SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 7 trang 22


Haylamdo biên soạn và sưu tầm với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập 7 trang 22 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Giải SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 7 trang 22

Bài tập 7 trang 22 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc bài thơ sau của Tế Hanh và trả lời các câu hỏi:

BÃO

Cơn bão nghiêng đêm

Cây gãy cành bay lá

Ta nắm tay em

Cùng qua đường cho khỏi ngã

 

Cơn bão tạnh lâu rồi

Hàng cây xanh thắm lại

Nhưng em đã xa xôi

Và cơn bão lòng ta thổi mãi.

1956

(Nhiều tác giả, Tinh bạn, tình yêu – Thơ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1967, tr. 193)

Câu 1 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bài thơ đã được cấu tứ như thế nào?

Trả lời:

– Ở bài Bão, cấu tứ của bài thơ đã nương theo diễn biến của câu chuyện hai người nắm tay nhau bước qua đường trong cơn bão đêm. Nhờ mối liên tưởng thú vị giữa cơn bão của tự nhiên với cơn bão của tâm lí, hình tượng thơ sống dậy, theo đó, những nghịch lí của cuộc đời, của tình yêu đã được khắc hoạ một cách sống động, sắc nét.

– Nhìn chung, hình thức tự sự đã được nhà thơ Tế Hanh sử dụng rất đắt để soi rọi nguồn cơn của trận bão lòng. Theo những gì được thể hiện trong bài thơ, bão lòng không phải là một hiện tượng tâm lí tự dưng xuất hiện. Nó là hệ quả tự nhiên của tình trạng xa cách trong tình yêu – xa cách sau những gắn bó, mặn nồng.

Câu 2 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Câu chuyện về “ta” và “em” nắm tay nhau qua đường trong cơn bão đã đóng vai trò gì trong việc thể hiện tâm trạng và cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Trả lời:

Bài thơ Bão có hai khổ. Câu chuyện về “ta” và “em” nắm tay nhau qua đường trong cơn bão được kể trong khổ 1. Nếu xét khổ thơ này một cách độc lập thì có thể nói câu chuyện ở đây hoàn toàn không có gì đặc biệt, nhưng ở khổ 2, cơn bão lòng đã mang những dư chấn cảm xúc trong lòng người đọc về nguồn cơn của cơn bão lòng - hệ quả để lại của việc tình yêu bị ngăn cách, trở ngại không thể ở gần nhau.

=> Câu chuyện về “ta” và “em” nắm tay nhau qua đường trong cơn bão đã đóng vai trò là chất xúc tác để gợi mở, dẫn dắt cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu 3 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đối chiếu từng câu trong khổ thơ 1 với các câu ở vị trí tương ứng trong khổ thơ 2. Qua kết quả đối chiếu, hãy nêu nhận xét của bạn về nét độc đáo của bài thơ trên phương diện tổ chức hình ảnh, hình tượng.

Trả lời:

Khổ 1

Khổ 2

Cơn bão nghiêng đêm

Cơn bão tạnh lâu rồi

Cây gãy cành lá bay

Hàng cây xanh thắm lại

Ta nắm tay em

Nhưng em đã xa xôi

Cùng qua đường khỏi ngã

Cơn bão lòng thổi mãi

Qua đó, ta thấy được sự biến đổi giữa 2 khổ:

- Khổ 1: Bão tới → Cây gãy cành, lá bay →  Ta nắm tay em → Không ngã khi đi qua bão.

- Khổ 2: Bão tan → Cây xanh thắm lại → Em đã đi xa → Cơn bão lòng thổi mãi.

=> Hình ảnh thơ độc đáo, đối xứng, các hình ảnh có sự lặp lại nhưng đối lập trạng thái giữa 2 khổ thơ. Từ đó, càng làm nổi bật hơn chiêm nghiệm về nguồn gốc của những suy tư, bồn chồn, nhung nhớ trong tình yêu chính là bởi sự xa cách và không thể nhìn thấy nhau.

Câu 4 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong bài thơ, cụm từ “cơn bão” được sử dụng ba lần. Lần nào cụm từ này được dùng với nghĩa ẩn dụ? Vì sao bạn xác định như vậy?

Trả lời:

- Hình ảnh “cơn bão” trong dòng thơ cuối “Và cơn bão lòng ta thổi mãi” là hình ẩn dụ cho những suy tư, bồn chồn, mong nhớ không yên trong tình yêu. Đó là những xúc cảm thường thấy trong tình yêu, khi hai người gắn bó bỗng phải xa cách không thể nhìn thấy nhau. Những cảm xúc đó sẽ kéo dài không có cách nào châm dứt.

Câu 5 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích giá trị biểu đạt của từ “xa xôi” trong ngữ cảnh của bài thơ.

Trả lời:

- Khi đặt từ “xa xôi” liên hệ với từ “nắm” của khổ 1, ta thấy rõ hai trạng thái đối lập của tình yêu, khi thắm thiết, gần gũi và khi xa cách, chia ly. Ngoài ra, từ “xa xôi” cũng mang sắc thái đối lập với các sự vật của khổ 2, khi cơn bão đã tạnh “lâu rồi” và hàng cây thì đã xanh tươi trở lại. Sóng gió đã qua đi để mọi thứ bình yên trở lại, nhưng em lại là người ra đi, đi xa “ta” hẳn.

- Từ “xa xôi” ở đây không thuần túy mang nghĩa chỉ khoảng cách, nó thể hiểu là một không gian rộng lớn mà nó thể hiện sự chia ly. Từ “xa xôi” ở đây là để chỉ việc em không còn ở bên ta nữa, em đã xa cách ta rồi. 

Câu 6 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bài thơ đưa đến cho bạn cảm nhận gì về tình yêu, về khả năng của thơ trong việc thể hiện tình cảm đặc biệt này?

Trả lời:

- Bài thơ Bão là một tác phẩm trữ tình của nhà thơ Tế Hanh, chứa đựng tình cảm thầm kín khiến người đọc rung động sâu sắc, là một trong những áng thơ tình hay của con người biết xúc động, ưu tư trước cuộc sống và tình yêu. Qua bài thơ, ta thấy được tâm hồn phong phú, lãng mạn, sâu sắc và tinh tế của nhà thơ Tế Hanh. Ta thấy được một tình yêu nhiệt thành, lãng mạn nhưng cũng rất tinh tế ẩn sâu trong từng câu chữ. 

- Thơ và tình yêu luôn có mối liên hệ sâu sắc. Trong thơ có trữ tình và trong tình yêu có tình cảm. Vì thế, thơ chính là công cụ dẫn dắt cảm xúc của con người. Vì thơ có tính hàm súc nên mọi ngôn từ thể hiện tình cảm truyền tải trong thơ cũng ở mức tinh tế, đặc biệt và giàu tầng ý nghĩa nhất.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 4: Tự sự trong truyện thơ dân gian và trong thơ trữ tình hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: