SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 6 trang 27 - Kết nối tri thức


Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Giải SBT Ngữ Văn 9 Bài tập 6 trang 27 - Kết nối tri thức

Bài tập 6 trang 27 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Nam Cao thường hướng ngòi bút của mình vào việc miêu tả cuộc sống hằng ngày, những cuộc đời quen thuộc ở quanh ta. Đặc điểm của hoàn cảnh được miêu tả như thế có ảnh hưởng đến đặc trưng nghệ thuật của sáng tác Nam Cao. Trong những tác phẩm của mình, Nam Cao đã phản ánh sâu sắc những mâu thuẫn, xung đột, sự bất mãn sâu sắc của những con người của thời đại ông với hoàn cảnh xã hội và chế độ chính trị đương thời. Ông mong muốn hiểu thấu những vấn đề, những hiện tượng của con người và xã hội, đồng thời ráo riết truy tìm nguyên nhân của những hiện tượng đó. Đọc Nam Cao, có thể thấy ám ảnh trong cái nhìn của ông là tình trạng “sống mòn” của con người và day dứt trong tâm trí ông câu hỏi: Liệu có thể biến đổi thói quen của con người, liệu nhân loại có khả năng thoát ra khỏi tình trạng “chết mòn” hay không?

Những nhân vật của Nam Cao là những “con người nhỏ bé”, những con người bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Nhà văn, với một sự cảm thông lớn lao, đã chăm chú quan sát cuộc sống hằng ngày của nhân vật. Cái đói, sự nghèo khổ, bệnh tật, tất cả những cái đó cứ đeo đuổi, cứ bám riết trên con đường đời của họ. Trong hoàn cảnh như vậy, với một sức mạnh nghệ thuật đặc biệt, Nam Cao đã làm sống dậy thật cụ thể, sinh động, đầy ám ảnh những cuộc đời và số phận, những nét tâm lí và tính cách của nhân vật. Cái nhìn hướng nội, hướng đến đời sống tinh thần đã chi phối mạnh mẽ và sâu sắc đến toàn bộ tổ chức của tác phẩm, từ cốt truyện, kết cấu xung đột đến không gian và thời gian nghệ thuật.

(Theo Trần Đăng Suyền, Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, NXB Giáo dục,

2004, tr. 31)

Câu 1 trang 28 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đối tượng nghị luận của đoạn trích này có gì khác biệt so với đối tượng nghị luận của đoạn trích trong bài tập 5? Đối tượng nghị luận chi phối như thế nào đến cách phân tích của tác giả?

Trả lời:

Trong văn bản này, đối tượng nghị luận là sáng tác của Nam Cao nói chung, không phải là một tác phẩm hay đoạn trích cụ thể như trong bài tập 5. Đối tượng nghị luận như vậy khiến tác giả chủ yếu đưa ra các lí lẽ, nhận định mang tính tổng hợp, khái quát chứ không đi sâu vào các bằng chứng cụ thể.

Câu 2 trang 28 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Đoạn trích giúp em hiểu điều gì về cuộc sống và con người được miêu tả trong sáng tác của nhà văn Nam Cao?

Trả lời:

Trong các sáng tác của mình, Nam Cao tập trung “miêu tả cuộc sống hằng ngày” những “con người nhỏ bé”, “bình thường”.

Câu 3 trang 28 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Theo tác giả, Nam Cao có cái nhìn như thế nào về con người?

Trả lời:

Trong đoạn trích, tác giả đã hai lần nhắc đến vấn đề “cái nhìn” của Nam Cao. Đó là cái nhìn tập trung vào “tình trạng sống mòn của con người” và “cái nhìn hướng nội, hướng đến đời sống tinh thần” của con người.

Câu 4 trang 28 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Tìm một câu trong đoạn trích thể hiện ý kiến đánh giá của tác giả về đặc điểm hình thức của tác phẩm Nam Cao.

Trả lời:

Câu văn thể hiện ý kiến sự đánh giá của tác giả về đặc điểm hình thức của tác phẩm Nam Cao: “Trong hoàn cảnh như vậy, với một sức mạnh nghệ thuật đặc biệt, Nam Cao đã làm sống dậy thật cụ thể, sinh động, đầy ám ảnh những cuộc đời và số phận, những nét tâm lí và tính cách của nhân vật.

Câu 5 trang 28 SBT Ngữ Văn 9 Tập 1: Qua phân tích của tác giả, em nhận ra thái độ, tình cảm gì của Nam Cao với con người và cuộc sống?

Trả lời:

Em tìm các từ ngữ thể hiện sự đánh giá của tác giả về thái độ, tình cảm của Nam Cao đối với con người và cuộc sống. Chẳng hạn, Nam Cao là nhà văn luôn “mong muốn hiểu thấu”, “cảm thông” sâu sắc với con người và cuộc sống.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 9 Bài 4: Khám phá vẻ đẹp văn chương hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: