Soạn bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều) ngắn nhất
Soạn bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)
Bố cục:
- Phần 1 (4 câu thơ đầu): cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thúy Kiều sau nửa năm chung sống.
- Phần 2 (12 câu tiếp): cuộc nói chuyện của Từ Hải và Thúy Kiều.
- Phần 3 (còn lại): ý chí ra đi của Từ Hải
Vị trí:
Từ câu 2213 đến câu 2230
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 114 sgk Văn 10 Tập 2):
- Hàm nghĩa của các cụm từ "lòng bốn phương" và "mặt phi thường":
+ Lòng bốn phương: (cụm từ ước lệ) chỉ chí khí anh hùng tung hoành thiên ha của bậc đại trượng phu ⇒ lí tưởng anh hùng thời đại, không bị ràng buộc bởi gia thất, chí hướng ra bốn phương trời, quyết mưu nghiệp lớn.
+ Mặt phi thường: quyết tâm tạo nên sự nghiệp xuất chúng, phi thường ⇒ niềm tin sắt đá của Từ Hải vào tương lai, sự nghiệp.
- Những từ ngữ Nguyễn Du sử dụng để biểu thị thái độ kính trọng Từ Hải:
+ Các từ ngữ sắc thái tôn xưng: trượng phu, lòng bốn phương, mặt phi thường,…
+ Từ ngữ chỉ hình ảnh kì vĩ, lớn lao: mười vạn tinh binh, bóng tinh rợp đường, gió mây bằng đã đến kì dặm khơi,…
+ Từ ngữ diễn tả hành động dứt khoát: thoắt, thẳng rong, dứt áo ra đi,…
Câu 2 (trang 114 sgk Văn 10 Tập 2):
- Trong lời Từ Hải nói với Kiều sử dụng rất nhiều từ cổ: tâm phúc tương tri, nữ nhi thường tình, tinh binh, bóng tinh, nghi gia.
- Từ Hải giải thích lí do không thể đem Kiều đi theo và hứa hẹn ngày trở về.
⇒ Khẩu khí trong lời nói của Từ Hải thể hiện rõ là một bậc trượng phu chí lớn, có hào khí. Lời nói với Kiều cũng không đơn giản là lời nói với người yêu hay người vợ mà đó là lời nói của một bậc anh hùng nói với người "tâm phúc tương tri" của mình.
Câu 3 (trang 114 sgk Văn 10 Tập 2):
- Đặc điểm cách miêu tả người anh hùng Từ Hải:
+ Nhà thơ khắc họa những hình ảnh phóng túng, oai hùng: động lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong, dứt áo ra đi,…
+ Sử dụng hệ thống từ ngữ chỉ người "trượng phu": trượng phu, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường,…
+ Ngôn ngữ đối thoại ước lệ, thậm xưng
⇒ Từ Hải là nhân vật lí tưởng thể hiện ước mơ công lí của Nguyễn Du nên không thể sử dụng bút pháp hiện thực mà phải sử dụng bút pháp lí tưởng hóa.
- Những người anh hùng là những nhân vật lí tưởng trong văn học trung đại. Các tác giả trung đại hình thành khuôn mẫu người anh hùng dựa vào bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ. Từ Hải cũng nằm trong hệ thống các nhân vật anh hùng của văn học trung đại, cũng được xây dựng trên bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ, song vẫn có những đặc điểm riêng rất người, khiến cho hình tượng Từ Hải tuy rất anh hùng nhưng cũng không quá xa lạ.
Nhận xét - Ý nghĩa
Qua đoạn trích này, học sinh thấy được:
Nội dung:
- Cuộc chia tay của Từ Hải với Thúy Kiều để lên đường xây dựng nghiệp lớn.
- Ca ngợi chí làm trai, chí tang bồng của người quân tử, của bậc trượng phu.
- Tâm trạng chia ly buồn bã của Thúy Kiều.
- Tấm chân tình của Từ Hải và Thúy Kiều dành trọn cho nhau bằng niềm tin tương lai.
Nghệ thuật:
- Các hình ảnh ước lệ tượng trưng theo lối văn học cổ trung đại.
- Lời đối thoại trực tiếp bộc lộ tính cách tự tin, đầy bản lĩnh.