Các dạng đề bài Hoàng Hạc Lâu chọn lọc - Ngữ văn lớp 10


Các dạng đề bài Hoàng Hạc Lâu chọn lọc

Tổng hợp các dạng đề văn lớp 10 xoay quanh các tác phẩm đầy đủ các dạng đề đọc hiểu, đề văn phân tích, cảm nhận, nghị luận, ... với hướng dẫn chi tiết giúp học sinh ôn tập đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn lớp 10.

Các dạng đề bài Hoàng Hạc Lâu chọn lọc - Ngữ văn lớp 10

1. Dạng bài đọc – hiểu văn bản.

Câu 1: Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu bên dưới

Phiên âm :

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
 Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
 Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà dịch)

(Lầu Hoàng Hạc, Tr159-160, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

a. Nêu chủ đề của văn bản trên?

* Gợi ý trả lời

Văn bản trên có chủ đề: Bài thơ miêu tả cảnh lầu Hoàng hạc nhưng chủ yếu bộc lộ nỗi hoài vọng xa xưa và nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.

b. Thời gian trong văn bản có sự chuyển hoá như thế nào ?

* Gợi ý trả lời

Thời gian trong văn bản có sự chuyển hoá: từ quá khứ đến hiện tại

-Bốn câu đầu là sự tiếc nuối quá khứ với hạc vàng đã bay đi mất, với mây trắng nghìn năm ;

– Bốn câu cuối là nỗi niềm hiện tại, trước cảnh đẹp của lầu Hoàng Hạc, lòng chạnh buồn nhớ đến quê hương.

c. Văn bản xuất hiện những màu sắc gì ? Nêu hiệu quả nghệ thuật những màu sắc đó.

* Gợi ý trả lời

- Văn bản xuất hiện những màu sắc : màu vàng của hạc, màu trắng của mây, màu xanh của cỏ, màu hoàng hôn, màu khói sóng ;

Hiệu quả nghệ thuật những màu sắc đó : Bài thơ như một bức tranh nhiều màu sắc, thiên về những gam màu nhẹ, buồn, dễ gợi tình cảm thi nhân và tình cảm của người đọc, khiến cho bài thơ mang màu sắc hư ảo.

Câu 2: Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về tâm trạng của nhà thơ qua từ sầu ( phiên âm) cũng là từ buồn (dịch thơ).

* Gợi ý trả lời

Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;

-Nội dung: từ sầu ( phiên âm) cũng là từ buồn (dịch thơ) được xem là nhãn tự  của bài thơ. Trước không gian bao la, bát ngát của thiên nhiên, trước thời gian với nhiều nỗi niềm của quá khứ và hiện tại ấy, con người cảm thấy vô cùng bé nhỏ, hữu hạn trước cái vô hạn của thời gian, đất trời nên tình cảm tự nhiên là chạnh lòng trước cảnh vật. Người con tha hương nên lòng buồn vì nhớ quê hương.

Câu 3: Đọc bài thơ trên và thực hiện các yêu cầu bên dưới.

Phiên âm :

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
 Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
 Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà dịch)

         (Lầu Hoàng Hạc, Tr159-160, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)

a. Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh gì ? Hình ảnh đó được nhắc đến mấy lần và có ý nghĩa gì đối với toàn bộ bài thơ?

* Gợi ý trả lời

Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh hạc vàng. Hình ảnh đó được nhắc đến hai lần và có ý nghĩa đối với toàn bộ bài thơ : gợi nỗi niềm về sự mất-còn, tiếc nuối : tất cả còn đấy mà cũng không còn đấy, tất cả đẹp đẽ nhưng rồi cũng không còn.

b. Xác định phép liệt kê ở 2 câu thơ 5 và 6. Các hình ảnh được liệt kê đó được nhìn từ một điểm, đó là điểm nào?

* Gợi ý trả lời

- Phép liệt kê ở 2 câu thơ 5 và 6 : sông nước, núi non, cây cỏ. 

- Các hình ảnh được liệt kê đó được nhìn từ một điểm, đó là lầu Hoàng Hạc.

c. Hình tượng nhân vật trữ tình ở 2 câu cuối bài thơ là ai ? Nhân vật trữ tình đó có tâm trạng gì ?

* Gợi ý trả lời

Hình tượng nhân vật trữ tình ở 2 câu cuối bài thơ là người li khách. Nhân vật trữ tình đó có tâm trạng buồn vì nhớ thương quê hương, vì sự cô đơn trong một khung cảnh mênh mông trời đất.

Câu 4:  Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ vai trò của quê hương với đời sống con người.

* Gợi ý trả lời

Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;

-Nội dung: từ nỗi nhớ quê hương trong bài thơ, học sinh trình bày suy nghĩ riêng về quê hương trong đời sống của con người. Quê hương là gì ? Quê hương có vai trò gì ? Tình cảm của mỗi cá nhân với quê hương được biểu hiện như thế nào ? Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

2.Dạng bài viết bài văn (4-6 điểm)

Đề 1: Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu.

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Thôi Hiệu: là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc.

- Giới thiệu chung về Lầu Hoàng Hạc: là một bài thơ tuyệt tác của Đường thi, chỉ với tác phẩm này, Thôi Hiệu đã trở thành cái tên lưu danh thiên cổ.

2. Thân bài

a. Bốn câu thơ đầu

- Chim hạc vàng (linh thiêng, cao quý): cõi tiên, huyền ảo (bay mất)

- Lầu Hoàng Hạc: cõi trần (còn lại)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.

- Ở cặp câu này có sự đối nhau rất chỉnh, đó là:

+ Đối lập giữa quá khứ với hiện tại (tích nhân – thử địa, hoàng hạc khứ - Hoàng Hạc lâu).

+ Đối lập xưa và nay

+ Đối lập còn và mất

+ Đối lập giữa thực và hư

+ Đối thanh

=> Với sự đối ngẫu trong một “liên” này, câu thơ đã truyền tải được tâm trạng của nhân vật trữ tình, đó là sự hẫng hụt – nuối tiếc. Nuối tiếc một điều quý giá đã qua và không bao giờ trở lại nữa.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

- Vẫn nói chuyện hạc vàng bay đi không trở lại nhưng ở đây không chỉ có sự đối lập giữa cõi tiên và cõi tục. Hạc vàng đã bay về cõi tiên nên nơi đây, dưới còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, trên trời mây trắng bay chơi vơi, dường như còn mong nhớ tiếc nuối điều gì đó.

- 4 câu thơ đầu tập trung tả cảnh và giải thích lầu Hoàng Hạc. Bàn chuyện xưa và nay để thể hiện suy nghĩ mang tính triết lí nhân sinh sâu sắc, triết lí về sự còn – mất, về sự vô hạn và hữu hạn của trời đất và nhân sinh.

- Nghệ thuật:

+ Trong 3 câu thơ đầu, tác giả lặp đi lặp lại tới 3 từ hoàng hạc

=> Hạc vàng là biểu tượng cho những điều quý giá và đẹp đẽ nhưng không trở lại nữa. Việc nhắc lại nhiều lần như vậy làm nổi bật tâm trạng của con người đối với những điều quý giá đã qua.

+ Câu thơ thứ 4 sử dụng tới 5/7 thanh bằng đã gợi tả rất thành công cảm giác hẫng hụt và tiếc nuối; thể hiện vẻ ngưng trệ như không muốn trôi đi của những đám mây.

b. Bốn câu cuối

  Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

  Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

- Không gian đẹp:

+ Ánh nắng soi xuống dòng sông.

+ Hàng cây tươi tốt.

+ Màu xanh tươi của cỏ cây mùa xuân.

(bức họa lầu Hoàng Hạc soi bóng dòng Trường Giang)

- 2 câu luận nhưng lại tả thực và có sự đối ngẫu:

+ Câu thơ mở ra một không gian rộng và sáng trong. Một cảnh cõi trần thật đẹp, có ánh nắng soi xuống dòng sông như một tấm gương khổng lồ với hàng cây tươi tốt soi bóng.

+ Giữa mặt sông sáng trong ấy là màu xanh tươi mơn mởn của cỏ cây mùa xuân.

=> Sau những phút giây đắm chìm cùng huyền thoại, nhân vật trữ tình lại trở về với hiện thực. Một bức họa thật đẹp được dựng lên: bức họa về một lầu Hoàng Hạc soi bóng dòng Trường Giang và cùng với hình ảnh của cây cối, của cỏ xanh.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

- 2 câu kết tạo ra sự đối lập với 2 câu luận:

+ Đối lập giữa không gian thực – không gian tâm tưởng.

+ Có sự chuyển động về thời gian, từ khi ánh nắng còn chan hòa đã chuyển sang buổi hoàng hôn mờ khói.

=> Trong thơ ca cổ, các nhà thơ Đường có thói quen sử dụng các hình ảnh ước lệ, tượng trưng, nhất là hay dùng thiên nhiên để gợi tả tâm trạng mà “hoàng hôn nhớ nhà” là một tứ thơ quen thuộc của Đường thi.

- Ngoài nỗi nhớ quê hương, nếu nối với mạch cảm xúc toàn bài thơ có thể hiểu thêm rằng "hương quan hà xứ thị" không chỉ là câu hỏi quê hương ở nơi nào mà còn có thể hiểu rộng là: Nơi nào để dừng chân? Nơi nào là nơi có thể là bình yên để sống? => Đây là vấn đề có ý nghĩa triết lí.

=> 4 câu thơ cuối cùng với ba mảng cảm xúc dồn nén (cõi tiên, cảnh thực và nỗi sầu nhớ), bài thơ nói về một di tích xưa mà vẫn gắn bó với cuộc đời, con người, khơi lên những tình cảm nhân bản đẹp đẽ, hàm chứa quan niệm nhân sinh tích cực, tiến bộ.

3. Kết bài:

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật: với những phá cách độc đáo và thủ pháp đối lập được sử dụng hiệu quả, bài thơ miêu tả lầu Hoàng Hạc nhưng lại thể hiện được sâu sắc nỗi hoài vọng về thời xa xưa cùng nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.

Xem thêm các dạng đề văn liên quan đến các tác phẩm môn Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, hay khác: