Lý thuyết Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 3: Cách mạng công nghiệp
Haylamdo biên soạn và sưu tầm với tóm tắt lý thuyết Lịch Sử lớp 8 Bài 3: Cách mạng công nghiệp sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Lịch Sử 8.
Lý thuyết Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 3: Cách mạng công nghiệp
1. Cách mạng công nghiệp Anh
- Thời gian: từ nửa sau thế kỉ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên tại nước Anh (do nước Anh hội tụ đủ những điều kiện tiền đề về: vốn, nhân công và sự phát triển kĩ thuật)
- Phạm vi, quy mô:
+ Cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở Anh, trước hết là trong ngành dệt
+ Từ ngành dệt, cách mạng công nghiệp nhanh chóng lan ra các ngành khác như giao thông vận tải, luyện kim,...
- Thành tựu tiêu biểu:
+ Năm 1764, Giêm Ha-gri-vơ chế tạo ra máy kéo sợi Gien-ni.
+ Năm 1769, R. Ác-rai phát minh ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước.
+ Năm 1784, Giêm Oát đã phát minh ra máy hơi nước.
+ Năm 1785, E. Các-rai phát minh ra máy dệt, đưa tốc độ sản xuất tăng lên 39 lần.
+ Năm 1814, Xti-phen-xơn chế tạo thành công đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước.
- Kết quả:
+ Anh từ một nước nông nghiệp thành nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.
+ Đến giữa thế kỉ XIX, nước Anh được mệnh danh là “công xưởng của thế giới".
2. Cách mạng công nghiệp lan ra các nước châu Âu và Mỹ
- Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp Anh nhanh chóng lan đến nhiều nước khác ở châu Âu và Mỹ.
- Cách mạng công nghiệp ở Pháp:
+ Cách mạng công nghiệp bắt đầu từ năm 1830.
+ Diễn ra trước tiên trong công nghiệp nhẹ, rồi lan sang công nghiệp nặng.
+ Kết quả: kinh tế Pháp nhanh chóng phát triển, đứng thứ hai thế giới (sau Anh).
- Cách mạng công nghiệp ở Đức:
+ Bắt đầu từ những năm 40 của thế kỉ XIX.
+ Phát triển dựa trên một nền công nghiệp nặng, hiện đại và tập trung, trong đó công nghiệp luyện kim, hoá chất đóng vai trò chủ đạo.
+ Kết quả: giữa thế kỉ XIX, kinh tế Đức phát triển với tốc độ rất cao. Đến khi thống nhất đất nước (1871), Đức đã trở thành một nước công nghiệp.
- Cách mạng công nghiệp ở Mỹ:
+ Quá trình công nghiệp hoá diễn ra khá sớm.
+ Diễn ra trước tiên trong công nghiệp nhẹ, rồi lan sang công nghiệp nặng.
+ Kết quả: đến giữa thế kỉ XIX, nước Mỹ đã đứng hàng thứ tư trên thế giới về giá trị sản xuất công nghiệp (sau Anh, Pháp, Đức).
Máy thu hoạch bông ở Mỹ vào thế kỉ XIX (tranh vẽ)
3. Những tác động của cách mạng công nghiệp đối với sản xuất và xã hội
a. Tác động đến đời sống sản xuất
- Làm thay đổi căn bản quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển, tạo ra nguồn của cải dồi dào cho xã hội.
- Bộ mặt của các nước tư bản thay đổi với nhiều khu công nghiệp lớn và thành phố đông dân mọc lên,...
- Chuyển xã hội loài người từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
b. Tác động đối với đời sống xã hội
- Hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản, đó là tư sản và vô sản.
+ Giai cấp tư sản nhờ công nghiệp hoá đã giàu lên nhanh chóng, trở thành giai cấp thống trị trong xã hội.
+ Giai cấp vô sản ngày càng đông đảo và bị tư sản bóc lột nặng nề.
- Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ngày càng sâu sắc.
c. Những tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp
- Gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường;
- Giai cấp tư sản tăng cường bóc lột giai cấp vô sản (nhất là lao động phụ nữ và trẻ em)
- Các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm và tranh giành thuộc địa...
Lao động trẻ em làm việc trong hầm mỏ (tranh vẽ)