Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Đặng Trần Côn) ngắn nhất
Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Đặng Trần Côn)
Bố cục:
Đoạn trích chia làm 2 phần:
- Phần 1: 16 câu thơ đầu (Từ đầu đến "Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng"): Khắc họa tình cảnh lẻ loi, cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ khao khát được sống trong hạnh phúc lứa đôi.
- Phần 2: 8 câu thơ sau (Từ "Lòng này gửi gió đông có tiện" đến hết): Thể hiện nỗi nhớ thương sâu sắc của người chinh phụ dành cho người chinh phu đang chinh chiến nơi chiến trường.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 88 sgk Văn 10 Tập 2):
- Tâm trạng của người chinh phụ được bộc lộ thông qua ngoại cảnh ở đầu bài thơ bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình.
+ Chi tiết "hiên vắng", "gà eo óc gáy", "hòe phất phơ rủ bóng": Thể hiện sự ảm đạm, vắng lặng, tĩnh mịch của không gian. Mọi cảnh vật, sự vật rời rạc với nhau, thiếu đi sức sống. Khung cảnh nhuốm màu tâm trạng của con người, khiến nỗi cô đơn càng trở nên đáng sợ.
+ Chi tiết "đèn", "hoa đèn", "bóng": Người chinh phụ mòn mỏi, tội nghiệp tới nỗi chỉ có chiếc bóng đơn độc ở bên cạnh. Ánh sáng của ngọn đèn càng soi tỏ hình ảnh chiếc bóng, dưới ánh sáng ấy, tình cảnh lẻ loi của nàng như khắc sâu thêm.
Câu 2 (trang 88 sgk Văn 10 Tập 2):
- Nỗi cô đơn của người chinh phụ được tác giả khéo léo khắc họa qua những hành động và chi tiết miêu tả ngoại hình
+ Những hành động lặp đi lặp lại trong vô thức: "dạo hiên vắng thầm gieo từng bước", "rèm thưa rủ thác đòi phen". Chinh phụ đi đi lại lại, buông rèm ra rồi lại cuốn rèm lên. Nỗi buồn khiến người chinh phụ trở nên thẫn thờ.
+ Những hành động đầy gượng ép, miễn cưỡng: "Hương gượng đốt", "gương gượng soi, "sắt cầm gượng gảy". Nàng hành động không mục đích, vô định, mong thoát khỏi sự bủa vây của cảm giác lẻ loi nhưng tình cảnh lại càng trở nên bi đát.
+ Những chi tiết miêu tả ngoại hình: "buồn rầu nói chẳng nên lời", "lệ lại châu chan" trực tiếp bộc lộ nỗi niềm không biết san sẻ cùng ai của người chinh phụ. Nỗi buồn như hóa đá tâm hồn người chinh phụ, dâng trào thành những giọt lệ.
Câu 3 (trang 88 sgk Văn 10 Tập 2): Sự đau khổ của người chinh phụ bắt nguồn từ chiến tranh phong kiến Cuộc chiến đã chia cắt lứa đôi, người chinh phu phải lên đường chinh chiến, không rõ sống chết, không rõ ngày về, người chinh phụ thì phải chịu cảnh cô độc, không có hạnh phúc.
Câu 4 (trang 88 sgk Văn 10 Tập 2): Những câu thơ sau là lời của người chinh phụ, nói với người chinh phu nhưng cũng là để nói với lòng mình:
"Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong."
Giá trị biểu hiện:
+ Nỗi nhớ mong của chinh phụ dành cho chinh phu:
⇒ Hình ảnh "gió đông", "non Yên": chi tiết miêu tả không gian thiên nhiên, chiến trận rộng lớn chia cắt lứa đôi, làm bật nổi sự cô đơn của con người.
⇒ Phép đảo ngữ "Nhớ": nhấn mạnh dòng cảm xúc, nỗi niềm của nhân vật, nỗi nhớ không thể kìm nén mà phải thốt ra ở ngay đầu câu thơ.
⇒ Các từ láy "thăm thẳm", "đau đáu": thể hiện nỗi nhớ sâu thẳm dành cho người chinh phu nơi chiến trận, nỗi nhớ không sao đong đếm được và luôn thường trực, không thể nào nguôi ngoai.
+ Tố cáo hiện thực cay đắng do chiến tranh phong kiến gây ra. Những cuộc chiến ấy đã cướp đi hạnh phúc của bao lứa đôi, khiến cho những người chinh phụ trở nên cô độc, lẻ loi, sống cuộc sống đợi chờ không có hi vọng.
Câu 5 (trang 88 sgk Văn 10 Tập 2):
+ Thể thơ song thất lục bát giàu tính nhạc. Nhạc điệu của nó được tạo nên từ vần, nhịp, cách kết hợp luân chuyển cặp câu 7 chữ và cặp câu 6 – 8.
+ Thể thơ này có nhạc điệu chậm rãi, phù hợp với việc thể hiện những tình cảm cảm xúc triền miên không dứt, dai dẳng, đặc biệt là những dòng cảm xúc buồn thương, ai oán.
+ So sánh với các thể thơ khác như: lục bát, thơ 7 chữ - thất ngôn, thơ 5 chữ - ngũ ngôn. Các thể thơ được kể tên có nhạc điệu nhanh hơn so với thể song thất lục bát nên chúng bị hạn chế về khả năng biểu đạt những cảm xúc dàn trải, chúng thiên về biểu hiện những cảm xúc dồn dập, tiếp nối với nhau.
Nhận xét - Ý nghĩa
Qua trích đoạn này, học sinh thấy được:
Nội dung:
+ Tình cảnh lẻ loi, đáng thương của người chinh phụ trong cảnh chờ đợi, trông ngóng mỏi mòn.
+ Khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của người chinh phụ.
+ Hiện thực cay đắng do chiến tranh phong kiến gây ra với cuộc sống con người.
Nghệ thuật:
+ Thể thơ song thất lục bát giàu nhạc điệu, phù hợp với ngâm khúc.
+ Thủ pháp nghệ thuật tài tình của tác giả: Tả cảnh ngụ tình, tương phản đối lập, lấy động tả tĩnh,…