SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 4 trang 5


Haylamdo biên soạn và sưu tầm với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập 4 trang 5 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 4 trang 5

Bài tập 4 trang 5 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại văn bản Vợ nhặt trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr. 18 – 19), đoạn từ “Hắn chắp hai tay sau lưng” đến “tu sửa lại căn nhà, và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định những dấu hiệu chứng tỏ câu chuyện được kể từ người kể chuyện ngôi thứ ba.

Trả lời:

- Dấu hiệu chứng tỏ câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba là việc sử dụng các từ ngữ xưng hô (hắn, người mẹ, vợ hắn) và không có người kể xưng “tôi” hay xưng bằng một đại từ khác tương đương chỉ ngôi thứ nhất.

- “Hắn” ở đây là đối tượng được kể lại và quan sát bởi một người đứng ngoài câu chuyện (tác giả).

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Làm rõ sự chuyển đổi từ điểm nhìn của người kể chuyện sang điểm nhìn của nhân vật trong mạch trần thuật của đoạn trích.

Trả lời:

- Hai câu đầu của đoạn là sự trần thuật khách quan của người kể. Đến nửa sau của câu 3, từ “bỗng chợt nhận ra”, sự trần thuật khách quan đã nhường chỗ cho cảm nhận chủ của nhân vật Tràng. Chỉ có Tràng mới cảm thấy sâu sắc sự “mới mẻ, khác lạ của những gì xung quanh. Ngoại trừ Tràng, không ai biết “mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa” đã từng được “vắt khươm mươi niên” và ở lối đi sạch sẽ, trước đó từng “tung bành” một “đống rác mùn”.

- Ở đoạn tiếp theo, ba câu đầu trở lại với sự trần thuật khách quan miêu tả hành động của mẹ và vợ Tràng. Tiếp đó là những câu nối mạch thể hiện cảm nhận chủ quan của nhân vật Tràng về cảnh tượng trước mắt, suy nghĩ và hi vọng về gia đình và tương lai của hắn.

Sự chuyển đổi từ điểm nhìn của người kể chuyện sang điểm nhìn của nhân vật thường rất nhẹ nhàng, tế nhị nhưng đã thể hiện được những biến chuyển trong nhận thức của nhân vật Tràng trong khung cảnh ngày mới.

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Vì sao nhân vật Tràng lại “thấm thía cảm động” trước những gì “đơn giản, bình thường” mà anh chứng kiến? Theo bạn, chuyển biến tâm lí này có chân thực không? Vì sao?

Trả lời:

- Những điều “đơn giản, bình thường” là  định nghĩa của cuộc sống gia đình thuần túy, là nếp nhà của mỗi mái ấm trên đất nước Việt Nam. Dựa trên quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, trong gia đình, vợ chồng chung tay xây tổ ấm theo chức năng hay theo sự phân công tự nhiên cho mỗi người. Những gì Tràng chứng kiến vào buổi sáng hôm đó cho thấy cuộc đời Tràng đã đi tới một bước ngoặt, từ người độc thân trở thành người có mái ấm hạnh phúc, tất cả diễn ra vừa tất yếu, vừa bất ngờ như trong một giấc mơ. Về cảnh sân vườn được quét tước sạch sẽ, những người khác có thể thấy bình thường nhưng người trong cuộc là Tràng thì “thấm thía cảm động”.

=> Biến chuyển tâm lí của Tràng đã được miêu tả rất chân thực, tinh tế. Tác giả đã phát hiện ra những khao khát hạnh phúc tồn tại ngấm ngầm ở một con người đã trưởng thành, bất chấp hoàn cảnh cuộc sống lúc đó bi đát như thế nào.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: So sánh đoạn trích này với đoạn miêu tả tâm trạng của Chí Phèo sau khi tỉnh rượu trong truyện ngắn Chí Phèo để thấy được những nét tương đồng trong cái nhìn về con người giữa hai nhà văn.

Trả lời:

- Tràng trong Vợ nhặt và Chí Phèo trong Chí Phèo là hai nhân vật có số phận khác nhau, tuy nhiên họ cùng thuộc tầng lớp thấp nhất của xã hội và đều là những con người gàn dở trong mắt người đời:

+ Tràng hiền lành nhưng khờ khạo, ngờ nghệch, không biết suy nghĩ trước sau.

+ Chí Phèo đi tù về, vẻ ngoài dị hợm, nhân cách méo mó, nát rượu,...

Nhưng qua hai đoạn trích của hai tác phẩm, ta thấy được những đổi thay, biến chuyển đầy tích cực trong suy nghĩ của cả hai nhân vật. Với sự am hiểu sâu sắc về người bình dân, với tấm lòng nhân đạo lớn, các nhà văn này luôn tìm “cơ hội” để soi tỏ bản tính đẹp đẽ của các nhân vật “dưới đáy”, giúp độc giả thấy rằng cuộc sống đói khổ và môi trường xã hội tồi tệ không thể dập tắt khát vọng sống của những con người này. Đây chính là điểm gặp gỡ giữa hai nhà văn, được thể hiện rõ qua hai đoạn miêu tả tâm trạng các nhân vật vào những thời khắc đặc biệt của cuộc đời họ.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đoạn trích cho biết điều gì về cách nhìn cuộc sống và thái độ của nhà văn Kim Lân đối với những người nghèo khổ?

Trả lời:

Đoạn trích cho thấy nhà văn Kim Lân có cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Dù tác phẩm Vợ nhặt viết về một thời điểm bi thương, khốn cùng của lịch sử dân tộc. Với trái nghiệm thực tế và tinh thần nhân đạo sâu sắc, trên cơ sở tiếp thu được tư tưởng tiến bộ về người bình dân, ông đã bày tỏ sự trân trọng rất mực đối với những người nghèo khổ, tin tưởng họ sẽ tự vượt lên hoàn cảnh để giành lấy hạnh phúc xứng đáng cho mình.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 1: Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: