết nhan sắc mặn mà của một người con gái không phải chỉ vì họ đẹp mà còn vì họ biết cư xử đẹp. Cô y sĩ em gặp một lần mà nhớ mãi chính là người con gái như vậy.
Y sĩ điều dưỡng là phụ tá đắc lực của bác sĩ, là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Ngoài chuyên môn được đào tạo của mình, người y sĩ điều dưỡng còn phải có tấm lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân mới hoàn thành tốt công việc. Suốt buổi khám bệnh, nhìn cô y sĩ làm việc, ước mơ vào học ngành y của em càng lớn, càng thêm mạnh mẽ. Em sẽ gắng học giỏi để thi vào trường Đại học Y, trở thành người thầy thuốc tốt.
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc - mẫu 2
Trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người. Có những người chỉ gặp một lần thôi nhưng để lại cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Và cậu bé đánh giầy em từng gặp trên đường là một người như thế – một người em mới chỉ gặp một lần nhưng ấn tượng về cậu bé ấy khiến em không thể quên được.
Vào một sáng thứ bảy, khi được ba mẹ cho ra ngoài ăn sáng, em đã gặp một cậu bé đánh giày. Cậu bé ấy người nhỏ nhắn, thấp hơn em hẳn một cái đầu, em đoán chừng cậu bé ấy cũng ít tuổi hơn em. Hôm đó, trời mới vào đông se se lạnh, nhưng cậu bé đó chỉ mặc độc trên người một chiếc áo thun mỏng cộc tay đã cũ mèn. Bên dưới mặc một chiếc quần ngố dài tới đầu gối để lộ đôi chân đen mà gầy gò. Bàn chân thì đeo đôi dép tổ ong, chắc cậu được ai đó cho lại vì nó to hơn hẳn so với size chân của cậu. Cậu bé có một khuôn mặt rất đáng yêu, nhưng có lẽ vì đi nắng nhiều nên da cậu đen cháy lại. Đôi mắt to và tròn, trong vắt như hòn bi ve. Gương mặt nhỏ lấm tấm những vết bẩn.
Nhưng điều khiến cho gương mặt cậu bé ấy thu hút ánh nhìn của em đó là bởi nụ cười tươi rói nở trên môi cậu. Em cảm nhận được sự yêu đời từ nụ cười đó của cậu. Mặc dù còn rất nhỏ đã phải ra ngoài bươn trải kiếm sống nhưng cậu bé ấy vẫn vui vẻ và hồn nhiên. Em thấy cậu bé đi tới các bàn ăn, hỏi từng người xem họ có muốn đánh giày không? Dù có người từ chối, nhưng cậu bé đó vẫn không tỏ ra khó chịu hay buồn bã mà vui vẻ đi sang bàn khác. Thấy vậy em quay ra bảo ba: “Ba ơi, giày ba bẩn rồi kìa. Ba nhờ cậu bé kia đánh giày hộ ba đi.” Ba em biết em muốn giúp cậu bé. Liền gọi cậu bé lại, nhờ đánh giày. Khi thấy có người kêu đánh giày cậu bé ấy mừng lắm. Đôi mắt đen sáng lung linh, và nụ cười trên môi như càng tươi hơn.
Em rất thương cậu bé. Vì cậu bé ấy tuy còn nhỏ tuổi hơn em nhưng đã phải chiu nhiều khổ cực. Đáng ra tuổi của cậu bé đó phải được vui vẻ nô đùa và được chăm sóc. Nhưng thực tế cậu bé ấy lại phải ra đường, dãi nắng dầm mưa để có thể mưu sinh.
Về đến nhà hình ảnh của cậu bé nhỏ nhắn ấy vẫn in đậm trong đầu em. Nếu lúc này có một điều ước em sẽ ước tất cả trẻ em trên trái đất này đều được sống trong một tuổi thơ hạnh phúc mà không phải đi kiếm tiền sớm như vậy.
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc - mẫu 3
- Vé số đây! Vé số đây!
Đang ngồi uống nước cùng tụi bạn ở bên vệ đường, bất chợt nghe tiếng rao lanh lảnh, tôi quay lại nhìn thì thấy một em bé bán vé số.
Em bé ước chừng tám, chín tuổi. Dáng người em dong dỏng cao. Em mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay màu nâu giống như mấy đứa trẻ chăn trâu ở quê tôi. Chiếc quần bò lửng em mặc cũng đã bạc phếch, sờn cả hai đầu gối. Một vài tia nắng của buối xế chiều còn vương lại khẽ rọi qua cái mũ phớt em đội để lộ ra khuôn mặt chữ điền vuông vức. Nổi bật trên khuôn mặt ấy là đôi mắt tròn to, đen láy, trông lanh lợi, thông minh nhưng thoáng chút u buồn.
Em chạy dọc trên đường phố, đến các sạp bán báo, bán hoa quả, mồm không ngớt lời mời chào. Nhưng em bị từ chối bởi thái độ thờ ơ, lạnh lùng, ánh mắt dửng dưng cùa mọi người, thậm chí đáp lại em là những câu quát tháo. Khi đó, đôi mắt em rũ xuống, nét mặt đầy u buồn. Em lững thững, bước từng bước nặng nề. Có lẽ em nghĩ: “Nếu không bán hết xấp vé số này thì tối lấy gì mà ăn đây”. Bất chợt, một ông khách có dáng người to, cao, bệ vệ ngồi trong quán gọi em vào. Ông nhích nhích từng tờ để dò số. Nét mặt ông hào hứng như sắp được trúng độc đắc. Em bé vẫn đứng đó, đôi mắt sáng lên, khuôn mặt rạng rỡ đến lạ thường. Chắc em đang cầu mong cho ông khách kia mua vé thật nhiều, trúng thật nhiều để vé số của mình đắt hàng hơn. Ông khách trả tiền xong, như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào, em bé lại nhanh nhẹn đi, miệng không ngớt lời rao mời.
Thấy thế, tôi dừng lại rút số tiền ba cho sáng nay, gọi em lại mua một vé. Em xoè cả xấp vé số cho tôi chọn, miệng em cười để lộ ra hàm răng trắng, đều đặn, rồi nói:
- Anh Hai mua số nào? Hay để em chọn cho nghe! Em chọn là may mắn lắm đó.
Nói rồi, nhanh như cắt em rút cho tôi một tờ. Tôi gửi tiền và không quên chúc em bán được nhiều vé số, em gật đầu cảm ơn lia lịa. Tuy biết rằng có thể chẳng trúng gì nhưng tôi vẫn mua vì tôi thấy thương em mới có chừng ấy tuổi đã phải chịu cực khổ, phải làm việc vất vả hàng ngày. Tuổi của em lẽ ra phải được vui chơi, được học hành.
Tôi đi về nhà nhưng hình ảnh em bé bán vé số chiều nay khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Cùng lứa tuổi như tôi, có biết bao trẻ em thiếu may mắn phải lặn lội trong sương gió kiếm tiền sinh sống. Nếu lúc này ai hỏi tôi ước gỉ. Tôi sẽ nói: “Ước gì cho mọi trẻ em đều được đến trường”.
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc - mẫu 4
Trong khi cả nước đang tưng bừng kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng em lại nao nao nhớ đến những người đã anh anh dũng hi sinh để giành lại được lại độc lập cho đất nước. Mỗi lần như vậy em lại nhớ đến hình ảnh một em bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Đó là người mà em tuy mới gặp lần đầu nhưng có ấn tượng sâu sắc.
Vào một buổi chiều mùa hè, lúc em đi dạo cùng bố mẹ chơi trong vườn hoa Kim Đồng. Ở đây, không khí trong lành. Bất chợt, em gặp một cậu bé đang tươi cười chào mọi người mua tăm. Lại gần thì em mới biết cậu ấy bị liệt cả hai chân nên phải ngồi xe lăn. Quần áo của em rất cũ, rách rưới có nhiều chỗ vá trông rất tội nghiệp. Dáng người của cậu nhỏ bé, gầy gò. Nước da của cậu ngăm đen vì phải đi nắng nhiều để bán tăm.Trên gương mặt thanh tú ấy, ánh mắt của cậu sáng ngời đầy vẻ tự tin trong cuộc sống. Những giọt mồ hôi trên má cậu cho em biết cậu rất vất vả. Em thầm thắc mắc: ”Tại sao ông trời lại sinh ra những mảnh đời éo le như vậy?” Em lần chạy đến lân la tìm hiểu. Em hỏi cô bán hàng:
Cậu bé bán tăm bị sao vậy cô?
Cô bảo:
- Cậu bé này là một trong số các em ở trại mồ côi. Bố mẹ em là thanh niên xung phong tình nguyện trực tiếp trên chiến trường. Và bố mẹ em ấy đã nhiễm chất độc da cam. Khi em ấy sinh ra thì bố mẹ em ấy qua đời.
Em đến mua hai gói tăm hộ cậu. Về đến nhà, em vẫn suy nghĩ về cậu bé.
Hình ảnh của cậu bé vẫn ở trong tâm trí em dù em lớn lên. Đó vẫn là người mà em thật ấn tượng sâu sắc.
Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc - mẫu 5
Nắng chiều rải nhẹ trên con đường về nhà. Trên đường đi, em chợt thấy một tốp các chú thợ điện đang đo và tháo lắp chiếc công tơ ở gần khu phố em. Trong đó, người làm em chú ý nhất là một chú thợ điện đang leo lên cột điện và xem xét công tơ.
Bỗng có người gọi tên chú. Thì ra, chú tên là Hiệp. Em đứng ngắm chú hồi lâu. Chú khoảng ba mươi tuổi. Bộ áo công nhân màu cam rất vừa vặn với vóc dáng to, cao của chú. Khuôn mặt chú vuông vắn. Tóc chú màu đen. Nước da chú ngăm ngăm màu bánh mật. Trông chú thật hiền từ.
Thấy em cứ đứng ngây người nhìn chú, chú nở một nụ cười thật tươi. Em tiến bước đến gần chú rồi chào: “Cháu chào chú ạ!” Chú xoa đầu em: “Cháu ngoan lắm, thế sau này cháu có muốn làm công việc như chú không?” Em đáp: “Cháu chưa biết được nhưng công tơ điện để làm gì thế hả chú?” Chú cười: “À! Công tơ điện dùng để đo lượng điện đã dùng cháu ạ!”
Mồ hôi trên lưng áo chú đã thấm ra ngoài nhưng chú vẫn hăng say làm việc. Tay chú nhanh thoăn thoắt. Mặc dù em không hiểu rõ công việc mà chú đang làm nhưng với thái độ làm việc như thế, em biết chú là một người rất yêu nghề. Nếu không có những thợ điện như chú sửa chữa kịp thời thì sinh hoạt của người dân sẽ gặp khó khăn. Em đang đứng thì chú quay xuống nói: ” Thôi muộn rồi đấy, cháu về đi kẻo bố mẹ lo lắng.”
Em giật mình, chú nhắc em mới nhớ. Thôi đành chia tay chú ở đây vậy. Tuy bóng dáng chú đang xa dần nhưng em sẽ mãi nhớ về chú Hiệp – một người thợ điện thân thiện và biết quan tâm tới người khác.