Lý thuyết Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 2: Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Lịch Sử lớp 8 Bài 2: Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 8.
Lý thuyết Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 2: Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII
1. Tình hình nước Pháp trước cách mạng
a. Về kinh tế:
- Cuối thế kỉ XVIII, Pháp vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu:
+ Công cụ và phương thức canh tác thô sơ, năng suất thấp.
+ Ruộng đất bị bỏ hoang nhiều, nạn mất mùa, đói kém thường xuyên xảy ra.
- Nền công, thương nghiệp của Pháp có bước phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, nhưng bị kìm hãm nặng nề bởi những quy định ngặt nghèo của chế độ phường hội.
b. Về chính trị, xã hội:
- Chính trị:
+ Vào nửa sau thế kỉ XVIII, chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp đã lâm vào tình trạng khủng hoảng.
+ Sự chuyên chế và hà khắc của vua Lu-i XVI và sự quan liêu, tham nhũng của tầng lớp quan lại đã gây nên nhiều bất bình trong nhân dân.
- Xã hội Pháp phân chia thành ba đẳng cấp: Quý tộc, Tăng lữ và Đảng cấp thứ ba:
+ Quý tộc và Tăng lữ là hai đẳng cấp nắm mọi chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước, quân đội và giáo hội; có mọi đặc quyền, được miễn các loại thuế.
+ Đẳng cấp thứ ba gồm nhiều giai cấp, tầng lớp, như: giai cấp tư sản, nông dân và bình dân thành thị. Trong đó: giai cấp tư sản có thế lực về kinh tế song không có quyền lực chính trị; nông dân, bình dân thành thị chiếm hơn 90% dân số, chịu nhiều ách áp bức, bóc lột.
c. Về tư tưởng: Thông qua trào lưu Triết học Ánh sáng (thế kỉ XVIII), các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã đả phá chế độ phong kiến và Giáo hội, mở đường cho cách mạng bùng nổ.
2. Nét chính về Cách mạng tư sản Pháp (cuối thế kỉ XVIII)
a) Nguyên nhân bùng nổ
- Nguyên nhân sâu xa: những chuyển biến quan trọng trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và tư tưởng ở Pháp cuối thế kỉ XVIII.
- Nguyên nhân trực tiếp: Ngày 5/5/1789, vua Lu-i XVI triệu tập Hội nghị ba đẳng cấp để tăng thuế cũ và đặt thuế mới, nhưng không đạt được sự đồng ý của Đẳng cấp thứ ba. Mâu thuẫn giữa Đẳng cấp thứ ba với chính quyền phong kiến chuyên chế lên cao.
b) Diễn biến chính
- Giai đoạn 1 (14/7/1789 - 10/8/1792):
+ Ngày 14/7/1789, Quần chúng tấn công chiếm pháo đài - nhà tù Ba-xti
+ Ngày 26/8/1789, Quốc hội thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền
Nhân dân Pa-ri tấn công ngục Ba-xti (tranh vẽ)
- Giai đoạn 2 (10/8/1792 - 2/6/1793): chế độ phong kiến bị lật đổ, nền cộng hòa đầu tiên được thiết lập
- Giai đoạn 3 (2/6/1793 - 27/7/1794): nền chuyên chính dân chủ cách mạng Gia-cô-banh được thiết lập, do luật sư Rô-be-spie đứng đầu
- Ngày 27/7/1794, lực lượng tư sản phản cách mạng đảo chính, cách mạng thoái trào và kết thúc.
c) Kết quả, ý nghĩa, tính chất và đặc điểm chính của Cách mạng tư sản Pháp
- Kết quả:
+ Xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế; thiết lập nền cộng hòa ở Pháp, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền.
+ Khẳng định các quyền tự do dân chủ của công dân
- Ý nghĩa:
+ Mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản ở Pháp.
+ Là sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nước Pháp mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu.
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào cách mạng các nước.
+ Tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái được truyền bá rộng rãi.
- Tính chất: là cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình:
+ Thiết lập chế độ cộng hoà cùng các quyền tự do, dân chủ.
+ Giải quyết vấn đề ruộng đất cho người nông dân.
+ Xoá bỏ chế độ đẳng cấp và quan hệ sản xuất phong kiến.
- Đặc điểm chính:
+ Lực lượng lãnh đạo: giai cấp tư sản
+ Hình thức: nội chiến cách mạng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc