X

Giải bài tập Sinh học 12 nâng cao

Giải Sinh học 12 nâng cao Chương 2: Tính quy luật của hiện tượng di truyền


Giải Sinh học 12 nâng cao Chương 2: Tính quy luật của hiện tượng di truyền

Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải bài tập Sinh học 12 nâng cao Chương 2: Tính quy luật của hiện tượng di truyền hay, chi tiết được biên soạn bám sát nội dung sách giáo khoa Sinh học lớp 12 nâng cao giúp bạn dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập từ đó đạt điểm cao trong các bài thi môn Sinh học 12.

Giải Sinh học 12 nâng cao Chương 2: Tính quy luật của hiện tượng di truyền

Sinh học 12 nâng cao Bài 11: Quy luật phân li

Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 11 trang 43: Menđen đã giải thích kết quả thí nghiệm của mình như thế nào?

Lời giải:

- Trong cặp tính trạng đem lai chỉ có một tính trạng biểu hiện ở F1 gọi là tính trạng trội (VD: hoa đỏ), tính trạng không biểu hiện ở F1 gọi là tính trạng lặn.

- Trong cơ thể lai F1, cặp nhân tố di truyền tồn tại riêng rẽ, không hòa trộn với nhau, nên khi F1 tạo giao tử thì giao tử chỉ chứa 1 nhân tố di truyền (gen) của bố hoặc mẹ. Khi thụ tinh có sự tổ hợp lại cặp nhân tố di truyền. Sự phân li và tổ hợp của cặp nhân tố di truyền đã chi phối sự di truyền và biểu hiện của cặp tính trạng tương phản qua các thế hệ.

Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 11 trang 43: Hãy nêu khái quát cơ sở tế bào học của quy luật phân li.

Lời giải:

- Trong tế bào lưỡng bội, NST tồn tại từng cặp, do đó gen cũng tồn tại từng cặp alen trên cặp NST tương đồng. Trong giảm phân, mỗi bên bố, mẹ chỉ tạo 1 loại giao tử A hoặc a. Qua thụ tinh tạo hợp tử F1 có kiểu gen Aa.

- Do sự phân li của cặp NST tương đồng trong giảm phân của F1 dẫn đến sự phân li của cặp gen tương ứng Aa. F1 tạo hai loại giao tử A, a với tỉ lệ 1 : 1.

- Sự thụ tinh của hai loại giao tử đực và cái mang gen A và a đã tạo ra F2 với tỉ lệ kiểu gen 1AA : 2Aa : 1aa và tỉ lệ kiểu hình 3 đỏ : 1 trắng. Chính sự phân li của hai loại giao tử mang alen A và a cùng với sự kết hợp của chúng qua thụ tinh và sự át chế của các alen trội với alen lặn là cơ chế tạo nên tỉ lệ kiểu hình 3 trội : 1 lặn ở F2. Tính lặn được biểu hiện ở thể đồng hợp về gen lặn, gây ra hiện tượng phân li, nghĩa là kiểu hình của các cây F2 không đồng nhất.

Bài 1 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Menđen đã giải thích kết quả thí nghiệm của mình như thế nào? Hãy phát biểu nội dung quy luật phân li.

Lời giải:

- Giải thích kết quả thí nghiệm:

   + Trong cặp tính trạng đem lai chỉ có một tính trạng biểu hiện ở F1 gọi là tính trạng trội (VD: hoa đỏ), tính trạng không biểu hiện ở F1 gọi là tính trạng lặn.

   + Trong cơ thể lai F1, cặp nhân tố di truyền tồn tại riêng rẽ, không hòa trộn với nhau, nên khi F1 tạo giao tử thì giao tử chỉ chứa 1 nhân tố di truyền (gen) của bố hoặc mẹ. Khi thụ tinh có sự tổ hợp lại cặp nhân tố di truyền. Sự phân li và tổ hợp của cặp nhân tố di truyền đã chi phối sự di truyền và biểu hiện của cặp tính trạng tương phản qua các thế hệ.

- Nội dung quy luật phân li:

   + Mỗi tính trạng được quy định bởi một cặp alen. Do sự phân li đồng đều của cặp alen trong giảm phân nên mỗi giao tử chỉ chứa một alen của cặp.

Bài 2 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Giải thích cơ sở tế bào học của quy luật phân li.

Lời giải:

- Sự phân li của cặp NST tương đồng trong phát sinh giao tử và sự tổ hợp của chúng qua thụ tinh đưa đến sự phân li và tổ hợp của cặp gen alen là cơ sở tế bào học của quy luật phân li.

- Trong giảm phân, mỗi bên bố, mẹ chỉ tạo 1 loại giao tử A hoặc a. Qua thụ tinh tạo hợp tử F1 có kiểu gen Aa – hoa màu đỏ. F1 toàn hoa đỏ do alen trội A át hoàn toàn alen lặn a trong quá trình thể hiện kiểu hình.

- Do sự phân li của cặp NST tương đồng trong giảm phân của F1 dẫn đến sự phân li của cặp gen tương ứng Aa. F1 tạo hai loại giao tử A, a với tỉ lệ 1 : 1.

- Sự thụ tinh của hai loại giao tử đực và cái mang gen A và a đã tạo ra F2 với tỉ lệ kiểu gen 1AA : 2Aa : 1aa và tỉ lệ kiểu hình 3 đỏ : 1 trắng. Chính sự phân li của hai loại giao tử mang alen A và a cùng với sự kết hợp của chúng qua thụ tinh và sự át chế của các alen trội với alen lặn là cơ chế tạo nên tỉ lệ kiểu hình 3 trội : 1 lặn ở F2. Tính lặn được biểu hiện ở thể đồng hợp về gen lặn, gây ra hiện tượng phân li, nghĩa là kiểu hình của các cây F2 không đồng nhất.

Bài 3 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Ở cà chua, màu quả đỏ trội hoàn toàn so với quả màu vàng.

a. Khi lai hai giống cà chua thuần chủng quả đỏ và quả vàng với nhau thì kết quả ở F1 và F2 sẽ như thế nào?

b. Bằng cách nào xác định được kiểu gen của cây quả đỏ ở F2?

Lời giải:

a. - Quy ước gen: A – quả đỏ trội hoàn toàn a – quả vàng

- Sơ đồ lai:

P:                  AA          ×          aa

GP:                A                          a

F1:                            Aa (100% hoa đỏ)

F1 × F1:                  Aa           ×         Aa

GP:                             A, a              A, a

F2:                     1AA : 2Aa : 1aa

Kiểu hình:              3 quả đỏ : 1 quả vàng

b. Để xác định được kiểu gen của cây quả đỏ ở F2 : ta dùng phép lai phân tích.

- Nếu thế hệ con đồng tính thì cây quả đỏ F2 có kiểu gen đồng hợp (AA).

- Nếu thế hệ con phân li thì cây quả đỏ F2 có kiểu gen dị hợp (Aa).

Bài 4 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Khi lai thuận và nghịch hai dòng chuột thuần chủng lông xám và lông trắng với nhau đều được F1 toàn lông xám. Cho chuột F1 tiếp tục giao phối với nhau được F2 có 31 con lông xám và 10 con lông trắng.

a. Hãy giải thích và viết sơ đồ lai từ P đến F2. b. Cho chuột F1 giao phối với chuột lông trắng thì kết quả của phép lai như thế nào?

Lời giải:

a. F1 toàn lông xám → Lông xám trội hoàn toàn so với lông trắng.

F2 có tỉ lệ 3 lông xám : 1 lông trắng → Tính trạng di truyền theo quy luật phân li.

- Quy ước gen: A – lông xám; a – lông trắng.

- Sơ đồ lai:

P:            AA             ×              aa

GP:            A                             a

F1:                       Aa (100% lông xám)

F1 × F1:                Aa             ×             Aa

GP:                    A, a                            A, a

F2:                           1AA : 2Aa : 1aa

Kiểu hình:                           3 lông xám : 1 lông trắng

b. Sơ đồ lai:

F1 × Chuột lông trắng:            Aa          ×         aa

GP:                                           A, a                       a

F2:                                         1Aa : 1aa

Kiểu hình:                           1 lông xám : 1 lông trắng

Bài 5 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Màu lông ở trâu do 1 gen quy định. Một trâu đực trắng (1) giao phối với một trâu cái đen (2) đẻ lần thứ nhất một nghé trắng (3); đẻ lần thứ hai một nghé đen (4). Con nghé đen lớn lên giao phối với một trâu đực đen (5) sinh ra một nghé trắng (6). Xác định kiểu gen của 6 con trâu nói trên.

Lời giải:

Xét cặp (4) và (5) sinh ra (6) có kiểu hình khác hoàn toàn so với bố mẹ → tính trạng di truyền theo quy luật phân li và tính trạng lông đen trội hoàn toàn so với lông trắng.

- Quy ước gen: A – lông đen, a – lông trắng.

→ Trâu (4) và (5) có kiểu gen: Aa; trâu (1), (3), (6): lông màu trắng có kiểu gen: aa.

Trâu (3) có kiểu gen aa nhận 1a từ bố (1) và 1a từ mẹ (2). Trâu (4) có kiểu gen Aa nhận 1a từ bố (1) và 1A từ mẹ (2) → Trâu mẹ (2) có kiểu gen Aa.

- Sơ đồ lai:

(1) × (2):    Aa × aa

GP:      A, a       a

(3); (4):   aa (lông trắng); Aa (lông đen)

(4) × (5):      Aa    ×   Aa

GP:         A, a         A, a

(6):         aa (lông trắng)

Bài 6 trang 45 sgk Sinh học 12 nâng cao: Ở đậu Hà Lan, hạt vàng trội hoàn toàn so với hạt xanh.Cho giao phấn giữa cây hạt vàng thuần chủng với cây hạt xanh, kiểu hình ở cây F1 sẽ như thế nào? Chọn phương án trả lời đúng.

A. 100% hạt vàng.

B. 1 hạt vàng : 1 hạt xanh.

C. 3 hạt vàng : 1 hạt xanh.

D. 5 hạt vàng : 1 hạt xạnh.

Lời giải:

Đáp án A

Xem thêm các bài giải bài tập sgk Sinh học 12 nâng cao hay khác: