Các dạng đề bài Tấm Cám chọn lọc - Ngữ văn lớp 10


Các dạng đề bài Tấm Cám chọn lọc

Tổng hợp các dạng đề văn lớp 10 xoay quanh các tác phẩm đầy đủ các dạng đề đọc hiểu, đề văn phân tích, cảm nhận, nghị luận, ... với hướng dẫn chi tiết giúp học sinh ôn tập đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn lớp 10.

Các dạng đề bài Tấm Cám chọn lọc - Ngữ văn lớp 10

1. Dạng đề đọc – hiểu văn bản (3-4 điểm)

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em suýt soát tuổi nhau Tấm là con vợ cả. Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Dì ghẻ là người rất cay nghiệt. Hằng ngày, Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai,vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.

( Trích Tấm Cám, Trang 65, SGK Ngữ văn 10,Tập I, NXBGD 2006)

a. Các từ ngữ chăn trâu, gánh nước, thái khoai,vớt bèo; xay lúa giã gạo đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào khi kể về nhân vật Tấm?

* Gợi ý trả lời

- Các từ ngữ chăn trâu, gánh nước, thái khoai, vớt bèo; xay lúa giã gạo đạt hiệu quả nghệ thuật: Thông qua cách liệt kê hàng loạt công việc mà Tấm phải làm, tác giả dân gian thể hiện những vất vả mà Tấm phải gánh chịu khi phải sống trong cảnh mẹ ghẻ-con chồng.

b. Xác định thành ngữ dân gian trong văn bản? Nêu ý nghĩa của việc sử dụng thành ngữ đó?

* Gợi ý trả lời

- Thành ngữ dân gian trong văn bản là ăn trắng mặc trơn. Ý nghĩa của việc sử dụng thành ngữ đó: gợi cuộc sống sung sướng mà nhàn hạ, không phải làm gì hoặc không phải làm việc vất vả của nhân vật Cám.

c. Xác định biện pháp nghệ thuật đối lập trong văn bản? Qua đó, nhân dân tỏ thái độ, tình cảm gì với nhân vật Tấm và Cám?

* Gợi ý trả lời

- Biện pháp nghệ thuật đối lập trong văn bản: Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước…..mà không hết việc đối lập với Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.

Qua đó, nhân dân tỏ tình cảm thương yêu, ca ngợi đức tính chăm chỉ, siêng năng với nhân vật Tấm và thái độ phê phán, không đồng tình với sự lười biếng của nhân vật Cám.

Câu 2: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi chi tiết cái yếm đỏ mang ý nghĩa gì ?

Một hôm người dì ghẻ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng bắt con tôm cái tép. Mụ ta hứa hẹn: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ”.

Ra đồng, Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn Cám thì đủng đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia, mãi đến chiều vẫn không được gì.

Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị :

            – Chị Tấm ơi, chị Tấm ! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.

            Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp, trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình, rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu.

(Trích Tấm Cám, Trang 66, SGK Ngữ văn 10,Tập I, NXBGD 2006)

* Gợi ý trả lời

- Chi tiết cái yếm đỏ : đối với các cô gái trẻ ở làng quê xưa, cái yếm đỏ là vật mơ ước của tuổi thanh xuân. Ở đây, nó có ý nghĩa như cái mồi mà mụ dì ghẻ đưa ra để nhử Tấm, nhằm bóc lột sức lao động của đứa con chồng, để đứa con riêng của mụ lừa tấm lấy hết giỏ tép. Từ đây, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện.

Câu 3: Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ ) bày tỏ suy nghĩ về đức tính chăm chỉ.

* Gợi ý trả lời

I/ Mở bài: Nêu ý có liên quan ( nhân vật Tấm chăm chỉ, siêng năng qua văn bản) để dẫn vào vấn đề (đức tính chăm chỉ) và nhận định đức tính chăm chỉ có nhiều tác dụng.

II/ Thân bài :

     1/ Giải thích :

-“Đức tính chăm chỉ” là cần cù, siêng năng học tập, lao động, không bê trễ trong công việc, luôn hoàn thành công việc.

– Ví dụ : học sinh thuộc bài, làm đầy đủ bài tập..

    2/  Bàn luận :

    a/Phân tích tác dụng của đức tính chăm chỉ :

–  Trong cuộc sống, con người phải làm việc. Mỗi người đều có công việc. Việc gì cũng phải bỏ công sức.

