Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 17: Kinh tế Hoa Kỳ
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Địa 11 Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 17: Kinh tế Hoa Kỳ sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 11 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa Lí 11.
Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 17: Kinh tế Hoa Kỳ
I. Nền kinh tế hàng đầu thế giới
♦ Biểu hiện của sự phát triển:
- GDP của Hoa Kỳ luôn ở mức cao trên thế giới. Năm 2020, GDP đạt gần 21 nghìn tỉ USD (chiếm gần 1/4 GDP toàn thế giới). GDP bình quân đầu người đạt khoảng 63 593 USD (năm 2020).
- Trình độ phát triển kinh tế của Hoa Kỳ đứng hàng đầu thế giới với nhiều ngành kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ và năng suất lao động cao. Nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ chiếm vị trí hàng đầu thế giới.
- Hoa Kỳ có nhiều trung tâm tài chính, kinh tế lớn trên thế giới.
- Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ lớn, chiếm 8,5% toàn thế giới (2020). Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới về trao đổi thương mại tài sản trí tuệ.
- Cơ cấu kinh tế của Hoa Kỳ có ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế gần như đạt đến ngưỡng giới hạn.
♦ Nguyên nhân phát triển:
- Vị trí địa lí cách xa các trung tâm xung đột lớn nên không bị tàn phá về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất bởi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai.
- Tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng.
- Nguồn lao động động và có trình độ kĩ thuật, nhiều lao động có trình độ cao.
- Chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D); có chính sách bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng.
- Chú trọng sử dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đi đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh nền kinh tế tri thức và tham gia sớm vào quá trình toàn cầu hoá.
- Có thị trường tiêu thụ trong nước rộng lớn với nhu cầu tiêu dùng cao và tăng mạnh.
II. Các ngành kinh tế
1. Dịch vụ
♦ Tình hình phát triển chung:
- Chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GDP và thu hút lực lượng lao động đông đảo nhất Hoa Kỳ. Năm 2020, dịch vụ chiếm 80,1% GDP và trên 80% lực lượng lao động xã hội.
- Khu vực dịch vụ đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực.
♦ Một số ngành tiêu biểu:
- Giao thông vận tải hiện đại bậc nhất thế giới và trải rộng trên khắp lãnh thổ với đầy đủ các loại hình.
+ Đường ô tô: đóng vai trò chủ yếu trong vận chuyển đường bộ. Hoa Kỳ có khoảng 6,5 triệu km đường ô tô, trong đó hệ thống đường cao tốc dài khoảng 80 nghìn km; mạng lưới đường ô tô phủ khắp các khu vực.
+ Đường sắt: chuyên chở hơn 30 % lượng hàng hóa trong nước. Tổng chiều dài lớn nhất thế giới (hơn 250 nghìn km); hệ thống đường rất hiện đại, tự động hoá cao và phân bố khắp đất nước.
+ Đường sông, hồ: dài trên 41 nghìn km, chủ yếu ở hệ thống sông: Mi-xi-xi-pi, Ngũ Hồ và hệ thống sông ven biển. Trong đó, hệ thống sông Mi-xi-xi-pi chiếm tỉ trọng lớn trong vận chuyển hàng hóa.
+ Đường biển: có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đội tàu biển lớn, công suất lớn hàng đầu thế giới. Các cảng biển lớn là: Niu Oóc-lin, Lốt An-giơ-lét, Hiu-xtơn, Xan Phran-xi-cô, Phi-la-đen-phi-a,...
+ Đường hàng không: vận chuyển khối lượng hành khách rất lớn (khoảng 1 tỉ lượt người Đường hàng không mỗi năm). Hoa Kỳ có hơn 19 nghìn sân bay (nhiều nhất thế giới); các sân bay lớn là: Át-lan-ta, Lốt An-giơ-lét, Đa-lát,...
- Ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh.
+ Đứng hàng đầu thế giới và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Hoa Kỳ có nhiều vệ tinh nhất thế giới và đã thiết lập hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều nước.
+ Tập trung chủ yếu ở các trung tâm công nghiệp ven Thái Bình Dương.
- Du lịch có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2019, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 2,6 % GDP với hơn 79,5 triệu lượt khách đến.
