Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 25: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Trung Quốc
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa 11 Bài 25: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Trung Quốc sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 11.
Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 25: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Trung Quốc
I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
♦ Đặc điểm
- Trung Quốc có diện tích khoảng 9,6 triệu km2, gồm phần lãnh thổ đất liền rộng lớn và các đảo. Phần đất liền nằm từ khoảng vĩ độ 20°B đến khoảng vĩ độ 53°B và từ khoảng kinh độ 73°Đ đến khoảng kinh độ 135°Đ.
- Trung Quốc giáp với 14 quốc gia, gần với các nước và khu vực có nền kinh tế phát triển năng động như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á. Phía đông là Thái Bình Dương, đường bờ biển dài.
♦ Ảnh hưởng
- Lãnh thổ rộng lớn nên Trung Quốc có thiên nhiên đa dạng, phân hóa theo chiều bắc - nam, đông - tây; là cơ sở cho Trung Quốc phát triển một nền kinh tế đa dạng, tạo sự khác biệt giữa các vùng.
- Vị trí địa lí thuận lợi để Trung Quốc mở rộng giao lưu, đầu tư, liên kết kinh tế - thương mại, phát triển nhiều ngành kinh tế.
- Vị trí địa lí của Trung Quốc nằm trong khu vực có nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán,... Đồng thời, lãnh thổ rộng lớn, địa hình, phức tạp đã gây trở ngại cho tổ chức lãnh thổ sản xuất và quản lí.
II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
1. Địa hình, đất
♦ Địa hình Trung Quốc đa dạng, lấy kinh tuyến 105°Đ làm ranh giới, có thể chia thành hai miền: miền Đông và miền Tây.
- Miền Tây:
+ Có nhiều dãy núi và sơn nguyên cao, đồ sộ; xen lẫn là các bồn địa và cao nguyên; ngoài ra còn có nhiều hoang mạc lớn. Đất chủ yếu là đất xám hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Miền Tây có nhiều khó khăn đối với giao thông và sản xuất, chỉ ở một số nơi có điều kiện để phát triển rừng và chăn nuôi gia súc.
- Miền Đông:
+ Gồm các đồng bằng châu thổ rộng lớn như: Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam... có đất phù sa sông màu mỡ và đồi núi thấp.
+ Miền Đông có nhiều thuận lợi để phát triển các vùng nông nghiệp trù phú.
2. Khí hậu
- Phần lớn lãnh thổ Trung Quốc có khí hậu ôn đới, khu vực phía nam có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới. Khí hậu phân hóa rõ rệt.
+ Miền Tây có khí hậu lục địa khô hạn, lượng mưa ít, nhiệt độ chênh lệch khá lớn giữa ngày đêm và các mùa.
+ Miền Đông có khí hậu gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều vào mùa hạ và lạnh khô vào mùa đông.
+ Trên các núi và sơn nguyên cao có kiểu khí hậu núi cao, mùa đông lạnh, mùa hạ mát.
- Khí hậu tạo điều kiện để Trung Quốc đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho sản xuất và cư trú ở các vùng có khí hậu lục địa khắc nghiệt.
3. Sông, hồ
- Sông:
+ Có nhiều sông lớn như: Trường Giang, Hoàng Hà, Tây Giang, Hắc Long Giang.... Ở hạ lưu sông bồi đắp nên các đồng bằng lớn.
+ Phần lớn sống có hướng tây đông, lưu lượng nước lớn nên thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá.
+ Các sông còn là nguồn thuỷ năng lớn, cung cấp nước cho đời sống và sản xuất.
- Trung Quốc có nhiều hồ lớn như: Động Đình, Thái Hồ,… là nơi dự trữ nguồn nước ngọt quan trọng và có nhiều giá trị đối với nông nghiệp và du lịch.
4. Biển
- Vùng biển rộng và có các ngư trường lớn.
- Đường bờ biển dài khoảng 9000 km với nhiều vịnh biển sâu, nhiều bãi biển đẹp... tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc phát triển các ngành kinh tế biển.
5. Sinh vật
- Rừng tự nhiên có diện tích lớn, chiếm 19 % diện tích lãnh thổ.
+ Rừng lá kim, rừng hỗn hợp và rừng lá rộng, rừng cận nhiệt ẩm phân bố nhiều ở miền Đông;
+ Thảo nguyên, hoang mạc và bán hoang mạc ở miền Tây.
- Trong rừng có nhiều loài động vật quý, có giá trị như: báo gấm, sói xám, voọc mũi hếch vàng, gấu trúc,...
- Rừng cung cấp gỗ, nhiều dược liệu quý và tạo tiềm năng để phát triển du lịch.
6. Khoáng sản
- Khoáng sản đa dạng, phong phú, nhiều loại có trữ lượng lớn.
+ Than chiếm khoảng 13 % trữ lượng của thế giới, tập trung nhiều ở Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung.
+ Quặng kim loại màu như: von-phram, thiếc và đất hiếm có trữ lượng đứng đầu thế giới, tập trung chủ yếu ở phía đông nam.
+ Quặng kim loại đen như: sắt, man-gan,... phân bố chủ yếu ở phía đông bắc và rải rác ở một số nơi khác.
+ Khoáng sản phi kim loại, như: phốt-pho, lưu huỳnh, cao lanh,... phân bố ở nhiều nơi.
- Tài nguyên khoáng sản là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc phát triển các ngành công nghiệp.
III. Dân cư và xã hội
1. Dân cư
- Quy mô dân số: số dân đông nhất thế giới, năm 2020 là 1,43 tỉ người, chiếm khoảng 18 % dân số thế giới.
- Cơ cấu dân số: trong cơ cấu dân số theo tuổi: số dân ở nhóm 0 - 14 tuổi chiếm 18,0 %; nhóm 15 - 64 tuổi chiếm 69,0 %; nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm 13,0 % (năm 2020).
=> Số dân đông là nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như: giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao mức sống cho người dân,...
- Tỉ lệ gia tăng dân số: do thực hiện chính sách dân số sinh một con trong thời gian dài nên Trung Quốc có tỉ lệ gia tăng dân số giảm khá nhanh. Đồng thời, chính sách này cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
- Mật độ dân số:
+ Mật độ dân số trung bình khoảng 150 người/km2 (năm 2020).
+ Dân cư phân bố rất chênh lệch, tập trung chủ yếu ở miền Đông, thưa thớt ở miền Tây.
=> Đây là một trong những nhân tố tạo nên sự khác nhau trong phát triển kinh tế xã hội ở hai miền và ảnh hưởng tới việc khai thác tài nguyên ở miền Tây.
- Đô thị hóa:
+ Tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh, đạt 61,4% (năm 2022).
+ Có nhiều đô thị đông dân như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu,...
- Thành phần dân tộc: Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó người Hán đông nhất (gần 92%). riêng, có kinh nghiệm và phương thức sản xuất khác nhau.
=> Điều này đã tạo cho Trung Quốc có nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc, song cũng nảy sinh một số vấn đề về xã hội và quản lí cần phải giải quyết.
2. Xã hội
- Trung Quốc có nền văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại thế giới.
- Đất nước này có nhiều đóng góp cho nhân loại ở nhiều lĩnh vực và nhiều di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO ghi danh như: Vạn Lí Trường Thành, Lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, Thành cổ Bắc Kinh,....
- Trung Quốc rất chú trọng đầu tư cho phát triển giáo dục, năm 2020 tỉ lệ biết chữ của người từ 15 tuổi trở lên đạt trên 96%. Trung Quốc có nhiều chính sách để đào tạo nguồn lao động có sức khoẻ và trình độ cao.
- Quá trình xây dựng nông thôn mới cùng với chính sách công nghiệp hoá nông thôn của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn như: các ngành nghề phát triển mạnh mẽ; thu nhập bình quân đầu người nông dân tăng; đời sống văn hóa được nâng cao; kết cấu hạ tầng được cải thiện;…
- Chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, HDI của Trung Quốc thuộc nhóm cao, năm 2020 là 0,764.