–  Với học sinh, chăm chỉ sẽ có kết quả học tập tốt, được lên lớp, đáp lại công lao của cha mẹ, thầy cô.

–  Với mọi người, chăm chỉ sẽ hoàn thành được công việc, thành công trong cuộc sống, có người trở nên nổi tiếng.

–  Chăm chỉ là đức tính tốt. Người chăm chỉ được quý trọng, được giúp đỡ..

b/ Phê phán :

Kẻ lười biếng, dựa dẫm, có khi trở thành gian dối, trộm cắp…không thể thành công.

    3/ Bài học nhận thức và hành động :

–          Nhận thức chăm chỉ là đức tính tốt, cần phải chăm chỉ trong bất kì công việc gì

–          Mọi người phải rèn luyện tính chăm chỉ, có kế hoạch làm việc và hoàn thành kế hoạch.

–          Học sinh phải chăm chỉ học tập

III. Kết bài : Đức tính chăm chỉ có nhiều tác dụng. Học sinh THPT cần chăm chỉ học tập và rèn luyện.

2.Dạng đề viết bài văn (4-6 điểm)

Đề 1: Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về đặc trưng thể loại truyện cổ tích.

- Giới thiệu về truyện cổ tích “Tấm Cám”: Thuộc thể loại cổ tích thần kỳ kể về cuộc đời của Tấm thông qua đó thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân.

2. Thân bài

2.1. Diễn biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám

- Chặng 1: Con đường đến với hạnh phúc của Tấm.

Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng. Tấm ôm mặt khóc, bụt hiện lên cho Tấm một con cá bống.

Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm về không thấy cá bóng liền ngồi khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.

Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp.

Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu.

=> Ở chặng này, mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Tấm luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến Bụt. Sự xuất hiện đúng lúc của Bụt cho thấy sự bênh vực của nhân dân đối với kẻ yếu.

=> Quá trình giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện thắng ác, ở hiền gặp lành.

=> Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ, tội nghiệp, hiền lành, chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp. Mẹ con Cám lười biếng, đố kị, nhẫn tâm nhưng ở chặng này mới dừng lại ở đố kỵ, ghen ghét, chưa có hành động tiêu diệt.

- Chặng 2: Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm.

Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế.

Tấm chết hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt trên đời. Mẹ con Cám giết thịt chim

Tấm hóa thành cây xoan đào, tỏ bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây, đốt làm khung cửi.

Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù . Mẹ con Cám đốt khung cửi.

Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc

=> Ở chặng 2, mâu thuẫn xung đột dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu. Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.

=> Mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng thiện thắng ác.

=> Tấm từ một cô gái nhu mì, yếu đuối trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên cường đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, diệt trừ cái ác. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam, độc ác truy sát Tấm đến tận cùng.

2.2. Bản chất của mâu thuẫn, xung đột

- Xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: Dì ghẻ - con chồng.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ.

Tấm và dì ghẻ là con chồng dì ghẻ.

=> Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội.

- Phản ánh mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện và cái ác.

Tấm đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện: Hiền lành, nhu mì, đau khổ, tội nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ, dám đứng lên chống lại cái ác.

Mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác.

=> Thể hiện quan niệm của nhân dân ở hiền gặp lành, ác giả ác báo và ước mơ về một xã hội công bằng.

2.3. Hành động trả thù của Tấm

- Tấm trở về cung, làm hoàng hậu và trẻ đẹp hơn trước.

- Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết.

- Mẹ Cám ăn lọ mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp lăn đùng ra chết.

=> Hành động này phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của Tấm: Từ hiền lành cam chịu, yếu đuối đến mạnh mẽ quyết liệt chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác.

=> Phù hợp với quan niệm của nhân dân: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

2.4. Đặc sắc nghệ thuật

- Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột theo hướng tăng tiến.

- Xây dựng hai tuyến nhân vật thiện ác rõ rệt.

- Sử dụng những mô típ truyền thống: mô típ vật duy nhất còn sót lại (con cá, chiếc giày, quả thị, trầu têm cánh phương), mô típ hóa thân...

- Sử dụng các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Bụt), vật thần kì (Xương cá bống, bầy chim sẻ), những lần hóa thân của Tấm.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích “Tấm Cám”.

- Mở rộng: Kiểu truyện Tấm Cám có mặt ở hầu hết các truyện kể dân gian ở các nước như “Cô bé Lọ lem”, “Cô Tro bếp”. Hình tượng cô Tấm và cốt truyện. Tấm Cám cũng xuất hiện nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác như truyện thơ, trèo. Từ đó cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến của kiểu truyện Tấm Cám.

