Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 1: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm nước
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa 11 Bài 1: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm nước sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 11.
Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 1: Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm nước
I. Các nhóm nước
♦ Dựa theo trình độ phát triển kinh tế, các nước trên thế giới được phân chia thành nước phát triển và nước đang phát triển.
♦ Việc phân chia đó được dựa vào các chỉ tiêu: tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI/người), cơ cấu kinh tế và chỉ số phát triển con người (HDI).
- Tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người (GNI/ người)
+ GNI/người là chỉ tiêu quan trọng dùng để đánh giá, so sánh trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư giữa các quốc gia, là một trong những căn cứ để tính chỉ số phát triển con người (HDI).
+ Dựa vào GNI/người năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân chia các nước thành 4 nhóm là:
▪ Thu nhập cao (trên 12 535 USD);
▪ Thu nhập trung bình cao (từ 4 046 đến 12 535 USD);
▪ Thu nhập trung bình thấp (từ 1 035 đến 4 045 USD);
▪ Thu nhập thấp (dưới 1 085 USD).
- Cơ cấu kinh tế theo ngành
+ Cơ cấu kinh tế theo ngành phản ánh trình độ phân công lao động xã hội, thể hiện trình độ phát triển khoa học công nghệ, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất,...
+ Cơ cấu kinh tế theo ngành được chia thành: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
- Chỉ số phát triển con người (HDI)
+ HDI phản ánh sức khỏe, giáo dục và thu nhập của con người. Nhìn vào chỉ số HDI có thể đánh giá được trình độ phát triển của một quốc gia.
+ HDI nhận giá trị từ 0 đến 1,0. HDI càng gần 1,0 có nghĩa là trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại.
+ Dựa vào HDI năm 2020, Liên hợp quốc phân chia các nước thành 4 nhóm là: rất cao (từ 0,8 trở lên), cao (0,7 - 0,799), trung bình (0,55 - 0,699) và thấp (từ 0,549 trở xuống).
II. Sự khác biệt về kinh tế - xã hội của các nhóm nước
1. Về kinh tế
♦ Quy mô, tốc độ phát triển kinh tế
- Các nước phát triển có quy mô kinh tế lớn và đóng góp lớn vào quy mô kinh tế toàn cầu; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định.
- Các nước đang phát triển thường có quy mô kinh tế nhỏ và đóng góp không lớn vào quy mô kinh tế toàn cầu (trừ Trung Quốc, Ấn Độ,...); nhiều nước có tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
♦ Cơ cấu kinh tế
- Các nước phát triển:
+ Tiến hành công nghiệp hoá từ sớm và đi đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp.
+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức; ngành dịch vụ có đóng góp nhiều nhất trong GDP.
- Hầu hết các nước đang phát triển:
+ Đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
+ Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ ngày càng tăng.
♦ Trình độ phát triển kinh tế
- Các nước phát triển có trình độ phát triển kinh tế cao; tập trung phát triển các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ và tri thức cao.
- Các nước đang phát triển có trình độ phát triển kinh tế còn thấp, một số nước đang bắt đầu chú trọng phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ và tri thức cao.
2. Về xã hội
♦ Dân cư, đô thị hóa
- Các nước phát triển:
+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp, thường có cơ cấu dân số già, gây ra những vấn đề cần giải quyết về thiếu nguồn lao động và tăng cao chi phí phúc lợi xã hội.
+ Quá trình đô thị hóa đã diễn ra từ lâu, tỉ lệ dân thành thị lớn, trình độ dân trí cao, chất lượng cuộc sống cao.
- Phần lớn các nước đang phát triển:
+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên còn cao và có xu hướng giảm.
+ Phần lớn các nước có cơ cấu dân số trẻ, tạo nhiều áp lực về việc làm. Một số nước đang chuyển dịch sang cơ cấu dân số già trong khi kinh tế phát triển còn chậm, gây ra nhiều khó khăn về nguồn lao động.
+ Tỉ lệ dân thành thị còn thấp và trình độ đô thị hóa chưa cao nhưng tốc độ đô thị hóa khá nhanh; chất lượng cuộc sống chưa cao.
♦ Giáo dục và y tế
- Các nước phát triển có hệ thống giáo dục và y tế phát triển, tuổi thọ trung bình cao.
- Các nước đang phát triển có hệ thống giáo dục và y tế ngày càng nhiều tiến bộ, số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên và tuổi thọ ngày càng tăng.