Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 9: EU - Một liên kết kinh tế khu vực lớn. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa 11 Bài 9: EU - Một liên kết kinh tế khu vực lớn. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 11.
Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 9: EU - Một liên kết kinh tế khu vực lớn. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới
I. Quy mô, mục tiêu và thể chế hoạt động của EU
1. Quy mô
- Năm 1951, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua đã thành lập Cộng đồng Than - Thép châu Âu.
- Năm 1957, Cộng đồng Kinh tế châu Âu ra đời và năm 1968, Cộng đồng Nguyên tử châu Âu được thành lập.
- Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) ra đời trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức: Cộng đồng Than - Thép châu Âu; Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng Nguyên tử châu Âu.
- Năm 1993, với Hiệp ước Ma-xtrích, Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU).
- Tính đến năm 2021, EU có 27 quốc gia thành viên, chiếm 3,1 % diện tích và 5,7 % dân số thế giới.
2. Mục tiêu và thể chế hoạt động
a) Mục tiêu
- Mục tiêu của EU ngày càng được cụ thể hoá bằng các Hiệp ước Ma-xtrích (có hiệu lực từ năm 1993) và Hiệp ước Lít-xbon (có hiệu lực từ năm 2009).
- Mục tiêu của EU theo Hiệp ước Ma-xtrích là:
+ Xây dựng, phát triển một khu vực mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ, con người, tiền tệ được tự do lưu thông giữa các nước thành viên;
+ Tăng cường hợp tác, liên kết về kinh tế, luật pháp, an ninh và đối ngoại nhằm thúc đẩy sự thống nhất châu Âu và góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới.
- Mục tiêu của EU được mở rộng trong Điều 3 của Hiệp ước Lít-xbon:
+Thúc đẩy sự đoàn kết, hòa bình, an ninh, tự do, công lí và hạnh phúc của công dân.
+ Thiết lập một thị trường nội khối và liên minh kinh tế, tiền tệ.
+ Đạt được sự phát triển bền vững dựa trên tăng trưởng kinh tế cân bằng, có tính cạnh tranh cao và tiến bộ xã hội.
b) Thể chế hoạt động
- EU thiết lập một thể chế hoạt động gồm: Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ủy ban Liên minh châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng EU; Ngân hàng Trung ương châu Âu; Tòa Kiểm toán châu Âu; Tòa án công lí EU.
- Mọi vấn đề quan trọng về kinh tế, chính trị do các cơ quan đầu não của EU quyết định.
II. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới
1. Trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới
- Liên minh châu Âu là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2020, EU đóng góp khoảng 18,0% tỉ trọng GDP.
- Trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới thì có ba nước thuộc EU là: Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp, I-ta-li-a.
2. Trung tâm thương mại, tài chính lớn của thế giới
- EU là nhà xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới.
+ EU đã kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định khác có thành phần thương mại với nhiều nước trên thế giới.
+ Các mặt hàng EU nhập khẩu nhiều nhất là: dầu mỏ, khí tự nhiên, u-ra-ni-um… Các mặt hàng xuất khẩu chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới của EU là: ô tô, máy bay, điện tử, dược phẩm, nông sản...
+ EU áp dụng một mức thuế chung từ bên ngoài đối với tất cả hàng hóa vào thị trường, đặt ra mức phạt thuế quan đối với các mặt hàng nhập vào EU có giá rẻ hơn so với mức giá ở nước xuất khẩu.
- EU là một trung tâm tài chính lớn của thế giới.
+ Các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới là: Phờ-răng Phuốc (Cộng hòa Liên bang Đức), Pa-ri (Pháp), Lúc-xăm-bua (Lúc-xăm-bua), Am-xtéc-đam (Hà Lan).
+ Các hoạt động thương mại và tài chính quốc tế của EU có ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của thế giới.
3. Trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới
- EU là trung tâm khoa học - công nghệ lớn của thế giới. Các nước EU là “xây dựng Liên minh châu Âu thành một nền kinh tế tri thức có sức cạnh tranh và năng động nhất thế giới”.
- Khoa học - công nghệ của EU được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực, như: nông nghiệp và an ninh lương thực, môi trường, biến đổi khí hậu, đổi mới và tăng trưởng,…
- Trong những năm gần đây, thế mạnh về khoa học - công nghệ của EU tập trung vào: sản xuất vật liệu tiên tiến (nano), công nghệ khoa học đời sống, điện tử vi mô, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bảo mật và kết nối, hàng không vũ trụ…
- Những nước có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ là: Cộng hòa Liên bang Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển,..
III. Hợp tác và liên kết trong khu vực
1. Xây dựng một thị trường chung EU thống nhất, bền vững
- EU đã thiết lập một thị trường chung; trong đó, hàng hóa, dịch vụ, tiền vốn, con người được tự do lưu thông giữa các nước thành viên.
+ Hàng hóa: Được đảm bảo di chuyển tự do trong biên giới của EU, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
+ Dịch vụ: Tự do đối với các dịch vụ như vận tải, thông tin liên lạc, ngân hàng, kiểm toán, du lịch,...
+ Tiền vốn: Cho phép di chuyển các khoản đầu tư như mua tài sản và mua cổ phần giữa các quốc gia, mở tài khoản tại các ngân hàng trong khối...
+ Con người: Công dân EU có thể di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên để sinh sống, làm việc, học tập hoặc nghỉ hưu.
- Thị trường chung kích thích cạnh tranh và thương mại, cải thiện hiệu quả, nâng cao chất lượng và hạ giá thành; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
2. Thiết lập hệ thống tiền tệ bằng đồng tiền chung châu Âu (Ơ-rô)
- Đồng Ơ-rô là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định, là hạt nhân và động lực của tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa của EU.
- Khu vực đồng Ơ-rô bao gồm 19 quốc gia thành viên EU, sử dụng đồng Ơ-rô như một loại tiền tệ duy nhất.
- Đồng Ơ-rô có vị trí cao trong giao dịch quốc tế, là đồng tiền dự trữ chính thức quốc tế.
- Đồng Ơ-rô góp phần hoàn thiện thị trưởng chung châu Âu, gỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan và có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế, tài chính, đầu tư, tiết kiệm chi phí hành chính.
3. Hợp tác trong phát triển ngành hàng không vũ trụ
- Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) có 17 thành viên, đã đưa hàng trăm vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ để thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, quan sát Trái Đất, quan sát quỹ đạo, khí tượng và vật lí không gian. Sân bay vũ trụ đặt tại Pháp. Các trung tâm điều hành không gian châu Âu (ESOC) thuộc cơ quan này đặt ở 7 quốc gia: Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, An-giê-ri và Ô-xtrây-li-a.
- Ngoài ra, các nước còn hợp tác trong việc phát triển và sản xuất máy bay dân dụng và quân sự, máy bay trực thăng, máy bay không người lái, động cơ hàng không...
=> Quá trình hợp tác đã thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của EU nói chung và các nước thành viên nói riêng. Các công ty hàng không vũ trụ lớn ở EU giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ toàn cầu.
4. Liên kết vùng châu Âu
- Liên kết vùng châu Âu (Euroregion) dùng để chỉ một khu vực biên giới của EU mà ở đó người dân các nước khác nhau tiến hành các hoạt động hợp tác, liên kết sâu rộng về kinh tế, xã hội và văn hóa trên cơ sở tự nguyện vì những lợi ích chung của các bên tham gia.
- Liên kết vùng châu Âu phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mỗi quốc gia; đồng thời, hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Tính đến năm 2020, EU có 158 liên kết vùng đang hoạt động.