Đề 2:  Kể lại truyện Tấm Cám bằng lời của nhân vật Tấm

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài

- Tấm dẫn dắt vào câu chuyện.

2. Thân bài

2.1. Tấm kể về hoàn cảnh xuất thân của mình.

- Thuở nhỏ, ta sớm mồ côi cha mẹ, sống cùng dì ghẻ và đứa em cùng cha khác mẹ là Cám.

- Ta bị hai người đó hắt hủi, và bắt nạt, phải làm lụng vất vả suốt ngày.

2.2 Tấm kể về cuộc đời mình trước khi làm hoàng hậu.

- Ta bị Cám lừa dối, trút hết giỏ tép bắt được để cướp lấy chiếc yếm đào. Trong lúc buồn khổ, ta đã khóc, được bụt hiện lên tặng cho con cá bống. Ta yêu quý và xem cá bống như một người bạn, tâm sự những lúc vui buồn.

- Mẹ con Cám lừa ta đi chăn trâu ở cánh đồng xa, ở nhà làm thịt cá bống. Ta buồn khóc, bụt lại hiện lên mách ta chôn xương bống vào bốn chân giường. Ta ngạc nhiên nhưng vẫn làm theo.

 - Mẹ con Cám không muốn cho ta đi xem hội, họ trộn thóc lẫn gạo bắt ta ở nhà nhặt. Ta uất hận mà khóc, bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ xuống nhặt hộ, nói ta đào bốn chân giường lên có quần áo đẹp, giày và ngựa để đi dự hội. Ta sung sướng vô cùng.

- Đến nơi, ta đánh rơi chiếc hài và được phụ vương các con nhặt được, từ đó ta trở thành hoàng hậu. Ta ngỡ ngàng, ngạc nhiên sung sướng, không tin vào sự thực. Mẹ con Cám thì hằn học và vô cùng tức giận.

2.3. Tấm kể về cuộc đời sau khi làm hoàng hậu.

- Ở hoàng cung, ta được hoàng thượng vô cùng yêu thương, sủng ái

- Đến ngày giỗ cha, ta trở về nhà. Bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau sau đó họ ở dưới chặt gốc làm ta rơi xuống sông, chết một cách tức tưởi. Cám lên thay ta làm hoàng hậu

- Quá uất ức và không cam chịu số phận, ta đã hóa thành chim vàng anh để vừa được ngày ngày hót vui bên chồng, vừa để chứng minh cho mẹ con cám sự tồn tại của linh hồn mình.

- Mẹ con Cám độc ác giết chết chim vàng anh, ta lại hóa thành cây xoan đào để ngày ngày được tỏa bóng mát cho chồng, mẹ con Cám độc ác đem chặt cây làm khung cửi.

- Không thể chịu đựng được thêm, ta hóa thành con ác trên khung cửi chính thức tuyên chiến với mẹ con Cám. Mẹ con chúng đuổi cùng giết tận, đem đốt khung cửi.

- Biết không thể dùng cách này, ta nghĩ ra một kế lâu dài. Thấy chồng mình hay dừng chân uống nước tại quán của một bà lão, ta hóa thành quả thị, ngày ngày bước ra quét dọn, nấu cơm cho bà, mong một ngày được đoàn tụ cùng chồng

- Cuối cùng trời không phụ lòng người. Nhà vua đã nhận ra ta qua cánh trầu têm cánh phượng, đón ta trở lại cung. Ta mừng rỡ khôn xiết, tình nghĩa vợ chồng được hàn gắn, những cố gắng, nỗ lực, sự hi sinh, sự đấu tranh kiên cường bao lâu nay của ta đã được đền đáp.

2.4. Sự trừng phạt của Tấm đối với mẹ con Cám

- Khi ta trở về, mẹ Cám vô cùng bàng hoàng và sợ hãi. Cám thấy ta trở nên xinh đẹp hơn ngỏ ý muốn được trắng đẹp như ta.

- Trước lời đề nghị của Cám, ban đầu, ta có ý định cho Tấm dội nước sôi lột da để cho trắng đẹp, sau đó đem làm mắm gửi về cho dì ghẻ ăn.