- Thương mại:
+ Ngoại thương phát triển mạnh. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn, thị trường rộng khắp toàn cầu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là: đậu tương, ngô, hoa quả, hóa chất, thiết bị giao thông vận tải, thiết bị thông tin, dược phẩm, hàng tiêu dùng,... và nhập khẩu chủ yếu là: thuỷ sản, hoa quả, thiết bị công nghiệp, dầu thô,... Các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ là: Trung Quốc, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Cộng hoà Liên bang Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ,...
+ Nội thương của Hoa Kỳ phát triển mạnh. Thị trường nội địa lớn nhất thế giới cả về hàng hóa và dịch vụ. Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ,... hàng hóa phong phú, đa dạng, phân bố rộng khắp trong cả nước.
- Tài chính:
+ Thị trường tài chính của Hoa Kỳ thuộc hàng lớn nhất và có sức ảnh hưởng đến toàn cầu. Niu Y-oóc là trung tâm tài chính ngân hàng quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ.
+ Đầu tư ra nước ngoài luôn đứng hàng đầu thế giới (hơn 232 tỉ USD, năm 2020).
2. Công nghiệp
♦ Tình hình phát triển chung
- Nền công nghiệp rất phát triển, đóng góp 18,4% vào giá trị GDP (năm 2020).
- Cơ cấu công nghiệp đa dạng, nhiều lĩnh vực có trình độ khoa học kĩ thuật và công nghệ cao.
- Hoạt động sản xuất công nghiệp phân bố tập trung và phát triển sớm ở các bang ven Đại Tây Dương và trung tâm khu vực Đông Bắc.
- Từ cuối thế kỉ XX, nhiều trung tâm công nghiệp đã được hình thành và phát triển ở các bang phía nam và ven Thái Bình Dương.
♦ Một số ngành tiêu biểu
- Khai thác dầu mỏ:
+ Đứng đầu thế giới, sản lượng khai thác hơn 4,1 tỉ thùng dầu thô (năm 2020).
+ Việc khai thác tập trung chủ yếu ở: bang Tếch-dát, ven vịnh Mê-hi-cô và bán đảo A-lát-xca….
- Sản xuất điện nguyên tử đứng hàng đầu thế giới. Năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
- Công nghiệp điện tử - tin học:
+ Phát triển mạnh với các sản phẩm như: chất bán dẫn, bộ vi mạch, thiết bị máy tính đứng thứ hai thế giới.
+ Ngành này tập trung ở các bang phía nam và ven Thái Bình Dương, nổi tiếng nhất ở thung lũng Si-li-côn (bang Ca-li-phoóc-ni-a).
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng:
+ Có sản phẩm đa dạng, gồm nhóm sản phẩm thể thao, đồ nội thất,...
+ Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất hàng tiêu dùng với một lực lượng lao động có tay nghề cao, đạt giá trị sản xuất lớn, phân bố rộng rãi ở nhiều nơi.
- Công nghiệp hàng không vũ trụ:
+ Hoa Kỳ là cường quốc hàng không vũ trụ, đứng đầu thế giới trong các lĩnh vực: tên lửa, vệ tinh và các lĩnh vực khác liên quan….
+ Các trung tâm hàng không vũ trụ là Xít-tơn và Hiu-xtơn.
- Công nghiệp thực phẩm:
+ Có sản phẩm phong phú (thịt, sữa, đồ uống,...), phát triển mạnh.
+ Ngành này phân bố tập trung ở các bang như: Ca-li-phoóc-ni-a, I-li-noi, Uyn-xcôn-xin,..
- Một số ngành công nghiệp khác:
+ Công nghiệp hóa chất có nhiều sản phẩm công nghệ cao, phân bố tập trung ở các bang Niu Y-oóc, Niu Giơ-xi, Lu-di-a-na,...
+ Công nghiệp cơ khí giao thông vận tải (ô tô, xe tải, máy bay, tàu thuỷ, thiết bị đường sắt,..) phát triển mạnh, tập trung nhiều ở Mi-si-gân.
+ Công nghiệp luyện kim là ngành truyền thống, tập trung nhiều ở các bang vùng Đông Bắc.
3. Nông nghiệp
♦ Tình hình phát triển chung
- Nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xuất khẩu nông sản phát triển hàng đầu thế giới (đạt 143,2 tỉ USD, năm 2020).
- Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trang trại. Các trang trại có quy mô lớn và sử dụng máy móc, kĩ thuật hiện đại.
♦ Một số ngành tiêu biểu
- Nông nghiệp:
+ Trồng trọt có sản lượng lớn. Các cây trồng chủ yếu là: lúa mì, ngô, đậu tương, cây ăn quả,... Hoa Kỳ là nước sản xuất ngô và đậu tương đứng đầu thế giới.
+ Chăn nuôi phát triển mạnh, các vật nuôi chủ yếu là: gà, bò, lợn,... Một số sản phẩm chăn nuôi có sản lượng lớn hàng đầu thế giới.
+ Sản xuất nông nghiệp phân bố tập trung ở vùng phía nam Ngũ Hồ, ven vịnh Mê-hi-cô và ở đồng bằng Trung tâm,...
- Lâm nghiệp:
+ Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất gỗ tròn (sản lượng năm 2020 đạt hơn 400 triệu m3) và xuất khẩu gỗ.
+ Hoạt động trồng rừng được chú trọng phát triển.
- Thuỷ sản:
+ Đánh bắt thuỷ sản phát triển mạnh, sản lượng đạt 4,3 triệu tấn (năm 2020).
+ Nuôi trồng thuỷ sản có vị thế nhỏ hơn, sản lượng còn thấp (0,5 triệu tấn, năm 2020) nhưng đang có xu hướng tăng lên.
III. Sự phân hóa lãnh thổ kinh tế
Dựa vào các mục đích khác nhau, Hoa Kỳ có sự phân chia kinh tế theo những vùng khác nhau. Mỗi vùng có các đặc điểm nổi bật.
- Vùng Đông Bắc
+ Gồm các bang ở phía đông bắc Hoa Kỳ.
+ Là vùng có kinh tế phát triển sớm nhất của Hoa Kỳ, nổi bật với các ngành dệt, luyện kim, hóa chất, chế tạo máy, ô tô, đóng tàu.
+ Phát triển mạnh lâm nghiệp, cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi bò.
+ Các trung tâm kinh tế lớn: Niu Y-oóc, Bô-xtơn, Pít-xbớc,...
- Vùng Trung Tây
+ Gồm các bang ở phía bắc trung tâm Hoa Kỳ.
+ Nông nghiệp: Phía nam và đông nam Ngũ Hồ là các vành đai rau và chăn nuôi bò sữa. Đồng bằng Trung tâm có các vành đai ngô, lúa mì,...
+ Công nghiệp: Phía nam và đông nam Ngũ Hồ là các bang trọng điểm về công nghiệp chế biến và công nghiệp khai khoáng.
+ Các trung tâm kinh tế lớn: Si-ca-gô, Mi-nê-a-pô-lít,...
- Vùng Nam
+ Gồm các bang ở hạ lưu sông Mi-xi-xi-pi và ven vịnh Mê-hi-cô.
+ Công nghiệp: Nổi bật với các ngành khai thác và chế biến dầu khí, sản xuất máy bay, hàng không vũ trụ và điện tử.
+ Nông nghiệp: Sản xuất các nông sản nhiệt đới và cận nhiệt đới.
+ Các trung tâm kinh tế lớn: Hiu-xtơn, Niu Oóc-lin, Đa-lát, Át-lan-ta, Mem-phit.
- Vùng Tây
+ Gồm các bang ven Thái Bình Dương và các bang trong hệ thống Coóc-đi-e. Vùng này gồm cả bang A-lát-xca và bang Ha-oai.
+ Công nghiệp: Phát triển mạnh các ngành điện tử, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, hóa chất, khai khoáng, thuỷ điện, điện hạt nhân…
+ Nông nghiệp: Phát triển mạnh trồng ngô, đậu tương, lúa gạo và cây ăn quả nhiệt đới, chăn nuôi gia súc. Đây là vùng lâm nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ.
+ Các trung tâm kinh tế lớn: Lốt An-giơ-lét, Xan Phran-xi-xcô, Xít-tơn,...
+ Bang A-lát-xca có hoạt động sản xuất chủ yếu là: khai thác dầu khí, đánh cá, khai thác gỗ, nuôi tuần lộc.
+ Bang Ha-oai có ngành kinh tế chính là du lịch, ngoài ra còn có trồng mía.