SBT Ngữ văn 12 Bài tập 2 trang 3 - Kết nối tri thức


Haylamdo biên soạn và sưu tầm lời giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 2 trang 3 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Giải SBT Ngữ văn 12 Bài tập 2 trang 3 - Kết nối tri thức

Bài tập 2 trang 3 SBT Ngữ văn 12 Tập 2: Đọc lại văn bản Tuyên ngôn Độc lập trong SGK Ngữ văn 12, tập hai (tr. 13 – 16) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 3 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Qua ngôn từ và giọng điệu trong Tuyên ngôn Độc lập, hãy nhận xét về niềm cảm hứng của Hồ Chí Minh khi khởi thảo văn kiện lịch sử đặc biệt này.

Trả lời:

Qua ngôn từ và giọng điệu tác phẩm, có thể hình dung được niềm cảm hứng của Người khi nói về những điều mà cả dân tộc từng khát khao, mong đợi:

- Cảm hứng tự hào về một dân tộc, đất nước đã anh dũng đứng lên chiến đấu chống lại các thế lực ngoại bang tàn bạo để giành độc lập, tự do.

- Cảm hứng khẳng định tư thế chính nghĩa của một dân tộc, đất nước biết dựa vào lẽ phải được cả loài người công nhận để đòi sự bình đẳng với các dân tộc, đất nước khác.

- Cảm hứng tin tưởng vào sự đồng lòng và sức mạnh của cả dân tộc, đất nước – điều có thể giúp chúng ta đương đầu giành thắng lợi với những thử thách to lớn phía trước.

Câu 2 trang 3 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Xác định các đối tượng tiếp nhận chủ yếu của bản Tuyên ngôn Độc lập vào thời điểm tác phẩm ra đời. Sự ý thức của tác giả về những đối tượng này đã chi phối cách triển khai tác phẩm như thế nào?

Trả lời:

- Đối tượng tiếp nhận chủ yếu mà Tuyên ngôn Độc lập hướng tới:

+ Đồng bào cả nước, nói cách khác là toàn thể nhân dân Việt Nam luôn khát khao tự do, độc lập và đang hân hoan đón chờ lời tuyên bố độc lập của đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

+ Nhân dân thế giới nói chung, trước hết là lực lượng Đồng minh vừa giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống lại phe phát xít để bảo vệ loài người.

+ Một số thế lực thực dân, đế quốc đang mưu toan tước đoạt quyền độc lập mà nhân dân ta vừa giành được, trước hết là thực dân Pháp – kẻ đã từng đô hộ Việt Nam suốt hơn tám mươi năm qua.

- Sự ý thức sâu sắc của tác giả về các đối tượng tiếp nhận đó đã chi phối các triển khai tác phẩm trên các mặt sau

+ Tác phẩm được mở đầu bằng hai đoạn trích dẫn từ hai bản tuyên ngôi nổi tiếng của thế giới nhằm chứng tỏ rằng cách mạng Việt Nam đang hướng đến sự vận động chung của xã hội văn minh. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc chinh phục lòng tin của dư luận quốc tế (ngoài ý nghĩa tạo căn cứ pháp lí cho bản tuyên ngôn).

+ Tác phẩm dành một nội dung quan trọng để vạch tội thực dân Pháp, không “khai hoá văn minh” mà bóc lột dân ta tàn nhẫn, không “bảo hộ” được nước ta mà “bán nước ta hai lần cho Nhật”. Nội dung vạch tội này đánh thẳng vào các lập luận mà thực dân Pháp muốn dùng làm chỗ dựa để chuẩn bị quay trở lại xâm lược đất nước ta.

+ Trong khi vạch tội thực dân Pháp, bản tuyên ngôn cũng đã đề cập vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của lực lượng Việt Minh – một tổ chức đã từng sát cánh với phe Đồng minh trên mặt trận chống phát xít. Điều này có ý nghĩa “ràng buộc” các nước Đồng minh, đòi hỏi họ phải ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, công nhận sự tồn tại hợp pháp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

+ Bản tuyên ngôn cũng nêu rõ quá trình đấu tranh giành độc lập rất anh dũng của nhân dân ta. Điều này có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với tính thần yêu nước, chống giặc để bảo vệ tự do, độc lập của toàn dân tộc.

Câu 3 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Sơ đồ hoá mạch lập luận được triển khai trong văn bản.

Trả lời:

Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp nói về quyền bình đẳng của mọi cá nhân con người → Suy rộng về quyền bình đẳng, quyền được hưởng tự do, độc lập của mọi dân tộc → Tố cáo thực dân Pháp đi ngược lại chân lí đó khi đặt ách thống trị lên đất nước Việt Nam → Khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh anh dũng mà toàn dân Việt Nam tiến hành để giành độc lập và ủng hộ Đồng minh chống phát xít → Kêu gọi các nước Đồng minh công nhận quyền độc lập của nước Việt Nam → Khẳng định quyết tâm của toàn dân tộc giữ vững nền độc lập vừa giành được.

Câu 4 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Vì sao “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật” mà trong Tuyên ngôn Độc lập, tác giả lại dành một nội dung quan trọng để tố cáo tội ác và sự đê hèn của thực dân Pháp?

Trả lời:

Thực dân Pháp được một số thế lực đế quốc tiếp tay, chuẩn bị quay lại đòi quyền thống trị đã mất ở Việt Nam với lập luận rằng Việt Nam vốn là “nước bảo hộ” của Pháp theo một số hiệp ước mà trước đây Pháp đã kí với triều đình nhà Nguyễn. Nhằm chặn đứng âm mưu này, Hồ Chí Minh đã dành một phần quan trọng của Tuyên ngôn Độc lập để tố cáo tội ác và sự đê hèn của thực dân Pháp, nhằm chứng minh cho thế giới thấy thực dân Pháp hoàn toàn không đủ tư cách và căn cứ để nêu yêu sách về quyền lợi của chúng ở Việt Nam. Một điều quan trọng khác là nước ta vốn mất quyền độc lập từ khi thực dân Pháp sang xâm lược và chịu sự đô hộ của chúng hơn tám mươi năm. Vậy nên, việc kể tội Pháp trong bản tuyên ngôn là điều tự nhiên và hợp logic.

Câu 5 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Toàn bộ phần tố cáo thực dân Pháp trong tác phẩm xoay quanh những vấn đề cơ bản nào? Nhận xét về các lí lẽ và dẫn chứng đã được tác giả nêu lên.

Trả lời:

- Có hai vấn đề chính được nêu trong phần cáo trạng của Tuyên ngôn Độc lập: Một, thực dân Pháp đã thi hành chính sách cai trị tàn nhẫn đối với nhân dân và đất nước ta, đi ngược những điều chúng thường rêu rao là “khai hoá” văn minh cho một dân tộc hèn kém. Hai, thực dân Pháp đã “quỳ gối đầu hàng” quân Nhật, “bán nước ta hai lần” cho Nhật, hoàn toàn để rơi mặt nạ “bảo hộ”.

- Khi tố cáo thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã vận dụng những lí lẽ sắc bén và đưa ra một số bằng chứng điển hình, không thể chối cãi được. Để tố cáo tội thứ nhất, tác giả đã xem xét vấn đề rất toàn diện, đề cập những mặt cơ bản nhất của một chính sách cai trị, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá, giáo dục. Theo đó, có thể thấy thực dân Pháp không “khai hoá” được gì cho dân ta mà ngược lại, chúng đã làm cho đất nước ta trở nên yếu hèn. Để tố cáo tội thứ hai, tác giả đưa ra những ví dụ còn nóng hổi liên quan đến hai mốc thời gian cụ thể là mùa thu năm 1940 và ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhìn chung, sự tố cáo đã được triển khai vừa dựa trên lòng căm phẫn chính đáng, vừa dựa trên những chứng lí rành rành không thể bác bỏ.

Câu 6 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Trong Tuyên ngôn Độc lập, tác giả đã nhiều lần nhắc đến lực lượng Đồng minh, các nước Đồng minh. Điều đó có ý nghĩa gì? Hãy phân tích tầm nhìn của Hồ Chí Minh ở vấn đề này.

Trả lời:

- Tuyên ngôn Độc lập trực tiếp nhắc đến từ “Đồng minh” ba lần, lại thêm hai lần nhắc đến hai hội nghị quốc tế mà các nước Đồng minh đóng vai trò chủ trì, dẫn dắt. Tác phẩm cũng gián tiếp nhắc đến Đồng minh khi nói về hành động của Việt Minh sẵn sàng hợp tác với Pháp để chống Nhật – một hành động phù hợp với chủ trương của Đồng minh trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Việc nhắc đến Đồng minh ở đây hết sức có ý nghĩa. Nó cho thấy Việt Nam, với đại diện là lực lượng Việt Minh, đã từ lâu đồng lòng cùng nhân loại tiến bộ trên mặt trận chống phát xít và có những đóng góp đáng kể, cần phải được ghi nhận.

- Nhìn chung, việc tạo cho Đồng minh cái nhìn thiện cảm về đất nước, dân tộc Việt Nam là một hành động sáng suốt. Nó chứng tỏ tầm nhìn xa của vị lãnh tụ vốn hình dung được rất rõ những chông gai mà đất nước, dân tộc ta phải trải qua ở chặng đường phía trước. Trong tình thế ấy, việc tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế là điều cực kì hệ trọng, cấp thiết. Rõ ràng, cách mạng muốn thắng lợi phải hoà nhịp được với sự vận động của thế giới văn minh, phải xây dựng được một mặt trận đoàn kết trên quy mô lớn.

Câu 7 trang 4 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Phân tích mối liên hệ logic giữa hai đoạn văn ở phần cuối của tác phẩm: “Một dân tộc... phải được độc lập!” và “Nước Việt Nam có quyền... và độc lập ấy”.

Trả lời:

- Đoạn trước nêu cái lí phổ quát của vấn đề công nhận quyền độc lập của các dân tộc, kết hợp với việc “minh hoạ” bằng thực tiễn Việt Nam. Nói chung, trọng tâm của đoạn này nằm ở “chữ lí”.

- Đoạn sau nêu sự kiện đã xảy ra (Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập) và bước đi tất yếu của lịch sử (dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập đã giành được). Trọng tâm của đoạn này nằm ở “chữ thực lực”. Như vậy, sự kết hợp giữa ”lí” và ”thực lực” đã tạo nên sức nặng không thể chuyển lay của lời tuyên bố độc lập.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 6: Hồ Chí Minh văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: