Lý thuyết Vật Lí 8 Bài 6: Lực ma sát hay, chi tiết
Lý thuyết Vật Lí 8 Bài 6: Lực ma sát hay, chi tiết
Tài liệu Lý thuyết Bài 6: Lực ma sát Vật Lí lớp 8 hay, chi tiết nhất sẽ tóm tắt kiến thức trọng tâm về bài học từ đó giúp học sinh ôn tập để nắm vứng kiến thức môn Vật Lí lớp 8.
1. Lực ma sát
Các lực cản trở chuyển động của một vật, tạo ra bởi những vật tiếp xúc với nó được gọi là lực ma sát.
a) Lực ma sát trượt
- Lực ma sát trượt sinh ra khi một vật trượt trên bề mặt của vật khác.
- Lực ma sát trượt luôn ngược hướng chuyển động.
Ví dụ: Ở vĩ cầm (đàn violon), khi cọ xát cần kéo trên dây đàn thì giữa chúng xuất hiện lực ma sát trượt làm dây đàn dao động và phát ra âm thanh.
b) Lực ma sát lăn
- Lực ma sát lăn sinh ra khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác.
- Lực ma sát lăn thường rất nhỏ so với lực ma sát trượt.
Ví dụ: Lực ma sát lăn làm cản trở chuyển động của các vật lăn trên mặt phẳng như bánh xe đạp.
c) Lực ma sát nghỉ
- Lực ma sát nghỉ giữ cho vật không trượt khi bị tác dụng của lực khác.
- Lực ma sát nghỉ có đặc điểm:
+ Cường độ (độ lớn) thay đổi tùy theo lực tác dụng lên vật có xu hướng làm cho vật thay đổi chuyển động.
+ Luôn có tác dụng giữ vật ở trạng thái cân bằng khi có lực tác dụng lên vật.
Ví dụ: Lực ma sát nghỉ giữ cho thùng hàng không bị trượt xuống khỏi xe.
Chú ý:
+ Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực cân bằng thì không có lực ma sát nghỉ.
+ Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực không cân bằng thì có lực ma sát nghỉ.
2. Đo lực ma sát
Để đo lực ma sát người ta có thể dùng lực kế.
Giả sử cần đo lực ma sát giữa vật với mặt bàn, ta móc lực kế vào vật rồi kéo cho vật chuyển động đều trên mặt bàn để số chỉ của lực kế không đổi. Số chỉ của lực kế khi đó bằng với độ lớn của lực ma sát. Điều này cũng có nghĩa là nếu một vật đang trượt (hoặc lăn) đều dưới tác dụng của một lực có độ lớn F thì lực ma sát trượt (hoặc lăn) trong trường hợp đó cũng có độ lớn là F.
3. Lực ma sát trong đời sống và kĩ thuật
Lực ma sát có thể có hại, có thể có ích:
- Đối với ma sát có hại thì ta cần làm giảm ma sát.
Ví dụ: Ta có thể đặt thùng hàng lên các xe lăn (có con lăn) để di chuyển chúng được dễ dàng hơn hay để giảm ma sát ở các vòng bi của ổ trục, xích xe đạp thì ta phải thường xuyên tra dầu mỡ …
- Đối với ma sát có ích, ta cần làm tăng ma sát:
Ví dụ: Tăng độ lớn lực ma sát nghỉ để giúp cho bánh xe vượt khỏi chỗ đất lầy lội (lắp miếng ván gỗ dưới lốp xe, đổ cát hay gạch vụn), để giúp cho người dễ di chuyển trên đường….