Lý thuyết Vật Lí 9 Bài 54: Sự trộn các ánh sáng màu hay, chi tiết
Lý thuyết Vật Lí 9 Bài 54: Sự trộn các ánh sáng màu hay, chi tiết
Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Vật Lí lớp 9 Bài 54: Sự trộn các ánh sáng màu hay, chi tiết nhất sẽ tóm tắt kiến thức trọng tâm về bài học từ đó giúp học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức môn Vật Lí lớp 9.
1. Thế nào là trộn các ánh sáng màu với nhau?
- Có thể trộn hai hay nhiều ánh sáng màu với nhau bằng cách chiếu đồng thời các chùm ánh sáng đó vào cùng một chỗ trên một màn ảnh màu trắng. Màu của màn ảnh ở chỗ đó là màu mà ta thu được khi trộn các ánh sáng màu nói trên với nhau.
- Có thể trộn hai hay nhiều chùm sáng màu với nhau, chiếu đồng thời các chùm sáng đó trực tiếp vào mắt (các chùm sáng này phải rất yếu). Khi đó trên màng lưới của mắt sẽ có màu mà ta thu được.
2. Trộn hai ánh sáng màu với nhau
Khi trộn hai ánh sáng màu với nhau ta được ánh sáng màu khác. Khi hoàn toàn không có ánh sáng thì ta thấy tối, tức là thấy màu đen.
Ví dụ:
- Khi trộn ánh sáng màu đỏ với ánh sáng màu lục thì được ánh sáng màu vàng.
- Khi trộn ánh sáng màu đỏ với ánh sáng màu lam thì được ánh sáng màu tím.
- Khi trộn ánh sáng màu lục với ánh sáng màu lam thì được ánh sáng màu xanh da trời.
3. Trộn ba ánh sáng màu với nhau để được ánh sáng trắng
Muốn có chùm ánh sáng trắng thì ta chiếu đồng thời nhiều chùm ánh sáng từ màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím vào cùng một chỗ ở trên màn trắng.
Đặc biệt có thể trộn các ánh sáng đỏ, lục, lam với nhau để được ánh sáng trắng. Nếu trộn ba màu này với độ mạnh yếu khác nhau ta sẽ thu được đủ mọi màu trong tự nhiên.