X

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX


Haylamdo biên soạn và sưu tầm tóm tắt lý thuyết Lịch Sử 8 Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 8.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

I. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1884

1. Giai đoạn 1858 - 1873

- Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. => Quân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương đã chống trả quyết liệt, khiến cho Pháp không thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”.

- Tháng 2/1859, liên quân Pháp - Tây Ban Nha kéo vào Nam Kì, đánh chiếm thành Gia Định. => Quan quân triều đình chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng tan rã. Nhân dân Gia Định tự tổ chức lực lượng chống Pháp, ngày đêm quấy rối, đột kích khiến quân Pháp gặp nhiều khó khăn.

- Đầu năm 1860, Pháp phải điều quân sang chiến trường khác, chỉ để lại Gia Định gần 1000 quân canh giữ phòng tuyến dài khoảng 10 km. => Nguyễn Tri Phương huy động lực lượng tập trung củng cố Đại đồn Chí Hoà, tổ chức phòng thủ.

- Trong những năm 1861 - 1862, Pháp tập trung quân về Gia Định, tấn công và chiếm được Đại đồn Chí Hoà, sau đó lần lượt đánh chiếm tỉnh Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long. => Quân triều đình kháng cự quyết liệt nhưng thua và rút chạy. Phong trào kháng chiến của nhân dân dâng cao, tiêu biểu là: khởi nghĩa của Trương Định (1861 - 1864). Đến tháng 6/1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

- Từ ngày 20 đến 24/6/1867, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, sau đó tuyên bố 6 tỉnh Nam Kì là đất của Pháp và chỉ có chính quyền duy nhất ở đây là chính quyền thuộc địa Pháp. => Trong khi triều đình bất lực, phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kì dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, nhưng cuối cùng đều bị dập tắt.

2. Giai đoạn 1873 - 1884

a) Chống Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873 - 1874); Hiệp ước Giáp Tuất

- Tháng 10/1873, Ph. Gác-ni-ê chỉ huy hơn 200 quân Pháp từ Sài Gòn kéo ra Bắc.

- Ngày 20/11/1873, quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân sĩ chiến đấu cản địch nhưng không được. Quân Pháp chiếm được thành Hà Nội, sau đó mở rộng đánh chiếm một số tỉnh thành lân cận.

- Nhân dân Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì vẫn quyết tâm kháng chiến, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Tiêu biểu là: chiến thắng Cầu Giấy (21/12/1873).

- Giữa lúc tinh thần kháng chiến của nhân dân đang lên cao, năm 1874, nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp bản Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận chủ quyền của Pháp ở 6 tỉnh Nam Kì và nhiều điều khoản bất lợi khác.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

b) Chống Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai (1882 - 1883)

- Lấy cớ triều đình Huế vi phạm Hiệp ước 1874, tháng 3/1882, Ri-vi-e chỉ huy một đạo quân từ Sài Gòn kéo ra Bắc Kì.

- Ngày 25/4/1882, quân Pháp nổ súng tấn công thành Hà Nội. Hoàng Diệu chỉ huy quân sĩ chống trả quyết liệt nhưng không giữ được thành. Ông đã tự vẫn để không bị rơi vào tay giặc.

- Nhiều sĩ phu, văn thân ở các địa phương vẫn tổ chức phong trào chống Pháp, gây cho kẻ địch nhiều khó khăn. Tiêu biểu là: chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai (19/5/1883) đã khiến Ri-vi-e và hàng chục lính Pháp thiệt mạng.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

c) Chống Pháp tấn công Thuận An; Hiệp ước Hác-măng và Hiệp ước Pa-tơ-nốt

- Ngày 18/8/1883, quân Pháp tấn công Thuận An (Huế). Sau vài ngày chống trả quyết liệt, triều đình Huế buộc phải đình chiến và chấp nhận kí Hiệp ước Hác-măng (1883), với nội dung cơ bản là:

+ Thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kì và Trung Kì;

+ Vùng đất Trung Kì do triều đình Huế cai quản dưới quyền điều khiển của viên Khâm sứ Pháp chỉ bao gồm từ Đèo Ngang đến giáp Bình Thuận,…

- Việc triều đình kí Hiệp ước Hác-măng làm cho phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân bùng lên mạnh mẽ. Trước tình hình đó, Pháp kí với triều đình Huế Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884), trong đó sửa lại một số điều của Hiệp ước Hác-măng nhằm xoa dịu dư luận.

=> Với Hiệp ước Hác-măng và Hiệp ước Pa-tơ-nốt, thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam.

II. Những đề nghị cải cách của quan lại, sĩ phu yêu nước

♦ Bối cảnh lịch sử

- Ở nửa sau thế kỉ XIX, triều Nguyễn lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đất nước suy yếu, lại phải lo đối phó với cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

- Một số quan lại, sĩ phu thức thời, tiêu biểu như: Nguyễn Trường Tộ, Trần Đình Túc, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ trạch,… đã nhận thức rõ sự bảo thủ của triều đình nên đã mạnh dạn đem kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân xây dựng các bản điều trần gửi lên triều đình Huế đề nghị thực hiện cải cách.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

♦ Những đề nghị cải cách của quan lại, sĩ phu yêu nước:

- Nguyễn Trường Tộ: từ năm 1863 đến năm 1871, đã gửi lên triều đình 58 bản điều trần, đề nghị: chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển nông nghiệp, công - thương nghiệp và tài chính, chỉnh đốn võ bị, mở rộng ngoại giao, cải tổ giáo dục,...

- Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế và Đinh Văn Điền: năm 1868, đề nghị mở cảng Trà Lí (Nam Định), đẩy mạnh khai khẩn đất hoang, khai mỏ, mở mang thương nghiệp, củng cố quốc phòng....

- Viện thương bạc: năm 1872, đề nghị mở ba cảng biển ở miền Bắc và miền Trung, đẩy mạnh giao thương với bên ngoài,...

- Nguyễn Lộ Trạch: năm 1877 và 1882, gửi hai bản điều trần “Thời vụ sách” (thượng và hạ) lên vua Tự Đức, phân tích rõ lợi hại của phương lược Hoà - Thủ - Chiến, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước,...

♦ Kết cục, ý nghĩa

- Kết cục: phần lớn các đề nghị cải cách không được triều đình thực hiện hoặc thực hiện một cách thiếu hệ thống, nửa vời. Đến cuối thế kỉ XIX, tất cả những đề nghị cải cách đều thất bại.

- Ý nghĩa:

+ Phản ánh trình độ nhận thức của một bộ phận người Việt Nam hiểu biết, thức thời.

+ Tạo những tiền đề thiết yếu cho sự chuyển biến trong đời sống tư tưởng, văn hoá, xã hội Việt Nam và làm dấy lên một phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.

III. Phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế

1. Phong trào Cần vương (1885 - 1896)

- Sau Hiệp ước Hác-măng và Hiệp ước Pa-tơ-nốt, phái chủ chiến trong Huế do Tôn Thất Thuyết đứng đầu vẫn nuôi hi vọng giành lại chủ quyền từ và tích cực chuẩn bị hành động. Tình hình đó khiến thực dân Pháp lo ngại loại bỏ phe chủ chiến.

- Biết được ý đồ của Pháp, Tôn Thất Thuyết quyết định tấn công quân Pháp ở toà Khâm sứ và đồn Mang Cá (5/7/1885). Cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, vua Hàm Nghi phát dụ Cần vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân giúp vua cứu nước.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

- Phong trào Cần vương bùng nổ và diễn ra trên hầu khắp cả nước, sôi động nhất là ở Bắc Kì và Trung Kì. Trong đó tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Bãi Sậy và khởi nghĩa Hương Khê.

a) Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)

- Thời gian diễn ra: 1883 - 1892

- Lãnh đạo: Đinh Gia Quế và Nguyễn Thiện Thuật

- Địa bàn hoạt động: vùng bãi sậy ở phủ Khoái Châu (Hưng Yên); sau đó mở rộng ra các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh,…

- Diễn biến chính:

+ Nghĩa quân nhiều lần đẩy lui các đợt tấn công, càn quét của địch; từng bước mở rộng địa bàn chiến đấu.

+ Trong những năm 1885 - 1889, thực dân Pháp mở nhiều cuộc càn quét vào Bãi Sậy, làm cho lực lượng nghĩa quân suy giảm và rơi vào thế bị bao vây, cô lập; nghĩa quân suy yếu dần.

- Kết quả: cuối năm 1892, khởi nghĩa bị dập tắt.

b) Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896)

- Thời gian diễn ra: 1885 - 1896

- Lãnh đạo: Phan Đình Phùng, Cao Thắng,…

- Địa bàn hoạt động: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình

- Diễn biến chính:

+ 1885 - 1888 là giai đoạn chuẩn bị lực lượng, xây dựng công sự, rèn đúc khí giới và tích trữ lương thảo. Nghĩa quân được tổ chức quy củ, phiên chế thành 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh tài ba. Họ đã tự chế tạo được súng trường theo mẫu súng của Pháp.

+ 1888 - 1896 là giai đoạn đẩy mạnh hoạt động, tổ chức các cuộc tập kích, tấn công đường giao thông và đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của quân Pháp. Thực dân Pháp tiến hành bao vây, cô lập nghĩa quân và mở nhiều cuộc tấn công vào căn cứ Ngàn Trươi, làm cho lực lượng nghĩa quân suy yếu dần.

- Kết quả: cuối năm 1895, Phan Đình Phùng bị thương nặng và hi sinh. Đến năm 1896, những thủ lĩnh cuối cùng của cuộc khởi nghĩa cũng bị thực dân Pháp bắt.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

2. Khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1913)

♦ Nguyên nhân bùng nổ

- Khi Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Bắc Kỳ, Yên Thế trở thành đối tượng bình định của thực dân Pháp.

- Năm 1884, khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ với mục tiêu giữ đất, giữ làng, chống lại sự xâm lược của Pháp.

♦ Diễn biến chính

- Lợi dụng địa hình hiểm trở, nghĩa quân Yên Thế xây dựng nhiều công sự chiến đấu lợi hại và áp dụng cách đánh độc đáo khiến quân Pháp gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại. Các căn cứ Hố Chuối, Đồng Hom, Phồn Xương,... chính là nơi diễn ra các trận đánh tiêu biểu giữa nghĩa quân Yên Thế và quân Pháp.

Lý thuyết Lịch Sử 8 Cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX

- Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế kéo dài gần 30 năm, phát triển qua bốn giai đoạn.

+ Giai đoạn 1884 - 1892, nhiều toán nghĩa quân hoạt động riêng lẻ, đẩy lui nhiều đợt càn quét của quân Pháp và làm chủ một vùng rộng lớn.

+ Giai đoạn 1892 - 1897, Nghĩa quân vừa chiến đấu, vừa xây dựng căn cứ. Đề Thám chấp nhận giảng hòa với Pháp lần thứ nhất.

+ Giai đoạn 1897 - 1908, Đề Thám chủ động đề nghị giảng hoà với Pháp lần thứ hai. Căn cứ Yên Thế trở thành nơi hội tụ của những người yêu nước từ khắp nơi kéo về.

+ Giai đoạn 1909 - 1913, thực dân Pháp tăng cường lực lượng đàn áp. Đề Thám bị sát hại, phong trào tan rã.

♦ Ý nghĩa:

- Thể hiện tinh thần yêu nước, cổ vũ phong trào đấu tranh chống Pháp.

- Góp phần làm chậm quá trình bình định của thực dân Pháp.

- Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Lịch Sử lớp 8 Cánh diều hay khác: