Lý thuyết Vật Lí 8 Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên? hay, chi tiết
Lý thuyết Vật Lí 8 Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên? hay, chi tiết
Tài liệu Lý thuyết Bài 20: Nguyên tử, phân tử chuyển động hay đứng yên? Vật Lí lớp 8 hay, chi tiết nhất sẽ tóm tắt kiến thức trọng tâm về bài học từ đó giúp học sinh ôn tập để nắm vứng kiến thức môn Vật Lí lớp 8.
1. Chuyển động của các nguyên tử, phân tử
- Các nguyên tử, phân tử luôn luôn chuyển động hỗn loạn không ngừng về mọi phía, chuyển động đó gọi là chuyển động nhiệt hỗn loạn, gọi tắt là chuyển động nhiệt hay còn gọi là chuyển động Brown.
Hình 1.1. Chuyển động của hạt phấn hoa trong thí nghiệm của Brown
- Nhiệt độ của vật càng cao thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên vật chuyển động càng nhanh.
Trong thí nghiệm của Brown nếu ta càng tăng nhiệt độ của nước thì chuyển động của các hạt phấn hoa càng nhanh, chứng tỏ các phân tử nước chuyển động càng nhanh và va đập vào các hạt phấn hoa càng mạnh.
Hình 1.2. Sự va chạm của các phân tử nước vào hạt phấn hoa
2. Hiện tượng khuếch tán
Hiện tượng khi các phân tử, nguyên tử của các chất tự hòa lẫn vào nhau gọi là hiện tượng khuếch tán.
a) Hiện tượng khuếch tán trong chất lỏng
Ví dụ: Đổ nhẹ nước vào một bình đựng dung dịch đồng sunfat màu xanh. Do nước nhẹ hơn nên nổi ở trên, tạo thành mặt phân cách giữa nước và đồng sunfat. Sau một thời gian mặt phân cách này mờ dần rồi mất hẳn. Trong bình chỉ còn một chất lỏng đồng nhất màu xanh nhạt ⇒ Nước và đồng sunfat đã hòa lẫn vào nhau.
Cơ chế khuếch tán:
b) Hiện tượng khuếch tán trong chất khí
Hiện tượng khuếch tán có thể xảy ra cả trong chất khí đó là trường hợp các phân tử khí tự hòa trộn vào nhau.
Ví dụ: Mở nút lọ nước hoa trong phòng, do hiện tượng khuếch tán mà sau một thời gian ngắn, mọi người trong phòng đều ngửi thấy mùi nước hoa.
c) Hiện tượng khuếch tán trong chất rắn
Ví dụ:
- Lấy hai thỏi kim loại là vàng và chì mài thật nhẵn ép sát vào nhau. Sau vài năm, giữa hai thỏi hình thành một lớp hợp kim vàng và chì, có chiều dày khoảng 1mm.
- Nhổ một cái đinh đã đóng vào gỗ rất lâu, quan sát lỗ đinh ta thấy phần gỗ trong lỗ đinh có màu của gỉ sét. Đó là kết quả của hiện tượng khuếch tán giữa các phân tử của đinh đã gỉ sét và các phân tử gỗ.
So với chất lỏng và chất khí thì hiện tượng khuếch tán xảy ra trong chất rắn rất chậm, cần phải có một thời gian khá dài mới có thể quan sát được hiện tượng này.