Các dạng đề bài Nhàn chọn lọc - Ngữ văn lớp 10
Các dạng đề bài Nhàn chọn lọc
Tổng hợp các dạng đề văn lớp 10 xoay quanh các tác phẩm đầy đủ các dạng đề đọc hiểu, đề văn phân tích, cảm nhận, nghị luận, ... với hướng dẫn chi tiết giúp học sinh ôn tập đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn lớp 10.
1. Dạng bài đọc – hiểu (3-4 điểm)
Đề 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
“ Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
( Nhàn, Trang 128, Ngữ văn 10, Tập I,NXBGD, 2006)
a. Xác định nhịp thơ ở câu thơ 1? Nêu hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ đó?
* Gợi ý trả lời
- Nhịp thơ ở câu thơ 1 là 2/2/3. Hiệu quả nghệ thuật của nhịp thơ đó: cho thấy cái chủ động, sẵn sàng, thanh thản của cụ Trạng Trình với cuộc sống điền dã và còn như có chút ngông ngạo trước thói đời.
b. Xác định phép đối trong câu thơ 3 và 4? Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó?
* Gợi ý trả lời
- Phép đối trong câu thơ 3 và 4 : Ta dại-Người khôn ; tìm-đến ; nơi vắng vẻ-chốn lao xao
- Hiệu quả nghệ thuật của phép đối đó: vừa để khẳng định sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của tác giả- chọn lối sống tĩnh tại, an nhàn, không trang giành, vừa thể hiện sắc thái trào lộng, mỉa mai đối với cách sống ham hố danh vọng, phú quý
Câu 2: Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về lối sống đẹp trong cuộc sống hôm nay từ văn bản trên.
* Gợi ý trả lời
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung: từ quan niệm, cách xử thế trong lối sống Nhàn của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thí sinh suy nghĩ về lối sống đẹp trong cuộc sống hôm nay. Đó là lối sống hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên. Đó là sống và cống hiến, tránh xa những mưu toan, bon chen, giành giật lợi danh. Phê phán lối sống ích kỉ, sống vì tiền tài, danh vọng mà trở nên suy thoái đạo đức. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Câu 3: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
(…) Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm. Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng đều hỏi ý kiến ông và ông đều có cách mách bảo kín đáo, nhằm hạn chế chiến tranh, chết chóc. Mặc dù về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham vấn cho triều đình nhà Mạc. Ông được phong tước Trịnh Tuyền hầu, Trình Quốc công nên có tên gọi là Trạng Trình.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập( khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi( khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội. Nhàn là bài thơ Nôm trong Bạch Vân quốc ngữ thi(…)
(Trích Nhàn, Trang 128, Ngữ văn 10, Tập I,NXBGD, 2006)
a. Văn bản trên gồm mấy đoạn ? Xác định câu chủ đề của mỗi đoạn ? Mỗi đoạn được triển khai bằng thao tác lập luận diễn dịch hay quy nạp ?
* Gợi ý trả lời
Văn bản trên gồm 02 đoạn. Xác định câu chủ đề của mỗi đoạn :
- Đoạn 1 : Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có học vấn uyên thâm
- Đoạn 2 : Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc.
Mỗi đoạn được triển khai bằng thao tác lập luận diễn dịch.
b. Thế nào là người có học vấn uyên thâm ?
* Gợi ý trả lời
- Người có học vấn uyên thâm là người có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực nào đó.
Câu 4: Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) trả lời câu hỏi: bản thân em sẽ làm gì để có học vấn uyên thâm ?
* Gợi ý trả lời
Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, lập luận chặt chẽ ;
-Nội dung: từ tài năng và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thí sinh trả lời câu hỏi: bản thân em sẽ làm gì để có học vấn uyên thâm ? Cụ thể : siêng năng, chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong học tập và rèn luyện. Có phương pháp học khoa học, tránh học vẹt, máy móc. Gắn học đi đôi với hành. Đam mê đọc sách. Có tinh thần vượt khó…
2.Dạng đề viết bài văn (4-6 điểm)
Đề 1: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
* Gợi ý trả lời
a) Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là một nhà thơ lớn của dân tộc thế kỉ XVI sống trong xã hội đầy bất công, luôn suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống con người và quyết cầm bút lên để chiến đấu với gian tà.
+ Bài thơ Nhàn là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện rõ vẻ đẹp cuộc sống và vẻ đẹp nhân cách cũng như quan niệm sống của tác giả.
b) Thân bài
* Khái quát về bài thơ
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ là bài số 73 trong tập thơ Nôm “Bạch Vân Quốc ngữ thi” ra đời sau khi tác giả cáo quan về ở ẩn.
- Giá trị nội dung: Bài thơ là lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với thiên nhiên, coi thường danh lợi, luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
* Phân tích hai câu đề: Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
- điệp số từ "một" : một mình, lẻ loi
- mai, cuốc, cần câu : những vật dụng quen thuộc, đơn giản, thô sơ của người dân lao động dùng để đào đất, xới đất, câu cá.
-> Hình ảnh người nông dân đang điểm lại công cụ làm việc của mình và mọi thứ đã sẵn sàng, dù một mình nhưng tác giả vẫn vui tươi.
- “Thơ thẩn”: ung dung, tự tại, chăm chú, tỉ mẩn
- “dầu ai”: mặc cho ai
-> Sự khác biệt trong sở thích, lối sống của tác giả: Mặc cho ai có cách vui thú nào, ta cứ thơ thẩn giữa cuộc đời này, sống theo cách riêng của ta, ung dung, thảnh thơi.
=> Cụ Trạng trở về sống giữa chốn thôn quê để hòa hợp với tự nhiên như một lão nông chi điền nghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình.
* Phân tích hai câu thực: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm
"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao"
- Nghệ thuật đối: "ta" với "người", "khôn" với "dại", "vắng vẻ" với "lao xao" -> sự đối lập về cách chọn nơi sống, niềm vui của Nguyễn Bỉnh Khiêm với người đời
+ “Nơi vắng vẻ” : nơi tĩnh tại của thiên nhiên, nơi tâm hồn tìm thấy sự thảnh thơi.
+ “Chốn lao xao” : nơi quan trường, chốn giành giật tư lợi, sang trọng, tấp nập ngựa xe, quyền quý, kẻ hầu người hạ, bon chen, luồn lọt, hãm hại nhau.
-> Ông tự nhận mình là dại, cho người là khôn nhưng thực chất đó là cách nói ngược, hàm ý
-> Theo tác giả, dại thực chất là khôn bởi ở nơi quê mùa con người mới được sống an nhiên, thanh thản. Khôn thực chất là dại bởi chốn quan trường con người không được sống là chính mình.
=> Cách nói ngầm dại khôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ trí tuệ, thể hiện sự tự tin đầy bản lĩnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
=> Quan niệm sống “lánh đục tìm trong”.
* Phân tích hai câu luận: Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở chốn quê nhà
"Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao"
- "măng trúc", "giá" : những thức ăn "cây nhà lá vườn" dân dã quen thuộc do chính tác giả làm ra.
- "tắm hồ sen", "tắm ao" : tác giả cũng tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê.
-> Sự giản dị, đạm bạc trong ăn uống và sinh hoạt, có sự gắn bó, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.
- Sự xuất hiện của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông
=> Sự hài lòng với cuộc sống giản dị, đạm bạc mà thanh cao, tự do, thoải mái, hòa quyện với thiên nhiên suốt 4 mùa của tác giả.
* Phân tích hai câu kết: Triết lí sống nhàn
"Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao"
- Điển tích giấc mộng đêm hòe của Thuần Vu Phần -> phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
- “nhìn xem” : một thế đứng cao hơn, dường như đã tiên liệu ngay từ khi chọn lối sống của một người tự cho mình là “dại” -> Cái nhìn của một bậc đại nhân đại trí, ông nhìn phú quý bằng ánh mắt coi thường, khinh bỉ, không đáng để ông suy nghĩ, bận tâm tới.
=> Tác giả tìm đến rượu để say để chiêm bao và để nhận ra rằng cuộc sống công danh phú quý chỉ như một giấc mơ dưới gốc cây hòe thoảng qua vô nghĩa, cái vĩnh hằng bất biến còn mãi với thời gian là chính là vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp nhân cách của con người.
=> Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sống hòa hợp với thiên nhiên, xa lánh những vinh hoa quyền quý thoát khỏi vòng danh lợi với tâm hồn thanh thản, thư thái.
* Đặc sắc nghệ thuật:
- Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật
- Ngôn ngữ giản dị hàm súc giàu tính triết lí
- Cách ngắt nhịp linh hoạt độc đáo
- Nghệ thuật đối, điệp, liệt kê, từ láy
- Sử dụng điển tích điển cố
- Cách nói ngược nghĩa đùa vui hóm hỉnh.
c) Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung bài thơ Nhàn
- Nêu cảm nhận của em về bài thơ.
Đề 2: Phân tích quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ Nhàn.
2. Thân bài
a. Hai câu đề
“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Nhịp điệu những câu thơ đầu tạo cảm giác thư thái, ung dung.
Bằng cách sử dụng những vật dụng quen thuộc của người dân lao động cho thấy cảnh nghèo khó nhưng an nhàn, thanh bình biết bao.
Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ “an bần lạc đạo” vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến thú vui của ẩn sĩ.
b. 2 câu thực
Cách sử dụng phép đối: “dại - khôn, nơi vắng vẻ - chốn lao xao” và cách xưng hô “ta - người” cho thấy được sự khác nhau giữa lối sống của tác giả và người đời thường. Ông cho rằng nơi vắng vẻ là nơi thôn quê yên bình ở đó không còn bon chen chốn quan trường, đây mới thực là cuộc sống.
→ Hai vế tương phản làm nổi bật ý nghĩa, nhấn mạnh phương châm, quan niệm sống của tác giả khác với thông thường. Đồng thời muốn ngầm ý phê phán thói đời, thói người, và thể hiện cái cao ngạo của kẻ sĩ.
c. Hai câu luận
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Cuộc sống giản dị không cần những thứ giàu sang hào nhoáng chỉ là sản vật từ nhiên nhiên “măng trúc” “giá” → Thấy được cuộc sống an nhàn, đạm bạc thanh cao, lối sống hòa nhập với thiên nhiên của tác giả.
Cái thú sống an nhàn ẩn dật của con người có nhân cách cao đẹp khi sống trong thời loạn lạc ấy để giữ được phẩm giá cốt cách của mình.
d. Hai câu kết
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Xem nhẹ lẽ đời sống xa hoa phú quý, ông ngậm ngùi coi đó như một giấc chiêm bao.
Lối sống thanh cao vượt lên trên lẽ đời thường.
3. Kết luận
Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
Đề 3: Phân tích triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm.
* Gợi ý trả lời
1. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.
- Sơ lược về triết lí nhân sinh trong bài thơ " Nhàn".
2. Thân bài
- Hoàn cảnh sáng tác, thể loại.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn lánh đục, tìm trong về sống gần gũi làng quê bình dị để giữ lại cốt cách thanh cao.
- Triết lí nhân sinh ở đời: Cái đẹp trong tâm hồn mới là điều quý giá, công danh, phú quý như một giấc mơ.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn sống thong thả, ung dung, với những sinh hoạt rất đời thường và thú vui tao nhã.
- Ngôn ngữ thơ mộc mạc, tự nhiên, giản dị, cách ngắt nhịp đặc biệt diễn tả lối sống nhàn tản, thư thái.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm mượn điển tích trong truyện đời Đường, so sánh "phú quý" giống như "chiêm bao" để bộc lộ thái độ xem thường phú quý.
3. Kết bài
- Khẳng định triết lí nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Suy nghĩ của bản thân về hai câu thơ cuối.