Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 78 Tập 1 - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 78, 79 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Soạn bài Tri thức Ngữ văn trang 78 Tập 1 - Cánh diều
1. Nội dung và hình thức của văn bản văn học
- Nội dung là hiện thực cuộc sống được miêu tả, phản ánh trong văn bản từ cách nhìn nhận, suy nghĩ và lựa chọn của tác giả.
+ Nội dung bao gồm các yếu tố như đề tài (văn bản viết về cái gì), chủ đề (vấn đề cơ bản đặt ra từ đề tài của văn bản), tư tưởng (ý kiến, quan điểm của tác giả trước vấn đề nêu ra của văn bản), cảm hứng chủ đạo (thái độ, tình cảm, nhiệt huyết của tác giả trước vấn đề ấy), ...
- Hình thức của văn bản văn học được thể hiện bằng ngôn từ nghệ thuật, thông qua nhiều yếu tố gắn với đặc điểm mỗi thể loại và kiểu văn bản.
+ Có nhiều yếu tố hình thức chung như ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, bối cảnh, nhân vật, chi tiết, bút pháp miêu tả, trần thuật, điểm nhìn, ... nhưng cũng có một số yếu tố hình thức mang đặc trưng thể loại như: cái “tôi", chủ thể trữ tình, vần, khổ, dòng thơ, ... gắn với thơ; lời thoại và các chỉ dẫn sân khấu gắn với văn bản kịch; người kể, tình tiết, sự kiện, sự việc, hành động, diễn biến, cốt truyện, ... gắn với thể loại truyện; cái “tôi" độc đáo, giàu cá tính, sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, sự thật và hư cấu, ... gắn với các văn bản kí.
2. Người đọc và bối cảnh tiếp nhận trong đọc hiểu văn bản văn học
- Để đọc hiểu văn bản văn học, người đọc cần chủ động, tích cực huy động tri thức và trải nghiệm thực tế để hình dung, tưởng tượng bức tranh đời sống được nhà văn thể hiện trong câu chữ; lắng nghe, cảm nhận, kết nối thông tin trong và ngoài văn bản để suy luận, phân tích, khám phá vẻ đẹp nội dung, hình thức và ý nghĩa của văn bản. Bằng quá trình này, người đọc đã chuyển văn bản của tác giả thành tác phẩm cụ thể, sinh động trong tâm trí của mình. Mỗi người đọc có vốn hiểu biết, vốn sống, sở thích… khác nhau, vì vậy, có thể có những cách cảm nhận, lí giải về tác phẩm không giống nhau khi đọc hiểu về một văn bản học. Tuy nhiên, dù sự cảm nhận, cắt nghĩa có phong phú, đa dạng đến đâu cũng phải dựa trên văn bản tác phẩm, không được thoát li văn bản của nhà văn.
- Hoạt động đọc hiểu văn bản văn học của người đọc được thực hiện trong một bối cảnh tiếp nhận cụ thể. Đó là hoàn cảnh về không gian, thời gian, tâm thế của người đọc… (hoàn cảnh hẹp); hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá… của thời đại (hoàn cảnh rộng) mà hoạt động đọc diễn ra. Bối cảnh tiếp nhận là một trong những yếu tố mà người đọc sử dụng để suy luận, phát hiện ý nghĩa của văn bản khi đọc hiểu. Việc liê hệ với bối cảnh tiếp nhận trong quá trình đọc hiểu có thể khiến cho ý nghĩa của văn bản được mở rộng, phong phú, mới mẻ và cập nhật hơn với cuộc sống.
2. Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp
- Khi nói (viêt), có hai cách dẫn lời nói (lời nói thành tiếng, lời nói được viết thành chữ hoặc lời nói bên trong – ý nghĩ) của một người (một nhân vật): dẫn trực tiếp và dẫn gián tiếp.
- Dẫn trực tiếp là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của một người (một nhân vật). Trong ngôn ngữ nói, lời dẫn trực tiếp được đánh dấu bằng chỗ nghỉ hơi. Trong ngôn ngữ viết, lời dẫn trực tiếp được đặt sau dấu hai chấm và trong ngoặc kép. Ví dụ: “Người xưa có câu: “Trực dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng.”” (Thép Mới). Khi thuật lại lời đối thoại của nhân vật, lời dẫn trực tiếp thường được đặt sau dấu hai chấm, xuống dòng và đặt sau dấu gạch ngang. Ví dụ:
“Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng:
- Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào.”
(Kim Lân).
- Dẫn gián tiếp là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của một người (một nhân vật) có điều chỉnh cho phù hợp. Trong ngôn ngữ nói, lời dẫn gián tiếp thường không được đánh dấu bằng chỗ nghỉ hơi rõ rệt. Trong ngôn ngữ viết, lời dẫn gián tiếp không được đánh dấu bằng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép. Ví dụ: “Bà Nguyên Hồng nói rằng nhìn “ông ấy” cầm chén rượu khề khà nhấm nháp một mình, thấy không khác gì những bác phu xe ngày xưa ngồi uống rượu nơi hè phố sau những giờ lao động mệt nhọc.” (Nguyễn Đăng Mạnh).