- Tuy nhiên, sau đó ta đã nghĩ lại, dù họ đối xử với ta một cách cay nghiệt, độc ác nhưng dù sao họ cũng đã từng nuôi ta, cho nên ta quyết định cho họ đi đầy ra biên ải để trả giá cho lỗi lầm

3. Kết bài

- Tấm tự suy nghĩ về cuộc đời mình.

- Tấm đưa ra bài học dạy dỗ con cháu: Hạnh phúc có ngay ở chốn nhân gian, phải kiên cường, dũng cảm chống lại cái xấu, cái ác giành lấy và giữ lấy hạnh phúc thuộc về mình. Biết sống lương thiện vì ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

Đề 3: Cảm nhận của em về nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám 

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài:

-Giới thiệu nhân vật cô Tấm

2. Thân bài: 

a) Thân phận

- Mẹ mất sớm, cha lấy dì ghẻ được thời gian thì mất => hiện tại sống với dì ghẻ và con gái dì.

- Chịu áp bức của dì ghẻ và Cám

- Tính tình hiền dịu, nết na lại siêng năng

b) Con đường tiến đến hạnh phúc của Tấm

- Gian nan và khổ cực:

- Dì không cho đi hội, bắt ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo.

- Không có quần áo đẹp để đi hội

- Mới làm kịp làm quen thì đã phải trở về

=> Phải trải qua nhiều khó khăn mới có thể tìm được hạnh phúc.

Đấu tranh giữa thiện và ác

- Vì ở lành nên được bụt hiện lên giúp đỡ nhiều lần.

c) Đấu tranh giành lại hạnh phúc

- Trải qua nhiều kiếp: chim vàng anh, khung cửi, quả thị

- Chịu nhiều cơ cực và tủi nhục: mỗi lần hóa kiếp đều bị mẹ con nhà dì ghẻ hãm hại.

- Nhưng sau cùng vẫn tìm lại được hạnh phúc

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận về nhân vật tấm trong tấm cám

- Rút ra bài học cho bản thân.

Đề 4:  Phân tích nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài

- Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Là truyện cổ tích tiêu biểu và hấp dẫn của truyện cổ tích Việt Nam

- Khái quát về nhân vật Tấm: Là nhân vật trung tâm của truyện, có số phận bất hạnh. Tấm có sự trưởng thành, phát triển về nhận thức và hành động trong quá trình chiến đấu với cái ác để giành và giữ lấy hạnh phúc.

2. Thân bài

1.2 Hoàn cảnh của Tấm.

- Mẹ Tấm chết khi Tấm còn nhỏ

- Cha lấy vợ khác sau đó cũng sớm qua đời. Tấm ở cùng dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ là Cám.

- Tấm phải làm việc suốt ngày đêm, chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, xay cám, giã gạo.

→ Là con riêng, lại là phận gái, Tấm phải chịu bao cay đắng, tủi nhục. Hoàn cảnh của Tấm thương tâm, tội nghiệp

- Tấm hiền lành, nết na, chịu khó là hiện thân cho cái thiện. Mẹ con Cám lười biếng, độc ác gây ra bao nỗi bất hạnh cho Tấm, họ là hiện thân cho cái ác.

→ Sống với cái ác, vẻ đẹp của Tấm càng nổi bật. Quá trình chiến đấu với cái ác của Tấm là cuộc đấu tranh để giành và giữ lấy hạnh phúc.

2.2 Tấm – cô gái hiền lành, yếu đuối, cam chịu.

- Đi bắt tép: Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ nhưng bị Cám lười biếng lừa lấy hết sạch giỏ tép, cướp lấy phần thưởng.

→ Tấm ngồi khóc và được ông Bụt tặng cho con cá bống

- Đi chăn trâu: Tấm bị mẹ con Cám lừa đi chăn trâu ở cánh đồng xa rồi ở nhà làm thịt cá bống ăn

→ Tấm khóc và bụt hiện lên mách Tấm cho xương cá vào bốn cái lọ chôn vào bốn chân giường.

- Đi xem hội: Tấm bị mẹ con Cám bắt ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, không có quần áo mới

→ Tấm lại khóc, Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ xuống nhặt thóc, cho Tấm quần áo, giày, xe ngựa đi trẩy hội. Tấm gặp vua và trở thành hoàng hậu

 Tấm bị mẹ con Cám tước đoạt trắng trợn cả vật chất và tinh thần. Nhưng Tấm chỉ biết cam chịu, bật khóc mỗi lần bị ức hiếp, trà đạp. Tấm luôn trong thế bị động và không có ý thức phản kháng.

 Sự xuất hiện của Bụt là yếu tố kì ảo, là sự hóa thân của nhân dân bênh vực, bảo vệ kẻ yếu, đứng về phía cái thiện

2.3. Tấm – cô gái mạnh mẽ, quyết liệt chống lại cái ác

- Tấm về ăn giỗ cha: Bị mẹ con Cám lừa trèo lên cây cau rồi chặt gốc cau. Tấm ngã lăn ra chết.

- Tấm hóa thành chim vàng anh hót cho vua nghe, chui vào tay áo vua. Tiếng hót của chim “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch...chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao” là lời báo hiệu cho sự trở về của Tấm. Mẹ con Cám giết thịt chim vàng anh.

- Tấm hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây làm khung cửi

- Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt cho”. Mẹ con Cám sợ hãi đem đốt khung cửi.

- Tấm hóa thành quả thị, hằng ngày bước ra giúp bà hàng nước quét dọn, têm trầu, gặp lại nhà vua và trở về cung làm hoàng hậu.

 Tấm vẫn luôn ở cạnh nhà vua, thực hiện bổn phận của một người vợ.

 Quá trình đấu tranh, phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng của Tấm. Tấm không còn nhu mì, yếu đuối, chỉ biết khóc khi bị bắt nạt, biết trông cậy vào sự giúp đỡ của Bụt mà đã kiên cường chống lại.

 Những lần hóa thân của Tấm cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện trước cái ác.

2.4. Tấm ra tay trừng trị cái ác.

- Tấm trở về cùng trong sự ngỡ ngàng và sợ hãi của mẹ con Cám

- Hành động trừng phạt: Cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp cho đến chết. Cho dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp mà chết

 Hành động trừng phạt này phù hợp với quá trình trưởng thành, đấu tranh của Tấm

 Thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, về quan niệm sống “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

2.5. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Xây dựng những mâu thuẫn có sự tăng tiến để thể hiện sự phát triển trong hành động nhân vật

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập để khắc họa nhân vật

- Sử dụng các yếu thần kì.

3. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Mở rộng: Tấm là hiện thân của cái đẹp và cái thiện. Hình tượng cô tấm nết na, thùy mị, hiền lành từng là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam với những ví von “Hiền như Tấm”, “Cô Tấm Làng Mai”.

Đề 5: Phân tích các hình thức biến hóa của Tấm

* Gợi ý trả lời

1. Mở bài

- Tấm chết, linh hồn hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, rồi cây thị, quả thị. Đây vốn là những vật rất gần gũi trong cuộc sống của người lao động nơi thôn quê dân dã.

- Mỗi hình thức biến hóa mang một ý nghĩa đặc sắc riêng.

2. Thân bài

- Chim vàng anh tiếng hót trong trẻo, thánh thót đem lại niềm vui. Chim quấn quýt bên nhà vua, được vua sủng ái yêu chiều như với người.

- Tấm hóa thành cây xoan đào. Cây xoan đào cành lá xanh tươi xòe bóng che mát cho nhà vua, lòng cây màu hồng như tấm lòng son mãi không phai qua bao thăng trầm của Tấm.

- Tấm hóa thành cây thị. Cây thị mộc mạc dân dã và thân thiết với người nông dân nơi thôn quê. Quả thị nhỏ nhắn luôn tỏa ngát hương thơm khiến ai cũng thích, cũng quý.

- Tấm trở lại làm người, xinh đẹp và tự tin hơn xưa. Đó là ước mơ của nhân dân ta dành cho những con người nhân hậu, tốt bụng: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

=> Tấm đều hóa thân trong những hình ảnh rất đẹp. Mỗi lần mỗi khác nhưng tất cả những hình ảnh đó đều có một sự thống nhất chung. Hiển hiện của một linh hồn lương thiện, trong sáng, thủy chung, một linh hồn không cam chịu khuất phục khi ý thức được nỗi oan ức của mình.

3. Kết bài

- Quá trình hóa thân của Tấm là sự thể hiện một sức sống mãnh liệt, không thể bị tiêu diệt của cái đẹp, cái thiện. Đó là quan niệm, đồng thời cũng là mơ ước cháy bỏng của nhân dân lao động bao đời nay trong cuộc đối mặt với cái ác, cái xấu.

Xem thêm các dạng đề văn liên quan đến các tác phẩm môn Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, hay khác: