Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức có đáp án (10 đề + ma trận)


Haylamdo biên soạn và sưu tầm bộ 10 Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 Kết nối tri thức năm 2024 có đáp án và ma trận được biên soạn và chọn lọc từ đề thi Tiếng Việt lớp 4 của các trường Tiểu học trên cả nước sẽ giúp học sinh lớp 4 ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4.

Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức có đáp án (10 đề + ma trận)

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Trường Tiểu học .....

Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4

(Bộ sách: Kết nối tri thức)

Thời gian làm bài: .... phút

(Đề 1)

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- GV cho học sinh đọc văn bản bài “Đường đi Sa Pa” (trang 106) Tiếng Việt 4 Tập 2 - (Kết nối tri thức với cuộc sống)

- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Vì sao tác giả khẳng định: “Sa Pa là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.”?

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

NGƯỜI ĂN XIN

Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại... Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!

Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp. Tôi lục tìm hết túi nọ đến túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.

Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy. Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của lão.

Theo Tuốc-ghê-nhép

10 Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức (có đáp án + ma trận)

Câu 1. Hình ảnh ông lão ăn xin đáng thương như thế nào? (0,5 điểm)

A. Một người ăn xin già lọm khọm.

B. Đôi mắt đỏ đọc, giàn giụa nước mắt.

C. Đôi môi tái nhợt, quần áo tả tơi thảm hại...

D. Tất cả các đáp án trên.

Câu 2. Hành động và lời nói ân cần của cậu bé chứng tỏ tình cảm của cậu đối với ông lão ăn xin như thế nào? (0,5 điểm)

A. Cậu bé chân thành thương xót ông lão ăn xin và muốn giúp đỡ ông lão.

B. Cậu bé chán ghét ông lão.

C. Cậu bé coi thường người ăn xin già lọm khọm, bẩn thỉu.

D. Cậu bé chỉ thương hại ông lão.

Câu 3. Cậu bé lục tìm hết túi nọ đến túi kia không thấy có gì để cho ông lão, nhưng ông lão lại nói: “Như vậy là cháu đã cho lão rồi.”. Em hiểu cậu bé đã cho ông lão cái gì? (0,5 điểm)

A. Cậu bé cho ông lão cái bánh.

B. Cậu bé đã cho ông lão cái khăn tay.

C. Cậu bé đã cho ông lão tình thương, sự thông cảm và tôn trọng.

D. Cậu bé đã xin mẹ một ít tiền và đưa cho ông lão.

Câu 4. Em hãy sửa lại câu văn sau cho đúng chính tả: (1 điểm)

đào Gia minh là học sinh lớp 4A, trường tiểu học xuân Hòa.

........................................................................................................................

Câu 5. Em hãy chọn từ phù hợp và viết lại câu hoàn chỉnh: (1 điểm)

a) Để đạt học sinh giỏi, Quân luôn ........... (kiên quyết/ kiên trì/ kiên cường) làm các bài tập khó.

........................................................................................................................

b) Trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, anh shipper Nguyễn Đăng Văn đã ........... (dũng cảm/ dũng mãnh/ dũng khí) cứu 10 người mắc kẹt trong đám cháy.

........................................................................................................................

Câu 6. Em hãy xác định trạng ngữ trong các câu dưới đây và cho biết trạng ngữ đó bổ sung thêm thông tin gì cho câu: (1 điểm)

a) Trên cánh đồng, đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ.

........................................................................................................................

b) Mùng 1 Tết, Lan cùng bố mẹ về quê nội.

........................................................................................................................

Câu 7. Viết đoạn văn ngắn (từ 3 – 4 câu) về một tác phẩm, trong đó có sử dụng dấu ngoặc kép đánh dấu tên tác phẩm: (1,5 điểm)

........................................................................................................................ ........................................................................................................................

B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1. Nghe – viết (4 điểm)

VIỆT BẮC

(trích)

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sau ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa...

Tố Hữu

2. Tập làm văn (6 điểm)

Em hãy viết bài văn miêu tả cây hoa giấy mà em yêu thích.

ĐÁP ÁN GỢI Ý

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng (4 điểm)

- Đọc trôi chảy, lưu loát, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, tốc độ đạt yêu cầu đạt 4 điểm. Tùy theo mức độ đọc của học sinh mà giáo viên cho điểm.

- Trả lời câu hỏi: Vì quang cảnh ở đây rất đẹp, có núi, có thác, có rừng, cây cối luôn tốt tươi, có nhiều thứ hoa quý hiếm, làng xóm yên ả, thanh bình, khí hậu thì không nóng bức bao giờ, quanh năm mát mẻ hay se lạnh.

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

D. Tất cả các đáp án trên.

Câu 2. (0,5 điểm)

A. Cậu bé chân thành thương xót ông lão ăn xin và muốn giúp đỡ ông lão.

Câu 3. (0,5 điểm)

C. Cậu bé đã cho ông lão tình thương, sự thông cảm và tôn trọng.

Câu 4. (1 điểm)

Đào Gia Minh là học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Xuân Hòa.

Câu 5. (1 điểm)

a) Để đạt học sinh giỏi, Quân luôn kiên trì làm các bài tập khó.

b) Trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, anh shipper Nguyễn Đăng Văn đã dũng cảm cứu 10 người mắc kẹt trong đám cháy.

Câu 6. (1 điểm)

a) Trạng ngữ: “Trên cánh đồng”, bổ sung thông tin về địa điểm của sự việc nêu trong câu.

b) Trạng ngữ: “Mùng 1 Tết”, bổ sung thông tin về thời gian của sự việc nêu trong câu.

Câu 7. (1,5 điểm)

Những câu chuyện cổ tích luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với trẻ thơ vì đó là thế giới của những điều diệu kì, huyền bí. Câu chuyện mà em thích nhất là “Tấm Cám”. Qua câu chuyện, nhân dân ta đã gửi gắm ước mơ về một cuộc sống công bằng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

B. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)

1. Chính tả (4 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):

0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.

0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):

Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm

2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;

Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.

- Trình bày (0,5 điểm):

0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.

0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.

2. Luyện tập (6 điểm)

- Trình bày dưới dạng một bài văn, miêu tả cây hoa giấy mà em yêu thích, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.

- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.

Gợi ý chi tiết:

Mở đầu:

- Giới thiệu về cây hoa giấy mà em muốn tả.

Triển khai:

- Tả bao quát: tầm cao, tán lá, hình dáng, đặc điểm nổi bật của cây khi mới nhìn hoặc nhìn từ xa.

- Tả chi tiết:

(1) Rễ cây có đặc điểm gì?

(2) Gốc cây to hay nhỏ?

(3) Chiều cao của thân cây? Vỏ cây như thế nào?

(4) Lá: Hình dáng? Màu sắc? Tán lá có mấy tầng? Lá dày hay thưa?

(5) Hoa: Màu sắc? Những nét đặc biệt về hình dáng hoa?

- Lợi ích của cây hoa giấy: Cây cho hoa, làm bóng mát,...

Kết thúc

- Nêu suy nghĩ, tình cảm của em về cây hoa giấy đó.

Bài làm tham khảo

Mỗi loài hoa đều hấp dẫn con người bởi những nét đặc biệt riêng. Hoa đào hấp dẫn lòng ta bởi cánh hoa phơn phớt hồng, nói đến nó là nhớ đến Tết miền Bắc, nói đến cây mai vàng là mọi người nhớ ngay đến cái Tết phương Nam,... Và với tôi, tôi rất ấn tượng và thích thú với giàn hoa giấy. Nhà tôi cũng có một giàn hoa giấy do chính bàn tay bố tôi trồng đấy.

Giàn hoa giấy ấy đã được bố tôi kì công chăm sóc và nuôi trồng biết bao. Bố tôi đã kì công chuẩn bị giàn và kì công, miệt mài nuôi dưỡng nó để rồi có được một giàn hoa giấy chừng hai mét mà ai đến nhà tôi chơi, cũng khen bố khéo tay và giàn hoa giấy trông thật nổi bật, bắt mắt và đẹp biết bao. Tôi quan sát thấy thân cây có màu nâu, bóng và khá chắc. Từ thân cây ấy có bao nhiêu là cành leo lên. Những chiếc lá hoa thì có màu xanh đậm, hình trái tim. Ấn tượng mãi trong lòng người ấy là những bông hoa giấy rất mỏng mà rất dai, đúng như tên gọi với nét đặc trưng của nó. Hoa giấy nhà tôi có màu hồng đậm, chen chúc với những chiếc lá xanh kia tạo nên một sắc màu thật ấn tượng. Nhìn từ gần hai xuống thì giàn hoa giấy cứ như là tấm thảm hoa khổng lồ đang rung rinh trong nắng, vui đùa, trêu ghẹo cùng chị gió. Với tôi, giàn hoa giấy ấy lại thật giống một cô thiếu nữ đang khoác trên mình chiếc váy hoa thật nổi bật, thật duyên dáng, yểu điệu làm sao! Đặc biệt là vào những đêm trăng sáng hay những ngày có nắng, ánh trăng hay ánh nắng xuyên qua những kẽ lá tạo thành bóng in xuống sân trông mới thật tuyệt diệu! Mỗi khi có cơn gió trôi qua, những cánh hoa giấy ấy lại xào xạc, rơi rất nhẹ xuống mặt đất khiến sân nhà tôi như khoác trên mình một tấm áo mới!

Dưới giàn hoa giấy ấy, chị em tôi đã cùng nhau vui chơi, nô đùa. Dưới giàn hoa ấy, mẹ tôi đã kể cho chúng tôi nghe bao câu chuyện cổ tích. Cánh hoa rơi xuống tóc mẹ, mang theo cả dấu vết của bàn tay bố trồng vào tâm trí, vào trái tim tôi. Giàn hoa giấy gắn liền với tuổi thơ tôi và cả sau này nữa.

Tôi sẽ mãi yêu giàn hoa giấy mà bố tôi chăm sóc. Hoa giấy sẽ mãi là loài hoa tôi yêu thích. Sau này khi lớn lên, tôi sẽ tự tay trồng một giàn hoa giấy và tự tay chăm sóc.

................................

................................

................................

Trên đây tóm tắt một số nội dung miễn phí trong bộ Đề thi Tiếng Việt lớp 4 năm 2024 mới nhất, để mua tài liệu trả phí đầy đủ, Thầy/Cô vui lòng xem thử:

Xem thêm đề thi lớp 4 Kết nối tri thức có đáp án hay khác: